Huồi Máy: Cõng nặng lo âu năm học mới

04/09/2013 11:02

Huồi Máy bao xa? Tôi đi “xe gió” chạy đêm từ TP. Vinh lên Kim Sơn - thủ phủ của huyện Quế Phong hết 4 tiềng đồng hồ. Và tôi đã mất gần chừng đó thời gian để đi từ trung tâm bản Cắm Nọc (xã Cắm Muộn) đến với Huồi Máy mà quãng đường ước chỉ bằng trên dưới 1/20 quãng đường từ Vinh lên Kim Sơn. Dường như cái xa xôi, cách trở của Huồi Máy là ở cuộc sống còn đậm hoang sơ của đồng bào Khơ mú nơi đây và bấp bênh con chữ cho con em họ...

(Baonghean) - Huồi Máy bao xa? Tôi đi “xe gió” chạy đêm từ TP. Vinh lên Kim Sơn - thủ phủ của huyện Quế Phong hết 4 tiềng đồng hồ. Và tôi đã mất gần chừng đó thời gian để đi từ trung tâm bản Cắm Nọc (xã Cắm Muộn) đến với Huồi Máy mà quãng đường ước chỉ bằng trên dưới 1/20 quãng đường từ Vinh lên Kim Sơn. Dường như cái xa xôi, cách trở của Huồi Máy là ở cuộc sống còn đậm hoang sơ của đồng bào Khơ mú nơi đây và bấp bênh con chữ cho con em họ...

Nửa tiếng đồng hồ xe máy cài số một gầm gào được mấy cây số đèo dốc, đến Na Quẹ là phải gửi xe lại để cuốc bộ vô Huồi Máy. Con đường mòn như sợi chỉ giữa đại ngàn xanh, chốc chốc lại bị cắt đứt bởi những hố, những bãi khai thác vàng lở loét đất đá, sục sội bùn lầy. Thi thoảng lại một con dốc mà ngón chân vừa bấm chớm đỉnh đã “đứt hơi”; khi thì loay hoay mãi ở một con suối lổm ngổm đá “đầu ông sư” trơn trượt… Người dẫn đường - thầy Vi Văn Lâm, giáo viên trường Tiểu học Cắm Muộn 2, chốc chốc dừng lại động viên: “Anh nhà báo này khỏe, đi nhanh đấy!”. Hơn 12 giờ trưa đặt chân đến Huồi Máy. Lúc này, tôi không kịp gặp để chào các thầy giáo “cắm bản” mà vùi nhanh vào giấc ngủ “hồi sức”...

Huồi Máy ngoài không đường là không điện, không nước sạch, không y tế bản, không sóng điện thoại và lúp xúp mấy “lều học” mà nếu không có mấy tấm bảng đen dựng quanh vách nứa thì cứ ngỡ là lán bỏ hoang. Huồi Máy chính xác chỉ là cụm hộ dân khoảng 40 nóc nhà nằm dọc con khe Quẹ với ngót 200 nhân khẩu, về mặt hành chính là một đội sản xuất trực thuộc bản Cắm Nọc, cách đây chừng 30 km. Thế nhưng, ai cũng quen gọi Huồi Máy là “bản” bởi ở đây có điểm trường tiểu học.

Năm học 2013 – 2014 điểm Trường Tiểu học Huồi Máy có 18 học sinh; trong đó, lớp 1 có 5 em, lớp 2 có 3 em, lớp 4 có 4 em và lớp 5 có 3 em. Thầy giáo Lô Văn Lan được coi là tổ trưởng ở đây, dạy lớp ghép 2+3, thầy Lô Văn Thanh dạy lớp ghép 4+5 và thầy Lô Văn Việt dạy lớp 1. Thầy Lô Văn Lan vào Huồi Máy dạy học lần hai từ năm 2004 đến nay (trước đó thầy đã từng vào dạy từ năm 1986 – 1989).

Theo quy định thì luân phiên mỗi giáo viên Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 từ ngoài điểm chính vào Huồi Máy dạy 3 năm thì được thay, chủ yếu là giáo viên nam. Thầy Thanh trước dạy ở Túng Chàng, vào đây từ năm 2011 cùng đợt với thầy Việt nhà ở mãi bên Mường Piệt -Thông Thụ. Riêng thầy Lan thì vào 10 năm rồi và bà con Huồi Máy không cho ra nữa. Thầy gắn bó với Huồi Máy không chỉ ở tâm huyết “gieo chữ”, mà còn được coi là “người uy tín” ở đây.

Năm 2009, Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 cử giáo viên khác vào thay thầy Lan, bà con Huồi Máy không chịu, ôm chăn chiếu của giáo viên đó lội bộ ra trường “trả” thầy mới, “đòi lại” thầy giáo Lan. Đợt đó, thầy Lan phải vào Huồi Máy “nộp phạt” một con gà, một vò rượu kèm lời hứa một năm sau vào lại, thì sự học ở Huồi Máy mới được tiếp tục.



