Mong ngày xoài Tương “cất cánh”!

10/06/2013 18:41

(Baonghean) - Đã từ lâu, người dân Tương Dương xem xoài là một thứ quả đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, tự hào đấy nhưng những người trồng xoài ở đây đang buồn, bởi xoài thì nhiều, chất lượng cao nhưng giá trị còn thấp vì vẫn chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn huyện...

Ngược Tương Dương mùa này, dọc Quốc lộ 7, ngang qua địa bàn các xã Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Thạch Giám, Xá Lượng... đâu đâu cũng thấy những vườn xoài lúc lỉu quả. Hỏi chuyện, nghe cánh lái xe nói, năm nay, xoài được mùa, nhưng rớt giá, chỉ khoảng 12 - 15 nghìn đồng/kg... Đến Thị trấn Hòa Bình, hỏi về nguồn gốc của cây xoài xứ Tương, mấy người hiểu chuyện mách: Về bản Lũng, Tam Thái mà tìm hiểu, đấy là nơi “phát tích” của xoài.

Ở bản Lũng, hầu như gia đình nào cũng có trên 10 cây xoài trồng rải rác trong vườn và hầu hết đều sai trĩu quả. Vào nhà Trưởng bản Lộc Văn Dậu, gặp bà Lô Thị Hoa, vợ ông Dậu vui vẻ cho biết, nhà có 10 cây xoài, nhưng trong đó chỉ có non nửa đúng nguyên gốc xoài Tương. Theo bà Hoa, cây xoài xứ Tương có đặc điểm khác hẳn những cây xoài xứ khác bởi vỏ cây xù xì, lá nhỏ có sắc xanh lục đậm, cây mập, tỏa tán rộng... Quả xoài Tương chỉ gần bằng nắm tay người lớn, hơi tròn, da hơi sần có phấn trắng, phần cuống có lấm tấm đốm đen, dù chưa gọt đã tỏa ra mùi hương dịu nhẹ, lúc chín ăn có vị ngọt đậm và bùi, còn khi xoài ương thì có thêm vị chua thanh nhẹ. Người đã từng thưởng thức xoài Tương hẳn sẽ nhớ vị ngon hơn hẳn những giống xoài khác...



Bà Lô Thị Hoa dùng vợt hái xoài Tương.



Xoài Tương Dương có hương vị độc đáo, hấp dẫn

Theo anh Vi Viết Kiều, Phó Chủ tịch xã Tam Thái, không chỉ tại bản Lũng mà hầu như gia đình nào ở Tam Thái cũng trồng xoài, và đây cũng là một nguồn thu khi đến mùa quả chín. Dù vậy, thu nhập từ xoài chưa cao, nên chính quyền và nhân dân đều thấy cần làm gì đó để xoài Tương trở thành thương hiệu, bảo đảm khâu tiêu thụ và nâng cao giá trị kinh tế. Xã Xá Lượng có nhiều hộ trồng đến hàng trăm gốc xoài như gia đình anh Trương Văn Sâm ở bản Khe Ngậu (300 gốc), anh Vi Xuân Diệu ở bản Na Tổng (300 gốc), anh Vi Văn Sen ở bản Nhắn (200 gốc)... Và vì được mùa, nên xoài… rớt giá! Đã vậy, người thu mua tại chỗ không có nên đúng vào mùa xoài chín các gia đình này tự hái bán không xuể, có những lúc đành chấp nhận nhìn xoài chín rụng mà chẳng biết làm sao.

Được biết, huyện Tương Dương đã có những nỗ lực để tạo thương hiệu cho xoài. Theo phòng NN&PTNT huyện, ngày 16/6 hàng năm, huyện thường tổ chức Hội thi xoài đẹp nhằm mục tiêu quảng bá, giới thiệu xoài Tương. Năm nay cũng vậy, ngày 16-17/6 tới đây, huyện sẽ tổ chức Hội thi - Hội chợ hàng địa phương, trong đó tiếp tục tổ chức Hội thi xoài đẹp để đồng thời vừa quảng bá giống quả đặc sản địa phương và vừa chọn cây đầu dòng làm cơ sở phục tráng giống cây này. Và các xã Thạch Giám, Tam Thái, Xá Lượng và Thị trấn Hòa Bình sẽ tham gia Hội thi xoài đẹp năm nay.

Anh Lô Văn Thanh - chuyên viên phòng NN&PTNT huyện Tương Dương cho biết: "Rất nhiều bà con đầu tư trồng từ 50 đến hàng trăm gốc xoài rải đều trên các xã dọc Quốc lộ 7. Nghe nói có hội thi họ vui lắm vì họ biết đây là cơ hội quảng bá thương hiệu xoài Tương” - anh Thanh nói - “Thật lòng, thấy xoài quê mình chất lượng tốt mà giá trị thua kém xoài nơi khác, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Hy vọng đến một ngày, xoài Tương là thứ hàng hóa hiện diện trên nhiều vùng miền khác...".


Nhật Lân