Mùa măng ở Kỳ Sơn

02/10/2013 20:24

\(Baonghean.vn) - Thời gian này, khi vùng biên Kỳ Sơn bước vào mùa mưa thì cũng là lúc người dân ở các bản làng “đổ bộ” lên rừng hái măng. Người người hái măng, nhà nhà làm măng khiến bản làng trở nên nhộn nhịp khác thường.

Cố gắng đặt gùi măng nặng trĩu xuống vệ đường trước khi chui vào bụi măng để đào tiếp, bà Lầu Y Xềnh ở bản Huồi Đun, xã Huồi Tụ nở nụ cười tươi rói kể về mùa măng ở bản mình. Năm nay, mùa mưa về sớm, măng trên rừng cũng mọc sớm và nhiều hơn, dày và chắc hơn. “Cả nhà ta hơn tuần nay đều thay nhau, người lên rừng đào măng, người bóc vỏ, người phơi. Mưa nhiều quá cũng ảnh hưởng đến việc phơi phong, chế biến măng nhưng bà con ai cũng vui vì măng được mùa”, bà Xềnh cho biết.

Chiều về, dọc con đường đất từ trung tâm xã Huồi Tụ đi vào các xã Na Loi, Đoọc Mạy, Keng Đu, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh bà con các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú với những gùi măng nặng trĩu trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả. Trên các mái nhà ven đường, người dân tận dụng để làm nơi phơi măng khiến những căn nhà bạc phếch vì rêu phong được điểm xuyết thêm nhiều đốm bạc, vừa lạ, vừa vui mắt. Thỉnh thoảng gặp trời mưa, lại gặp cảnh bà con hớt hơ hớt hải thu dọn măng, cho vào gác bếp khiến không khí bản làng ở vùng cao này trở nên vui tươi, rộn rã.

Măng được bà con xã Đoọc Mạy phơi trên các mái nhà
Măng được bà con xã Đoọc Mạy phơi trên các mái nhà

Từ nhiều năm nay, cùng với các loại đặc sản khác như bò giàng, me, xoài, dưa chuột Mông thì măng chua, măng khô là thứ đặc sản có tiếng ở đất Kỳ Sơn. Dọc con đường từ xã Chiêu Lưu đến thị trấn Mường Xén, lên Tà Cạ, có rất nhiều điểm chế biến và bán măng tươi, măng chua, măng khô. Nhiều đại lý đã trở thành thương hiệu. Măng Kỳ Sơn được trồng trong những khu rừng quanh năm mây mù bao phủ, độ ẩm cao, lượng mưa nhiều nên măng dày, chắc và ngọt hơn.

Gần chục năm nay bà con đưa vào trồng nhiều loại măng cho năng suất cao và chất lượng tốt như măng điền trúc, bát độ, măng tây nên hầu như mùa măng nào, bà con cũng được mùa. Nhưng, cũng như các sản phẩm khác, được mùa đồng nghĩa với rớt giá. Đầu mùa măng cũng là thời gian mà bà con dân bản chuẩn bị mua sắm sách vở, quần áo cho con bước vào năm học mới, hầu hết những khoản tiền này đều trông cậy vào cây măng nhưng cũng vì thế mà họ bị tiểu thương ép giá.

Bà Lầu Y Xềnh với gùi măng nặng trĩu
Bà Lầu Y Xềnh với gùi măng nặng trĩu

Từ xã Đọoc Mạy, ông Lò Văn Khoành ôm hai bó măng đi bộ ra chợ phiên Huồi Tụ để bán. Sau một hồi cò kè, hai bó măng được 1 tiểu thương ở dưới xuôi mua với giá 70 ngàn đồng/kg. “Nói hai cân măng bán được 140 ngàn thì có vẻ nhiều lắm nhưng để làm được nó, phải mất hơn 2 yến măng tươi và cả tháng trời phơi, sấy”, ông Khoành thở dài và cho biết, măng tươi còn bị ép bán dưới chân rẫy, giá rẻ hơn rất nhiều.

Ông Lò Văn Khoành mang măng khô ra chợ Huồi Tụ, bán với giá rất rẻ
Ông Lò Văn Khoành mang măng khô ra chợ Huồi Tụ, bán với giá rất rẻ

Nhiều người dân Khơ Mú ở bản Huồi Phuôn 2, xã Keng Đu tâm sự, rất muốn để măng bán vào dịp gần Tết nhưng vì bí tiền quá nên họ phải bán tháo cho tiểu thương dưới xuôi. Đây là những người chở xe thồ mang theo đủ loại nhu yếu phẩm từ muối mắm, cây kim, cuộn chỉ đển thẻ điện thoại vào tận bản bán cho người dân và thu mua măng khô, gà đen, lợn nít về xuôi kiếm lời. Vì bị ép giá nên nhiều người dân ở các xã như Phà Đánh, Huồi Tụ, Đọoc Mạy đã cố gắng gùi măng xuống thị trấn Mường Xén nhập lại cho các đại lý chế biến măng chua, măng sấy khô. Giá có cao hơn nhưng mỗi chuyến xuống chợ, họ phải đi mất cả ngày trời….

Chia tay những bản làng vùng biên sau những ngày mưa tầm tã. Về đến thành phố Vinh, chúng tôi giật mình khi biết giá mỗi kg măng khô ở các chợ đắt gấp đôi nhưng chất lượng không thể sánh với măng Kỳ Sơn. Tìm hỏi mua một cân măng búp khô chất lượng như loại mà ông Lò Văn Khoành bán ở chợ phiên Huồi Tụ, nhiều tiểu thương đều lắc đầu bảo phải chờ đến dịp gần Tết mới có nhiều hàng. Lại nhớ đến lời trăn trở của ông Lương Văn Ngam, chủ tịch UBND xã Keng Đu: “Bà con ở đây trồng nhiều loại lâm đặc sản như măng, bo bo, cánh kiến nhưng hầu như không có đầu ra ổn định, hầu như đang phải chịu cảnh tự sản tự tiêu vì giao thông quá cách trở”.

Nguyên Khoa