Trẻ em Huồi Máy lội suối đến trường.

“Lều học” Huồi Máy được ngăn đôi, một nửa dành cho lớp ghép của thầy Thanh, một nửa là các lớp của thầy Lan và thầy Việt. Mỗi lớp chỉ có vẻn vẹn một bàn một ghế đóng thô, năm nay lớp 1 sỹ số tăng so với năm ngoái, phụ huynh phải đóng vội thêm cho một cái bàn, ghế đơn. Trên góc bảng đen lớp 3 có ghi: “Sỹ số 4, vắng 2”; hỏi được biết 2 em học sinh nữa được bố mẹ đưa đi rẫy hai hôm nay chưa về. Hôm nay thầy giáo Việt dạy bài thuộc lòng, không có bảng từ (nam châm) theo quy định, đành nhặt sỏi dưới suối lên rải trên mặt bàn cho học sinh đánh dấu nhớ chữ. Để khỏi ảnh hưởng đến nhau trong mấy lớp học ghép ấy, giờ học các thầy giáo luôn phải nhắc nhở học trò hạ thấp giọng khi đọc bài... Một số em, đế đến trường phải lội qua suối Huồi Quẹ, cây cầu gỗ bị cuốn trôi, máy vào đào vàng múc đất lấp dòng tạo xói nước nên không khôi phục lại được cầu nữa.

Tiếng trẻ nhỏ khiến tôi tỉnh giấc trong lán tranh nứa liêu xiêu được coi là “nhà công vụ” của 3 thầy giáo điểm trường Huồi Máy. Trong cái lán chật chội ấy chen chúc những chăn màn giường chiếu, sách vở áo quần, bên tấm liếp ngăn sơ sài là góc bếp với chỏng chơ vài ba cái nồi đen nhẻm, lọ muối, chai dầu, ông đầu rau là ba hòn đá kê tạm... Không gian này là nơi mà những thầy giáo cắm bản như thầy Lô Văn Lan đã phải bám trụ suốt 10 năm vì sự nghiệp gieo chữ cho lũ trẻ Huồi Máy mà đồng nghiệp của tôi đã nhắc đến ư? Học trò Huồi Máy vào tiểu học đều không được qua mầm non.

Vận động các em đến trường vào đầu năm học mới là phần việc vất vả nhất của các giáo viên cắm bản. Sách vở thầy giáo phải cõng, gùi từ điểm trường chính vào; còn giáo cụ thì chịu. Và học trò nơi đây không có đồng phục; mùa đông cũng như mùa hè phong phanh áo quần cũ, rách. Vi Văn Dương năm nay 10 tuổi, học lớp 5 mà trông nhỏ thó như đứa trẻ lên bảy. Từ khi bắt đầu cắp sách đến lớp học cái chữ cho tới giờ, Dương đã biết cái “lễ khai giảng” năm học mới là gì đâu! Học với Dương có Moong Văn Mạnh, lớp 5 rồi mà chưa biết chữ “a” hay con số “1”, vì bị bệnh chậm trí nhớ, các thầy giáo “cắm bản” đề đạt mãi mà chưa có cách gì đưa Dương đi học diện trẻ tàn tật. Ấy nhưng hỏi Mạnh thương ai, vẫn biết nói “thương thầy giáo!”.

Ông Lữ Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn: Xã đã quy hoạch và vận động bà con Huồi Máy di dời ra vùng trung tâm xã, nhưng bà con vẫn muốn gắn bó lâu dài ở nơi cũ. Để thành lập bản thì Huối Máy chưa thể vì không cơ cấu được bộ máy tại chỗ. Xã vừa cấp 40 tấm tôn tận dụng cho điểm trường Huồi Máy nhưng chưa vận chuyển vào được do không có nhân lực. Trước mắt sau khai giảng, xã sẽ giao Đoàn Thanh niên cử lực lượng vào lợp lại mái nhà ở tạm cho các thầy giáo trong đó.

Cả Huồi Máy chỉ có ông Vi Văn Quế là đảng viên, Phó Bí thư chi bộ bản Cắm Nọc kiêm đại biểu hội đồng xã, ở đây ông được coi là “trưởng bản tự phong” nhưng nhiệm vụ của ông được chi bộ bản giao là “đội trưởng đội sản xuất” không chế độ. Ông Quế cho hay, cư dân Huồi Máy trước du canh, du cư sang Tương Dương, sau trở về đây, giờ bén rễ sâu rồi, không muốn đi đâu nữa mà muốn Nhà nước cho Huồi Máy thành lập bản để có ban quản lý, đoàn thể tuyên truyền chỉ đạo nhân dân làm ăn ổn định và phát triển, quan tâm việc học cho con em.

