Đừng rung lắc trẻ
BS Nguyễn Duy Long, BV Nhi Đồng 1, cảnh báo một thói quen xấu mà các bậc phụ huynh không biết: dù chỉ 5 giây rung lắc vẫn có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Theo bác sĩ Long, ở nước ngoài, từ năm 1946, người ta đã phát hiệnxuất huyết dưới màng nhệnở mộttrẻ sơ sinh do bị lắc. Có nhiều trẻ sinh ra bình thường, nhưng khi lớn lên có di chứng não mà không rõ nguyên nhân. Khoảng những năm 1970-1980, các nhà khoa học đã mô tả rõ tổn thương não do rung lắc mạnh ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, được gọi là hội chứng trẻ bị lắc (SBS) và từ năm 2001các trung tâm SBS ở châu Âu và Mỹ đã thống kê trong 903.000 trẻ bị SBS có 1.300 trẻ tử vong và rất nhiều trẻ bị di chứng não về sau.
Có nhiều kiểu trẻ bị lắc. Nguy hiểm nhất là rung lắc khi bế xốc trẻ trong tư thế đứng vì cổ bé yếu, dễ di chuyển theo hướng trước sau. Nguy hiểm tiếp theo là lắc mạnh và dừng đột ngột, va chạm với vật cản, chẳng hạn như trẻ chạy xe tập đi quá nhanh và va vào tường. Nhiều người cưng nựng theo cách nhồi xốc, bồng bé đưa lên đưa xuống nhanh hoặc ẵm bé đưa lên cao làm máy bay.
Ở trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh, có đầu lớn và nặng (chiếm 25% cơ thể), cổ rất yếu chưa chịu được sức nặng của đầu, trong khi xương sọ mềm, màng não mỏng, có khoảng trống giữa não và xương sọ nên khi bị rung lắc, lực rung sẽ chuyển tới não và làm tổn thương não... Tùy theo mức độ tổn thương có thể làm trẻ chậm phát triển trí tuệ, rối loạn hành vi nói và nghe, động kinh, rối loạn kỹ năng định hướng, giảm khả năng nhận thức, giảm thị lực... trong đó nhiều tổn thương kéo dài chỉ phát hiện được khi trẻ đã lớn.
Trẻ dưới 9 tháng tuổi hành động rung lắc càng dễ làm tổn thương.
Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường sau chấn thương do rung lắc, người nhà cần gọi xe cấp cứu, đừng vận chuyển bằng xe thông thường, đừng bế xốc trẻ lên, đừng cố lắc để làm cho trẻ tỉnh lại. Không cho trẻ ăn, bú. Nếu trẻ ngừng thở phải hô hấp nhân tạo. Nếu trẻ chấn thương cổ cần tránh xoay trẻ. Nếu trẻ nôn và không chấn thương cổ thì xoay nhẹ đầu trẻ về một bên để tránh sặc và ngừng thở. Khi có di chứng, trẻ phải được điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, tâm lý liệu pháp, ngôn ngữ liệu pháp...
Theo Tuổi trẻ - NT