Chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam lên tới 9,5 lần

09/12/2013 21:56

Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo tăng từ 9,2 lần (năm 2010) lên khoảng 9,4-9,5 lần (năm 2012).

Đánh giá về những thành tựu giảm nghèo, bà Victoria Kwawa – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, trong 20 năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công giảm nghèo. Nhưng bà Kwawa bày tỏ lo lắng vì vẫn còn 19 triệu người nghèo, trong đó 75% đối tượng cực nghèo là người thiểu số. Ngoài ra, vẫn còn nhiều người thuộc nhóm gần ngưỡng nghèo và luôn có nguy cơ bị trở lại nhóm nghèo. Một khía cạnh nữa là trong vài năm gần đây, bất bình đẳng đã tăng nhẹ. Trong khi thu nhập tăng trong tất cả các nhóm thì thu nhập bình quân của nhóm 20% người giàu nhất so với thu nhập của nhóm 20% thu nhập nghèo nhất đã tăng từ 7 lần lên 8,5 lần trong giai đoạn 2004 – 2010.

Bà Kwawa cho rằng, bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ xã hội cũng đáng quan ngại. Ví dụ, mặc dù phạm vi bảo hiểm y tế đã tăng và đã đạt tiến bộ trong thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, sự cách biệt về tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh giữa các địa phương cao nhất (Điện Biên) và thấp nhấp (TP HCM) vẫn là 5 lần; và sự khác biệt về tỷ lệ đó giữa nhóm dân tộc thiểu số và nhóm đa số là 3 lần. Sự bất bình đẳng về kinh tế và tiếp cận dịch vụ xã hội thiết yếu tác động qua lại nhau.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh – Xã hội Cao Lại Quang cũng thừa nhận, bên cạnh những thành tựu về giảm nghèo đã đạt được, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn.

Theo ông Quang, Chính phủ Việt Nam đã nhìn nhận rõ các hạn chế này. Thứ nhất, tốc độ giảm nghèo không đồng đều, chưa bền vững. Tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vũng đồng bào dân tộc nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%; tỷ trọng hồ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 47% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước; khoảng cách chênh lệch giàu nghèo tăng từ 9,2 lần (năm 2010) lên khoảng 9,4-9,5 lần (năm 2012).

Thứ hai, có quá nhiều chính sách đối với hộ nghèo, vùng nghèo, làm cho nguồn lực bị phân tán, khó tổ chức lồng ghép. Cụ thể, hệ thống chính sách, chương trình giảm nghèo được thiết kế trong hầu hầu các chương trình mục tiêu quốc gia (16 chương trình) và nhiều chính sách giảm nghèo (trên 8 lĩnh vực với khoảng 70 chính sách) đều được thực hiện trên một địa bàn.

Thứ ba, tuy Nhà nước đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi nhưng mức đầu tư còn thấp so với nhu cầu thực tế; có nhiều chính sách giảm nghèo nhưng chủ yếu là các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho không để tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (như chính sách y tế, giáo dục, nhà ở…). Nhóm chính sách này cũng đang có những tác động trái chiều là tạo ra sự trông chờ, ỷ lại của một bộ phận không nhỏ người nghèo, trong khi chính sách tạo sinh kế cho người nghèo còn ít, suất đầu tư thấp. Việc chậm ban hành các chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng hạn chế đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

“Do chuẩn nghèo còn thấp nên thực tế còn một bộ phần người nghèo đã thoát nghèo nhưng đời sống vẫn còn nhiều khó khăn và muốn được nằm trong danh sách hộ nghèo. Chính sách đầu tư của Nhà nước chưa đạt được sự công bằng trong dân cư, chưa khuyến khích hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo” – ông Quang nói.

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng ở cấp quốc gia trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ trong vòng 30 năm qua và đang đạt được mục tiêu thiên niên kỷ số 4 trước năm 2015. Tuy nhiên, bất bình đẳng giữa các nhóm khác nhau đang tăng lên, đặc biệt là nhóm khác biệt về dân tộc, thu nhập tài chính, nơi sinh sống và giáo dụ về sức khỏe bà mẹ. Theo Bộ Y tế, trẻ em dân tộc thiểu số có khả năng tử vong lớn gấp 3-4 lần khả năng tử vong ở trẻ người Kinh/Hoa là hàng xóm của họ. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ tử vong của trẻ em dân tộc thiểu số đã cao hơn trong vòng 5 năm qua (theo số liệu Giám sát dinh dưỡng quốc gia năm 2012).

Còn theo Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam, thách thức trực tiếp nhất là tăng trưởng suy giảm và những tác động của chương trình cải cách cơ cấu của Việt Nam. Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng trung bình 7,51% mỗi năm trong giai đoạn 2001-2005, và 8,23% và 8,46% trong các năm 2006 và 2007; nhưng chỉ tăng trung bình 5,83% mỗi năm trong giai đoạn 2008-2012, và chỉ 5,03% trong năm 2012, đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2000.

Chương trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng sẽ tạo ra những tác động tích cực đến nền kinh tế trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, những tác động ngắn hạn của những thay đổi này (cả về kinh tế và xã hội) là không thể tránh khỏi và cần được đánh giá kỹ lưỡng để giảm thiểu những tác động bất lợi, bao gồm cả đối với các hộ gia đình nghèo và dễ bị tổn thương./.

Theo VOV.VN