Người thầy thuốc của bản làng

21/11/2013 17:37

Y sỹ Lô Văn Dương
Y sỹ Lô Văn Dương

(Baonghean) - Đến thăm Trạm Y tế xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong trong lúc y sĩ Lô Văn Dương - Trưởng trạm đang sắp xếp y cụ, thuốc men để chuẩn bị cho đợt khám, phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân.

Anh Dương sinh ra ở Cắm Muộn - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Quế Phong. Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều thiếu thốn nhưng anh vẫn cố gắng vượt qua để theo học con chữ. Ngay từ nhỏ, thấy ở bản bà con ốm đau, bệnh tật không có thuốc men, không được chạy chữa, anh đã nuôi ý chí phải tiếp tục theo học để trở thành người thầy thuốc. Theo đuổi ước mơ, học xong THPT, anh làm hồ sơ thi vào Trường Trung cấp Y tế Nghệ An. Năm 1995, tốt nghiệp ra trường trở về quê công tác, anh được phân công về Trạm Y tế xã Hạnh Dịch.

Anh Dương nhớ lại: Thời điểm đó điều kiện cơ sở vật chất của trạm y tế còn hết sức khó khăn, trang thiết bị thiếu thốn, trình độ dân trí không đồng đều, từ trạm đến bản Hủa Mương – bản cuối cùng của xã Hạnh Dịch, phải mất 1 ngày lội bộ băng rừng. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ của trạm lúc bấy giờ chỉ có 3 người, làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho trên 3.000 dân. Năm 1996, các dịch bệnh bùng phát ở các bản xa trung tâm, nhưng với nhiệm vụ phải dập tắt bệnh dịch, anh đã cùng 3 cán bộ của trạm phân công nhau không quản ngày đêm đi vào các bản vừa cấp phát thuốc vừa phối hợp với cán bộ xã, bản tuyên truyền cho bà con ăn ở vệ sinh, cách nằm màn tránh muỗi. Anh lặn lội ra trung tâm xin cấp thuốc diệt muỗi, đi đến từng nhà phun thuốc. Nhờ sự tận tình, bám sát cơ sở của anh mà dịch bệnh sốt rét ở Hạnh Dịch được đẩy lùi.

Năm 2002, anh Dương được trở về xã nhà công tác và được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Trạm Y tế xã Cắm Muộn. Ở Cắm Muộn điều kiện khó khăn hơn cả Trạm Y tế Hạnh Dịch nhân lực ít, thiếu thốn cơ sở vật chất, nhưng số dân đông hơn, phải phục vụ công tác khám chữa bệnh cho trên 5.000 người dân tại địa bàn… Trạm y tế lúc này chỉ có 1 phòng làm việc còn sơ sài, tạm bợ. Sau nhiều trăn trở, anh đã tham mưu, đề xuất các cấp, ngành cho nâng cấp cơ sở vật chất khám, chữa bệnh, đầu tư thêm trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho bà con. Sau 1 năm, Trạm Y tế xã Cắm Muộn đã được cấp kinh phí xây mới khang trang. Vì vậy, từ một trạm y tế hoạt động hiệu quả cao, trở thành một trong những trạm dẫn đầu của huyện trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tập thể chi bộ liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.

Năm 2004, anh Dương được tổ chức phân công giao nhiệm vụ Phó Trưởng trạm Trạm Y tế Thị trấn Kim Sơn. Tại đây, anh tham mưu thành lập chi bộ đầu tiên của Trạm Y tế tại Quế Phong. Có chi bộ đảng, các phong trào của trạm được chỉ đạo đã đi vào hoạt động nề nếp hơn trước.

Năm 2009, anh lại trở về xã Hạnh Dịch giữ chức Trưởng trạm cho đến nay. Nhận thấy đây là vùng đất thích hợp trồng được nhiều cây dược liệu thuốc quý, anh làm đơn xin đất trồng cây dược liệu, giao cho Hội Đông y quản lý. Được sự hỗ trợ của Viện Trung tâm phát triển cộng đồng, anh đề xuất với Hội Đông y kết hợp với trạm thực hiện chương trình chữa bệnh Đông Tây y kết hợp. Anh vận động các ông lang, bà mế trong xã Hạnh Dịch và các xã lân cận như Quế Sơn, Tiền Phong cùng nhau trao đổi kinh nghiệm để có thêm nhiều bài thuốc quý phục vụ công tác chữa bệnh cho bà con. Từ đó đến nay, Hạnh Dịch đã có 20% trên tổng số lượng bệnh nhân được chữa bệnh bằng Đông Tây y kết hợp và đạt kết quả tốt. Hàng năm khách từ các vùng, các tỉnh lân cận đến đặt mua thuốc để ngâm rượu chữa các loại bệnh như bệnh đường ruột, thuốc cho phụ nữ sau khi sinh…

Ghi nhận những đóng góp tích cực cho công tác chăm lo sức khỏe của người dân, y sỹ Lô Văn Dương được tặng nhiều giấy khen của xã, huyện, ngành Y tế và của tỉnh. Bác sĩ Lê Phi Hùng - Trưởng phòng Y tế huyện nhận xét: “Đồng chí Lô Văn Dương là người luôn chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, có trách nhiệm với công việc, hết lòng vì người bệnh, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội, là một trong những tấm gương điển hình cho đồng nghiệp noi theo”.

Bài, ảnh: Phạm Ngân