Hoài niệm thành cổ phủ Diễn
(Baonghean) - Thành phủ Diễn Châu ra đời sau thành Thăng Long hơn 800 năm, rất tiếc nay đã hoàn toàn tiêu thổ. Có chăng, còn sót lại một vài đoạn hào nham nhở về phía Đông, thời gian chưa đủ để bồi hoàn.
Chúng tôi, lớp người đã một thời gắn bó với Trường Tiểu học Pháp - Việt trong thành từ tuổi đồng ấu đến niên thiếu. Nuối tiếc khôn nguôi về một cảnh quan kiến trúc cổ, đậm đà bản sắc văn hóa Việt.
Thật thú vị cho lứa tuổi học trò, mỗi lần trèo lên lầu cổng thành, phóng mắt nhìn khắp bốn phương. Nhìn ra phía đông, biển mênh mông sóng nước. Từng đoàn thuyền đánh cá giương cánh buồm no gió nhấp nhô lướt sóng. Nhìn về phía Tây có lèn đá Hai Vai sừng sững nhô đầu như lính tiền tiêu bảo vệ vùng đất địa linh nhân kiệt. Con sông Bùng uốn khúc quanh co, lượn lờ trôi bên chân thành cổ kính, như dòng lệ dài nuối tiếc những vong linh liệt sỹ (1930 - 1931). Cánh đồng Sác Sú làng Phượng Lịch ven sông trải rộng xanh rờn. Thấp thoáng từng đàn cò đậu trắng chân đê. Trước mắt là một bãi cỏ hoang, tà tà từng nấm mộ, lô nhô như những chiếc chảo gang úp sấp. Người ta gọi nơi đó là Mả Đời.
Cuộc biểu tình ngày 7 tháng 11 năm 1930, hàng ngàn nông dân từ tổng Hoàng Trường, tổng Vạn, kéo vào phủ lỵ đòi giảm thuế thân, giảm tô, bỏ thuế chợ, thuế đò. Đoàn chưa kịp vào thành thì bọn lính lê dương từ Vinh ra, đồn Cầu Giát vào đặt súng máy trên thành xả đạn lia lịa vào đoàn biểu tình. Dòng sông Bùng ngầu đỏ máu 30 liệt sỹ ngã xuống. Ngày nay, chính nơi đó đã xây tượng đài cao kiến trúc hiện đại trên khuôn viên rộng. Từ xa, ta nhìn thấy hàng chữ sơn đỏ chói ghi “Tổ quốc ghi công liệt sỹ 30 - 31”.
Thị trấn Diễn Châu hôm nay (Ảnh: Internet)
Thành Phủ Diễn được xây dựng từ đời vua Minh Mạng thứ 13 (1832) trước Ngọ Môn Huế một năm. Thành vuông vức bốn bề chu vi khoảng 2.000m, xây bằng sò thiên tạo và đá ong kích cỡ 0,5m x 0,5m x 0,2m, xây ốp hai mặt trong ngoài, ở giữa đổ đất rộng 5m. Xung quanh thành có hào bao bọc, rộng chừng 50m, sâu hơn 2m. Mùa hè sen nở rộ, tỏa hương thơm ngào ngạt. Phía ngoài hào là bãi dâu xanh rờn, phục vụ cho công ty sản xuất tơ làm dệt lụa của Pháp. Thành có 3 cửa: Tiền, Tả, Hữu. Cửa Tiền (Nam môn) trên có lầu 4 mái. Trên lầu treo chiếc trống điểm canh.
Đêm đêm nghe tiếng trống cầm canh, dân quanh vùng cũng biết được từng khoảnh khắc đêm dài nô lệ. Qua cầu vồng vào cổng thành Cửa Tiền, ta thấy có hai lính khố xanh gác cổng bồng súng trường lưỡi lê tuốt trần. Hai bên cổng có hai khẩu súng thần công (hỏa mai) đúc từ thời Minh Mạng (1820 - 1840), cồng kềnh, nặng nề biểu thị sức mạnh công quyền của nhà nước phong kiến. Hai cửa Tả, Hữu, thường xuyên cổng kín then cài. Phía trái (Tây Nam) là khu nhà Phủ Đường - nơi làm việc của quan phủ và các vị quan chức chuyên môn tham, thông, phán, ký... Phía sau liền kề là tư thất tri phủ, nhà ở quan đốc học, rồi đến khu gia binh và trại giam bán kiên cố nhà cấp 4. Những tù phạm chính trị, bọn chúng cho là nguy hiểm cho chế độ, thì đày đi các nhà tù ở tỉnh hoặc các nhà tù khác trong nước.
