Khởi nghiệp từ làng

20/09/2013 16:05

(Baonghean) - Họ là những thanh niên xuất thân từ các gia đình nông dân nghèo nhưng giàu nghị lực. Họ đã  vượt lên chính mình, vươn lên trong cuộc sống; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xây dựng những mô hình kinh tế có hiệu quả cao trên chính mảnh đất quê hương… Họ vinh dự được tôn vinh nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2013.

(Baonghean) - Họ là những thanh niên xuất thân từ các gia đình nông dân nghèo nhưng giàu nghị lực. Họ đã vượt lên chính mình, vươn lên trong cuộc sống; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xây dựng những mô hình kinh tế có hiệu quả cao trên chính mảnh đất quê hương… Họ vinh dự được tôn vinh nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2013.

Khẳng định sức trẻ

Tốt nghiệp hệ trung cấp khoa hệ thống điện Trường Đại học Điện lực Hà Nội năm 2007, Lê Công Thuận (sinh năm 1983) chọn cho mình lối đi riêng, trở về quê lập nghiệp - làm giàu trên chính mảnh đất Kỳ Sơn - Tân Kỳ.

Bắt tay vào làm kinh tế với mô hình nuôi nhím, một trong những loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao trên thị trường. Sau một năm, anh đầu tư thêm chuồng trại để nuôi cầy hương, loài vật dễ nuôi, bán chạy, thu nhập cao nên bà con khắp nơi đến xem và học hỏi kỹ thuật. Từ đó có thêm rất nhiều mô hình nuôi cầy hương mới ra đời cả trong và ngoài tỉnh. Năm 2009, anh tiếp tục đầu tư nuôi lợn rừng, ban đầu là 12 con lợn bố mẹ, mỗi năm xuất chuồng gần 100 lợn con.

Năng động, nhạy bén với thị trường, khi những vật nuôi này đã bão hòa, anh tự mày mò, học hỏi để bổ sung thêm kiến thức chọn giống và nuôi trồng. Năm 2012, nhờ tiếp cận được nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, Lê Công Thuận chuyển hướng làm ăn mới, tận dụng lợi thế diện tích đất khai hoang của gia đình, vay 500 triệu đồng đầu tư mô hình trang trại với diện tích 17 ha; mua bán kinh doanh giống gia cầm, mở 2 lò ấp trứng, hàng năm cung cấp cho thị trường hơn 3 vạn con gà giống. Thu nhập mỗi năm từ 350 – 400 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình anh lãi gần 200 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động, với mức lương từ 2-2,4 triệu đồng/người/tháng. Vào mùa thu hoạch, giải quyết việc làm cho trên 10 lao động. Đặc biệt, từ hiệu quả mô hình kinh tế của anh, nhiều hộ nông dân trong và ngoài xã đến học tập nhân rộng. “Trong thời gian tới, tôi sẽ triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt cho hội viên Hội Nông dân xóm Dốc Sư, xã Kỳ Sơn với 10 người tham gia, quy mô khoảng 200 đến 500 con/1 hội viên” - Lê Công Thuận chia sẻ.



Mô hình trồng ớt xuất khẩu của anh Nguyễn Văn Hiếu (Hưng Xá - Hưng Nguyên).

Giấc mơ từ quê nghèo

“Nhìn bãi đất bồi ven sông trù phú, màu mỡ nhưng người dân Hưng Nguyên chỉ sản xuất một vụ, tài nguyên đất bị lãng phí, trong khi thanh niên ở trong làng thì ngược xuôi ra Bắc, vào Nam, xuất khẩu lao động ở nước ngoài mong tìm kiếm việc làm, tôi thấy xót lắm. Tôi luôn nghĩ về những người nông dân, lam lũ cả một đời như bố mẹ tôi vẫn nghèo và luôn trăn trở phải làm gì cho mọi người thấy, có thể làm giàu trên chính mảnh đất bồi ven sông” - Nguyễn Văn Hiếu nhớ lại.

