Dọc đường đi và viết

08/11/2013 19:40

(Baonghean) - Ai cũng bảo làm nghề báo sướng thật: được đi đây, đi đó, được tiếp xúc với rất nhiều người, được khám phá nhiều miền quê khác nhau… Thế nhưng ít ai biết được, để có một bài báo hay, phản ánh trung thực nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất, những người làm báo chúng tôi đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả. Có những lần tác nghiệp tưởng chừng như đánh đổi cả nước mắt, mạng sống, để gửi tới bạn đọc những tác phẩm đầy đủ cung bậc xúc cảm của cuộc sống.

Chuyến công tác đặc biệt

Có lẽ bất cứ ai trong đời làm báo cũng “ủ” sẵn cho mình những chuyến đi. Có khi đi xa, có khi thật gần; có chuyến đi nhắm nhót sẵn cả mấy tháng trời nhưng cũng có khi xách ba lô lên và đi thật bất ngờ. Với chúng tôi, có lẽ chuyến tác nghiệp tại Quảng Bình trong những ngày Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chuyến đi bất ngờ nhưng đáng nhớ nhất trong đời làm báo non trẻ của mình.

Cũng như biết bao người dân Việt Nam khác, được tin Đại tướng rời “cõi tạm”, tôi không tránh khỏi cảm giác bàng hoàng, xót xa. Giữa bộn bề suy nghĩ, tôi rất muốn thực hiện loạt bài về con người vĩ đại ấy. Tâm trạng đó càng thôi thúc hơn đối với một người con Quảng Bình như tôi. Và bất ngờ thay, chỉ ít phút sau tôi nhận được điện thoại của cơ quan, yêu cầu vào ngay Quảng Bình để thực hiện loạt ghi nhanh trong những ngày Quốc tang diễn ra ở quê hương Người. Một chuyến đi bất ngờ nhưng không vội vàng, bởi với tôi, tâm niệm tìm về nơi chôn rau cắt rốn của một nhân cách lớn Việt Nam luôn thường trực.

Hành trình TP. Vinh - TP. Đồng Hới mất đúng 4 tiếng đi tàu. Từ Tp Đồng Hới đến làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) quê Đại tướng hơn 50km, còn để đến Vũng Chùa, Quảng Trạch- nơi được định làm chốn ngàn thu của Người phải hơn 70km. Cưỡi con ngựa sắt lọc cọc mượn của một đồng nghiệp ở Đài PT- TH Quảng Bình, tôi thẳng tiến về làng An Xá để mở đầu cho loạt bài về Lễ Quốc tang của tướng Giáp với bài báo: “Huyền thoại bên dòng Kiến Giang” gửi về trong ngày. Tôi nhớ mãi câu nói của một cụ già: “Người làm việc quốc gia thì phải đi xa, chơ chừ Người nằm xuống thì về với đất Quảng Bình ni. Khi mô Quảng Bình cụng nhớ đến Người chơ!”

Tiếp những ngày sau, tôi cố gắng tiếp cận khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến để phản ánh tâm trạng của người dân địa phương nơi đây. Từ 6h sáng ngày 12/10 đã đứng chờ ở Sở TT- TT Quảng Bình để nhận thẻ tác nghiệp để vào UBND tỉnh Quảng Bình - nơi diễn ra Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi hoàn toàn choáng ngợp trước dòng người đổ về đây. Trời mưa to, thật khó để tìm được một góc chụp phản ánh hết tâm trạng tiếc thương của người dân trước sự ra đi của Người trong điều kiện thời tiết như thế này!

Sau lễ viếng tại UBND tỉnh, tôi lại tiếp tục thẳng tiến về làng An Xá. Những cư dân ở làng giữ rất nhiều kỷ niệm thời ấu thơ và những lần Người về thăm quê, còn những người thân trong gia đình Đại tướng ở quê nhà đang bộn bề lo công việc hậu sự cho Người. Ngày hôm đó tôi gửi về tòa soạn bài ghi nhanh: “Quê hương nghiêng mình tiễn biệt Người”, bài viết ghi lại những cảm nhận của tôi về không khí Lễ viếng Đại tướng tại UBND tỉnh Quảng Bình và quê nhà An Xá lúc bấy giờ. Bài viết được gửi đi lúc đó đã hơn 22h, vội vàng đi bộ ra phố mua ổ bánh mỳ lót dạ, rồi lại về “tổng hành dinh” là căn phòng nhỏ bí bức của một nhà nghỉ trên đường Lý Thường Kiệt, Tp Đồng Hới để tìm thông tin định hướng cho những bài báo tiếp theo.