Bà con Huồi Máy trước ở lán tạm bợ, thầy giáo Lan phải vận động mãi mới chịu vay vốn ngân hàng chính sách làm nhà lợp phi-brô hay tôn như bây giờ. Đời sống chủ yếu dựa vào nương rẫy. Lúa, ngô, sắn vừa trồng trâu, bò thả rông đã phá hết, chăn nuôi thì dịch bệnh liên miên nên lợn, gà cứ thả rông thế, sống sót con nào dành dịp Tết làm thịt. Thiếu đói quanh năm, chưa no lòng thì nói chi đến chuyện lo việc học hành cho con cái.

Bữa cơm chiều có khách, các thầy giáo “khai vị” bằng mì tôm trứng chờ xôi đặt nấu ở cái quán duy nhất ở Huồi Máy do hộ Lương Văn Huân từ ngoài Cắm Nọc vào mở. Quán này, chủ yếu phục vụ cho người đãi vàng đi qua, giá bán các thức thường đắt gấp đôi ngoài chợ huyện. Đắt đỏ, nên các thầy giáo đã ra “nghị quyết” nhịn bữa sáng, bữa chính thi thoảng có cá mắm, còn nữa là rau dại, măng rừng bà con cho, nấu với nhái, chuột bắt được; muốn ăn thịt thì mỗi tháng cuốc bộ ra lấy xe máy gửi ở Na Quẹ chạy về nhà một lần “cải thiện”.



Giờ học lớp ghép 4+5 ở điểm trường Huồi Máy.

Năm trước có học trò lớp 4 khi được gọi lên kiểm tra bài cũ, chợt ngã ngất lịm, sau khi được các thầy hồi gọi, bón cho vài thìa mì tôm, hỏi mới biết đã 3 ngày em không ăn cơm vì bố mẹ đi rẫy mãi chưa về, chỉ hái ổi ăn trừ bữa! Thầy Việt tiếp lời: “Nhà báo có thấy khắp Huồi Máy đâu đâu cũng có ổi không. Không trồng, nhưng đó là cây cứu đói thực sự đấy! Bọn trẻ mấy khi có bữa cơm no, cứ đứt bữa là hái ổi ăn để đến lớp!”.

Chập tối, cảnh lũ trẻ Huồi Máy lúc lỉu bám các ngọn ổi tranh nhau hái quả chín ăn đã đánh tan cái ngờ ngợ của tôi với câu nói của thầy Việt. Chợt nhớ chia sẻ của thầy Nguyễn Thế Cầm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cắm Muộn 2, rằng có đợt nhà trường phát động phong trào Đội, các em học sinh góp được 2 tạ gạo ủng hộ các bạn nhỏ Huồi Máy nhưng phụ huynh chẳng ai chịu ra gùi về, nhà trường đành phải bán lấy tiền đưa vào mua gạo ở Huồi Máy với giá đắt gấp đôi. Nhà trường cũng băn khoăn về điều kiện ăn ở của các thầy giáo “cắm bản” Huồi Máy lắm, nhưng ngay ở điểm trường chính nhà công vụ (ký túc xá giáo viên) cũng tranh nứa mục nát không ở được nữa; rồi nhà hiệu vụ cũng không có, hiệu phó và hiệu trưởng đang phải làm việc trong cái phòng chờ bé tí hin của giáo viên cũng là tận dụng nhà dự án “Trẻ khó khăn”...

Bữa cơm chiều chợt trầm hẳn khi thầy giáo Lan rủ rỉ tâm tư: Niềm vui tựu trường ở Huồi Máy bao giờ cũng cõng nặng những lo âu, nhất là mùa đông đến, các thầy lại phải hàng ngày thắt ruột chứng kiến cảnh lũ trẻ tím tái đói rét đến lớp. Mai mốt khai giảng, chỉ các thầy và ông Quế ra điểm trường chính dự lễ, rồi lại phải trở vào ngay để truyền đạt cho phụ huynh tinh thần năm học mới. Dù biết rằng để đem lại cái chữ cho con em Huồi Máy thì chủ yếu vẫn là ở tinh thần kiên trì, chịu đựng khó khăn và tâm huyết của các thầy giáo “cắm bản” ở nơi chưa được công nhận là bản này thôi!

Giấc ngủ chập chờn khi mưa nặng hạt xuyên dột khắp căn lán nhỏ. Đêm Huồi Máy sớm chìm vào tĩnh mịch. Đến bao giờ, lũ trẻ ở Huồi Máy có được ngày lễ khai giảng năm học mới?

Ông Lữ Đình Thi – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong: Huồi Máy hiện có trong danh sách các điểm trường mà huyện sẽ kiên cố hóa vào năm 2015; huyện cũng nhắc nhở xã Cắm Muộn ưu tiên cơ sở vật chất cho Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 và Huồi Máy nói riêng. Hiện tuyến đường giao thông Na Khích (Nậm Nhoóng) – Phạ Pạc (Cắm Muộn) đi qua Huồi Máy đang khởi động, chúng tôi đang xem xét phương án đón đầu để có thể sẽ bố trí cán bộ tăng cường vào đó để thành lập bản.


Đình Sâm