Nỗ lực cho mỗi mục tiêu, mỗi việc làm
(Baonghean) - Trong hoàn cảnh đất nước kháng chiến và kiến quốc, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua...
(Baonghean) - Trong hoàn cảnh đất nước kháng chiến và kiến quốc, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc để huy động, tập hợp, định hướng lòng yêu nước truyền thống và hành động mới của nhân dân nhằm bảo vệ, phát triển thành quả của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Xuyên suốt 65 năm qua, tinh thần ái quốc thường xuyên là động lực tinh thần quý báu, tạo sức mạnh tổng hợp góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đưa đất nước lớn mạnh không ngừng và ngày càng hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế.
Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu đều có thể làm việc tốt nếu biết thi đua ái quốc. Một sáng kiến lao động của một người công nhân, một việc làm từ thiện của một một cụ già, một điểm 10 của một em học sinh… đều có thể là biểu hiện của thi đua ái quốc. Người người thi đua, ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua… vì thế không trở thành những khẩu hiệu giáo điều mà là nhu cầu tự thân của mỗi người, mỗi tập thể, cả cộng đồng và lớn hơn là cả một dân tộc biết rõ được giá trị của mỗi mục tiêu hướng tới, giá trị của mỗi hành động, việc làm.
Thi đua ái quốc đã nhanh chóng trở thành một nét truyền thống đặc sắc trong tinh thần dân tộc, trở thành một tư tưởng nhân văn được thấm nhuần tự nhiên từ suy nghĩ đến hành động của mỗi người, trong cộng đồng ở Việt Nam với khát vọng, ý chí vươn tới góp phần tạo dựng cuộc sống ngày một hoàn thiện hơn, tươi đẹp hơn.
Đã có hàng nghìn khẩu hiệu, hàng trăm phong trào xốc dậy tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người trong những thử thách sống còn của cách mạng Việt Nam, bền bỉ chiến đấu và chiến thắng; đó chính là sự bền bỉ xuyên suốt của truyền thống yêu nước đã được nhân lên bằng những mục tiêu, hành động ái quốc theo lời kêu gọi của Bác Hồ.
Ông Nguyễn Ngọc Lài, hai lần được tuyên dương AHLĐ, đang chăm sóc cây rừng. Ảnh: Minh Thư.
Đã có hàng vạn những điển hình được tôn vinh trong phong trào thi đua ái quốc trên mọi lĩnh vực lao động sản xuất, chiến đấu, học tập,… đối với mọi giới, mọi thành phần, lứa tuổi. Sự tôn vinh đó chính là sự đền đáp của xã hội đối với những tấm lòng biết yêu quê hương, đất nước; biết gắn lợi ích từ mỗi việc làm với lợi ích cộng đồng vì mục tiêu cách mạng cao cả.
Phát huy phong trào thi đua yêu nước theo lời kêu gọi của Bác Hồ trong sự nghiệp đổi mới hôm nay của đất nước đang vô cùng có ý nghĩa, bởi chỉ từ đó mới tiếp tục nhân lên sức mạnh đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân vượt qua được những trở lực, thách thức sống còn. Như thế, mỗi một người dân Việt Nam, ngay từ hôm nay đều có thể và cần phải nỗ lực hơn nữa để làm tốt hơn công việc, trách nhiệm của mình!
NACT