Góc thành Tây Nam là trại ngựa phục vụ cho quan Tây, quan ta đi công cán. Góc phải (Đông Nam) trên thành có đồn Tây án ngự viên, đồn trưởng người Pháp cai quản đội lính khố xanh bảo vệ an ninh thành. Thẳng cổng vào 200m là Trường Tiểu học Phủ Diễn, trường dài 6 phòng học cho 6 lớp có các cửa kính chớp, nhà cao ráo. Có văn phòng quan đốc học (hiệu trưởng) ở chính giữa và có “phòng học cụ khố”. Trước có tiền sảnh, trên có biển ghi tên trường bằng tiếng Pháp: "École primaire complémentaire de Phu Dien”. Bên dưới có tấm bia đá chữ chìm phủ nhũ vàng dòng chữ Pháp:
“À l’honneur de Mr Vo Van Du qui a contribué à reconstrllise cette école”
(Vinh dự thuộc về ông Võ Văn Du người có công xây dựng lại ngôi trường này)
Nghe kể rằng, trước đây ông Du là giáo viên trường làng sau chuyển sang làm nghề thầu khoán. Được nhận làm con đường số 7 từ ngã ba Phủ Diễn lên Lào, ông cúng cho huyện ngôi trường này và xin quan phủ cho đặt tên là Trường Tiểu học Võ Văn Du. Nhưng quan phủ chỉ nhận ở ông tấm lòng vàng tài trợ cho huyện, còn lấy tên ông thay tên trường Phủ Diễn thì dứt khoát không được. Vì lý do đơn giản là ông không phải bậc vĩ nhân, anh hùng. Nghe giải thích có lý, có tình, ông Du cũng vui lòng.
Trước sân trường có hai cây si cổ thụ tán lá xum xuê phủ bóng. Sân trường quanh năm mát mẻ. Phía Tây Bắc thành là trại lính khố xanh. Phía Đông Bắc có sân vận động rộng mênh mông là nơi tập thể dục thể thao, sân bóng đá, bóng chuyền của học sinh và cũng là nơi luyện tập quân sự thường xuyên của trại lính. Góc phía trên thành Đông Bắc có trường nữ học có 2 lớp đối xứng với đồn Tây trên thành phía Đông Nam. Trước đây còn có cả nhà thương (chữa bệnh không mất tiền), trại lính khố đỏ, trại tằm, sau này được chuyển ra ngoài thành. Phía trước thành có đền Thủ Chủ, có chùa Phật Học hương khói quanh năm.
Ở ngoài thành phía Cửa Tiền, dân xóm Hoàn Thành buôn bán nhộn nhịp, chợ Hôm Thành họp chiều, cứ thuyền về là chợ đầy cá, tôm, cua, mực tươi. Lò mổ trâu bò, lợn, cung cấp thịt cho 3 huyện: Diễn - Yên - Quỳnh. Có rạp xiếc, võ đài còn để lại tên tuổi các võ sĩ Châu Giang, Hoàng Võ... Rạp hát tuồng cổ, cải lương có kép nhất nổi tiếng ông Chánh Tùng, nay là nghệ sĩ nhân dân và Cô Bang đào nhất người Huế. Đêm đêm đường phố người kéo về xem đông đúc. Ngày ấy, người ta nói: “Muốn sống lâu về Diễn Châu mà ở” quả không quá lời.
Hai bên đường phía ngoài cổng là hai dãy nhà ngói khang trang, dân buôn bán và làm nghề thủ công bánh kẹo, quán ăn, cơm phở, nhà trọ, hiệu bách hóa, hiệu may. Từng tốp xe kéo (người kéo) đón khách ra vào thành dưới vòm lá xum xuê của hai hàng phượng cổ thụ mùa hè hoa rực đỏ. Dọc đường 1A phía Tây Nam thành là dãy phố Xuân An (phố huyện) bán buôn, bán lẻ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, thợ mộc, thợ sơn hoành phi câu đối. Hiệu buôn Thành Bảo và Ngọc Thành sản xuất gia công lốp xe đạp, đại lý săm lốp hãng Mitchelin, rượu ty, Fontaine, kinh doanh thuốc bắc, nông sản, kho gạo của chú Dung (Hoa Kiều) hiệu may, hiệu ảnh, tiệm ăn, nhà nghỉ,... Đi dọc Quốc lộ 1A vào phía Nam 1km là ngã ba Phủ Diễn, đầu mối đường số 7 lên Lào. Ở đây cũng có hàng quán buôn bán giao lưu, có chợ Sò, đền Sò cổ kính. Đặc biệt giữa ngã ba có tượng đá lớn trên có hình vương miện, dưới là con sư tử to như thật, hai chân trước vờn quả cầu đá. Có dòng chữ Pháp ghi nhớ địa điểm nữ hoàng nước Bỉ đi qua: “Morllmellt de la reine Astrid”.
