Mô hình bí thư chi bộ kiêm khối, xóm trưởng: Để gánh trọn “hai vai”

30/08/2013 15:43

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhiều năm nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã và đang triển khai thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm xóm, khối trưởng. Qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu khối xóm, tinh giản bộ máy, rút ngắn một số khâu trong việc đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ở đâu, thời điểm nào cũng có đủ điều kiện để triển khai thực hiện mô hình này…

(Baonghean) - Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhiều năm nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã và đang triển khai thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm xóm, khối trưởng. Qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu khối xóm, tinh giản bộ máy, rút ngắn một số khâu trong việc đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ở đâu, thời điểm nào cũng có đủ điều kiện để triển khai thực hiện mô hình này…

Những người “tròn việc đảng, trọn việc dân”

Nhiệm kỳ 2010 - 2012, xã Hồng Sơn (huyện Đô Lương) có 9/9 xóm triển khai mô hình “nhất thể hóa” chức danh bí thư kiêm xóm trưởng, trong đó, có 7/9 bí thư chi bộ tái cử. Sau đại hội chi bộ khối xóm nhiệm kỳ 2013 - 2015 mô hình này vẫn tiếp tục được duy trì ở 100% thôn xóm trên địa bàn, trong đó có 5 bí thư chi bộ tái cử. Đồng chí Nguyễn Hồng Xuân - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Sơn cho hay: Việc cơ cấu chức danh bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng được đông đảo đảng viên và nhân dân đồng tình cao bởi qua thực tế triển khai cho thấy mô hình này đã phát huy vai trò năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu khối xóm, khắc phục tình trạng “vênh nhau” giữa bí thư chi bộ và xóm trưởng trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở.

Qua quá trình “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nhiều bí thư kiêm xóm trưởng đã có bước chuyển vượt bậc trong kinh nghiệm quản lý, điều hành, xử lý các tình huống ở cơ sở, nhiệm kỳ 2010 - 2012 xã đã thực hiện luân chuyển một đồng chí bí thư kiêm xóm trưởng lên làm phó chủ tịch mặt trận xã, cơ cấu đảng ủy viên. Một số đồng chí bí thư kiêm xóm trưởng với uy tín, năng lực, cách nghĩ, cách làm mới và tinh thần, trách nhiệm cao đã khẳng định được vai trò đặc biệt quan trọng trong “dân vận khéo”, tạo sự đồng thuận giữa “ý Đảng, lòng dân” trong xây dựng nông thôn mới. Trường hợp ông Nguyễn Thanh Cúc - Bí thư chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm 9 là một ví dụ điển hình.

Chính sự năng động, sáng tạo, sự tiên phong, gương mẫu nhưng hết sức bình dị của ông đã góp phần đưa một xóm dân góp, đời sống gặp nhiều khó khăn trở thành đơn vị dẫn đầu trong mọi phong trào của xã. Câu chuyện ông mày mò tự đưa giống cây mướp đắng về trồng và nhân rộng thành cây xóa đói, giảm nghèo của xóm, của xã hay việc ông tự nguyện hiến 300m2 đất và cam kết “sẽ dành phần đất 6 khẩu của gia đình chia cho 14 hộ” trong xóm để vận động bà con hiến đất làm đường giao thông liên xã Hồng - Bồi Sơn vẫn được nhắc đến như một kinh nghiệm quí đối với những người đang đảm nhiệm “hai vai” ở các thôn xóm trên địa bàn.

Ông Cúc tâm sự: “Vừa là người tiếp thu chủ trương, đường lối, nghị quyết vừa trực tiếp lãnh đạo thực hiện nên thuận lợi là triển khai công việc nhanh hơn, dễ tạo được sự thống nhất cao trong chi ủy, chi bộ và ban cán sự khối xóm. Tuy nhiên, để gánh trọn “hai vai” ngoài nỗ lực của bản thân còn đòi hỏi sự đoàn kết, tinh thần cộng sự cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự ủng hộ của quần chúng”. Điều này cũng được ông Phạm Công Nga - Phó Bí thư Đảng ủy xã Lưu Sơn đồng tình qua thực tiễn triển khai mô hình nhất thể hóa chức danh người đứng đầu tại 7/7 xóm trên địa bàn.