Quyết tâm theo nghiệp “làm nông”, tốt nghiệp loại giỏi ngành Kỹ sư nông học - Trường Đại học Vinh và được đào tạo 1 năm về quản lý trang trại tại Israel, được tiếp cận với nhiều với thị trường nông sản (3 năm làm việc tại Công ty Stevia Á Châu - một công ty chuyên về nông sản). Nguyễn Văn Hiếu nuôi ý tưởng và sẽ thực hiện mô hình trang trại trên chính mảnh đất Hưng Xá (Hưng Nguyên) quê anh. Được sự hỗ trợ của xã và công ty, Hiếu xây dựng trang trại với cơ cấu cây trồng: Khu 1: Chuyên trồng các loại rau như: su hào, bắp cải, đậu, bầu bí, dưa canh; quy mô khoảng 10-15 sào; chuyên cung cấp cho một số nhà hàng ở Thành phố Vinh. Khu 2: Trồng hoa phục vụ tết (2-3 sào), trồng các loại cúc và lay ơn; thu hoạch xong sẽ trồng ngô nếp. Khu 3: trồng giống ớt xuất khẩu bán cho Công ty Stevia Á Châu: 20 sào. Khu 4: trồng cỏ ngọt bán cho Công ty Stevia Á Châu: 10 sào. Mỗi năm, có thu nhập khoảng 575 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bình quân đạt 40% tổng doanh thu. Tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương 2-2,5 triệu đồng/người/tháng và 6-7 lao động thời vụ.

Điều mà Hiếu thấy vui mừng là mô hình của mình đã được nhân rộng ra các xã vùng bãi ở huyện Hưng Nguyên và các huyện lân cận, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Ý chí của người lính

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, lập nghiệp với với 2 bàn tay trắng, điều kiện gia đình khó khăn, Trần Song Thành (sinh năm 1983) quê ở Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn) luôn trăn trở tìm cách làm giàu. Từng là người lính, người đảng viên trẻ được rèn luyện, trưởng thành trong môi trường quân đội đã tạo cho Trần Song Thành ý chí không khuất phục trước đói nghèo. Năm 2008, anh vay ngân hàng 30 triệu đồng đầu tư mua máy đóng gạch táp lô, phục vụ nhu cầu thị trường xây dựng ở Nghĩa Đàn. Sau 2 năm, anh tiếp tục vay ngân hàng 120 triệu đồng xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp - VAC: Ao nuôi cá trắm ốc, thu hoạch 1 tấn/năm và bãi thả hến sò thương phẩm. Từ mô hình này, hàng năm gia đình anh thu hoạch trung bình từ 12-15 tấn. Bên cạnh đó, anh trồng thêm cao su, mía, cây ăn quả… Tổng doanh thu hàng năm trên 300.000.000 đồng, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận bình quân thu về từ 85 - 100 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, Trần Song Thành còn tích cực tham gia công tác xã hội, hỗ trợ các phong trào hoạt động Đoàn, Đội tại địa phương. Anh mang theo kinh nghiệm và cả khát vọng làm giàu của tuổi trẻ để tuyên truyền vận động, hướng dẫn bà con nhân dân và đoàn viên thanh niên có nhu cầu phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình. Mô hình trang trại của anh góp phần tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho 5-7 lao động địa phương.

Anh chia sẻ: “Với hai bàn tay trắng làm nên tôi hiểu được khó khăn mà cái nghèo đeo bám. Từ ý chí nghị lực của người lính Cụ Hồ, giúp tôi rèn luyện ý chí, không quản ngại khó khăn, có chí tiến thủ, khẳng định vị thế của người lính trên mặt trận kinh tế”. Trần Song Thành còn được biết đến là một chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, là tấm gương sống đầy nghị lực của một thanh niên nghèo bằng ý chí, sự kiên nhẫn đã vươn lên làm giàu chính đáng.


Bài, ảnh: Thanh Lê