Tân Kỳ: Sôi động kinh tế trang trại

15/07/2013 19:35

Những năm qua, cùng với cơ chế chung của nhà nước, Tân Kỳ đã khuyến khích, định hướng cho người dân hình thành nên những vùng kinh tế trang trại, gia trại chuyên sâu và tập trung, như: cao su ở Nghĩa Hoàn, Tân Phú, Tân Xuân, Tân Hợp; trồng rừng nguyên liệu ở Nghĩa Thái, Tân Hương, Nghĩa Bình, Giai Xuân, Đồng Văn, Tiên Kỳ…, thu hút nhiều người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng phát triển kinh tế trang trại.

(Baonghean) - Những năm qua, cùng với cơ chế chung của nhà nước, Tân Kỳ đã khuyến khích, định hướng cho người dân hình thành nên những vùng kinh tế trang trại, gia trại chuyên sâu và tập trung, như: cao su ở Nghĩa Hoàn, Tân Phú, Tân Xuân, Tân Hợp; trồng rừng nguyên liệu ở Nghĩa Thái, Tân Hương, Nghĩa Bình, Giai Xuân, Đồng Văn, Tiên Kỳ…, thu hút nhiều người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng phát triển kinh tế trang trại.

Theo tiêu chí cũ thì huyện Tân Kỳ có 268 trang trại. Còn theo Thông tư số 27 của Bộ NN – PTNT, trên địa bàn huyện có 8 trang trại đạt tiêu chí mới. Kinh tế trang trại (KTTT), gia trại phát triển mạnh đã tạo bước chuyển tích cực trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển theo hướng đa dạng hóa, giải quyết hiệu quả về việc làm cho nông dân.

Tại xóm 6, xã Tân Hương, chúng tôi vào tìm hiểu về mô hình trang trại nuôi lợn rừng của ông Nguyễn Đình Tĩnh. Dẫn chúng tôi ra khu vực chăn nuôi lợn rừng, ông Tĩnh cho biết: “Trước đây tôi có nghe đài, ti vi nói nhiều về những mô hình chăn nuôi lợn rừng ở trong nước, cho thu nhập cao. Thấy vậy, tôi bàn với vợ con, mua đôi lợn giống về nuôi thử”. Vận dụng đất vườn đồi rộng, ông vây một khu vực để nuôi thả lợn. Thức ăn cho lợn chủ yếu bằng các loại rau, củ, quả và thân cây chuối, thỉnh thoảng cho ăn thêm cám gạo, ngô, những thứ đó sẵn có trong sản xuất nông nghiệp, nên rất thuận lợi.

Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm từ các tài liệu sách báo, nên đàn lợn đông dần và phát triển tốt. Hiện tại, trại có 8 con lợn nái, mỗi năm sinh sản được trên 100 lợn con. Theo tính toán của ông Tĩnh, thì với quy mô trang trại ông, mỗi năm cũng thu về trên 500 triệu đồng từ bán lợn. Về hệ thống chuồng trại để nuôi lợn rừng của ông Tĩnh khá đơn giản: Với diện tích gần 1.000m2 đất đồi, ông đã đầu vây kín bằng lưới thép B40, ở giữa chỉ cần xây một dãy chuồng thiết kế đơn giản làm chỗ cho lợn đẻ. Được biết, ngoài chăn nuôi lợn rừng, gia đình ông Tĩnh còn trồng trên 1 ha mía nguyên liệu, sản lượng đạt 70 tấn/năm.



Trang trại nuôi lợn rừng của ông Nguyễn Đình Tĩnh ở xã Tân Hương.

Đến xã Giai Xuân, chúng tôi được các anh cán bộ Hội Làm vườn xã dẫn đường vào trang trại của vợ chồng anh Trần Văn Phú ở xóm Vạn Long. Ngồi trong căn nhà ngói đơn sơ trên triền núi, anh Phú tâm sự: Sinh ra trên đất Quỳ Hợp, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên sau khi lập gia đình, vợ chồng quyết định rời quê đến vùng đất này “dựng lều” sinh sống, khai hoang đất bãi ven đồi để sản xuất nông nghiệp. Khai hoang đến đâu, trồng ngô, khoai, đậu… đến đó để “lấy ngắn nuôi dài”.

Tích cóp qua hàng năm được ít vốn, và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, vợ chồng mở rộng quy mô sản xuất, tiếp đó là đầu tư trồng được 10 ha rừng nguyên liệu. Sau gần 20 năm, từ hai bàn tay trắng, nay vợ chồng anh Phú đã có trong tay 22 ha đất sản xuất, trong đó 10 ha rừng, 10 ha mía, 2 ha đất trồng cây ngắn ngày. Không những thế, vợ chồng anh còn đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi dê.

