Chuyện “nước” và “chợ” của Yên Hòa

14/06/2013 18:47

(Baonghean) - Những bản làng người Thái ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, nằm nép mình bên dòng Huổi Nguyên quanh co, uốn lượn....

(Baonghean) - Những bản làng người Thái ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, nằm nép mình bên dòng Huổi Nguyên quanh co, uốn lượn. Nơi đây, được coi là vùng nước bạc nước vàng, hứa hẹn một cuộc sống bình yên, no đủ như chính tên gọi của vùng đất này. Thế nhưng, trong một lần đến với Yên Hòa, chúng tôi không khỏi băn khoăn về những bất cập ở nơi này.

Một cảnh tượng dễ thấy nhất là những chiếc can nhựa tầm khoảng 20 lít luôn sẵn phía sau xe máy của người dân để đi… xin nước. Một số người già và trẻ con thì tay xách nách mang những chai, lọ vào rừng tìm mạch nước. Điều bất cập ở đây là xã Yên Hòa nằm bên cạnh dòng Huổi Nguyên, với một hệ thống khe suối chằng chịt như khe Chà Hạ, Nậm Ngân, Khe Líp… nhưng người dân vẫn phải chịu cảnh khát. Hệ thống sông suối nơi đây bị xới tung bởi nạn khai thác vàng. Dòng sông ngổn ngang bùn đất, đá sỏi, nước đục ngầu, lênh láng váng dầu.

Thời gian trước, một số gia đình ở hai bên sông đào những hố nhỏ để lắng nước. Nhưng nay, nước sông cũng khô cạn do thay đổi dòng chảy, không thể lắng được nữa. Không những thế, các loại dầu thải từ máy móc, hóa chất xử lý quặng thải trực tiếp làm cho tôm cá trên sông không sống được, người dân đành phải chịu khát, không dám động đến nước sông! Chúng tôi vào nhà một người quen ở bản Xiềng Líp, giữa cái nắng hè oi bức nhưng tìm mãi không ra một giọt nước để rửa tay chân. Chủ nhà cho biết: “Tắm rửa giặt giũ thì ra nhà anh Cả ở đầu bản, cả gia đình chỉ có một can nước 20 lít để ăn uống mà thôi”.



Hệ thống ống dẫn từ bể chứa không có nước



.Chợ Yên Hòa trở thành “trụ sở” của Ban Quản lý rừng phòng hộ?

Người dân Xiềng Líp cách đây vài năm đã có dự án nước sạch của Chương trình 135 về tận bản, thế nhưng hệ thống đường ống dẫn nước không được bảo quản tốt, bị rò rỉ, hư hỏng nặng, không thể dẫn nước về các bể chứa. Thế nên bà con đã họp nhau lại, góp tiền xây bể chứa nước và lắp đặt hệ thống ống dẫn nước từ khe Chòn và khe Nhì về. Tuy nhiên đến nay, nước ở khe Chòn đã cạn, 25 hộ dân trong bản Xiêng Líp chỉ còn trông vào dòng nước ít ỏi ở khe Nhì.

Một bất cập nữa mà chúng tôi thấy ở Yên Hòa là việc ngôi chợ được đầu tư xây dựng theo Chương trình 135 đang bị bỏ hoang. Chợ được quy hoạch giữa một bãi đất bằng phẳng, ven dòng Huổi Nguyên, thuộc ranh giới giữa hai bản Xiềng Líp và Coọc. Chợ được xây dựng kiên cố, rộng rãi nhưng kể từ ngày công trình này hoàn thành đến nay, người dân trong xã không ai đến đây mua bán. Trong khi đó, người dân ở bản Xiềng Líp và bản Coọc vẫn mua bán hai bên đường. Khách từ xa đến Yên Hòa sẽ nhầm tưởng khu buôn bán ở bản Xiềng Líp là chợ, bởi hàng hóa tập kết về đây nhiều, quán xá mọc lên san sát. Rõ ràng, nhu cầu trao đổi, buôn bán của người dân nơi đây không hề nhỏ, trong khi đó khu chợ quy hoạch vẫn im lìm và trở thành “trụ sở” của Ban quản lý rừng phòng hộ. Nhiều tiểu thương ở bản Khe Líp cho biết, chợ nằm cách xa khu dân cư quá, đến mua bán không thuận tiện...


Bài, ảnh: Nguyễn Lê