Buổi sáng trọng đại đã đến. TP. Đồng Hới ngày hôm đó thức giấc thật sớm. Những đoàn xe hành hương từ khắp nơi đổ về hướng đến Cảng hàng không Đồng Hới - nơi đầu tiên đoàn linh xa tiễn Người về đất Mẹ sẽ đặt chân xuống. CSGT bất lực trước dòng người bất tận, đủ các phương tiện và các nhịp bấm còi. Dù đã căn giờ xuất phát rất sớm nhưng đến ngang khu vực Cảng hàng không Đồng Hới vẫn không thể tìm được cách nào lọt vào được. Thẻ tác nghiệp của tôi là thẻ xanh, phải có “thẻ đen”- loại thẻ đặc biệt chỉ phát hạn chế mới vào được những khu vực quan trọng. Tôi quyết định trực ở Cảng hàng không Đồng Hới và đi theo đoàn linh xa chở linh cữu Đại tướng ra Vũng Chùa – Đảo Yến.

Còn nữ phóng viên Phương Chi – đồng nghiệp vừa vào thử việc được cơ quan tăng cường vào Quảng Bình ngồi xe máy tìm đường tránh để đến Vũng Chùa, Quảng Trạch ghi nhận không khí của người dân bản địa và khách thập phương. 3 tiếng đồng hồ ngồi chờ khoảnh khắc đoàn linh xa chở Người đi qua tưởng như bất tận… Đúng 12h50, đoàn linh xa đã tiến vào trong tầm quan sát của máy ảnh. Phóng viên Phương Chi “trưng dụng” tấm lưng to kệch của cậu em lái xe đi cùng làm giá máy! 1…2…3! Tách tách tách… liên tục và sau đó bình tĩnh chuyển sang chế độ quay. Khoảnh khắc ấy diễn ra rất nhanh vì đoàn linh xa khi lên dốc cao Lý Hòa phải tăng tốc hơn so với các cung đường trước.

Hạnh phúc nhất, loạt bài về sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp của phóng viên Báo Nghệ An nhận được nhiều khích lệ của độc giả. Mới thấy, thật may mắn khi phóng viên trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề như chúng tôi được cơ quan tin tưởng giao trọng trách, và cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm xương máu trong chặng đường làm báo còn rất dài phía trước.

Thành Duy – Phương Chi

Thương nhớ Nhà giàn DK1

Tôi may mắn được Ban Biên tập cử đi theo đoàn công tác ra thăm và chúc tết cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1 trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc. Với tôi, đây là niềm vinh dự to lớn mà không phải bất kỳ ai cũng có được. Sau bao đêm thấp thỏm, háo hức, sáng 13/1/2013, tôi được lên tàu HQ624, Hải đội 812 thuộc BTL Hải quân Vùng 2 cùng đoàn công tác bắt đầu chuyến hành trình ra thăm và chúc Tết các cán bộ, chiến sỹ đang công tác trên Nhà giàn DK1. Biển không lãng mạn, không bình yên như trong thơ. Ngày con tàu HQ624 chở chúng tôi ra khơi, biển hệt như một bà mẹ chồng già khó tính. Cánh phóng viên chúng tôi, kẻ nằm không được, kẻ đứng chẳng xong. Cứ lang thang vạ vật, cho bớt cơn say sóng đang chực ứ lên đầy cổ họng. Tôi lần đầu đi biển, nhưng may mắn không say sóng nhưng cũng chẳng khác gì “người thực vật” chỉ ăn, nằm và ngủ. Ấy vậy mà trong hoàn cảnh đó, các chiến sỹ hải quân vẫn cần mẫn, chỉn chu trong tác phong công việc. Sự dữ dội của sóng biển đã rất đỗi bình thường, như một phần cuộc sống của các anh.

