Xanh chè Già Giang
(Baonghean) - Già Giang thuộc địa phận hành chính xã Long Sơn, huyện Anh Sơn. Xưa kia, đây là vùng rừng tre, nứa, giang rậm rạp. Những năm 1960, một số người dân ở các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Anh Sơn tìm đến vùng này khai hoang, vỡ đất, lập nên các khu trại trồng sắn giữa rừng hoang, núi thẳm. Họ đặt tên cho mảnh đất mới là Già Giang (vùng đất có nhiều cây giang). Năm 1985, nhận thấy đây là khu vực có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây chè, các công nhân của Xí nghiệp Nông công nghiệp chè Anh Sơn ra đây khai khẩn đất hoang, phát quang, mở rộng diện tích và thành lập Nông trường chè Kim Long.
(Baonghean) - Già Giang thuộc địa phận hành chính xã Long Sơn, huyện Anh Sơn. Xưa kia, đây là vùng rừng tre, nứa, giang rậm rạp. Những năm 1960, một số người dân ở các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Anh Sơn tìm đến vùng này khai hoang, vỡ đất, lập nên các khu trại trồng sắn giữa rừng hoang, núi thẳm. Họ đặt tên cho mảnh đất mới là Già Giang (vùng đất có nhiều cây giang). Năm 1985, nhận thấy đây là khu vực có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây chè, các công nhân của Xí nghiệp Nông công nghiệp chè Anh Sơn ra đây khai khẩn đất hoang, phát quang, mở rộng diện tích và thành lập Nông trường chè Kim Long.
Một thời gian sau, khi cây chè bước vào thời kỳ thu hoạch ổn định cũng là lúc đất nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện, lãnh đạo nông trường xây dựng mô hình đưa nhà ra vườn chè, chuyển từ hình thức bao cấp, làm theo HTX cũ thành khoán sản phẩm. Một số xã viên của HTX Vận tải Lạng Sơn sau khi giải thể cũng được đưa vào vùng Già Giang, học cách trồng chè, phát triển kinh tế mới.
Hầu hết các gia đình đều có đồi chè, ao cá, rừng cây.
Sử dụng máy để thu hoạch chè.
Các gia đình được giao đất, cho vay vốn và cấp giống chè mới để tự canh tác, tự thu hoạch và bán lại sản phẩm cho nông trường. Bắt đầu từ đây, vùng đất Già Giang có những bước chuyển biến mới. Được tự chủ sản xuất và hưởng trọn thành quả khi thu hoạch, các gia đình ở đây mạnh dạn đưa giống chè mới như TH1, LĐ 1, LĐ 2 vào trồng đại trà. Bên cạnh đó, người dân còn ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới trong việc cắt tỉa, tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây chè để mang lại hiệu quả ngày càng cao.
Hiện nay, Già Giang có 178 hộ dân sinh sống, hầu hết đều là công nhân Nhà máy chè Anh Sơn nhưng chịu sự quản lí về mặt hành chính của UBND xã Long Sơn. Dưới bàn tay, khối óc của con người, vùng rừng hoang sơ nay đã đổi mới, trở thành mảnh đất sơn thủy hữu tình với những đồi chè bạt ngàn xanh mướt, những căn nhà mới khang trang chạy dọc con đường nhựa quanh co uốn lượn.
Ông Trần Văn Đoàn, đội trưởng sản xuất vùng Già Giang cho biết, cây chè đang phát triển rất mạnh và là cây chủ lực, giúp bà con nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hàng năm, vườn chè cho khoảng 8 lần thu hoạch, giá chè dao động từ 3400 – 3500 đồng/kg, trung bình mỗi gia đình ở Già Giang thu về từ 90 – 150 triệu đồng tiền bán chè/năm...
Nguyên Khoa