Cô giáo cắm bản
(Baonghean) - Trừ một dịp đi về huyện thi giáo viên dạy giỏi thì trong 12 năm liền chưa có năm học nào cô giáo vi thị công rời khỏi những địa bàn biên giới. Đối với chị, học trò vùng này đã thành những người thân thiết gắn bó máu thịt...
Cô giáo Vi Thị Công, Trường Tiểu học Châu Khê 2 (Châu Khê - Con Cuông) tốt nghiệp Trường THSP Miền núi Nghệ An năm 1996. Lúc ấy, mới 19 tuổi, còn nhiều mơ mộng, chị chọn Trường PTDTNT Mường Lống (Kỳ Sơn), bắt đầu đem những kiến thức học được bước vào nghiệp "gieo chữ". Nghe bạn bè kể, vùng đất có độ cao trên 1400m so với mực nước biển lại quanh năm mây phủ. Mỗi sáng sớm, làng bản của người Mông hiện ra trong sương, chiều đến lại chìm nghỉm vào màn sương, cứ như trong giấc mơ.
Ngày ấy, đường vào xã Mường Lống chủ yếu là đường đất, cũng đã có nghề chạy xe lai nhưng nhiều khi tìm mỏi mắt mới được một người chịu chở nên trong những lần đi về giữa xã Mường Lống và trung tâm huyện, chủ yếu phải cuốc bộ. Tính ra quãng đường ngót năm chục cây số, nhưng không khiến cô giáo trẻ chùn bước!
Sáng dậy, ăn vội vắt xôi, lại kèm thêm một đùm nữa để ăn bữa trưa, thế là chị vội vã lên đường. Thường lúc mới tinh mơ chưa tỏ mặt người, những nẻo đường núi vẫn ẩn mình trong màn sương dày đặc. Cái chân đi không nghỉ cho đến 6 giờ tối mới ra đến Thị trấn Mường Xén. Chị sẽ còn phải ngủ lại một đêm, sáng ra lại đón xe về nhà ở xã Yên Khê - Con Cuông.
Đó là hành trình về quê ăn Tết hoặc về nghỉ hè hay đi công tác của chị Công cũng như bao đồng nghiệp xa nhà khác tại Trường Mường Lống ngày nào.
Cô giáo Vi Thị Công.
Khi chọn một nơi xa lạ cả về không gian sống lẫn văn hóa, tập tục, chị đã không lường hết những khó khăn mà mình sẽ gặp phải. Thời tiết khắc nghiệt, mùa đông thường rất lạnh và kéo dài. Mới sang thu, đêm về đã phải đắp chăn bông, nằm đệm để giữ ấm. Ngày ấy xã vùng cao này vẫn còn trồng cây thuốc phiện, cha mẹ học trò ưng cho con cái đi nương hơn, chứ chưa trọng cái chữ, thế là phải tham gia cùng chính quyền vận động người dân xóa bỏ thuốc phiện, cho trẻ đến trường. Trước đó, người Mông đã thống nhất thời gian đón tết chung với người Kinh, người Thái và các dân tộc anh em khác. Dần dà, họ cũng nghe theo vì thấy cái hại của nạn nghiện hút và cái lợi của việc học chữ.
Sau những giờ lên lớp, chị dành thời gian học tiếng Mông. Chỉ trong một thời gian ngắn, chị đã khá thông thạo và giao tiếp được với học sinh và dân bản bằng tiếng mẹ đẻ của họ.
Một điều nữa mà những cô giáo vùng cao phải vượt qua, đó là nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu. Khi đó, người ta muốn thông tin hay gửi gắm tâm tình chỉ có cách viết thư. Với chị, mỗi năm chỉ có vài dịp về quê gặp được cha mẹ, gặp gỡ người yêu.
Cho đến đầu năm 1999, đám cưới vừa xong, chị lại phải vượt hàng trăm cây số trở về trường. Bây giờ thì có thêm một nguồn động viên, người chồng mới cưới Lô Văn Bảnh quyết định theo lên tận nơi công tác để đỡ đần vợ. Anh chị được dân bản chung tay dựng giúp một căn nhà lá nhỏ gần trường, ngày ngày chị lên lớp, anh làm rãy, nuôi gà đỡ đần vợ lo việc nhà. Trong 2 năm từ 1999 - 2001, anh chị cũng phải 2 lần chuyển nhà. Mỗi lần chị vào một điểm lẻ mới, căn nhà của đôi vợ chồng trẻ cũng chuyển theo. Những điểm lẻ này cách trung tâm xã hàng chục cây số, đi lại chủ yếu là lội bộ nên anh chuyển theo chị đến từng điểm lẻ để tiện chăm sóc vợ con. Chị nhớ lại, lần đầu tiên ăn Tết cùng với người Mông bên "cổng trời" Mường Lống vào năm 1999. Có hoa mận trắng, hoa đào đỏ, có tiếng sáo, tiếng hát của trai gái Mông ném pao tìm bạn đời... Cứ vậy anh chị thành đôi vợ chồng "cắm bản".
Năm 2001, chị chuyển về Trường TH Châu Khê 2. Châu Khê là một xã biên giới vùng cao, chị được bố trí giảng dạy tại điểm trường bản Khe Bu, gồm phần lớn là người Đan Lai. Đã chuyển về quê chồng, trường vẫn cách nhà trên 20km, anh Bảnh lại cùng vợ khăn gói vào điểm trường mượn đất dựng nhà lá rồi ở lại cùng vợ. Anh lại nuôi gà, lợn phụ thêm thu nhập chăm lo cho đứa con trai đầu lòng.