Tác nghiệp ở Trường Sa.Ảnh: Minh thông
Tác nghiệp ở Trường Sa. Ảnh: Minh Thông

Thực ra, ai mà quen được sóng gió dữ dội và khắc nghiệt thế này. Sự khác biệt giữa chúng tôi với những người lính ấy có chăng chỉ bởi 2 chữ nhiệm vụ mà thôi. Chỉ có niềm tin, bản lĩnh, nghị lực và tình đồng đội mới giúp người chiến sỹ vượt qua được những khó khăn, thiếu thốn. Hy sinh, mất mát là điều phải lường trước. Nhưng nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ biết dành phần ai”. Có thể trong cuộc đời nếu được lựa chọn, chẳng ai muốn mình phải khổ sở. Nhưng ngoài sự lựa chọn một cách bản năng ra, còn có sự lựa chọn của lương tri, trách nhiệm, của tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc.

Vì sóng biển quá lớn nên việc cập ca nô gần chân cầu thang là điều không thể. Do đó, tất cả chúng tôi phải đu dây để lên được nhà giàn. Biển động gầm gừ xung quanh, những cú va chạm giữa ca nô với chân nhà giàn làm đứng tim bất cứ ai non gan. Sau bao nỗ lực, niềm vui đã tụ hội. Gặp các anh, vẻ hồn nhiên, chân chất của những người con từ bao vùng quê nghèo khó, đượm tình vẫn chưa hề phai nhòa trên từng nụ cười, nét mặt. Sau cái bắt tay ấm áp, chúng tôi hỏi quê quán của nhau. Khi biết tôi đến từ mảnh đất Nghệ An xa xôi, các anh ôm chầm lấy và gọi lên tiếng thân thương: “Đồng hương!” Tiếng gọi thân thương, bình dị đến kỳ lạ, nó ẩn chứa biết bao lời muốn nói nhưng không thốt thành lời. Những giọt nước mắt chực rơi mà cố kìm nén lại...

Hơn 10 ngày đêm lênh đênh trên biển, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và nói chuyện với rất nhiều gương mặt đến từ mọi miền quê trên đất nước. Trong số đó, có những người con xứ Nghệ. Dù thời gian tiếp xúc, nói chuyện không được nhiều nhưng điều chúng tôi nhận thấy là ở các anh đang căng tràn khát vọng, chí hướng và luôn kiên định vững vàng trước những khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng biển trời của Tổ quốc, xứng đáng là người lính Cụ Hồ và người con của xứ Nghệ.

Các anh kể, thời điểm Tết thì những giá trị về vật chất không còn là điều lo ngại bởi đất liền luôn quan tâm đến các anh đầy đủ. Chỉ duy nhất một điều, đó là nỗi nhớ quê nhà, gia đình trong thời khắc ấy trỗi dậy mãnh liệt hơn lúc nào hết. Các anh khao khát đến bỏng cháy một giọng bi bô con trẻ, một tiếng cười đùa của phụ nữ hay chỉ một cái nắm tay ấm áp của mẹ già nơi quê nhà... Nhưng vượt lên trên tất cả, các anh vẫn sống, chiến đấu hiên ngang giữa sóng gió. Trên Nhà giàn DK1, nước ngọt và rau xanh được xem còn quý hơn vàng bạc. Chỉ khi có khách đến thăm, các anh mới “mạnh dạn” luộc một đĩa rau trong bữa ăn. Dù thiếu thốn thế nào đi nữa nhưng các chiến sỹ vẫn nhường một phần nước ngọt để những người khách đến thăm rửa tay, mặt mũi sau một chặng đường sóng gió, đầy vị mặn mòi muối biển. Cái tình giữa biển khơi và đất liền nhiều lúc chỉ là một cử chỉ nhẹ nhàng đến thế.

Rồi chuyến hành trình cũng đến lúc kết thúc, con tàu đưa chúng tôi trở lại đất liền, xa nhà giàn nhỏ bé giữa trùng khơi. Cuộc đời làm báo vất vả, gian nan nhưng so với các cán bộ, chiến sỹ đang công tác trên Nhà giàn DK1 thì có thấm tháp vào đâu. Quanh năm làm bạn cùng biển cả để bảo vệ Tổ quốc, các anh bộ đội nhà giàn vẫn lạc quan, yêu đời làm sao. Sự hy sinh của các anh cho quê hương, đất nước lặng thầm nhưng thật lớn lao…

Phạm Bằng

Đột nhập kho gỗ!

