Ngành điện nợ người dân sự minh bạch

02/08/2013 16:53

Không công khai cơ cấu giá, "lờ" trách nhiệm lấy ý kiến cộng đồng - nhiều chuyên gia cho rằng minh bạch chính là món nợ lớn nhất của ngành điện với doanh nghiệp và người dân sau quyết định điều chỉnh giá bất ngờ ngày 1/8.

Sau động thái tăng khoảng 30% giá than bán đầu vào hồi tháng 4 năm nay, người dân, doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia phần nào dự liệu được giá điện sẽ tăng trong thời gian tới. Trong mỗi cuộc họp báo của Bộ Công Thương và Chính phủ kể từ thời điểm đó, câu hỏi “khi nào điện tăng giá” luôn được đặt ra.

Trả lời báo giới, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực, rồi Bộ Công Thương nhiều lần cho biết đang đang yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán chi phí phát sinh để có những cân nhắc điều chỉnh hợp lý. Thậm chí chỉ một ngày trước khi có thông tin tăng giá, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam còn nói thời điểm tăng giá cụ thể sẽ được cân nhắc, đồng thời nhắc nhở ngành điện thận trọng. "Ngành điện, EVN phải có kế hoạch tuyên truyền để giải thích, lấy ý kiến của cộng đồng trước khi tăng giá điện", ông nói.

Với Thông tư 19 được ban hành ngày 31/7, Bộ Công Thương đã khiến dư luận bất ngờ khi cho phép giá điện bình quân được tăng 5% chỉ sau đó ít giờ. Đại diện công ty thép Hữu Liên Á Châu, trước thông tin này, cho biết: "Dù đã nghe phong thanh trước đó giá điện sẽ tăng nhưng không nghĩ lại nhanh đến vậy". Chủ một doanh nghiệp sản xuất cơ khí tại Hà Nội thì bực bội không giấu diếm: “Hôm trước thông tin một đằng, hôm sau lại diễn ra một kiểu”.


Giá điện đã tăng 4 lần cùng với biên độ 5% kể từ cuối năm 2011.

Bình luận về lần tăng giá điện bất ngờ này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng đây là hệ quả của việc Chính phủ và ngành điện chưa thống nhất với nhau. Một chuyên gia kinh tế khác lại nhận xét: "Thật khó có chuyện tay trái không biết tay phải đang làm gì. Điều chỉnh gấp như vậy sẽ góp phần tăng lạm phát bởi giá điện có liên hệ tới tất cả mặt hàng và mọi người".

Bày tỏ sự thông cảm với ngành điện về những áp lực khi buộc phải tăng giá, nhưng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh không đồng tình về cách làm. Ông cho rằng thay vì giải trình bằng những lý do tăng giá như mọi lần, EVN nên công khai luôn lộ trình tăng để người dân còn biết. "Hơn nữa, họ nên nói rõ đã giảm chi phí hao hụt đường dây thế nào, đã làm những gì để giảm giá thành thì người dân mới biết để thông cảm", ông phân tích.

Đồng tính với ý kiến trên, chuyên gia Phạm Chi Lan nhận xét: "Với điện, lâu nay vẫn chỉ có một chiều là tăng mà không có giảm. Dường như không chỉ EVN mà cả nhà điều hành đang nợ người dân sự công khai, minh bạch với giá điện". Với cung cách điều hành như hiện nay, món nợ này theo đánh giá của nhiều chuyên gia sẽ khó được trả một cách tròn trịa và thỏa đáng.

Trên thực tế, từ cuối 2012, ngành điện đã nói sẽ tăng giá khoảng 7%. Ông Doanh nêu ý kiến vì Chính phủ hạn chế nên đến nay EVN mới được phép tăng giá. "Giá than đã tăng thêm 30% thì nhiều khả năng giá điện của EVN không chỉ dừng lại ở 7%", ông Doanh dự đoán.

Mặc dù chỉ ra những điểm chưa hợp lý với quy đinh hiện hành, Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Công ty Luật Basico - cho hay chỉ có Bộ Tư pháp là cơ quan có quyền đưa ra ý kiến văn bản đó ban hành có đúng hay không. "Hiện chưa có một cơ chế bảo đảm cho việc khiếu kiện hành chính nếu văn bản pháp luật gây sự bất mãn, hay ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp", ông nói.

Theo Khoản 1 điều 78 Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật năm 2008, thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định không sớm hơn 45 ngày, kể từ khi được công bố hoặc ký ban hành. Tuy vẫn có ngoại lệ nhưng trường hợp văn bản được áp dụng tức thì thường mang tính khẩn cấp, kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điện lại là mặt hàng độc quyền, không thể đầu cơ, lộ trình điều chỉnh giá đã được tính toán "nhiều năm nay" thì việc ban hành một văn bản "tức thì" như vậy rất khó lý giải.

Dù tỏ thái độ bức xúc, các doanh nghiệp cũng như người dân đã không còn xa lạ với kiểu tăng giá chóng vánh của "nhà đèn", mà tiêu biểu là đợt điều chỉnh vừa qua, khi Thông tư ban hành hôm trước, giá đã được tăng ngay hôm sau. Từ giữa năm 2011, Quyết định 24 của Chính phủ (có hiệu lực từ 1/6/2011) đã cho phép doanh nghiệp, dù vẫn phải báo cáo với Bộ Công Thương, gần như có quyền chủ động trong việc điều chỉnh giá dưới ngưỡng 5%. Kể từ đó, giá điện đã đều đặn tăng 4 lần, cùng với biên độ 5% (vào các ngày 20/12/2011, 1/7/2012, 22/12/2012 và 1/8/2013).

Ông Ngô Trí Long nhận xét, bất kỳ một sự tăng giá nào đó, nhất là sản phẩm độc quyền sẽ không bao giờ tạo được sự hài lòng với người tiêu dùng. Do vậy, ngành điện cần phải chứng minh tăng giá như vậy có hợp lý hay không. "Ngành điện cần thông tin rõ cơ cấu giá thành hiện nay như thế nào, giá than, giá khí chiếm bao nhiêu và liệu có chuyện tăng giá điện để gánh lỗ đầu tư ngoài ngành và tổn thất điện năng hay không", vị này nói.


Theo VnExpress - TH