Lời cảnh báo sớm

12/09/2013 10:54

(Baonghean) -Việt Nam không còn là “thiên đường đầu tư” như giai đoạn 5 năm trở về trước, mà đỉnh cao về thu hút vốn đầu tư nước ngoài dài hạn (FDI) là vào năm 2008 với 71,7 tỉ USD (vốn đăng ký). Sau khi lập đỉnh, nguồn vốn vốn FDI vào nước ta liên tục giảm. Nguyên nhân là do mức độ hấp dẫn của môi trường kinh doanh không tiếp tục tăng mà chỉ duy trì ở mức trung bình. Trong khi một số nước trong khu vực đã bứt phá, vươn lên trở thành điểm thu hút đầu tư FDI đầy hấp dẫn như Cam-pu-chia, Myanma…

Đó không chỉ là nhận định suông mà đã bắt đầu trở thành căn cứ, cơ sở thực tế để các doanh nghiệp (DN) nước ngoài cân nhắc, lựa chọn địa điểm đầu tư của họ trong tương lai gần. Cụ thể là, kết quả khảo sát mới đây do Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu ở Việt Nam (Euro Charm) cho thấy, trong 6 tháng vừa qua, 20% DN trong hiệp hội này cho biết sẽ cân nhắc việc chuyển công việc kinh doanh sang thị trường khác trong khu vực; 45% DN cho rằng các thị trường ASEAN khác là điểm kinh doanh tốt hơn Việt Nam. Trong khi đó 37% cho rằng thị trường Việt Nam ở mức trung bình và chỉ có 18% tin tưởng Việt Nam ở nhóm dẫn đầu. Xu hướng dịch chuyển đầu tư không chỉ diễn ra trong cộng đồng DN châu Âu.

Trước đó, tại Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ diễn ra vào tháng 6/2013, Hiệp hội DN Úc tại Việt Nam (AusCham) nhấn mạnh các nước Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Myanmar đang nổi lên như những điểm đến đầu tư hấp dẫn khiến tính cạnh tranh thu hút vốn FDI trong khu vực càng cao. Nếu Việt Nam không tạo lập được môi trường kinh doanh thuận lợi, nguồn vốn FDI có thể tiếp tục bị giảm sút.

Môi trường đầu tư là tổng hòa các yếu tố về pháp luật, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và các yếu tố cơ sở hạ tầng, năng lực thị trường, các lợi thế của một quốc gia ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động đầu tư của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Kinh tế và chính trị là hai nhóm yếu tố có liên quan mật thiết với nhau. Chính trị ổn định là điều kiện cho kinh tế phát triển và ngược lại. Dòng vốn quốc tế có xu hướng di chuyển ra khỏi các nước có tình hình chính trị bất ổn. Nước ta có nền chính trị rất ổn định, việc môi trường đầu tư thiếu sức hấp dẫn hoàn toàn không phải do yếu tố chính trị.

Trong đợt khảo sát vừa rồi, các DN châu Âu cho biết lạm phát chính là vấn đề họ lo ngại nhất. Có đến 43% DN khẳng định lạm phát tác động đáng kể, thậm chí đe dọa hoạt động kinh doanh của họ. Các DN cũng hoài nghi về triển vọng kinh tế vĩ mô, có đến 60% cho rằng kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục suy thoái. Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, thủ tục hành chính rắc rối và sự thiếu nhất quán trong việc thực hiện các chính sách luôn là rào cản lớn nhất cho các DN nước ngoài.

Ví dụ như việc tăng lương cơ bản lẽ ra phải làm từ đầu năm để các DN chủ động lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho cả năm thì lại quyết định ngay giữa năm đã đẩy nhiều nhiều DN vào thế bị động và lúng túng. Còn các DN đến từ Mỹ cho rằng, vấn đề nguồn nhân lực tại chỗ cũng ngày một yếu đi, thiếu lực lượng lao động có kỹ năng, thiếu chuyển dịch từ thâm dụng lao động sang phát triển giá trị gia tăng. Như vậy, có thể xác định yếu tố ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư ở nước ta là môi trường pháp lý và hành chính; môi trường tài chính và môi trường lao động. Cách khắc phục là phải xây dựng được môi trường pháp lý ổn định, minh bạch và công khai.

Các DN nước ngoài luôn ưu tiên cho các quốc gia có môi trường pháp lý ổn định, minh bạch và công khai. Vì sự thiếu minh bạch và không nhất quán sẽ làm gia tăng chi phí kinh doanh hơn thường lệ làm giảm lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh. Về môi trường tài chính là phải kéo giảm tỉ lệ lạm phát. Tỉ lệ lạm phát cao, không ổn định kéo theo sự mất giá của đồng tiền và tỉ giá hối đoái không ổn định làm cho khả năng chuyển đổi của đồng tiền kém đi. Các DN nước ngoài ít khi chọn môi trường có tỉ lệ lạm phát cao vì khi đó, giá của hàng hóa, nguyên vật liệu tăng làm giảm lợi nhuận. Cuối cùng là phải nâng cao chất lượng nguồn lao động phù hợp yêu cầu phát triển của DN và với mức chi phí cho việc sử dụng lao động hợp lý. Bởi vì một quốc gia có nguồn lao động chất lượng cao nhưng giá nhân công quá cao thì cũng không có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Đương nhiên, việc thu hút vốn FDI từ đầu năm đến nay của nước ta vẫn tăng 13% về vốn đăng ký và tăng 4% đối với vốn giải ngân. Đánh giá của các tổ chức tài chính thế giới về kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng như chỉ số cạnh tranh đều có triển vọng tốt. Do đó, không thể lấy các chỉ số nêu trên làm kết quả để đánh giá là tình hình đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện đang ảm đạm.

Nhưng đây rõ ràng là một dấu hiệu cho thấy đang có những sự thất vọng về môi trường đầu tư hiện tại ở ta và sức cạnh tranh đang gia tăng của các thị trường khác trong khu vực. Vì thế, nên coi đây là một lời cảnh báo sớm để có hướng khắc phục hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư, tăng tính hấp dẫn nhằm thu hút ngày một nhiều hơn nguồn vốn FDI.


Duy Hương