Thiệt cả người trồng lẫn người mua

30/08/2013 15:50

Gỗ nguyên liệu (chủ yếu là cây keo, bạch đàn) thường có chu kỳ kinh doanh  từ 7 - 8 năm. Nếu khai thác đúng giai đoạn (năm thứ 8 đối với rừng trồng keo) thì năng suất, giá trị kinh tế sẽ cao. Vậy nhưng thời gian qua, trên địa bàn nghệ an đã xẩy ra tình trạng khai thác gỗ non với mức độ ngày càng tăng. Điều này không chỉ làm thiệt hại về kinh tế cho người trồng, mà còn ảnh hưởng đến môi trường, độ che phủ của rừng…

(Baonghean) - Gỗ nguyên liệu (chủ yếu là cây keo, bạch đàn) thường có chu kỳ kinh doanh từ 7 - 8 năm. Nếu khai thác đúng giai đoạn (năm thứ 8 đối với rừng trồng keo) thì năng suất, giá trị kinh tế sẽ cao. Vậy nhưng thời gian qua, trên địa bàn nghệ an đã xẩy ra tình trạng khai thác gỗ non với mức độ ngày càng tăng. Điều này không chỉ làm thiệt hại về kinh tế cho người trồng, mà còn ảnh hưởng đến môi trường, độ che phủ của rừng…

Bà Nguyễn Thị Sáu, ở xã Nam Hưng (Nam Đàn) chuyên thu mua gỗ keo nguyên liệu, cho hay: Ở vùng này và một số xã của huyện Nam Đàn, Thanh Chương có số lượng lớn keo được trồng tại vườn nhà và rừng của hộ dân, việc chặt gỗ keo để bán phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình. Vì vậy, hộ nào cần tiền là bán gỗ non. Ở các nhà máy chế biến dăm gỗ Hà Tĩnh, và tại Khu công nghiệp Nam Cấm, nhập hàng không khắt khe về gỗ non hay gỗ đủ tuổi khai thác. Do vậy, là người thu mua, hễ vùng này ai bán keo thì mua, không kén chọn”.

Vì được tính bằng trọng lượng, nên bên mua không cần biết tuổi của gỗ, thậm chí có những gia đình cần tiền gấp, gọi người thu mua lên bán cả đồi, rừng keo không cần cân, chỉ ước lượng, tính tiền, và tất nhiên bên mua luôn ép giá, đồng thời ép luôn cả khối lượng. Do vậy, những hộ dân bán gỗ non theo kiểu này thường bị thua thiệt rất nhiều… Ông Vi Văn Thắng, (ở xã Châu Lý - Quỳ Hợp) có 7 ha keo và cây trồng đang ở tuổi thứ 4, nhưng vẫn quyết định bán non được hơn 180 triệu đồng. Bởi cần tiền giải quyết công việc gia đình, mới quyết định bán keo. Dù vẫn biết rằng, để thêm khoảng 3 năm nữa thì trữ lượng, giá trị của cây keo sẽ tăng lên rất nhiều. Do việc bán gỗ non không gặp phải trở ngại gì, nên tình trạng người dân bán keo non diễn ra ngày càng phổ biến với khối lượng lớn, mà các cấp, ngành chức năng chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu.


Người dân Quỳ Hợp khai thác gỗ non.

Với diện tích gần 10.000 ha, Yên Thành là một trong những địa phương có diện tích lớn về trồng gỗ nguyên liệu ở tỉnh ta, tập trung tại các xã bán sơn địa như: Thịnh Thành, Minh Thành, Tây Thành, Quang Thành… Việc đầu tư chăm sóc, phát triển gỗ nguyên liệu thực hiện khá tốt, hàng năm nguồn thu từ bán gỗ lên đến con số hàng tỷ đồng. Nhiều hộ dân làm ăn hiệu quả, kinh tế khá lên nhờ vào việc trồng gỗ nguyên liệu. Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết: “Phúc Thành hiện có diện tích hơn 100 ha trồng cây keo nguyên liệu, trong đó hơn ½ diện tích do người dân đầu tư. Trước đây, do gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nên một số hộ dân đã bán gỗ non. Nhưng thời gian gần đây, đời sống của người dân ổn định, cán bộ kiểm lâm địa bàn cùng với xã tích cực tuyên truyền, vận động bà con không bán gỗ nguyên liệu non, mà đầu tư chăm sóc, bảo vệ, khai thác đúng quy trình, nâng được giá trị của gỗ nguyên liệu và thu nhập của bà con theo đó tăng cao”.