Cuối tháng 4/2013, Báo Nghệ An nhận được thông tin ở ngay giữa Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) có một kho gỗ "không rõ nguồn gốc xuất xứ", người dân rất bức xúc với chuyện này...

Đúng vào ngày Quốc tế Lao động 1/5, tôi ngược đường lên Thị trấn Kim Sơn để điều tra về kho gỗ trên. Tìm đến địa chỉ kho gỗ không khó, nhưng vấn đề đặt ra là làm sao xâm nhập vào để được nhìn tận mắt, đo đếm được chất lượng, khối lượng và ghi lại hình ảnh. Tiếp cận khu vực có kho gỗ, thấy tại đây luôn có người nên tôi đành rút lui vì sợ chưa nắm được thông tin gì thì đã bị phát hiện là phóng viên báo chí.

Mất vài giờ lang thang ở khu vực lân cận, tiếp cận và bắt chuyện với một số người dân, tôi đã nắm được rất nhiều thông tin giá trị. Rằng kho gỗ không phải là của chủ nhà. Người chủ này có một ngôi nhà khác ở cùng khối phố, ông ấy mua bán bất động sản. Trong thời gian chưa có khách mua ưng ý, ông cho người khác mượn vườn chứa gỗ, và cả trong căn nhà hai gian cũng vậy... Có được những thông tin này, suy đi tính lại, cuối cùng tôi quyết định vào vai người tìm mua đất để tiếp cận chủ nhà, qua đó mục sở thị kho gỗ. Quả nhiên, sau khi tiếp cận, hỏi han về xuất xứ nguồn gốc đất đai, ngắm hướng nhà, xem tuổi tác và giá cả, người chủ nhà đã cho phép tôi được thăm thú toàn bộ khuôn viên khu đất, để rồi tôi có được đầy đủ tư liệu chứng minh có sự tồn tại của kho gỗ.

Có được thông tin về kho gỗ rồi, nhưng vấn đề đặt ra tiếp theo là làm sao để xác minh có đúng là "không rõ nguồn gốc xuất xứ" hay không, bởi ở Quế Phong, hầu như người dân nào chẳng có ít nhiều gỗ cất trong nhà. Cuối cùng tôi quyết định tìm đến Hạt Kiểm lâm Quế Phong, nói cho các anh biết về sự tồn tại của kho gỗ và đề nghị xác minh nguồn gốc xuất xứ. Cán bộ kiểm lâm đã nhanh chóng cử người phối hợp với kiểm lâm địa bàn đến địa điểm kho gỗ để xác minh. Sau đó, tôi nhận được thông báo từ lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Quế Phong: Thông tin về kho gỗ là chính xác và các loại gỗ ở đây đều không rõ nguồn gốc xuất xứ... Nhận được tin này, tôi rất vui vì nhiệm vụ được giao cơ bản đã hoàn thành. Nhưng giờ phút đó đã bắt đầu một phiền phức mới. Nguyên nhân là vì khi các cán bộ kiểm lâm kiểm tra kho gỗ nên sự xuất hiện của tôi đã không còn bí mật. Bắt đầu từ đây, cứ vài phút lại có số máy lạ gọi đến, xưng danh này nọ và đề nghị cho gặp để "trao đổi thêm thông tin",...

Cực chẳng đã, tôi đành báo cáo Ban Biên tập và đánh bài "tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách" rời khỏi đất Quế Phong về Quỳ Hợp để khẩn trương viết bài cho báo. Với những thông tin cụ thể, chi tiết đã thẩm định qua nhiều nguồn khác nhau, bài viết đã được Ban Biên tập cho đăng tải ngay sau đó và đã có hiệu ứng tức thì. Chi cục Kiểm lâm yêu cầu Hạt Kiểm lâm Quế Phong xác minh báo cáo, chỉ đạo hạt này tạm giữ toàn bộ số lượng gỗ "không có nguồn gốc xuất xứ" nói trên, và nhận được sự cảm kích của người dân Kim Sơn, Quế Phong.