Cho đến thời điểm này, Đô Lương là huyện có số lượng đơn vị cấp xã thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng nhiều nhất. Nhiệm kỳ 2010 - 2012, toàn huyện có 262/365 xóm, khối thực hiện mô hình bí thư kiêm xóm, khối trưởng. Trong đó có 11 đơn vị có 100% khối, xóm nhất thể hóa chức danh này gồm: Hồng Sơn, Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn, Thị trấn, Bắc Sơn, Lưu Sơn, Đà Sơn, Trung Sơn, Thuận Sơn, Văn Sơn. Huyện cũng đã tổ chức đánh giá về mô hình này. Trên cơ sở đề nghị của các đơn vị xã, thị, sau đại hội chi bộ khối xóm ở các đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2012 - 2015 toàn huyện có 270/369 xóm, khối thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm xóm, khối trưởng.

Cơ cấu chi ủy ở những xóm này gồm: Đồng chí Bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng; đồng chí Phó Bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận; đồng chí chi ủy viên có thể kiêm công an viên (hoặc thôn đội trưởng), xóm phó. Đồng chí Trương Hồng Phúc - Bí thư Huyện ủy đánh giá, đây là mô hình có cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, chế độ ưu đãi được nâng lên 1,5 lần so với không kiêm nhiệm. Mô hình đã phát huy được vai trò lãnh đạo toàn diện của chi bộ, quản lý điều hành của xóm trưởng trên tất cả các lĩnh vực cũng như phát huy tối đa năng lực, tính năng động của người đứng đầu; hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại, né tránh công việc cũng như hạn chế chồng chéo trong lãnh đạo chỉ đạo của Đảng và quản lý, điều hành của chính quyền… Mô hình này rất cần được nhân rộng tại các chi bộ có nguồn cán bộ, đảng viên có phẩm chất, trình độ, uy tín trong nhân dân.

Là một đảng viên gốc giáo, trưởng thành từ thực tiễn ở cơ sở, sau quá trình 6 năm làm xóm phó, đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, sinh năm 1969 ơrở xóm 1, xã Nam Nghĩa (Nam Đàn) được đảng viên và nhân dân tín nhiệm giao trọng trách bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng từ năm 2004 đến nay. Quá trình “vác tù và” ở xóm giáo toàn tòng với 125 hộ, 570 khẩu, đời sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp không đơn giản nhưng anh Sỹ đã toàn tâm, toàn ý làm tròn “hai vai” tích cực vận động bà con giáo dân Giáo họ Tân Nghĩa, Giáo xứ Tràng Đen sống tốt đời đẹp đạo, kính Chúa yêu nước.

Trò chuyện với chúng tôi, thủ lĩnh xóm 1 chân thành bộc bạch: “Chẳng có kinh nghiệm gì to tát đâu, đơn giản là muốn bà con nghe mình, tin mình thì phải tạo được uy tín, thể hiện bằng sự gương mẫu “ lời nói đi đôi với việc làm” từ việc nuôi dạy con cái, giữ hòa thuận trong gia đình đến đóng góp các loại quỹ, phí và tham gia các phong trào ở địa phương”. Chẳng hạn thực hiện chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn, để vận động bà con giáo dân hiến đất mở đường, bí thư kiêm xóm trưởng Nguyễn Văn Sỹ đi đầu tự nguyện phá dỡ tường rào, thụt vào gần 2m theo quy hoạch để làm đường, từ đó nhiều hộ dân trong xóm tự giác làm theo.

