Nhà ông Hoàng Viện - Nơi hoạt động của Xứ ủy Trung

19/08/2013 17:35

Năm 1930-1931, Xứ uỷ Trung Kỳ chọn nhà ông Hoàng Viện làm nơi hoạt động để chỉ đạo phong trào cách mạng. Cuối năm 1940, tại nhà ông Hoàng Viện - cơ quan Xứ uỷ đã đón đồng chí Mười Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh) cán bộ Trung ương về chỉ đạo Xứ uỷ chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.

(Baonghean) - Năm 1930-1931, Xứ uỷ Trung Kỳ chọn nhà ông Hoàng Viện làm nơi hoạt động để chỉ đạo phong trào cách mạng. Cuối năm 1940, tại nhà ông Hoàng Viện - cơ quan Xứ uỷ đã đón đồng chí Mười Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh) cán bộ Trung ương về chỉ đạo Xứ uỷ chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.

Nhà ông Hoàng Viện ở làng Phúc Mỹ, nay là xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên. Làng Phúc Mỹ nằm lọt giữa xã Hưng Châu, phía Tây Bắc là núi Nhón, phía Nam là sông Lam. Từ làng Phúc Mỹ ra sông Lam có thể xuôi về Bến Thủy, TP. Vinh hay ra ga Yên Xuân đi xe tàu hỏa vào Nam ra Bắc. Với vị trí như vậy, năm 1930- 1931, Xứ uỷ Trung Kỳ đã chọn địa điểm này làm nơi hoạt động để chỉ đạo phong trào cách mạng vùng Hưng Nguyên, Nam Đàn.

Sử còn ghi, sau khi Đảng ra đời, tháng 4 năm 1931, Xứ uỷ Trung Kỳ cử phái viên về bắt liên lạc với nhóm cộng sản có bí danh là Trúc - Lam - Giang để phát triển cơ sở đảng các làng dọc theo sông Lam ở Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đức Thọ. Làng Phúc Mỹ lúc bấy giờ đã có tổ chức Đảng gồm có đồng chí Nguyễn Ngô Dật, Nguyễn Lệ. Được sự giác ngộ của đồng chí Nguyễn Lệ, một số quần chúng tích cực như Nguyễn Khuôn, Hoàng Viện, Hoàng Tư, Lê Viện, Nguyễn Thuyên đã tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 7/1930. Tại nhà ông Hoàng Viện, Chi bộ Phúc Mỹ được thành lập do đồng chí Nguyễn Ngô Dật làm bí thư. Sau đó, chi bộ đã kết nạp thêm 4 đảng viên là Hoàng Viện, Hoàng Em, Hoàng Xí, Nguyễn Hứa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Phúc Mỹ vùng lên đấu tranh hoà chung với khí thế mạnh mẽ của toàn phủ Hưng Nguyên.

Khi phong trào đấu tranh đạt đến đỉnh cao, nhiều cuộc biểu tình lớn diễn ra ở Nam Đàn, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Thanh Chương, Can Lộc, Đức Thọ..., chính quyền Xô Viết ra đời. Sau một thời gian ngắn, địch tập trung lực lượng đàn áp cách mạng bằng cuộc khủng bố đẫm máu, nhiều cán bộ, đảng viên bị tù đày, cơ sở đảng tan vỡ. Trước tình hình đó, Xứ uỷ quyết định chuyển cơ quan từ Hưng Dũng, Lộc Đa lên Phúc Mỹ để tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng. Nhà ông Hoàng Viện trở thành trụ sở chính của Xứ uỷ Trung Kỳ.

Ông Hoàng Viện có hai ngôi nhà. Nhà trên được ngăn thành hai phòng, phòng trong có gác xép làm nơi ăn, nghỉ cho cán bộ, phòng ngoài là nơi hội họp, tiếp khách. Phía sau nhà có cửa thông ra núi Nhón. Ngôi nhà ngang nhỏ hơn có 3 gian để nấu ăn. Sau nhà ông Hoàng Viện được đào thêm 2 căn hầm thông sâu vào núi Nhón. Hầm sâu 2m, rộng 1,5m, phía trên lát gỗ đắp đất kín đáo, xung quanh cây cối rậm rạp che khuất làm nơi in ấn cất giấu tài liệu và ẩn nấp. Khi có động, cán bộ xuống hầm ra sau núi để thoát.

