Nghĩa Hòa: Đoàn kết toàn dân để phát triển KT-XH
(Baonghean) - Nghĩa Hòa (TX.Thái Hòa) được biết đến là nôi phát tích nền văn hóa Đông Sơn trên lưu vực sông Cả, với các di chỉ khảo cổ quý giá như: Di chỉ xóm Đình, Cồn Kho, Đồng Vông, Mồ Vạn, đặc biệt là Di chỉ Làng Vạc - Khu di chỉ khảo cổ học cấp Quốc gia. Người dân Nghĩa Hòa luôn tự hào bởi truyền thống địa phương mình, càng tự hào hơn khi truyền thống đó đang ngày càng được phát huy, từng bước đưa đời sống nhân dân đi lên.
Nghĩa Hòa hiện có 6 xóm, 544 hộ và 2.344 nhân khẩu, trong đó, 102 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của nhân dân chủ yếu là làm nông nghiệp. Năm 2008, sau khi chia tách để thành lập phường Long Sơn (10 xóm) và xã Nghĩa Hòa, lúc đó Nghĩa Hòa là xã nghèo nhất của Thị xã Thái Hòa, tổng giá trị sản xuất chỉ đạt 11.916.000.000 đồng, sản lượng lương thực thu được chỉ 581 tấn. Trong xu thế phát triển và hội nhập, Nghĩa Hòa xác định trọng tâm cho con đường phát triển là đổi mới kinh tế nông nghiệp, phát huy mọi tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương, nhanh chóng cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, phấn đấu đưa xã nhà thoát nghèo.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, sự đoàn kết nhất trí trong bộ máy lãnh đạo và nhân dân, trong những năm qua, phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, địa phương tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với từng loại đất. Đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hộ gia đình, phát triển các loại gia cầm, lợn, cá và phát triển các loại cây nông nghiệp, lâm nghiệp. Các cấp chính quyền và địa phương còn phối hợp củng cố được 1 hợp tác xã nông nghiệp, dạy nghề tại chỗ theo hướng vừa học vừa làm.
Những năm qua, xã cũng đã tạo việc làm tại chỗ cho gần 200 người, tổ chức đưa lao động đi làm việc ngoài địa phương, xuất khẩu lao động luôn duy trì từ 80 - 250 lao động. Giảm dần lao động nông nghiệp, tăng lao động làm dịch vụ. Nhờ đó, nguồn thu từ tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ hàng năm đạt 8 tỷ đồng, chiếm 40% tỷ trọng kinh tế. Năm 2013, tổng giá trị sản xuất toàn xã tăng lên 29.615.467.000 đồng, thu ngân sách 2.617.000.000 đồng. Sản lượng lương thực đạt gần 900 tấn. Thu nhập bình quân đầu người 12.700.000 đồng/năm.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân có đất sản xuất, chính quyền xã đã tiếp tục giao những diện tích còn để trống cho nhân dân. Được sự đóng góp của nhân dân và nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, năm 2008, xã đã xây dựng nhà trưng bày hiện vật khảo cổ Làng Vạc, đáp ứng nhu cầu bảo lưu hiện vật và phục vụ nhu cầu tham quan của du khách gần xa.Tiến hành nâng cấp đường giao thông nông thôn, có gần đến 80-90% đường bê tông, cấp phối đường trục xóm, ngõ xóm (20km). Năm 2001, xã đã xây dựng bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, hệ thống đường điện được nâng cấp và đi vào hoạt động ổn định, an toàn.
Làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Nghĩa Hòa. |
Bên cạnh đó, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong những năm qua, tỷ lệ gia đình đạt gia đình văn hóa tại Nghĩa Hòa luôn trên 80%. Có 100% xóm có hội quán, đời sống văn hóa tinh thần của người dân theo đó được nâng lên. Để phát huy và khơi dậy sức dân, vào ngày 16 tháng 10 hàng năm, xã lại phát động, tổ chức cho bà con nhân dân các xóm hưởng ứng ngày toàn dân ra quân làm giao thông thủy lợi, chủ yếu xây mới hệ thống kênh mương.
Đến năm 2013, xã đã làm được 4,79 km kênh mương bê tông, phát dọn, nạo vét hàng ngàn m3 bùn đất, đắp bờ vùng, bờ thửa phục vụ cho việc đi lại và sản xuất, vận chuyển nông sản. Đường giao thông nông thôn ở các xóm được cắm mốc, quy hoạch. Đến tháng 9 năm 2013, toàn xã đã làm được 9 km đường bê tông. Hiện nay xã đã đạt 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Nghĩa Hòa xác định, điều quan trọng nhất trong quá trình xây dựng và phát triển địa phương trong thời gian sắp tới chính là, xây dựng khối đoàn kết thống nhất, tạo sự đồng thuận từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Làm tốt công tác vận động quần chúng trên cơ sở thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở. Phát huy nội lực của nhân dân trong đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với điều kiện của địa phương.
Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của cấp trên về định hướng phát triển. Có cơ chế chính sách tốt để thu hút sự đầu tư, tài trợ của các tổ chức trong và ngoài tỉnh. Muốn khai thác nguồn đầu tư của bên ngoài một cách triệt để, trước hết xã phải phát huy nội lực, chống lại tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010 – 2015, từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra, đưa xã Nghĩa Hòa trở thành một xã khá của Thị xã Thái Hòa trong tương lai gần.
Bùi Trọng Thảo (Thị ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa)