Để đất "níu" chân người

21/11/2013 17:27

(Baonghean) - Là tỉnh có địa bàn nông thôn rộng lớn, nguồn lao động khá dồi dào, thế nhưng, ở nhiều địa phương, lao động trong độ tuổi “đầu đội, vai vác” rủ nhau rời quê đến các tỉnh, thành phố tìm kiếm việc làm, mong có thu nhập cao hơn làm ruộng là khá phổ biến. Chính vì thế, nông thôn đang đối mặt với bài toán thiếu lao động sản xuất.

Nông thôn "sốt" lao động thời vụ

Có một thực tế mà không ít địa phương đang phải đối mặt, đó là lao động thời vụ khan hiếm do lao động nông thôn trong độ tuổi "đầu đội vai vác" rủ nhau rời quê đến các tỉnh, thành phố tìm kiếm việc làm ngày càng có chiều hướng gia tăng. Nhiều người dân sẵn sàng thuê mướn lao động làm đồng áng để tìm kiếm những việc làm cho thu nhập cao hơn. Giá tiền công trả cho lao động thuê mướn ở nông thôn hiện không hề thấp, thường là 120.000- 150.000 đồng/ngày; cá biệt ở những địa phương, bước vào vụ cấy hái giá công lao động lên đến 250.000- 300.000 đồng/ngày nhưng cũng không phải dễ tìm được người làm...

Ông Nguyễn Quốc Thành ở xóm 7, xã Nghi Diên- Nghi Lộc, năm nay đã ngoài 60 tuổi. Mặc dù con cái đứa đã xây dựng gia đình ra ở riêng, hoặc vào làm công nhân trong khu công nghiệp và đi xuất khẩu lao động, song ông bà vẫn sản xuất gần 1 mẫu ruộng. Tiếng là làm nông nghiệp, nhưng từ vài năm nay do tuổi đã cao, lại "neo" người nên từ khâu làm đất, cày cấy đến thu hoạch lúa, gia đình ông đều phải thuê người làm. Ông Thành cho biết: Vào thời vụ, những hộ không có lao động như gia đình tôi lo lắng tìm người làm thuê. Giá tiền thuê cấy, gặt cũng tăng dần theo từng năm và từng thời điểm.

Trước đây, chỉ khoảng 100.000 đồng/công gặt, công cấy thì nay đã tăng lên khoảng 200.000 đồng, như vụ hè thu vừa qua, tiền công lên đến 300.000 đồng. Giá công cao nhưng buộc phải chấp nhận, nếu không thì không kịp thời vụ. Như vụ hè thu vừa rồi, nhiều nhà trong xóm muốn thuê nhưng để tìm được người làm không phải là dễ". Đó cũng là trường hợp của chị Nguyễn Thị Hằng (ở xóm 3) đã gặp phải "Chồng đi làm ăn xa, tôi ở nhà bán hiệu thuốc tây và làm 3 sào ruộng. Từ vài năm nay, việc đồng áng hầu như tôi phải khoán gọn cho thợ. Vụ hè thu khung thời vụ ngắn, liên hệ mãi cũng chẳng tìm ra người. Không còn cách nào khác tôi đành cho người em họ mượn ruộng sản xuất" - chị Hằng cho hay.

Cũng rơi vào cảnh liên tục phải "tuyển gấp" lao động mỗi khi bước vào đầu mùa vụ, và thời điểm thu hoạch, ông Nguyễn Văn Thắng ở xóm Kim Chi, xã Nghi Ân - TP Vinh - hiện đang sản xuất lúa trên diện tích 1,2 mẫu đất tại vùng đất gần sân bay cho biết thêm: Sở dĩ có tình trạng nông dân chán ruộng, muốn tìm việc khác là do thu nhập từ nông nghiệp quá thấp. Ông Thắng nhẩm tính: "Trung bình vụ xuân mỗi sào cho năng suất 3 tạ thóc, tính với giá hiện thời 5.500 đồng/kg cho thu nhập 1.650.00 đồng. Trong khi đó chi phí cho 1 sào lúa hết 250.000 tiền 2kg thóc giống, 4500.000 đồng tiền thuốc BVTV, phân bón các loại, 300.000 đồng công cấy, 200.000 đồng công gặt, tổng chi đã hết 1.200.000 đồng. Nếu năng suất dưới 3 tạ coi như hòa vốn... Hiện trong xóm tôi chỉ còn lại những người đã quá tuổi lao động, không đi được đâu nữa mới bám đồng, bám ruộng thôi”.

Thiếu lao động mùa vụ đang là thực trạng chung, và ngày càng phổ biến ở nhiều địa phương khi thanh niên không thiết tha với nghề nông. Nguyên nhân một phần do khi chưa bước vào mùa vụ, lao động không có việc làm nên thường phải đi tìm việc ở các thành phố lớn, tại các khu công nghiệp để có thu nhập ổn định hơn. Đã hơn 3 năm làm công nhân tại khu công nghiệp Bắc Vinh, anh Đỗ Hồng Dương (ở xã Nam Trung) cho biết: "Nếu theo tính toán giá cả hiện nay thì người nông dân không thể ổn định cuộc sống với sản xuất nông nghiệp.

Một lao động trồng 1 sào lúa có thu nhập trung bình 500.000 đồng/3 tháng, trong khi đó họ đi làm công nhân ở khu công nghiệp hoặc ngành nghề khác cũng có thể thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng. Trước khi thoát ly, tôi cũng đã vay tiền bà con họ hàng đầu tư mua máy gặt đập liên hoàn phục vụ cho nhu cầu gia đình và làm thuê cho người dân trong vùng kiếm thêm đồng ra đồng vào. Nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp chỉ mang tính thời vụ trong thời gian ngắn, bởi vậy thu nhập không đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Đi làm công nhân, đến mùa vụ nếu tranh thủ về được thì giúp cha mẹ, không thì thuê người để có gạo ăn phục vụ nhu cầu gia đình".