Năm 1947, theo lệnh của tỉnh, từng đoàn người từ khắp nơi trong huyện có đủ các đoàn thể học sinh, thanh niên, dân quân du kích, bộ đội địa phương mang theo thuổng, cuốc, xẻng, búa tạ kéo vào thành phủ làm nhiệm vụ tiêu thổ kháng chiến. Lòng căm thù thực dân Pháp trào lên tận cổ. Khi đập nhát búa đầu tiên trên lầu cổng thành khiến chúng tôi liên tưởng sự kiện mồng 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Trống trên lầu giục giã ngũ liên. Học sinh đang học nhốn nháo cả lên; Thầy giáo giữ không cho học sinh ra ngoài.
Như thác vỡ bờ từ các lớp ùa ra không ai cản nổi, nhìn về phía Cửa Tiền, chúng tôi thấy xe nhà binh của Nhật chở đầy lính, tay lăm lăm khẩu súng, lưng đeo kiếm dài ồ ạt nhảy xuống xe. Loa gọi đầu hàng, tên đồn trưởng Pháp hoảng sợ chạy về phía cửa Tả nhằm hướng Sở Đoàn (Sở muối Thanh Bích) để trốn. Đội lính khố xanh cùng các quan chức hàng ngũ chỉnh tề nghe viên sỹ quan Nhật đọc lệnh. Tất cả ngoan ngoãn giơ tay hàng trông thật thảm hại. Cuộc đảo chính xẩy ra êm ả, quân Nhật không tốn một viên đạn. Từ đó dân ta một cổ đôi tròng, Pháp làm theo lệnh Nhật bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, vơ vét lương thực phục vụ quân lương cho Nhật đánh đồng minh.
Còn một kỷ niệm nữa không bao giờ quên, một sự kiện trọng đại của huyện nhà: “Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay Nhật - Pháp của Phủ Diễn Châu ngày 21/8/1945 tại thành Phủ.
Rừng người, rừng cờ đỏ sao vàng, gậy tầm vông, giáo mác tua tủa chọc trời từ các ngả đổ về thành Phủ. Tiếng trống dục giã, tiếng loa hô khẩu hiệu long trời lở đất: “Đả đảo đế quốc xâm lược”, “Đả đảo chính quyền Việt gian, lập chính quyền nhân dân cách mạng”; “Việt Minh muôn năm”; “Hồ Chí Minh muôn năm”. Người đông như kiến cỏ mà trật tự hàng lối đâu ra đấy theo đơn vị làng, xã tổng. Khí thế bừng bừng sục sôi, cách mạng.
Xây dựng thành cổ này chắc người xưa đã đổ nhiều xương máu, đóng góp nhiều tiền của, công sức nhằm bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm.
Giờ đây, khi lớp lớp hậu duệ chúng ta đã không cần sử dụng thành lũy để bảo vệ Tổ quốc mà phải đập phá đi để đánh trả quân thù. Nói một cách khác là chúng ta tiêu thổ kháng chiến, một việc làm bất đắc dĩ của cách mạng thời trứng nước.
Những câu chuyện lịch sử về thành cổ Phủ Diễn đã đi vào huyền thoại dân gian và sử sách, sẽ sống mãi với thời gian và trong lòng mọi người dân đất Phủ.
Ai có dịp đi qua đất cũ thành Phủ Diễn, chắc không khỏi ngạc nhiên nhìn phía Bắc thành sừng sững cây cầu “Cống ngăn mặn Diễn Thành” chảy qua thành cũ đổ ra cửa Lạch Vạn. Dân khối I và khối II Thị trấn Diễn Châu đã ở khít nội thành và ngoại thành xưa; nhà cao tầng mọc lên như nấm sau mưa; hầu hết là nhà bán kiên cố, nhiều nhà có ô tô tải, ô tô con, đường nhựa, bê tông khép kín. Thiết nghĩ, dinh thự của quan phủ xưa khó mà bằng một ngôi nhà cấp 4 của người dân có thu nhập bình thường ngày nay.
Cách mạng là thế đấy! Cái cũ nhường chỗ cho cái mới ra đời, nhưng hình ảnh cái cũ mang tính lịch sử - văn hóa thì vô giá, đến ngàn đời vô giá.
Cao Tiến Cần - Nguyễn Ngọc Quỳnh (Khối 1 - Thị trấn Diễn Châu)