Đồng chí cũng là người tiên phong phát triển kinh tế gia đình với ngoài 7 sào ruộng, còn chăn nuôi thường xuyên 20 con dê, 2 bò vỗ béo và trồng rau bông ngót cho thu nhập cao. Được biết, ngoài vai trò bí thư kiêm xóm trưởng, anh Sỹ hiện còn là chủ nhiệm CLB liên thế hệ của địa phương với 98 thành viên, duy trì sinh hoạt đều đặn vào ngày 15 hàng tháng.

Còn đối với đồng chí Nguyễn Đức Hạnh - Bí thư kiêm Xóm trưởng xóm 10, xã Nam Nghĩa thì: “Quan trọng là làm việc gì cũng phải công bằng, công tâm, nếu làm mất lòng tin của dân dù chỉ một lần cũng rất khó lấy lại được uy tín”. Trưởng thành từ bí thư chi đoàn xóm, ban đầu khi đảm nhận “hai vai”, anh Hạnh cũng gặp đôi chút áp lực vì còn thiếu kinh nghiệm, trong chi bộ lại có nhiều đảng viên cao tuổi bậc cha chú, quá trình triển khai nhiệm vụ trong làng, trong xóm không tránh khỏi va chạm nhưng anh xác định đây là môi trường để rèn luyện và thử thách. Chính nhờ lòng nhiệt tình, cái tâm trong sáng, vô tư và sự động viên, cộng sự cao của cấp ủy chi bộ, sự ủng hộ của người dân đã giúp Nguyễn Đức Hạnh hoàn thành việc đảng, việc dân một cách trọn vẹn”.

Mặc dù là một xã miền núi, giáo dân chiếm 1/3 dân số, nhưng sau đại hội chi bộ nhiệm kỳ vừa qua, Nam Nghĩa có 11/11 xóm tiếp tục triển khai mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm xóm trưởng. Lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền xã Nam Nghĩa khẳng định: “Mô hình này mang lại sự thống nhất, đồng thuận cao, được ràng buộc bởi tính đảng, tiết kiệm thời gian hội họp. Nhờ vậy, việc thực thi các công việc từ xã xuống cơ sở cũng nhanh gọn và hiệu quả hơn nhờ sự tiếp thu hiệu quả các nghị quyết từ cấp trên. Bên cạnh đó, cùng với việc tập trung được quyền hạn thì trách nhiệm người đứng đầu cũng tăng lên, sai đúng gì cũng không đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi được cho ai…”.



Bí thư chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm 9 (xã Hồng Sơn, Đô Lương) Nguyễn Thanh Cúc (giữa) trao đổi kinh nghiệm trồng cây mướp đắng.

Khó do thiếu nguồn hay chưa bài bản trong tổ chức thực hiện?

Thực tế cho thấy không phải ở đâu việc thực hiện chủ trương bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng cũng thuận lợi. Từ trước đến nay một số địa phương trong tỉnh áp dụng mô hình kiêm nhiệm này như một giải pháp “tình thế” bởi một số khối xóm nông thôn hiện nay thiếu nguồn cán bộ. Trong chi bộ đảng viên tuổi cao, sức khỏe yếu chiếm phần lớn, đảng viên trẻ, ngoài những đảng viên là cán bộ công chức xã, phường, số trưởng thành từ cơ sở trình độ, năng lực còn nhiều hạn chế. Số đảng viên hưu trí tâm lý ngại va chạm, thích nghỉ ngơi không muốn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên thường viện hàng ngàn lý do để “trốn” không tham gia vào cấp ủy, ban cán sự xóm.

