Sớm hoàn thiện các dự án Luật
Dự án Luật Bảo vệ môi trường hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau từ các thành viên Chính phủ.
Tiếp tục phiên họp Chính phủ chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, sáng 13/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các thành viên Chính phủ thảo luận về một số dự án Luật quan trọng.
Một trong những dự án Luật nhận được sự quan tâm của các thành viên Chính phủ là Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), gồm 19 chương và 165 điều, tăng thêm 4 chương và 29 điều so với luật hiện hành.
Dự án luật này bổ sung những quy định mới và sửa đổi những quy định không phù hợp, không khả thi của Luật hiện hành nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường; đảm bảo kiểm soát ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước và bổ sung một số nội dung mới liên quan đến tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường; coi trọng công tác phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường;...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh tại phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, ngày 12/8 (Ảnh: Chinhphu.vn)
Đề cập đến các nội dung cụ thể trong dự án Luật, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến việc lập quy hoạch môi trường; đánh giá tác động môi trường; tổ chức bảo vệ môi trường lưu vực sông liên tỉnh; kế hoạch bảo vệ môi trường; tỷ lệ chi cho sự nghiệp môi trường và đầu tư phát triển bảo vệ môi trường công cộng;...
Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Công tác bảo vệ môi trường phải làm từng bước và quyết liệt phù hợp với thực tế và điều kiện kinh tế xã hội của đất nước.
Về ý kiến cho rằng việc dự án Luật quy định, quy hoạch môi trường bao trùm lên các chuyên ngành khác, trong đó bao gồm các quy hoạch đa dạng sinh học, nguồn mức, xử lý chất thải, quan trắc môi trường và các hoạt động có liên quan đến môi trường có thể dẫn đến sự chồng chéo trong xây dựng, phê duyệt và triển khai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Quy hoạch môi trường, chúng ta đã triển khai giờ làm lên một tầm mới, gọi là quy hoạch bảo vệ môi trường chung cho cả nước, khu vực và tỉnh.
Thủ tướng lưu ý ban soạn thảo cần làm rõ các quy định về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về môi trường trong Luật, tránh sự chồng chéo và nhầm lẫn giữa các khái niệm.
Thủ tướng cho rằng không đưa vấn đề tổ chức bảo vệ môi trường lưu vực sông liên tỉnh vào Luật, tuy nhiên cần làm rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm xử phạt những vi phạm liên quan đến môi trường lưu vực sông.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện Dự án Luật trong thời gian sớm nhất.
Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã nghe và cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi bổ sung 1 số điều của Luật hôn nhân và gia đình. Dự án Luật sửa đổi 50 điều, bổ sung mới 57 điều; bãi bỏ 2 chương và 7 điều so với Luật hiện hành; được xây dựng nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu khách quan của thực tiễn hôn nhân và gia đình Việt Nam; công nhận, thực hiện và bảo vệ tốt hơn các quyền nhân thân và tài sản của cá nhân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; nâng cao trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình, vai trò của gia đình đối với xã hội và vai trò của Nhà nước và xã hội đối với gia đình.
Các thành viên Chính phủ thảo luận về một số vấn đề quan trọng như: Tập quán trong hôn nhân và gia đình; điều kiện kết hôn; kết hôn đồng tính, vấn đề ly thân, mang thai hộ và kết hôn cận huyết thống…
Cũng trong phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng và cho ý kiến định hướng sửa đổi Bộ luật dân sự năm 2005 và định hướng xây dựng dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp./.
Theo vov.vn - L.T