Các gia đình trong xóm như nhà ông bà Hoàng Tuân, Hoàng Em, Hoàng Xí, Nguyễn Thị Mỹ, Lê Thị Năm... đều là cơ sở in ấn và nuôi giấu cán bộ Đảng. Tại đây, báo “Lao khổ”, “Tiến lên” số tháng 9, 10 và 11 năm 1930 được in ấn và phát hành, kịp thời cổ vũ tinh thần đấu tranh cho quần chúng nhân dân. Để đảm bảo an toàn cho cơ quan Xứ uỷ, Đội Tự vệ Hưng Châu được thành lập với 60 đội viên ngày đêm canh gác tuần tra. Một số đảng viên như Hoàng Viện, Hoàng Nhị, Nguyễn Thuyên, Nguyễn Hứa tích cực vận động quyên góp kinh phí cho Xứ uỷ hoạt động.



Di tích Lịch sử cấp quốc gia, ngôi nhà ông Hoàng Viện - Trụ sở hoạt động cách mạng của Xứ ủy Trung Kỳ ở Hưng Châu, Hưng Nguyên.

Từ ngày cơ quan Xứ uỷ về làm việc tại Hưng Châu, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình diễn ra, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của 500 nông dân đòi hào lý trả lại 500 quan tiền Tuần sương và một số ruộng đất chia cho dân cày nghèo; cuộc biểu tình ở cây đa Nhật Tân vạch mặt Tôn Thất Đàn nhũng nhiễu nhân dân đã thu hút rất đông bà con ở Hưng Phú, Hưng Khánh, Hưng Nhân, Hưng Lợi, Hưng Phúc... tham gia. Sau cuộc đấu tranh này, chính quyền Xô Viết ở làng Phúc Mỹ được thành lập. Số lượng quần chúng tham gia vào nông hội đỏ, đoàn thanh niên, phụ nữ, tự vệ ngày càng nhiều. Sau đó địch liên tiếp cho quân về Hưng Châu lùng sục, bắt bớ cán bộ, đảng viên và đàn áp quần chúng cách mạng. Các đồng chí Hoàng Xí, Nguyễn Thuyên, Nguyễn Hứa sa vào tay giặc bị xử bắn ngay tại đình Phúc Mỹ. Tuy vậy, nhân dân Hưng Châu vẫn một lòng với cách mạng, làng Phúc Mỹ vẫn là cơ sở của Đảng.

Tháng 10 năm 1939, các đồng chí Bùi San, Trần Quì, Chu Huy Mân, Trần Văn Quang, cán bộ chủ chốt của Xứ uỷ về Hưng Châu hoạt động. Tại đây, Xứ uỷ chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng phát triển lực lượng, tập hợp phong trào, chuẩn bị mọi mặt cho một giai đoạn cách mạng mới. Cuối năm 1940, tại nhà ông Hoàng Viện, cơ quan Xứ uỷ đã đón đồng chí Mười Cúc (tức Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) cán bộ Trung ương về trực tiếp lãnh đạo phong trào, chỉ đạo Xứ uỷ chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Năm 1964, sau khi cụ Hoàng Viện mất, cả 2 ngôi nhà chuyển cho con trai Hoàng Nhị và 2 cháu là ông Hoàng Văn Thước và Hoàng Văn Lược trông coi.

Với giá trị lịch sử là cơ sở hoạt động của Xứ uỷ Trung Kỳ trong hai giai đoạn cách mạng 1930 - 1931 và 1939 - 1945, nhà ông Hoàng Viện đã được Bộ Văn hoá - Thông tin ra Quyết định số 457/QĐVH, ngày 25/3/1991 công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Được biết, ngày 17/12/2010, Bộ VHTT&DL đã nhận được Công văn số 8056/UBND của UBND tỉnh Nghệ An về việc thỏa thuận Dự án đầu tư xây dựng công trình: Tu bổ, nâng cấp nhà ông Hoàng Viện - Cơ sở của Xứ ủy Trung Kỳ năm 1930 – 1931. Bộ VHTT&DL cũng đã thỏa thuận cho thực hiện dự án và giao Sở VHTT&DL phối hợp chặt chẽ với gia đình và nhân dân địa phương để thống nhất phương án, tạo sự đồng thuận trước khi triển khai. Bộ VHTT&DL cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan lưu ý những vấn đề trên để hoàn thiện hồ sơ và triển khai các bước theo quy định hiện hành.

Theo ông Phạm Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên: Do nhiều năm không được trùng tu tôn tạo, hiện nay di tích xuống cấp nghiêm trọng. Huyện đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh đề nghị ngành chức năng sớm thực hiện dự án tu bổ, nâng cấp di tích lịch sử nhà ông Hoàng Viện. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện.


Phạm Ngân