Thiếu việc làm và thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến lao động nông thôn "di chuyển" về các tỉnh phía Nam và các thành phố lớn tìm kiếm việc làm. Hậu quả là các vùng nông thôn thiếu lao động, đặc biệt là trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới như hiện nay... Giải bài toán này như thế nào đang là vấn đề đặt ra đối với chính quyền các cấp.

Ông Nguyễn Văn Hưng (xã Nam Anh, Nam Đàn) chăm sóc giàn hoa thiên lý.
Ông Nguyễn Văn Hưng (xã Nam Anh, Nam Đàn) chăm sóc giàn hoa thiên lý.

Để đất “níu” chân người

Đầu tư mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn để nông dân gắn bó với ruộng đồng, với làng xóm là vấn đề được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Đã có hàng loạt giải pháp được thực hiện, như đẩy nhanh tốc độ ứng dụng khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; tổ chức lại sản xuất theo quy hoạch, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn; dạy nghề thiết thực gắn với điều kiện cụ thể của từng vùng; giải quyết việc làm để tăng thu nhập cho người lao động, hạn chế tối đa thời gian nông nhàn... với mong muốn khi đời sống nâng lên, người nông dân sẽ ít nghĩ đến việc bỏ ruộng, xa làng.

Hiện xã Nam Giang (Nam Đàn) có 4.398 người trong độ tuổi lao động (từ 20- 35 tuổi). Thời gian qua, việc xây dựng các nhà máy may tại khu CN Nam Giang đã thu hút gần 400 lao động trẻ, thế nên ở đây lao động trên đồng ruộng cũng chủ yếu là người già... Xác định sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua cùng với sự đầu tư của Nhà nước, xã đã đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ cho việc tưới tiêu, đảm bảo sản xuất. Hàng năm, Đảng uỷ quan tâm củng cố ban chỉ đạo sản xuất và xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế gắn với các mục tiêu cụ thể. Trong đó, một số nghị quyết chuyên đề về sản xuất vụ về việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng…

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ cho nông dân, đặc biệt là những hộ có hoàn cảnh khó khăn đầu tư sản xuất, Đảng bộ xã đã có những chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho bà con nông dân, như hàng năm mua phân bón trả chậm cho các hộ khó khăn để đầu tư sản xuất; phối hợp với các đoàn thể tổ chức các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; các nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân cũng được triển khai một cách minh bạch đến bà con nhân dân… Hiện tại, xã đã cơ bản hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa (từ 9.221 thửa xuống còn 3.132 thửa) có thể áp dụng được cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp - một giải pháp quan trọng nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng như hiện nay. Thời gian tới sẽ mở rộng vùng sản xuất lúa giống, tạo điều kiện giúp người nông dân yên tâm sản xuất, có nguồn thu ổn định ngay trên chính thửa ruộng nhà mình .

Thiếu lao động sản xuất nông nghiệp cũng đang là vấn đề mà xã Nam Anh (Nam Đàn) gặp phải. Xu hướng chung của thanh niên trong xã là không muốn bám đồng, bám ruộng. Hiện nay xã có gần 1.000 thanh niên đi lao động ngoài xã, hơn 400 thanh niên đi xuất khẩu lao động và khoảng 300 người đi làm công nhân cho các nhà máy may ở khu công nghiệp trong huyện. Lực lượng lao động chủ yếu trên các cánh đồng của xã Nam Anh hiện đã qua tuổi lao động.Trước thực trạng trên, xã cũng đã có nhiều nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng…; có những chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho bà con nông dân, như chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp bà con tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh...

Đặc biệt, bằng nguồn vốn hỗ trợ của chương trình NTM, người dân Nam Anh đưa cây hoa thiên lý ra đồng được hỗ trợ 200.000 đồng /sào. Từ mô hình vài ha, đến nay Nam Anh đã phát triển gần 40 ha, đem lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân; trung bình 1 sào hoa thiên lý mỗi năm cho thu nhập trên 15 triệu đồng, cao gấp đôi so với trồng các loại rau màu thông thường. Mô hình trồng thiên lý không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Ngoài ra, xã còn thu hút được một số doanh nghiệp vào địa phương thu mua nông sản lâu dài cho bà con. Từ vụ đông năm 2011, Công ty Tuấn Linh đã phối hợp với người dân xây dựng mô hình trồng ớt cay xuất khẩu trên diện tích 7 ha. Doanh nghiệp đảm nhận việc cung cấp giống, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Để phát huy lợi thế này, Liên minh HTX tỉnh đã giới thiệu doanh nghiệp nước ngoài đến xã Nam Anh tiếp tục nghiên cứu đầu tư phát triển diện tích ớt, cà xuất khẩu và trong thời gian tới sẽ ưu tiên tập trung đầu tư làm mô hình trồng cà với quy mô lớn, sản xuất phục vụ xuất khẩu...

Chung tay xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng về "Tam nông". Để nông dân gắn bó với ruộng đồng, các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch khu vực nông nghiệp sang hướng ứng dụng khoa học, kỹ thuật để tăng năng suất vật nuôi, cây trồng. Tổ chức lại sản xuất theo quy hoạch, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, dạy nghề thiết thực gắn với điều kiện cụ thể của từng vùng, giải quyết việc làm để tăng thu nhập cho người lao động. Khi đời sống nâng lên, chắc chắn người dân ít tính đến việc bỏ ruộng, bỏ làng... Sẽ là rất khó thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới khi mà lao động nông thôn không còn mặn mà với đồng ruộng.

Bài, ảnh: Ngọc Anh