Làng nghề chổi đót

28/11/2013 16:58

(Baonghean) - Ở xã Diễn Đoài (Diễn châu) có trên 700 hộ làm nghề chổi đót, tập trung nhiều vẫn là 2 làng nghề: Làng Thái Loan (167 hộ) được UBND tỉnh công nhận làng nghề năm 2003 và làng Cao Minh ( 185 hộ) được công nhận làng nghề năm 2006. Ở đây có không ít ông già, bà lão tuổi đời từ 70 đến gần 90 vẫn say sưa với nghề. Người Diễn Đoài làm chổi đót quanh năm, nhưng rộn rã nhất vẫn là dịp cuối năm, ấy là thời điểm mùa lau trổ, nhà nhà chất đầy lau tươi, lau trải khắp sân, ngõ và đường làng…

Chỉ mới chạm đầu làng Cao Minh, chúng tôi đã nghe tiếng thậm thịch rộn rã. Bí thư Đảng uỷ xã Diễn Đoài Nguyễn Duy Tịnh nói: "Nhà nào làm chổi không thể giấu được, âm thanh ấy là tiếng gậy sắt đập vào cán chổi để người ta buộc cho chặt".

Không hổ danh làng nghề, ở đây nhà nhà làm chổi. Tiếng thậm thịch, tiếng nói cười ran lên từ trong nhà cho tới ngoài thềm. Người bện chổi, người chẻ mây, người tút lau, bàn tay nào cũng thô ráp. Ông Cao Tư năm nay 87 tuổi, là một trong hàng chục "tay chổi" nổi tiếng của làng Cao Minh. Hỏi nghề làm chổi có từ bao giờ, ông Tư cũng như nhiều người già trong làng cũng chẳng nhớ rõ, chỉ biết rằng từ lúc họ sinh ra đã thấy cha mẹ, ông bà mình gắn cùng nghề chổi. Chổi đót được làm từ cây lau (đót), lá lau hái về phơi khô bện chổi, cùi lau làm cán chổi (cổ chổi) và cây mây dùng buộc chổi. Ông Tư biết làm chổi đót từ khi còn nhỏ. Năm nay ông đã bước sang tuổi 87 nhưng mỗi ngày ông làm ít nhất cũng được 4 chiếc, hôm làm nhiều cũng được 6 đến 7 chiếc.

Ông cho biết: Hôm nay trời mưa lạnh nên gia đình nào làm tại gia đình ấy, chứ hôm không mưa, không khí làm chổi vui lắm. Ba, bốn gia đình tụ họp lại một nhà cùng làm, cùng trò chuyện. Qua đó, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, sản phẩm đẹp hơn, tốt hơn. Thích nhất là những đêm có trăng, bà con gánh đót, đem mây ra đầu ngõ ngồi thành những dọc dài kết chổi đến tận sang canh vẫn chưa vãn. Nét đẹp này có từ thời cha ông rồi. Chưa hết đâu, vừa làm chổi vừa uống nước chè, nước chè thì hôm nào cũng có, hôm nay nhà này nấu ấm chè xanh, ngày mai nhà kia nấu ấm chè vằng, một tháng đôi lần có nồi khoai, nồi sắn, đĩa lạc rang, vừa làm chổi, vừa chuyện trò, tiếng gậy đập cán, tiếng cười nói, gọi nhau í ới khoe ai làm nhanh hơn, đẹp hơn rộn rã cả làng.

"Nếu một đêm ông không bện được vài cái chổi thì khó mà ngủ được cháu ạ. Ở làng Cao Minh này, trẻ em tầm 7, 8 tuổi đã học được cách làm chổi từ ông bà. Có nhiều đứa “tay nghề” cũng khá lắm”. Ông Tư nói, rồi chỉ: “Lát nữa, cháu qua nhà ả Thúy mà xem. Con bé con nhà nớ kết chổi giỏi lắm”.

Ông bà Tứ làm chổi đót.
Ông bà Tứ làm chổi đót.

Tôi rẽ nhà chị Thúy tầm gần trưa, vừa lúc bé Hà Linh (10 tuổi) con chị Thúy vừa ở trường học về. Em cất vội chiếc cặp sách, vào vo gạo, cắm cơm rồi ngồi xuống đống lau khô to để trước thềm. Bàn tay em thoăn thoắt tút từng ít lau một để kết chổi. Linh kể em biết bện chổi từ năm lên 7. Nhà Linh có 5 người, gồm ông bà và bố mẹ, đều sống nhờ nghề làm chổi đót. Ngày nào cũng vậy, 5 giờ sáng mẹ Thuý dậy thổi cơm, cả nhà ăn sáng xong Linh đến trường, ông bà và bố mẹ bắt tay làm chổi, đến 12h30 cả nhà ăn trưa. Buổi chiều nếu không đi học Linh ở nhà làm chổi cùng với gia đình.

