Kiện tướng bắn nỏ Lô Văn Kiện

04/11/2013 10:45

(Baonghean) - Gần 10 năm trở lại đây, Lô Văn Kiện nổi lên như một hiện tượng trong bộ môn bắn nỏ ở Nghệ An với thành tích bất bại ở hầu hết các giải đấu. Không những thế, anh còn có công rất lớn trong việc phát hiện và đào tạo nhiều lớp vận động viên kế cận.

Lô Văn Kiện và gia đình bên các tấm huy chương.
Lô Văn Kiện (trái) và gia đình bên các tấm huy chương.

Con đường vào nhà vận động viên Lô Văn Kiện ở bản Lủng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương mùa này khá lầy lội. Dọc đường đi, anh Lô Văn Khun, chuyên trách văn hóa xã nói với tôi: “Biết có nhà báo đến tôi phải gọi điện cho anh Kiện từ hôm qua. Nếu không là nỏ gặp mô. Ngày nào anh cũng đi làm thuê cho người ta mà”.

Quả thật, nếu chưa từng gặp anh ở các giải thi đấu thể thao thì khó có thể tin được người đàn ông đen nhẻm, gầy gò đang kéo chiếc xe rùa chở đầy cát là một vận động viên nổi tiếng. Thấy người lạ đến, anh không giấu được vẻ ngại ngùng, chỉ đến khi thấy tôi và cô con gái đầu Lô Thị Trang nói chuyện về những tấm huy chương, bằng khen treo kín vách nhà anh mới thực sự cởi mở.

Về con đường đến với vận động viên bắn nỏ, chính Lô Văn Kiện cũng thấy bất ngờ. Từ khi 8 tuổi, anh đã theo cha vào rừng, 14, 15 tuổi đã biết làm đủ loại mũi tên, làm cung, làm nỏ để săn bắt thú. Cũng chính vì thế, khi Phó Chủ tịch xã Tam Hợp, Kha Văn Thường phát hiện anh có khả năng bắn “bách phát bách trúng” và chọn anh đi dự Đại hội TDTT của huyện, anh chẳng biết thi đấu là gì, cũng không biết khái niệm là bia đích xa, đích gần. Anh chỉ biết, phía trước là mục tiêu và mục đích của mình là phải bắn trúng vào trung tâm. Đến nỗi, sau khi đạt giải Nhất huyện và đại diện cho đoàn Tương Dương đi tham dự Đại hội TDTT tỉnh năm 2005, lúc bắn xong anh cũng không biết mình thắng hay thua nữa. Chỉ đến khi nghe mọi người nói “Kiện ơi! Ta thắng rồi”, anh mới biết mình giành được Huy chương Vàng ở tất cả các nội dung. Thành công từ giải đấu đó cũng là cánh cửa lớn để anh được gọi vào đội tuyển thi đấu của tỉnh tham dự các giải đấu toàn quốc. Lô Văn Kiện chinh phục được nhiều Huy chương Vàng khác như Huy chương Vàng tại Đại hội TDTT toàn quốc, Huy chương Bạc tại Đại hội các dân tộc thiểu số… Riêng các giải đấu trong tỉnh từ 2005 – 2010, anh Kiện gần như không có đối thủ.

Hai vợ chồng Lô Văn Kiện đều là vận động viên bắn nỏ
Hai vợ chồng Lô Văn Kiện đều là vận động viên bắn nỏ

Sau hiện tượng của Lô Văn Kiện, thể thao Nghệ An cũng bắt đầu quan tâm và chú trọng vào bộ môn bắn nỏ, còn trước đó môn này chủ yếu phát triển dưới dạng tự phát. Riêng anh Kiện, ngoài nhiệm vụ chính của một vận động viên anh còn về địa phương tìm kiếm thêm các nhân tố khác để tạo nguồn. Lứa vận động viên sau này anh tuyển chọn và luyện tập đều có thành tích cao. Trong đó phải kể đến Lô Văn Ba, Lô Thị Din, Lô Thị Liễu, Lô Thị Trang, Lô Thị Nga…

Điều đặc biệt hơn, đây đều là vợ, con, em trai, em gái của anh. Nhờ đội quân hùng hậu này nên có nhiều giải đấu, gia đình anh dành gần trọn bộ huy chương. Tại Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ 6 riêng đội Tương Dương đã giành 8 Cúp và 15 Huy chương Vàng. Hỏi anh, có thiên vị quá không khi chỉ đào tạo mỗi người nhà, anh cười: “Có lý do chi mô, tại không có điều kiện đi lại mà, mấy anh em ở gần nhau tập khi mô cũng được, rảnh lại tập…”. Người nhỏ tuổi nhất mà anh huấn luyện chính là con gái đầu Lô Thị Trang. “Lúc đó Trang mới học lớp 5, người nhỏ tý, tay cầm chiếc nỏ còn chưa vững. Rứa mà vẫn giành được 1 HCV tại Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh”, anh Lô Văn Khun kể lại. Cô bé Trang năm xưa, nay vừa học xong cấp III, dù không còn theo nghiệp thể thao nhưng mắt vẫn sáng ngời khi nói về môn bắn nỏ. Kề dưới Trang, em gái Lô Thị Liễu cũng đã được chọn vào đội tuyển bi sắt của tỉnh. Năm nay vừa giành 2 HCĐ, 1 HCB tại Giải vô địch Petanque toàn quốc tổ chức ở Sóc Trăng.

Ba cô con gái cũng là niềm hy vọng lớn nhất của vận động viên Lô Văn Kiện trong thời điểm hiện nay, bởi anh biết rằng mình không còn ở độ tuổi thi đấu đỉnh cao nữa. Nghĩ lại 10 năm qua, dù thể thao không đem lại cho anh giàu có nhưng anh vẫn thấy mình may mắn vì nhờ đó mà anh và các con cháu trong nhà mới có điều kiện “mở mang tầm mắt”, được đi nhiều tỉnh, thành, được cọ xát với nhiều giải đấu. Không chỉ thế, các giải đấu cho anh biết yêu và thêm quý bộ môn truyền thống của dân tộc mình, để rồi sẽ tiếp tục giữ gìn, phát huy và nhân rộng khắp các bản làng.

Bài, ảnh: Mỹ Hà