Cơ hội song hành cùng thách thức!
Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mới của Liên minh Châu Âu (EU) có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Tuy vậy, nhiều thách thức không nhỏ đang đặt ra cho các doanh nghiệp (DN).
Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mới của Liên minh Châu Âu (EU) có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Tuy vậy, nhiều thách thức không nhỏ đang đặt ra cho các doanh nghiệp (DN).
Ông Bùi Thanh Sơn- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao- cho biết, so với hệ thống hiện hành, GSP sửa đổi có quy định chặt chẽ hơn, giảm từ 176 xuống còn 89 quốc gia và vùng lãnh thổ được hưởng quy chế, được chia thành hai nhóm. Nhóm 49 quốc gia kém phát triển nhất được hưởng quy chế “tất cả trừ vũ khí”. Việt Nam cùng Thái Lan, Philipines và Indonesia thuộc nhóm 40 quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp được hưởng ưu đãi thuế quan với các nhóm mặt hàng cụ thể- theo quy định của EU.
Ông Franz Jessen- Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam- cho rằng, hàng Việt tăng mạnh khi xuất sang EU bởi có phần đóng góp từ “lợi ích” của GSP, như khoảng 49% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường EU đã được hưởng thuế ưu đãi GSP. Quy chế GSP mới có hiệu lực từ năm 2014 sẽ giúp nhiều sản phẩm xuất khẩu, trong đó có giày dép, được hưởng mức thuế ưu đãi hơn, sẽ thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam.
6 tháng đầu năm, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi đạt kim ngạch 11,6 tỷ USD. Quy chế GSP mới mà EU sắp áp dụng sẽ “cởi trói” cho nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Ông Trương Đình Tuyển- Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại: Thủ tục để được hưởng GSP mới rất chặt chẽ, chỉ giới hạn một số sản phẩm nhất định và phải được các quốc gia có GSP chấp nhận. Ngoài ra, được hưởng GSP thường kèm theo một số điều kiện phi kinh tế, danh mục và mức thuế GSP không cố định ... |
Tuy vậy, EU sẽ áp dụng cơ chế “trưởng thành” để một loại hoặc nhóm hàng không được hưởng ưu đãi thuế nếu thị phần vượt quá 17,5% (đối với dệt may là 14,5%) và được cho là có tính cạnh tranh. Thách thức đối với Việt Nam sẽ tăng đáng kể.
Theo ông Trần Ngọc Quân- Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) - do rất nhiều nước đang phát triển có trình độ cao hơn Việt Nam sẽ không được hưởng GSP nữa nên thị phần hàng nhập từ Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều và rất dễ đạt tới ngưỡng “trưởng thành”.
Theo ước tính của Bộ Công Thương, thị phần hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam theo quy chế mới sẽ gồm 3 nhóm: Nhóm đạt ngưỡng trưởng thành (cà phê, chè và các loại gia vị, thủy sản, giày dép...), nhóm có nguy cơ chạm ngưỡng trưởng thành hoặc bị tự vệ (nhựa và hàng may mặc) và nhóm có khả năng hưởng ưu đãi ổn định (gỗ, than từ gỗ, nguyên liệu dệt, hàng điện tử kể cả điện thoại, và các mặt hàng khác).
Theo baocongthuong - PH