Doanh nghiệp lãi khá, người trồng mía nghèo thêm

26/07/2013 21:50

Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết đường thành phẩm sẽ tiếp tục tồn kho cao trong vụ ép 2013-2014, bắt đầu từ giữa tháng 9-2013.


Trong khi đó, kết quả vụ ép mía 2012-2013 hình thành hai xu hướng khác nhau giữa doanh nghiệp và nông dân trồng mía, đó là doanh nghiệp đạt lãi khá, còn lợi nhuận của nông dân lại sụt giảm.


Doanh nghiệp lãi khá, nông dân sụt giảm


Tại hội nghị “Tổng kết vụ sản xuất mía đường 2012-2013” được tổ chức tại Hậu Giang hôm nay (25-7), ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối, cho biết vụ ép 2012-2013, 40 nhà máy đường của cả nước (tổng công suất thiết kế đạt 134.200 tấn/mía nguyên liệu/ngày) đã ép được 16,6 triệu tấn mía nguyên liệu, sản xuất khoảng 1,53 triệu tấn đường thành phẩm.


“So với vụ ép trước, công suất tăng 4.300 tấn mía nguyên liệu/ngày (tương đương 3,3%); lượng mía nguyên liệu được sử dụng để ép tăng 2,1 triệu tấn (14,5%), đường thành phẩm được sản xuất tăng 224.000 tấn (17,1%)”, ông cho biết.


Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết niên vụ trồng mía 2011-2012, cả nước xuống giống được 298.200 héc ta, tăng 15.000 héc ta so với niên vụ trước; năng suất tăng 2,2 tấn/héc ta, sản lượng tăng 1,5 triệu tấn (đạt 19,4 triệu tấn).


“Riêng về tình hình tiêu thụ, vụ ép 2012-2013 (từ ngày 15-8-2012 đến 15-7-2013), tổng lượng đường được các doanh nghiệp bán ra đạt gần 1,27 triệu tấn (trong đó xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 200.000 tấn), tăng 58.000 tấn so với niên vụ trước”, ông Hòa nói.


Tuy nhiên, lợi nhuận của nông dân trồng mía lại có xu hướng sụt giảm mà nguyên nhân được xác định do giá bán giảm. Cụ thể, giá mía nguyên liệu được nông dân bán ra phổ biến chỉ 750 – 850 đồng/kí lô gam (giá bán tại ruộng), trong khi đó, niên vụ trước bán với giá 900 – 1.000 đồng/kí lô gam, thậm chí có thời điểm đạt 1.050 – 1.100 đồng/kí lô gam.


Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất đường vẫn đạt được lợi nhuận khá. Theo đó, quí 1-2013, Công ty cổ phần đường Ninh Hòa (Khánh Hòa), có lợi nhuận sau thuế đạt 22 tỉ đồng, tăng khoảng 10 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái; Công ty cổ phần mía nhiệt điện Gia Lai –SEC (Gia Lai), có lợi nhuận sau thuế đạt hơn 32 tỉ đồng, tăng 5 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.


Nhiều công ty đường lãi khá thể hiện qua số nộp ngân sách của các nhà máy đường trong cả niên vụ hơn 1.000 tỉ đồng.


Đường tồn kho vẫn cao


Dự báo về vụ ép mía 2013 – 2014 được bắt đầu từ giữa tháng 9 tới, VSSA, cho biết đường tồn kho sẽ tiếp tục ở mức cao. Theo VSSA, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến áp lực đường tồn kho vẫn cao do, thứ nhất, đường tồn kho của vụ ép 2012 - 2013 chuyển sang; thứ hai, đường thành phẩm được sản xuất ra ở vụ ép 2013 – 2014 lớn; thứ ba, áp lực đường nhập lậu vào Việt Nam cao.


“Nếu giữ nguyên lượng đường chuyển sang hàng năm, khoảng 100.000 tấn, đồng thời, vụ ép 2013 – 2014 sản xuất được 1,6 triệu tấn (con số dự kiến sản xuất được của vụ ép 2013-2014), 78.000 tấn đường nhập khẩu theo cam kết Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), song song đó, mức tiêu thụ trong nước được phục hồi, khoảng 1,5 triệu tấn, thì lượng đường tồn kho được dự báo vào khoảng 200.000 tấn”, ông Hòa nói. Đó là chưa tính đến trường hợp đường nhập lậu tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều.


Ông Bạch Quốc Khang, Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cho biết thời gian tới, sẽ thành lập nghiệp đoàn những người trồng mía của Việt Nam. Mục đích của việc thành lập tổ chức này nhằm bảo vệ lợi ích của người trồng mía, giúp nông dân dễ dàng tiếp cận được với tiến bộ khoa học kỹ thuật, vốn vay... Nghiệp đoàn những người trồng mía được thành lập dựa trên tinh thần tự nguyện của nông dân.


Theo.baocongthuong.P.H