Hà Giang

Tác nghiệp vùng lũ

Cuộc gọi điện điều động đi tác nghiệp vùng bão lũ của tòa soạn bao giờ cũng bất ngờ, vội vàng, gấp gáp. Tiếng chuông rất có thể reo vào lúc nửa đêm hay rạng sáng, nghe loáng thoáng đầu dây bên kia “vùng này xảy ra lũ quét, hay bão chuẩn bị đổ bộ vào” thì bên này phóng viên lập tức chuẩn bị đồ đoàn tác nghiệp để sẵn sàng lên đường…

Để có thể “vững tâm, yên trí” đi vào phản ánh tình hình ở vùng bão lũ, đòi hỏi người phóng viên phải chuẩn bị rất nhiều thứ: Trước hết, các loại máy tác nghiệp từ máy quay, máy ảnh, ghi âm, máy tính cá nhân, USB 3G cho đến điện thoại phải đầy đủ và luôn trong tình trạng no pin; Thứ đến, là các vật dụng cá nhân đảm bảo có thể sử dụng trong nhiều ngày nhưng phải tiện ích và nhỏ gọn; một vài chiếc áo mưa, ô che, áo phao mang theo sẽ là không thừa; và cuối cùng là lương khô, mì tôm, nước uống, thuốc men… Thực tế những lần tác nghiệp trong vũng bão lũ đã cho thấy: Sự thiếu hụt bất cứ một thứ gì nêu trên đều có thể dẫn đến những rắc rối, gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Mưa lũ có thể kéo dài rất dài ngày, phóng viên nào chủ quan không khéo lại tự biến mình thành “người được đưa tin” (từ vị thế người đi cứu trợ trở thành người cần được giúp đỡ).

Và dù có chuẩn bị chu đáo đến mấy, bước vào vùng bão lũ, phóng viên cũng không thể lường trước những khó khăn, gian khổ mà bản thân có thể gặp phải: Đó là hàng chục km lội bộ, băng rừng trong bùn nhão, lau lách do đường bị sạt lở; là bơi trên những con thuyền, con đò nan nhỏ giữa biển nước mênh mông, cuồn cuộn chảy xiết; là nước bao vây bốn phía, không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại có khi cả một tuần liền; là những cú ngã sõng xoài do đường trơn, phương tiện đi lại hư hỏng phải dắt bộ trong tình trạng mệt, đói lả và khát… Chỉ đến khi công việc viết tin, chuyển bài về tòa soạn hoàn tất, ngả lưng xuống, nhắm mắt nghĩ lại đoạn đường mà bản thân vừa trải qua, phóng viên tác nghiệp vùng lũ không khỏi rùng mình. Nhưng khi nghĩ đến những bài viết vùng lũ được phản ánh chân thực, được độc giả đón nhận và tác động sâu sắc đến lòng trắc ẩn, nhân ái của các nhà hảo tâm, bà con vùng lũ sẽ nhận được sự sẻ chia ủng hộ… thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh và động lực.

Một lần vào vùng bão lũ, mỗi phóng viên lại thêm một lần thấy mình được trưởng thành hơn, học được nhiều điều hơn. Qua cơn phong ba, tình người đọng lại; với bản thân tôi và rất nhiều phóng viên bão lũ khác sẽ mãi không quên hình ảnh đồng chí Hà Thị Khiết, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, chân trần lội bùn đất, vượt 5km đường núi vào thăm hỏi động viên đồng bào xã Yên Tĩnh trong trận lũ quét năm 2009; hình ảnh anh dân quân xã Hưng Lợi nửa đêm cõng cụ già 80 tuổi sống đơn thân chạy lên bờ đê tránh lũ dâng cao năm 2010; sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Tài Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương khi chở mỳ tôm đi cứu trợ nhân dân; là hình ảnh ông Nguyễn Văn Thắng, xóm 4, xã Nam Cường, huyện Nam Đàn chèo thuyền nan khắp các xóm ngập sâu xem có ai cần giúp đỡ; là bữa ăn của những cháu bé vùng lũ sau khi nước rút chỉ là gói mỳ tôm…

Thiền Thanh