Bài 10: Họ Lô và Lễ hội mường Chai

06/08/2013 23:00

Ở huyện Vĩnh Hòa, phủ Tương Dương xưa (huyện Con Cuông ngày nay), cùng với Mường Quạ còn có Mường Chai. Mường có 11 bản người Thái, do một số dòng họ như Lương, Lô, Lưu thay phiên nhau cai quản, quy mô bao gồm toàn bộ xã Chi Khê ngày nay. Theo truyền thuyến vẫn lưu truyền trong cộng đồng bản Đình và bản Chai thì có công lập nên Mường Chai cùng với họ Lương là những người họ Lô...

>Bài 9: Cuộc hành trình của họ Vi bản Noong Bua

Tài liệu của ông Vi Văn An, một tiến sỹ dân tộc học, cũng ghi nhận có những trường hợp các ông Lô Văn Tý, Lô Văn Thịnh... làm Khoán mường vào khoảng cuối thời Pháp thuộc. Đây là một chức dịch cấp xã của chính quyền cũ. Theo một số cụ cao tuổi như bà Điện ở bản Đình, dòng họ này từng có một số người giữ chức bang tá (không rõ là cấp phủ hay huyện) và phó lý như ông Phó Quyền, Bang Quyền... Tên gọi của mường Chai để ghi nhớ sự kiện người dân khai phá vùng ruộng nước tên gọi Tổng Chai, nay là cánh đồng lúa nước lớn nhất xã Chi Khê, nằm giữa bản Liên Đình và Tổng Chai.

Trong một đêm mùa hè mưa gió, chúng tôi có dịp nghe ông Lô Ba, một người cao tuổi của dòng họ, kể về truyền thuyết họ Lô... Ngày xưa, cách đây đã nhiều thế hệ, có ông quan Tả từ Lào chạy về cùng với họ Lương, lập nên mường Chai. Là dòng họ kém thế lực hơn nên những người trong họ Lô không được làm quan mà giữ chức trùm hộ, chằm mương chuyên lo việc hương hỏa và được nhận phần đất gần đền để cày cấy mà không phải nộp thuế. Trong một lần cầm quân đi dẹp giặc từ Lào trở về đường xa, hết lương ăn. Khi đến địa phận bản Chằn Nằn (Chi Khê ngày nay) thì trông thấy một cây thị trĩu quả. Quan Tả liền dừng ngựa trèo lên hái quả giúp quân lính vượt qua cơn đói lòng. Chẳng may, cành cây gãy, quan ngã nhào xuống đất mà chết. Quân lính tìm được thì đã thấy mối xông thành một ụ đất lớn. Nghĩ rằng đây là điềm lành nên con cháu rước cụ về lập nơi thờ tự tại đền Xốp Huồi, nơi con suối Khe Chai hòa vào sông Lam...



Dấu vết của đền Xốp Huồi chỉ còn lại chiếc cọc nhang được dựng sơ sài.

Ngôi đền thiêng này thờ linh vị quan Tả, một trong những người đầu tiên của dòng họ tại mường Chai. Ngoài đền Xốp Huồi, còn có đền Nưa ở thôn Bãi Văn (Chi Khê). Ngôi đền này thờ quan Hữu (ông tổ của dòng họ Lương) và Đức Ông thuộc một chi khác của dòng họ Lô. Đền Nưa là ngôi nhà gỗ theo kiểu kiến trúc chùa chiền, gian thờ chính và 2 gian phụ. Đền Xốp Huồi thiêng nhất, chỉ có ngôi nhà gỗ. Ai được giao trông coi việc hương hỏa, lễ lạt được phép "ăn" (cày cấy) trên phần đất liền kề ngôi đền. Như vậy, có thể nói, dù không phải là dòng họ thế lực nhất mường Chai, vì về sau quyền lực về tay họ Lương, nhưng họ Lô đã góp phần rất lớn để lập nên mường này. Điều đó thể hiện ở việc linh vị của 2 trong 3 người được thờ tại đền Xốp Huồi là người họ Lô.

Ông Lô Ba (sinh năm 1939), cựu chiến binh chống Mỹ cho biết: Cụ thân sinh của ông là Lô Liên, trước đây từng làm trùm hội, trông coi việc hương hỏa tại đền Xốp Huồi. Từ năm 1948, ông đã theo cha phụ giúp và đỡ phải sợ hổ. Ngày ấy, quanh ngôi đền còn nhiều rừng cây rậm rạp, có hùm beo cư trú. Đến năm 1956, Nhà nước có chính sách bài trừ mê tín dị đoan, việc thờ tự bị cấm. Ngày trước, cứ vào 15 và 30 âm lịch hàng tháng, ông Ba lại cùng cha ra đền thắp nhang khấn vái. Lễ cúng đền được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán. Những đồ thờ ngày ấy, gồm cờ quạt, võng lọng, 5 bộ áo mũ. Làm lễ xong, lại được cất vào 2 chiếc hòm gìn giữ rất cẩn thận.

Theo sách Lịch sử Đảng bộ huyện Con Cuông, tại xã Chi Khê còn có đền thờ vua Trần ở đầu bản Chai ngày nay. Các cụ cao niên cho biết, cứ vào lễ hội đền người ta tổ chức lễ rước xuôi bè theo con suối, từ ngôi đền này ra đền Xốp Huồi. Mục đích là để giải trừ xui xẻo, dịch bênh cho dân bản xưa kia. Về niên đại của đền Xốp Huồi hiện vẫn chưa được xác định. Căn cứ vào những nghiên cứu về dân tộc học thấy rằng mường Chai là địa bàn cư trú của nhóm Thái Tay Mương, là những cư dân Thái đầu tiên của khu vực Tây Nam Nghệ An, muộn nhất là vào thời nhà Trần. Có thể, những ngôi đến này cũng được xây dựng từ rất sớm theo bước chân thiên di của người Thái từ phương Bắc đi xuống.

Ông Lô Ba cho biết, đền Xốp Huồi không phải là đền bản. Ngày trước, mỗi bản đều có đền riêng, đặt trên quả đồi của bản. Khi chúng tôi tìm đến thì dấu vết để còn có thể nhận ra ngôi đền thiêng của mường Chai chỉ là 3 chiếc cọc nhang mới được những người trong dòng họ dựng lên, cách đây vài năm. Ông Vi Khâm, chủ hộ gia đình đang "ăn" phần đất liền kề ngôi đền, cho biết: Hàng tháng, cứ 15, 30 âm lịch, gia đình chúng tôi vẫn đến thắp hương. Gần đây, đã thấy người trong dòng họ Lô đi lễ đền vào Rằm tháng Bảy".

Hội đền Xốp Huồi ngày xưa, được tổ chức vào 15 tháng 6 âm lịch hàng năm. Mỗi lần có hội xã đều tổ chức tế trâu cho nhân dân cả xã đến dự. Từ các ngả bản, người đi hội cầm theo cờ quạt, khua chiêng, gióng trống, xếp hàng chỉnh tề kéo về đền. Sau lễ tế, phần hội được tổ chức ở một bãi đất rộng, có một cây sung lớn đứng chân uy nghi giữa đền Xốp Huồi và đền Nưa. Trong lễ hội, người ta không phân biệt quản mường với dân bản nữa, ai cũng được vui chơi thỏa thích, ăn uống như nhau. Đến khi tối mịt, con gà lên chuồng mới tan hội.

Người dân bản Chai cho biết cả 2 di tích này bị phá vào cuối thập kỷ thứ 5, đầu thập kỷ thứ 6 thế kỷ XX. Nhiều đồ thờ cũng bị thiêu hủy theo. Những thành viên trong dòng họ giữ được một vài bộ quan phục từ ngày trước, cách đây 3 năm đã bị đem đốt. Lần ấy, con cháu dọn dẹp đền thờ họ tại bản Tổng Chai, thấy nhiều thứ đồ thờ như mũ áo... đã bị mối ăn thủng lỗ chỗ, đem đốt trả về cho tổ tiên. Ông Lô Ba xót xa nói: "Cái hôm họ cho đốt những đồ thờ ấy, tôi có chứng kiến tận mắt, nhưng mà không dám nhìn". Tuy nhiên, theo ông Ba hiện tại nhà thờ họ Lô vẫn giữ được 2 chiếc ngai thờ quan Tả và phu nhân, cùng với 2 thanh kiếm...

Ngày nay, những người họ Lô vẫn tổ chức giỗ họ, thời gian tổ chức đã thay đổi. Trong xu thế hội nhập, người họ Lô đã ăn Rằm tháng Bảy như người Kinh tại nhà thờ họ. Đây là dịp con cháu quần tụ để tăng cường khối đoàn kết trong họ tộc. Tục cưới hỏi, ma chay, lễ tết của dòng họ này cũng tương tự nhóm Thái Tay Mương ở Con Cuông. Một thành viên trẻ tuổi của dòng họ cho biết: Trước đây, có nghe nói đến chyện họ Lô thờ chim "nộc tằng lo". Khi lên rừng, lỡ săn được giống chim này phải chôn cất cẩn thận....


Hữu Vi