Về trường mới, anh chị lại một lần nữa thành đôi vợ chồng "cắm bản". Sau này khi con trai đã lớn hơn, vào tuổi đến trường cần sự chăm sóc của bố, anh mới về bản Bãi Gạo sửa lại ngôi nhà cũ của gia đình cùng con sinh sống ở đó. Chỉ còn lại mình chị "cắm bản". Cũng may, lúc ấy điểm trường đã có nhà nội trú cho giáo viên, lại có thể đi xe máy vào bản nên cứ cuối tuần, chị lại được trở về với chồng con...
Một công việc hàng năm của những giáo viên vùng cao vào đầu mỗi năm học, là đi vận động phụ huynh cho con em đến trường. Đối với những người Đan Lai vốn ít tiếp xúc, trình độ dân trí còn thấp thì công việc này đòi hỏi thường xuyên hơn, nhất là sau mỗi dịp nghỉ. Trong 12 năm gắn bó với những bản vùng trong của xã biên giới Châu Khê, chị Công đã có 3 năm học đứng lớp tại điểm lẻ bản Khe Nóng, điểm trường xa nhất và cùng là một trong số ít bản Đan Lai sống khá biệt lập với các cộng đồng khác. Ngày trước, chưa có đường tuần tra biên giới, chỉ có thể ngồi xe máy đến bản Khe Bu và phải cuốc bộ 2 -3 giờ đồng hồ nữa mới tới bản Khe Nóng. Để duy trì sỹ số học sinh, trước mỗi giờ lên lớp chị đến nhà gọi từng học sinh rồi cô trò rồng rắn kéo nhau đến lớp. Sau giờ học, những cô trò, cậu trò bạo dạn nhất tìm đến góp rau, góp gạo cùng cô giáo nấu cơm chung. Tình cảm cô trò càng thêm khăng khít.
Học trò Đan Lai tại bản Khe Nóng.
Ngày mới về, điểm trường còn chưa có ai tham gia thi giáo viên dạy giỏi. Năm 2001, khi mới chân ướt, chân ráo về trường chị đăng ký tham gia và trở thành giáo viên dạy giỏi đầu tiên của trường. Kỷ niệm khiến chị nhớ nhất vẫn là việc vận động một học trò nữ La Thị Trang (bản Khe Bu) đi thi học sinh giỏi huyện. Trang vốn khá môn Toán, ở lớp lại rất bạo dạn, nhưng khi được chọn lên đội tuyển của trường chính thì lại trốn biệt. Cô giáo phải mất gần một buổi mới tìm thấy em đang trùm chăn kín mít trong căn buồng liếp nứa, lại phải mất thêm vài ngày dỗ dành, em mới chịu đi thi. Tại kỳ thi học sinh giỏi, học sinh này đạt giải Khuyến khích. Thành tích chỉ có vậy thôi, nhưng cũng là một nguồn động viên đối với học sinh Đan Lai ở bản xa này.
Mải miết với những bản xa, dường như chị không còn thời gian dành cho gia đình. Cậu con trai đã trải qua tuổi thơ lúc nào không hay. Trong quãng thời gian ấy, cháu bé thiếu sự quan tâm chăm sóc của mẹ, sống khép kín, ngại tiếp xúc với bạn bè, dần dà mắc chứng trầm cảm. Chị xót xa kể: "Khi biết được sự thể của con, chị đã tính bỏ việc về nhà chăm sóc con. Nhưng rồi lại nghĩ nếu chị bỏ việc thì gia đình càng thêm phần khó khăn, lại được Công đoàn nhà trường động viên, chồng lại hứa sẽ chăm sóc con tốt hơn, chị cũng có phần nào yên dạ. Bây giờ, chỉ còn biết trông mong một ngày nào đó, con sẽ sống hòa đồng, tự ti hơn...".
Với những cố gắng của mình, năm 2011, chị Vi Thị Công được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục!
Tôi đến thăm chị vào một ngày đầu Thu, cô và trò lại đang chuẩn bị cho một năm học mới. Trong 2 tháng hè, chị đã kịp cất ngôi nhà cấp bốn thay thế căn nhà gỗ đã dột nát. Chị bảo: "Căn nhà chưa kịp hoàn thiện đã phải vào việc rồi". Anh chồng động viên chị bằng một câu cửa miệng của người miền xuôi: "Từ từ rồi khoai sẽ nhừ, mình ạ!". Tôi buột miệng hỏi: "Nếu bây giờ, chị phải chuyển đi xa dạy học, anh có đi cùng "cắm" địa bàn như ngày nào nữa không?". Anh nhìn sang cậu con trai đang ngồi trầm ngâm, nói: "Nó lớn thêm chút nữa, biết tự lập, thì được!".
Những bản xa như Khe Nóng cũng sắp có đường vào tận nơi. Những ngày gian khó cuốc bộ cả ngày trời vào bản lẻ chỉ còn là kỷ niệm. Với chị Công, những ngày gian khó nhất trong cuộc đời "gieo chữ" trên non chắc đã qua rồi!
Bài, ảnh: Hữu Vi