"Tư tưởng tiến công" trong phòng, chống tham nhũng

24/10/2013 21:56

(Baonghean) - Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục là vấn đề thu hút sự quan tâm của cử tri và dư luận, bởi báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ cũng như ý kiến của đại biểu Quốc hội đều đề cập một cách thẳng thắn, trực diện đối với những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này.

(Baonghean) - Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục là vấn đề thu hút sự quan tâm của cử tri và dư luận, bởi báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ cũng như ý kiến của đại biểu Quốc hội đều đề cập một cách thẳng thắn, trực diện đối với những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này.

Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, ngày 22/10, cho biết việc phát hiện, truy tố tội phạm tham nhũng năm 2012 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các cơ quan thanh tra nhà nước đã phát hiện 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản là 132,7 tỷ đồng. Trong năm 2013, ngành thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh việc cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, báo cáo đã chỉ ra các vấn đề tồn tại, hạn chế, yếu kém. Cụ thể, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận việc kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng vào làm việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán mới phát hiện sai phạm.

Việc khẳng định “phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, báo chí” là điều không mới, thậm chí đã được nói nhiều, nhưng đây lại là nội dung báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ - tiếng nói của người trong cuộc, trước Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, là một điều rất đáng chú ý.

Ghi nhận vai trò của dư luận xã hội và báo chí đối với việc phát hiện ra tham nhũng, đó cũng chính là sự thừa nhận những tồn tại của công tác phòng, chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị còn lại, trong đó phải kể đến những khuyết điểm, yếu kém của ngành được giao nhiệm vụ chuyên trách về công tác phòng, chống tham nhũng.

Báo cáo trình bày của Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh đã không quanh co, né tránh, mà thẳng thắn chỉ ra rằng hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng còn hạn chế; vai trò của xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng chưa được phát huy đầy đủ. Công tác giám sát, kiểm tra, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên; công tác kiểm toán, thanh tra, điều tra hiệu quả chưa cao; việc xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, còn có biểu hiện nương nhẹ.

Vậy là đã rõ, vấn đề Tổng Thanh tra Chính phủ đề cập sâu là thời gian qua các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng đang suy yếu về năng lực, sức chiến đấu để thực hiện đầy đủ, đúng vai trò, vị trí, chức năng, nghĩa vụ và quyền hạn của mình. Tình trạng “mắt thấy mà như không thấy, tai nghe mà như không nghe” không còn chỉ là thực trạng đáng lo ngại trong nội bộ các cơ quan, đơn vị nói chung, mà lây lan mạnh phát triển mạnh trong chính bộ phận cán bộ, đảng viên công tác trong cơ quan bảo vệ pháp luật.

Cùng quan điểm này, trong phần trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng: “Tham nhũng tiêu cực có ngay trong cơ quan tư pháp khiến giảm lòng tin trong nhân dân. Biểu hiện chưa nghiêm minh, bỏ lọt tội phạm. Ở Trung ương xử lý tham nhũng không nghiêm nên khó làm gương cho địa phương. Nhiều vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng xử lý còn chậm”.

Dư luận cho rằng, chính phần báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện là lời giải đáp khá rõ ràng cho những câu hỏi mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt ra tại kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/9: Có tham nhũng ngay trong lực lượng phòng chống tham nhũng không? Thanh tra làm hết sức chưa? Kiểm sát, kiểm toán, điều tra đã làm hết sức chưa? Ví dụ, trong lực lượng này có chuyện này, chuyện kia, có tiêu cực hay không...?!

Vấn đề là, khi đã tìm ra được lời giải cho những câu hỏi trên, cách xử lý tiếp theo sẽ là như thế nào? Mong rằng Quốc hội sẽ tiếp tục “tư tưởng tiến công” đối với công tác phòng, chống tham nhũng để tăng cường hiệu quả giám sát việc chỉ đạo kiểm tra, xử lý các đối tượng tham nhũng một cách nghiêm túc, triệt để. Bởi tham nhũng đang là một vấn nạn không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến quá trình phát triển của đất nước mà còn ảnh hưởng xấu tới uy tín, làm suy giảm nghiêm trọng năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước ta.

Đức Dương