Mặc dù đầu tư không lớn, thời gian bỏ ra không nhiều, nhưng nuôi dê thực sự đem lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình. Với cách làm “tích tiểu thành đại” đến nay trạng trại của gia đình anh Phú có nguồn thu nhập ổn định hàng năm trên 500 triệu đồng. Theo anh Phú, để kinh tế trang trại phát triển bền vững, yếu tố quan trọng nhất là đầu tư từ nhỏ đến lớn, để tích lũy được nguồn vốn, đồng thời phải áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Đã nghe danh ông Nguyễn Danh Hiền ở xóm Thuận Yên, xã Nghĩa Hoàn làm trang trại mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng từ lâu, song quả là “trăm nghe không bằng một thấy”! Chúng tôi đã khá bất ngờ và khâm phục khi tìm đến trang trại của ông Hiền. Đây là mô hình trang trại tổng hợp chưa có nhiều ở Tân Kỳ. Ngoài 2 lò sản xuất ngói, tạo việc làm cho gần 10 lao động tại chỗ, gia đình còn có khu trang trại với một hồ nuôi cá rộng 3 ha mặt nước, xung quanh hồ là rừng keo xanh tốt. Giữa hồ cá, ông Hiền tạo một cái đảo nổi trồng cây xanh kết hợp nuôi thỏ… Trang trại tổng hợp của ông Hiền đã tạo nên một môi trường sinh thái khá trong lành, yên ả, chiều chiều có tới hàng nghìn con cò bay về trú ngụ. Trang trại này của ông Nguyễn Danh Hiền mỗi năm cho tổng thu nhập hàng tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên.

Phát triển KTTT, gia trại đã góp phần giải quyết việc làm một cách khá hiệu quả cho lao động nông thôn ở Tân Kỳ. Hiện nay, bình quân mỗi trang trại, gia trại sử dụng 3 lao động thường xuyên, như vậy có gần 800 lao động có việc làm ổn định, chưa kể tạo việc làm cho hàng nghìn lao động thời vụ. Với huyện miền núi Tân Kỳ, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 40%, thì phát triển KTTT, gia trại còn có ý nghĩa thiết thực về mặt xã hội. Từ KTTT, gia trại, người nông dân tích lũy được vốn, kinh nghiệm trong quản lý, sản xuất, tích tụ được ruộng đất. Mặt khác, đã tạo ra sự phân công lao động mới, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, thúc đẩy quá trình CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn, thêm động lực để hình thành các khu chế biến nông sản.

Tuy nhiên, để KTTT, gia trại ở Tân Kỳ thật sự trở thành mục tiêu là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng đa dạng, bền vững, thì vẫn còn nhiều vấn đề cần xử lý. Ví như Chính phủ đã có Nghị định số 03 về phát triển KTTT, nhưng Tân Kỳ hiện vẫn còn nhiều trang trại, gia trại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều đó khiến cho các chủ trang trại gặp khó khăn khi cần vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, hay tổ chức tiêu thụ sản phẩm.

Ông Trần Tử Bá - Hội phó Hội Làm vườn huyện Tân Kỳ, cho biết: Kinh tế trang trại, gia trại ở Tân Kỳ nổi lên 3 đặc điểm. Thứ nhất, tận dụng được lợi thế về khí hậu, đất đai, nguồn nhân lực, và cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước; hầu hết người dân đều tập trung phát triển kinh tế hộ bằng những mô hình kinh tế tổng hợp AVC, VACR… nên phát triển đã dần rõ tính bền vững. Thứ 2, vốn đầu tư vào trang trại chủ yếu là vốn tự có, bằng con đường tích lũy hàng năm, nên có kinh nghiệm trong cân đối đầu tư, quản lý.

Thứ 3, mặc dù mô hình trang trại chưa lớn lắm, nhưng năng suất, hiệu quả kinh tế ngày càng nâng lên, bởi một lẽ, người dân đã biết áp dụng các tiến bộ KHKT vào thâm canh cây trồng, vật nuôi. Trên cơ sở những lợi thế ấy, dù từ năm 2011 do thay đổi tiêu chí đánh giá về trang trại của Bộ NN – PTNT, Tân Kỳ chỉ có 8 trang trại được cấp giấy công nhận kinh tế trang trại, thì đa số trang trại được chứng nhận theo tiêu chí cũ (Thông tư 69 Bộ NN – PTNT) vẫn tiếp tục mở rộng quy mô, tăng vốn đầu tư phát triển, hướng đến tiêu chí mới một cách sôi động.


Bài, ảnh: Xuân Hoàng