Buổi tối, Linh học bài, ông bà và bố mẹ làm đến 11 giờ. Với công suất lao động như vậy, một ngày gia đình Linh làm được trên 20 chiếc chổi đót. Mới 10 tuổi mà Linh làm rất thành thục nhiều công đoạn, từ chẻ mây, bện lau, bện cổ chổi... Chúng tôi nhìn cô bé đưa lưỡi dao vót mây sắc ngọt mà trầm trồ. Linh bảo đã quen với công việc này rồi, nhắm mắt em cũng làm được. Sau hơn một giờ đồng hồ Linh cũng hoàn chỉnh một chiếc chổi, giọng rất vui: "Vừa đi học mà mỗi ngày cháu vẫn tranh thủ làm được 2 chiếc". Bình quân một tháng Linh cũng tích góp được 600 đến 700 nghìn đồng từ tiền làm chổi.

Chị Nguyễn Thị Thúy, mẹ của Linh chia sẻ: "Làm chổi hay ở chỗ mưa, nắng chi cũng làm được em ạ. Cứ mua trữ nguyên liệu làm dần. Người ta đến tận nhà thu mua, không lo ứ đọng, chỉ sợ không có sức mà làm thôi". Chị nhẩm tính, để làm một cây chổi cần 6 lạng chổi đót, 2 nghìn tiền mây, một thanh tre, hoặc thanh củi to bằng ngón tay người lớn, dài khoảng 1/3 mét. Chi phí một cái chổi 25 nghìn đồng, nhập sỉ cho người ta 32 nghìn đồng , bán lẻ 35 nghìn đồng, không khó để kiếm được một ngày một trăm ngàn đồng từ công việc làm chổi đót. Ngồi làm chổi nhiều cũng đau, mỏi lưng, vì thế người làm chổi cứ vài ba tiếng đồng hồ lại đứng dậy dạo vài vòng trong nhà, tưới luống rau. Nghề này làm đến đâu người ta mua hết đến đó nên cũng không quản đến mệt nhọc.

Gia đình chị Thuý, bố mẹ chồng vẫn còn khoẻ nên nhà chị có đến 4 lao động chính, mỗi ngày làm 20 cái chổi. Không ít gia đình con cái ra ở riêng, nhà chỉ có 2 ông bà già tuổi trên 70 mà làm chổi không thua kém lớp trẻ. Ông bà Tư ở làng Cao Minh, ông bà Hậu; ông bà Giang... ở làng Thái Loan chẳng hạn. Để hoàn chỉnh một cái chổi đót cũng khá nhiều công đoạn: Chẻ mây, kết lau, làm cán. Một cái chổi vừa bền, vừa đẹp đòi hỏi người thợ chổi phải công phu, giũ hết bụi lau, các khóm lau phải bện cho thật chặt, như thế chổi dùng mới bền, nếu làm dối, chổi chỉ quét được một thời gian ngắn rơi lau, chóng cùn. Cán chổi (cổ chổi) cũng phải làm thật chắc chắn, buộc ba, bốn vòng mây, trước lúc buộc phải dùng thanh sắt đập vào cán thì khi xiết mây mới chặt cán chổi được. Những cái chổi thường hay gãy, sổ cổ, một phần do đót kém và một phần do lúc buộc không cẩn thận.

Diễn Đoài vào những tháng cuối năm người dân càng tất bật. Đây là thời điểm các chủ buôn chổi cần nhiều sản phẩm hơn nên bà con làm quần quật cả ngày lẫn đêm để kịp giao hàng. Những người về đây thu mua chổi một số là người Diễn Châu, còn chủ yếu vẫn là người ở Hà Tĩnh; Thanh Hoá, Nam Định. Nhu cầu chổi nhiều như vậy nên trước đây ở Diễn Đoài chỉ có 2 làng nghề Thái Loan và Cao Minh làm chổi đót, bây giờ toả rộng khắp xã.

Từ tháng 12 dương lịch cho đến hết tháng Chạp là thời điểm rộn ràng nhất, ấy là mùa lau trổ, bà con mua lau tươi về phơi khắp đường làng, ngõ xóm. Giá lau tươi rẻ hơn rau khô từ 3 đến 5 giá. Mùa này, nhiều bà con chong đèn thức làm chổi đến 1, 2 giờ sáng. Ông Tư không giấu vẻ tự hào:“Người dân Diễn Đoài từ xưa đến nay luôn giữ chữ tín, đã nhận lời cung cấp hàng thì phải giao đúng số lượng đã ký hợp đồng, không vì số lượng mà giảm uy tín chất lượng". Rồi ông trầm ngâm nhớ: Một thời, ông theo cha vào các rừng Hòn Đuống, Hòn Đầy, Hòn Chùa và Thung Cau trong xã Diễn Đoài đi tút đót.