Việc khai thác rừng non (khai thác từ năm thứ 4) sẽ dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp đối với người trực tiếp trồng rừng, vì trong quá trình kinh doanh rừng trồng, vốn đầu tư và công lao động chủ yếu tập trung ở 3 năm đầu (bao gồm trồng và chăm sóc rừng), từ năm thứ 4 trở đi, cây trồng sẽ tăng trưởng nhanh về mặt sinh khối, chỉ cần đầu tư công bảo vệ. Do vậy, khi rừng bước vào giai đoạn thành thục số lượng (năm thứ 7) mới khai thác thì năng suất rừng trồng, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Dù đã được khuyến cáo là khai thác đúng chu kỳ kinh doanh sẽ tạo ra hiệu quả cao, nhưng thực tế, tại các huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Qùy Châu, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông… chủ rừng, người dân vẫn bán gỗ non, việc làm này không những làm cho trữ lượng keo giảm, mà còn mất giá trị của cây trồng.

Qua trao đổi với Ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An về vấn đề này, được biết: “Việc khai thác gỗ non chỉ xẩy ra đối với rừng trồng tập trung, do chủ rừng tự đầu tư. Nguyên nhân cơ bản của việc khai thác rừng non là trong quá trình kinh doanh rừng trồng, thời điểm khai thác còn phụ thuộc vào thị trường và kinh tế hộ. Vì vậy, khi giá thu mua ở thị trường tăng, hoặc khi hộ dân khó khăn về kinh tế, thường sẽ bán gỗ, mà không tính toán đến cả chu kỳ kinh doanh.

Bên cạnh đó, một vấn đề khó cho các cấp, ngành chức năng khi xử lý hiện tượng người dân bán rừng non là, theo Thông tư 35/TT - BNNPTNT quy định đối với rừng trồng thuộc quy hoạch rừng sản xuất, thời điểm khai thác được xác định tùy theo loài cây, phù hợp với mục đích kinh doanh và do chủ rừng quyết định. Chính vì thế, điều mà ngành Kiểm lâm chỉ có thể làm trước tình hình trên là, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chủ rừng không bán gỗ non và khuyến cáo đầu tư, chăm sóc, bảo vệ đúng chu kỳ…”

Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích rừng trồng cây nguyên liệu lớn (gần 100.000 ha), hàng năm đã khai thác rừng trồng với sản lượng hàng trăm nghìn m3 sử dụng vào việc chế biến dăm gỗ, bột giấy, đồ mộc, có đóng góp rất lớn vào việc tăng ngân sách, tăng kim ngạch xuất khẩu… Thời gian gần đây, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách thông thoáng nhằm khuyến khích doanh nghiệp và người dân tự bỏ vốn trồng rừng, cùng với đó là trao quyền tự chủ cho người dân… nên đã thu hút được nguồn vốn đầu tư rất lớn vào lĩnh vực này. Do vậy, diện tích rừng trồng của người dân chiếm gần 70% diện tích rừng nguyên liệu của cả tỉnh. Với chủ trương đầu tư như vậy, nếu tỉnh không quản lý tốt việc đầu tư, chăm sóc, quản lý và khai thác gỗ nguyên liệu, sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Ông Đặng Xuân Minh – Chi Cục trưởng – Chi cục Lâm nghiệp cho biết: “Để từng bước khắc phục tình trạng khai thác gỗ non, ngay tại cơ sở, cần làm tốt công tác quản lý, và trước hết là công tác quy hoạch, lập phương án sản xuất, thu hoạch cần được chính quyền địa phương, lực lượng chức năng quan tâm, thực hiện tốt. Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ, đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nội vùng, đường nguyên liệu, để nâng cao hiệu quả kinh tế trong kinh doanh rừng. Song song với quá trình hỗ trợ rừng trồng, nâng cao năng suất rừng trồng, cần quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến.

Một việc cấp thiết hiện nay là, tỉnh cần có chủ trương cấm việc khai thác rừng non, vì rừng non vừa kịp khép tán đã khai thác, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế thấp và ảnh hưởng đến môi trường…”. Như đã nêu trên, do chu kỳ đầu tư trồng rừng khá dài, nên sau một vài năm chăm sóc, phần lớn các hộ dân phải bán gỗ non do gặp khó khăn về vốn, vì vậy các cấp, ngành chức năng cần có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, và nhất là các tổ chức tín dụng, cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân (có rừng trồng) được vay vốn với lãi suất ưu đãi để yên tâm tiếp tục đầu tư nghề trồng rừng.

Theo kết quả rà soát, tính toán và dự báo của Chi cục Lâm nghiệp, đối với một số loài cây nguyên liệu chủ yếu hiện nay (keo, bạch đàn) được trồng thâm canh, năng suất bình quân (của một chu kỳ kinh doanh 7 - 8 năm ) sẽ tăng cao theo từng giai đoạn khai thác. Ví như, đối với một diện tích, nếu khai thác (đúng chu kỳ) vào thời điểm trước năm 2012 đạt 85 m3/ha, khai thác giai đoạn 2012 – 2015 đạt 117 m3/ ha và giai đoạn 2016 – 2020 sẽ đạt khoảng 130 m3/ha. Đạt được kết quả đó, là do áp dụng tiến bộ KH- KT vào trồng rừng, trồng các giống cây chất lượng cao và thực hiện nghiêm chu kỳ kinh doanh…


Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh