Đô thị Sông Dinh, động lực phát triển vùng phía Đông Quỳ Hợp

12/08/2013 18:49

(Baonghean) - Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XV đã ra nghị quyết thông qua Đề án Đô thị sông Dinh, huyện Quỳ Hợp là đô thị loại V. Điều này đồng nghĩa với việc Thị trấn Sông Dinh ra đời sẽ tạo động lực phát triển vùng phía Đông huyện Quỳ Hợp.

Có mặt tại xóm Tân Mỹ, xã Tam Hợp, một trong 3 xã trong vùng quy hoạch Thị trấn sông Dinh, ông Trương Đình Luật, Bí thư xóm cho biết: Là một trong những người có mặt đầu tiên từ ngày đầu huyện mới thành lập, chứng kiến quá trình phát triển đi lên của mảnh đất này nên ông rất vui khi nghe tin vừa qua HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về việc thành lập Thị trấn Sông Dinh. Ông cho rằng, việc đô thị Sông Dinh ra đời không chỉ tiếp nối lịch sử (Thị trấn Nông trường 3/2 được thành lập năm 1965 và đến năm 1995 thì giải thể) mà còn chứng minh sức vươn vùng đất này và mở ra cơ hội phát triển mới cho cụm xã trong tương lai.

Quả thật, trong vòng hơn 10 năm lại đây, cụm xã khu vực ngã ba Săng Lẻ có những bước phát triển rất mạnh mẽ. Ngành nghề kinh doanh phát triển đa dạng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật không ngừng được đầu tư, đời sống người dân được nâng lên. Điểm nhấn và cũng là cơ sở quan trọng cho việc hình thành đô thị đó là, Nhà máy liên doanh mía đường Nghệ An Tate & Lyle hoạt động kéo theo nhiều ngành nghề dịch vụ mới trên địa bàn đã ra đời, phát triển.



Xưởng sửa chữa ô tô Tuấn Nhiên tại xóm Tân Mỹ, Tam Hợp giải quyết việc làm cho 4 - 5 lao động, thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Từ năm 2008, đề án xây dựng Thị trấn Sông Dinh được đặt ra và bắt đầu khởi động. Sau 5 năm khảo sát, lựa chọn và phương án “chốt” về phân loại Đô thị Sông Dinh trình HĐND tỉnh hiện nay. Theo đó, Đề án quy hoạch Đô thị Sông Dinh về cơ bản chạy dọc theo trục Quốc lộ 48. Từ Thái Hòa lên, điểm đầu từ ngã 3 đi Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn) đến đoạn cuối cách ngã 3 Săng Lẻ (xã Tam Hợp) khoảng 1 km về 2 nhánh Quốc lộ 48 C đi về Thị trấn Quỳ Hợp và Quốc lộ 48 đi lên Quỳ Châu - Quế Phong. Đô thị Sông Dinh có diện tích tự nhiên 473,3 ha, dân số 7.422 người (tính đến tháng 6/2011), thuộc địa bàn 15 xóm của 3 xã (Nghĩa Xuân, Tam Hợp và Minh Hợp).

Ông Nguyễn Công Kích, Trưởng phòng Nội vụ UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Để có tên gọi Đô thị Sông Dinh như hiện nay, các cơ quan, ban ngành chức năng của huyện đã tiến hành thảo luận, lấy ý kiến rất dân chủ, rộng rãi, từ họp dân các xóm liên quan lấy ý kiến rồi họp cán bộ đoàn thể, chủ chốt các xã, HĐND huyện thông qua, sau đó Ban chấp hành và Ban Thường vụ Huyện ủy cho ý kiến. Tên gọi Đô thị Sông Dinh hiện nay được nhiều người đồng tình nhất với nhiều ý nghĩa nhắc lại một truyền thuyết trong lịch sử thời kỳ vua Lê Lợi lập đại bản doanh rèn quân ở vùng Bãi Tập, tương truyền đã lập một dinh thự bên dòng sông này. Mặt khác, sông Dinh là con sông chạy dọc qua huyện và có lịch sử gắn bó với người dân Quỳ Hợp. Việc Đô thị Sông Dinh được công nhận đô thị loại 5 là điều kiện cần để thành lập thị trấn. Sau khi công nhận kết quả phân loại xong, cơ quan chức năng sẽ tiến hành các bước tiếp theo như hình thành bộ khung, bộ máy, xây dựng cơ sở vật chất….

Trên thực tế, với vị trí giao thông và chợ thương mại khá thuận lợi, Đô thị Sông Dinh không chỉ là đầu mối cung cấp trung chuyển hàng hóa thực phẩm từ miền xuôi lên các vùng nguyên liệu cam, mía, cao su của huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong… mà còn là điểm thu gom, chuyển hàng hóa nông sản các thị trường khác. Điều này được thể hiện, trong số các tiêu chuẩn thì chức năng đô thị và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của Đô thị Sông Dinh được chấm cao nhất và gần tối đa. Trong số các ngành nghề dịch vụ thì nghề vận tải trên địa bàn phát triển nhất với hàng trăm xe tải thuộc địa bàn 3 xã đang hoạt động sẽ là triển vọng để nghề sửa chữa và dịch vụ cơ khí, máy móc phát triển…

Việc Đô thị Sông Dinh được công nhận đô thị loại 5 và trong tương lai không xa sẽ trở thành thị trấn, có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Đông của huyện Quỳ Hợp, góp phần tích cực tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Tây Nghệ An.


Nguyễn Hải