Cho bình yên rẻo cao biên giới

05/10/2013 20:51

(Baonghean) - Tiểu đội thường trực dân quân xã Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn) ra đời vào năm 2005 với vai trò là lực lượng bán vũ trang tại chỗ, phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trên khu vực rộng lớn gồm 25km đường biên giới giáp ranh với nước bạn Lào. Nơi, cửa ngõ miền tây nam Nghệ An, những chiến sĩ dân quân Nậm Càn đang ngày đêm góp phần giữ cho cuộc sống bình yên cho các bản làng...

Đã 8 năm nay ngôi nhà nhỏ của chị Xồng Y Tồng ở bản Nậm Càn, xã Nậm Càn thiếu vắng bàn tay trụ cột của người đàn ông. Chồng chị, anh Và Tồng Khư hy sinh trong chiến dịch truy quét phỉ vùng biên vào năm 2005 được truy tặng Anh hùng LLVT nhân dân. Đó thực sự là mất mát khó có thể bù đắp được, nhất là đối với cháu Và Bá Trung, đứa con trai lên 9 chưa đủ lớn để hiểu về người bố của mình, một tấm gương dũng cảm quên mình vì bản làng, vì nghĩa lớn với quê hương. Điều cháu thấy hằng ngày có thể chỉ là tấm ảnh bố với vầng trán cương nghị trong gian nhà dựng bên sườn núi. Rồi đây Và Bá Trung sẽ hiểu tại sao mẹ và mọi người trong bản lại nói, có bố, có các chú dân quân tự vệ nên bản làng mới được như ngày hôm nay.

Huấn luyện dân quân tự vệ trên thao trường. Ảnh: Trọng Kiên
Huấn luyện dân quân tự vệ trên thao trường. Ảnh: Trọng Kiên

Sự hy sinh của Tiểu đội phó Tiểu đội thường trực dân quân tự vệ xã Nậm Càn - Và Tồng Khư đã gieo vào đồng đội, đồng chí lòng dũng cảm và ý chí quyết tâm giữ gìn bình yên nơi cửa ngõ miền Tây. Chính vì vậy, hằng tuần, hằng tháng sau mỗi đợt tuần tra, lực lượng dân quân thường trực của xã thường xuyên tổ chức các đợt học tập, huấn luyện trên thao trường, bãi tập. Với sự giúp đỡ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kỳ Sơn, kiến thức về quân sự - quốc phòng, về những quy tắc ứng xử trong khu vực an ninh vùng biên giới cũng như kỹ năng, khả năng tác chiến của các cán bộ chiến sĩ ngày càng trở nên thuần thục. Hơn 10 thành viên của tiểu đội dân quân là những thanh niên ưu tú được tuyển chọn từ những trai tráng trong các bản làng trên địa bàn xã. Họ là những người có sức khỏe, có trình độ văn hóa, và quan trọng nhất là có niềm tin, trách nhiệm. Công việc của các anh thầm lặng và đầy gian khổ.

Anh Và Bá Cồng - Tiểu đội trưởng Tiểu đội dân quân thường trực xã Nậm Càn chia sẻ rằng, để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ, chiến sĩ dân quân tự vệ phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách. Điều kiện địa bàn đồi núi, hiểm trở, đi lại không dễ dàng. Mỗi sự lơi là sẽ trở thành thời cơ cho kẻ xấu lợi dụng. Chính vì vậy, người thân của các anh nhiều lúc phải chịu thiệt thòi vì người đàn ông trụ cột của gia đình ít có thời gian chia sẻ việc nhà. Các anh hết đêm lại ngày đi cơ sở, bám địa bàn, theo dõi, giám sát mọi di biến động của tình hình. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp phù hợp.

Trong nhật ký công tác của Tiểu đội thường trực dân quân xã Nậm Càn ghi rõ: Ngày mồng 10 tháng 6, phát hiện đối tượng lạ xâm nhập địa bàn biên giới. Ngày 16 tháng 6, phối hợp cùng bộ đội biên phòng đánh án ma túy. Ngày mồng 2 tháng 7, tổ chức tuyên truyền chống di dịch cư. Ngày 25 tháng 7, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão lụt… Là những người sống chung mảnh đất, chung tiếng nói, phong tục tập quán với đồng bào các dân tộc ít người trên vùng biên giới nên các thành viên tiểu đội dân quân thường trực của xã hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Trong khi đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm đa số ở địa bàn xã Nậm Càn, với 7 bản làng sinh sống rải rác trên chiều dài 25km đường biên giới. Ngoài những khó khăn do điều kiện tự nhiên mang lại, người dân nơi đây quanh năm đói ăn, thiếu mặc, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu nên các anh trở thành chỗ dựa tin cậy của bà con. Các anh trực tiếp giúp đỡ bà con xóa đói giảm nghèo, cùng các hộ dân đào đá, be bờ mở rộng diện tích trồng lúa nước, vận động người dân khoanh vườn trồng trọt, nuôi gia súc... Tiểu đội dân quân xã Nậm Càn còn tham gia tích cực vào việc khơi thông mương máng thủy lợi, làm đường góp công, góp sức vào Chương trình nông thôn mới của địa phương.

Trước tình trạng số lượng người Mông ở địa bàn xã Nậm Càn có ý định di cư sang Lào khá đông, các thành viên trong Tiểu đội dân quân thường trực đã thay phiên nhau về cơ sở tuyên truyền, động viên, phổ biến pháp luật cho bà con nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Số lượng người di cư bởi thế đã giảm hẳn. 8 tháng đầu năm 2013, không có hộ dân nào di dịch cư. Cuộc sống của đồng bào từng bước được ổn định.

Ông Và Nênh Chư, người dân bản Nậm Càn - xã Nậm Càn - Kỳ Sơn phấn khởi: “Có lực lượng dân quân thường trực, dân bản không phải lo lắng nạn trộm cắp, bị kẻ xấu lợi dụng nữa. “Việc gì họ cũng làm, cũng giúp dân bản, nhà ta đấy, mùa mưa năm ngoái bị sạt lở hết, dân quân tự vệ giúp ta dựng lại.” Còn ông Lầu Tồng Pó - Chủ tịch UBND xã Nậm Càn cho biết, từ năm 2005, sau khi xã có Tiểu đội tự vệ thường trực dân quân đến nay, chính quyền cơ sở cũng trở nên yên tâm hơn. Mỗi một lời nói, việc làm của chiến sĩ dân quân đều có ý nghĩa rất lớn trong việc giữ gìn, ổn định quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tỷ lệ hộ đói nghèo của xã biên giới Nậm Càn giảm mỗi năm từ 3 đến 5%; tình hình an ninh chính trị được giữ vững; tình trạng vi phạm trật tự an toàn xã hội giảm hẳn; các thiết chế văn hóa được duy trì và phát triển vững chắc; người dân tích cực chăm lo phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ an ninh vùng biên… Những kết quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của những chiến sĩ mang phù hiệu vuông. Trên trận tuyến miền Tây đầy khó khăn, gian khổ, máu của các anh đã rơi, mồ hôi các anh đã đổ để dải đất biên cương đang xanh mãi một màu xanh bình yên.

Tuấn Dũng