Bảo vệ tương lai của chúng ta

12/11/2013 17:01

(Baonghean) -Trong những năm gần đây, tình hình bệnh nhân đái tháo đường tuy đã được chẩn đoán, quản lí và điều trị tại các tuyến đạt hiệu quả cao, song thực tế vẫn còn một số vấn đề cần thống nhất trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh có hiệu quả hơn nữa vì sức khỏe người bệnh.

(Baonghean) -Trong những năm gần đây, tình hình bệnh nhân đái tháo đường tuy đã được chẩn đoán, quản lí và điều trị tại các tuyến đạt hiệu quả cao, song thực tế vẫn còn một số vấn đề cần thống nhất trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh có hiệu quả hơn nữa vì sức khỏe người bệnh.

Đái tháo đường là một bệnh rối loạn về chuyển hoá do hậu quả của sự giảm tiết insulin, giảm tác dụng của insulin hoặc kết hợp cả hai yếu tố. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose máu và rối loạn chuyển hoá các chất glucid, protid và lipid. Tăng glucose máu lâu ngày gây tổn thương, suy giảm và rối loạn chức năng của nhiều cơ quan, đặc biệt là tim mạch, mắt, thận và hệ thần kinh.

Đặc điểm lớn nhất trong sinh lý bệnh của đái tháo đường týp 2 là có sự tương tác giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường. Trong đó, các yếu tố di truyền và tuổi thọ ngày càng cao dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ngày càng cao là những yếu tố không thể can thiệp được. Còn yếu tố môi trường là nhóm các yếu tố có thể can thiệp được để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh. Bao gồm: Sự thay đổi lối sống như giảm các hoạt động thể lực; thay đổi chế độ ăn uống theo hướng tăng, giảm chất xơ gây dư thừa năng lượng; chất lượng thực phẩm; các stress.

Đặc điểm các biến chứng của bệnh đái tháo đường týp 2 gắn liền với quá trình phát sinh và phát triển của bệnh. Ngay tại thời điểm phát hiện bệnh trên lâm sàng người thầy thuốc đã phải tìm các biến chứng của bệnh. Về phân loại biến chứng, có thể phân ra các biến chứng cấp tính, mạn tính. Trong các biến chứng mạn tính lại chia ra các biến chứng mạch máu lớn, mạch máu nhỏ.

Bệnh nhân ngoại trú chờ khám tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh.Ảnh: P.V
Bệnh nhân ngoại trú chờ khám tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh. Ảnh: P.V

Thế giới hiện đã có hơn 370 triệu người mắc đái tháo đường, mỗi năm có thêm 7 triệu người mắc mới, khoảng 50% người mắc không được phát hiện sớm. Trên thế giới cứ 10 giây có 1 người chết do đái tháo đường, cứ 30 giây có 1 người phải cắt cụt chi do biến chứng của đái tháo đường (ĐTĐ).

Tại Việt Nam, số mắc đái tháo đường tăng nhanh chóng. Năm 2012 có 5,7 người trưởng thành (30-69 tuổi) mắc đái tháo đường, tỷ lệ này hiện đã khoảng 6%. Đặc biệt tại các thành phố lớn, tỷ lệ này ở người có nguy cao lên đến 10-12% thậm chí gần 15%. Trong khi đó, năm 2002, tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường chỉ chiếm khoảng 2,7% dân số. Đến nay, sau đúng 10 năm, tỷ lệ bệnh nhân mắc tiểu đường đã tăng gấp đôi. Trong khi đó, theo xu hướng chung, tỉ lệ này cần phải mất 15 năm mới tăng lên gấp đôi. Đáng lo ngại, đái tháo đường týp 2 đang tăng nhanh ở người trẻ (dưới 35 tuổi) và tăng lên ở trẻ em. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em tăng cao là “nguồn” bổ sung thêm những người mắc đái tháo đường trẻ tuổi, đây là “tương lai” rất gần của Việt Nam.

Tại Nghệ An, theo kết quả điều tra năm 2005, toàn tỉnh có 3% dân số (90 ngàn người) bị ĐTĐ; đến cuối năm 2010 tỷ lệ này đã tăng lên 5,36%, tương đương gần 165 ngàn người bị ĐTĐ, trong đó có trên 110 ngàn người chưa được chẩn đoán và điều trị. Như vậy, hiện nay chúng ta mới quản lí điều trị cho trên 50 ngàn người bệnh ĐTĐ tại các cơ sở y tế. Nếu không có giải pháp phòng chống tích cực, thì đến năm 2015 Nghệ An sẽ có khoảng hơn 210 ngàn người bị ĐTĐ và 2025 sẽ là con số hơn 360 ngàn.

Béo phì liên quan mật thiết với đái tháo đường. Trong khi đó, hiện nay, lối sống thay đổi, vận động ít (trước đây ta đi bộ, đi xe đạp là những phương tiện phải vận động, giờ đi xe máy, đi ô tô làm vận động của con người cũng giảm đi), ngồi xem ti vi nhiều, ăn thức ăn nhiều chất béo… là tác nhân gây gia tăng bệnh đái tháo đường. Trước đây, béo phì liên quan đến đái tháo đường týp 2, thường gặp ở người trên 40 tuổi, người già. Bây giờ đã có nhiều trẻ bị tiểu đường týp 2 vì béo phì.

Trong khi số người mắc tiểu đường có xu hướng tăng nhanh nhưng số người được phát hiện bệnh lại rất thấp. Tỷ lệ người bệnh tiểu đường trong cộng đồng không được phát hiện ở nước ta là gần 64%. Kiến thức chung về bệnh của người dân cũng rất thiếu. Gần 76% số người được hỏi có kiến thức rất thấp về chẩn đoán và biến chứng của bệnh, chỉ có 0,5% có kiến thức tốt.

Chủ đề của "Ngày thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường" giai đoạn 2010 - 2015 là “Giáo dục và phòng ngừa đái tháo đường”. Khẩu hiệu “Phòng, chống bệnh đái tháo đường: Bảo vệ tương lai của chúng ta” là chủ đề của năm 2013.

Để thực hiện đạt mục tiêu, chủ đề đó, tất cả chúng ta hãy chung tay, góp sức làm giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh ĐTĐ như: quá cân, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá lipide...; Bệnh ĐTĐ hoàn toàn có thể phòng chống được, nếu người dân được trang bị đầy đủ các kiến thức thực hành về chế độ ăn và luyện tập hợp lý, nếu các cơ sở y tế có cán bộ được đào tạo, được tập huấn đầy đủ các phương pháp tuyên truyền, các kiến thức tư vấn,... đặc biệt, cần có đủ kinh phí để hỗ trợ cho các trung tâm y tế... làm tốt chức năng khám chữa bệnh ban đầu.

Người bệnh ĐTĐ hoàn toàn có thể có cuộc sống bình thường với chất lượng cuộc sống cao, nếu người bệnh tự biết chăm lo sức khỏe của mình bằng cách phối hợp với thầy thuốc trong việc tuân thủ phác đồ điều trị, nếu người thầy thuốc phát hiện sớm các biến chứng của bệnh để phòng và điều trị, nếu chúng ta không vì mục đích khác ngoài vì sức khỏe của người bệnh bằng cách thực hiện tốt quy định phân cấp điều trị mà Bộ Y tế đã ban hành tại Quyết định 3280/QĐ-BYT ngày 9/9/2011.

Bác sỹ Nguyễn Văn Hoàn