Hồi ấy lau mọc khắp các đồi, mùa lau trổ, cả xã kéo nhau vào rừng. Ông Tư từng bị gai lau, cây rừng cứa rách thịt da. Nhiều hôm, bố con ông Tư ôm từng bó lau ra phía ngoài bìa rừng không còn nhận ra nhau, đầu tóc, quần áo một màu bạc mốc của lau bám dày đặc, chân tay sứt sẹo , sên vắt đầy cổ. Vậy mà chẳng thấy khổ, thấy mệt, chẳng bỏ nghề. Ngày ngày cha con ông tựa lưng vào cây rừng ăn cơm muối rồi tiếp tục vào rừng tút lau. Nhà ông bao giờ lau cũng chất đầy một gian bếp, cha con ông phơi khô cất làm chổi bán dần. Thời ấy, ngày đi tút đót, đêm cha con ông Tư cặm cụi ngồi chong đèn dầu đập từng bó lau cho đến khi cây lau rụng hết bụi lau mới đem kết chổi. Bao giờ chiếc chổi đót từ tay ông bà Tư làm cũng không hề có bụi lau.

Ông Tư còn cho biết thêm, năm 1966 có chủ trương giao đất giao rừng cho dân, các rừng lau trong xã Diễn Đoài được chuyển sang trồng thông, keo, bạch đàn và các loại cây có giá trị khác, người dân phải đi lên các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong để tút đót, tìm lau, nhiều người dân trong xã Diễn Đoài từ bỏ nghề làm chổi đót. Riêng người dân ở 2 làng Cao Minh và Thái Loan vẫn bám trụ với nghề. Tầm 1, 2 giờ sáng, cơm đùm, cơm nắm, mang gạo, mắm, muối, nồi, đi bộ ra đường cái đón xe để lên Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong dựng lán trong rừng để đi tìm lau vào mùa lau trổ. Cả tuần cha con ông Tư ở trong rừng tút lau. Khoảng nửa tháng, 5, 7 gia đình thuê xe chở lau về nhà, cất làm chổi đem bán các chợ. Một thời gian, các rừng Quỳ Châu, Quế Phong... cũng giao đất, giao rừng cho dân, bà con làng Cao Minh, Thái Loan phải đón xe lặn lội vào Quảng Bình, Quảng Trị, ra Điện Biên, sang Lào mua nguyên liệu. Thời ấy chổi đót tiêu thụ không bằng 1/2 bây giờ, bà con vẫn háo hức với nghề, gắn bó với nghề chổi.

Các con, cháu ông Tư được học hành nhờ vào thu nhập chổi đót. Gia đình anh Mến (40 tuổi) - con trai ông từ nghề làm chổi đót, cung cấp nguyên liệu cho bà con, đã sắm được ô tô chuyên chở nguyên liệu về bán cho bà con trong xã. Một tuần một lần, anh Mến lái xe ra Điện Biên, sang Lào mua đót về. Hàng năm, từ tháng 12 kéo dài hết tháng 3 năm sau, nhiều gia đình phải thuê thêm 1 đến 2 lao động làm chổi cho kịp giao hàng.

Anh Tịnh - Bí thư Đảng ủy xã Diễn Đoài cho biết: Toàn xã Diễn Đoài có 4 gia đình đầu tư xe ô tô chuyên đi thu mua đót ở các tỉnh phía Bắc như: Hoà Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên và nước bạn Lào đem về bán cho bà con trong xã. Bình quân mỗi năm toàn xã tiêu thụ trên 500 tấn đót. Nguồn tiêu thụ có 2 mối. Tư thương ở ngoại tỉnh Thanh Hoá, Nam Định đánh ô tô về thu gom tại nhà và một số người ở trong huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu mua đem bán ở các chợ. Vì vậy, chổi làm đến đâu tiêu thụ đến đó. Bình quân một lao động phụ có thu nhập từ chổi đót ít nhất 1 triệu đồng/ tháng; lao động chính từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/ tháng. Hiện toàn xã có 700 hộ làm nghề chổi đót, nó đã trở thành nghề chính, giúp cho người dân thoát nghèo, có công ăn việc làm ổn định.

Thu nhập từ chổi đót góp phần đưa đời sống người ngày một khấm khá. Hàng năm bà con Diễn Đoài luôn đi đầu, tình nguyện đóng góp các loại quỹ. Cùng với ngân sách xã đã xây dựng được 2 bãi rác tập trung, tạo môi trường luôn sạch đẹp.

Không chỉ có thêm thu nhập, mà người dân nơi đây luôn tự hào vì đã giữ vững nghề cha ông để lại.

Bài, ảnh: Thu Hương