Cũng bởi không có nguồn cán bộ đủ năng lực và tâm huyết cho các vị trí “đứng mũi chịu sào” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn ở thôn xóm khiến nhiều địa phương không triển khai hoặc đã triển khai thí điểm nhưng phải dừng lại. Điển hình như tại huyện Yên Thành. Trước đây chủ trương thí điểm mô hình bí thư kiêm xóm trưởng đươc triển khai ở 23 xóm thuộc địa bàn 2 xã Mỹ Thành và Phúc Thành nhưng sau đại hội các chi bộ khối, xóm nhiệm kỳ 2012 - 2015 đã thống nhất đồng dừng thực hiện mô hình này. Theo đồng chí trưởng ban tổ chức huyện ủy thì lý do chính là hiện nay cùng với chủ trương thực hiện dồn điền, đổi thửa và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, áp lực công việc ở khối xóm nặng nề, một người đảm nhận hai vai sẽ khó lòng kham nổi. Còn ở xã Xuân Hòa (huyện Nam Đàn) trước đây 12 xóm đều thực hiện mô hình bí thư kiêm xóm trưởng nhưng hiện nay chỉ còn hai xóm duy trì mô hình là xóm 4 và xóm 12.

Theo giãi bày của ông Nguyễn Cảnh Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã thì ở khối xóm toàn đảng viên già yếu, về hưu trong khi thực tiễn đòi hỏi người bí thư kiêm xóm trưởng phải đảm bảo cả năng lực lãnh đạo và quản lý điều hành, vừa có sức khỏe vừa am hiểu ruộng đồng để sâu sát, xông xáo trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó còn phải am hiểu công tác Đảng, có kinh nghiệm, uy tín cao trong Đảng, trong dân. Do vậy, một số chi bộ gặp khó khăn trong công tác lựa chọn nhân sự, người đảm nhận được bí thư thì tuổi cao, sức yếu không gánh được hai vai, người làm tốt xóm trưởng thì không phải là đảng viên nên không thể làm bí thư chi bộ. Đó là chưa kể việc cơ cấu cán bộ nữ để tạo nguồn cán bộ từ dưới lên sẽ gặp khó khăn.

Thực tế triển khai mô hình này tại một số địa phương cũng cho thấy nhiều bí thư kiêm xóm trưởng chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực và kinh nghiệm chưa toàn diện, có năng lực về công tác Đảng nhưng lại hạn chế về công tác chính quyền nên chưa hoàn thành tốt vai trò hai trong một của mình. Ngoài ra, việc tập trung quyền lực quan trọng nhất của một xóm vào một người nếu thiếu sự kiểm tra, giám sát cũng dễ dẫn đến tâm lý chủ quan và sức ỳ lớn. Đó là chưa kể nơi nào có chi uỷ mạnh thì tính đấu tranh nhằm phát huy công khai dân chủ cao, còn nơi nào yếu thì chức danh bí thư kiêm trưởng thôn dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền.

Thực tế ở một số nơi đã có đồng chí bí thư kiêm xóm trưởng bị kỷ luật hoặc thay giữa chừng như ở Lưu Sơn (Đô Lương) hay Xuân Hòa (Nam Đàn). Mặt khác, qua tìm hiểu ở cơ sở cũng có nhiều ý kiến cho rằng một cái khó nữa là hiện nay chế độ phụ cấp cho cán bộ thôn xóm còn bất cập, qui định cán bộ công chức xã phải qua thi tuyển nên làm giảm động lực phấn đấu; lòng nhiệt tình tham gia công tác xã hội của cán bộ khối xóm. Bên cạnh đó, ở một số vùng đặc thù nếu tách hai vai bí thư, xóm trưởng riêng đặc biệt bố trí xóm trưởng là quần chúng sẽ phát huy tốt hơn vai trò “dân vận khéo” trong phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới…

Nhìn người giao việc

Ông Nguyễn Mỹ Tặng - Trưởng phòng huyện ngành (Ban Tổ chức Tỉnh ủy) cho hay: Tỉnh không có hướng dẫn cụ thể nhưng khuyến khích các địa phương tùy vào tình hình, điều kiện thực tế thực hiện chủ trương này để tinh gọn bộ máy, giảm chi phí, tăng hiệu quả điều hành. Vấn đề quan trọng nhất là cơ chế lựa chọn cán bộ và công tác giám sát phải bảo đảm công khai, dân chủ mới phát huy được trách nhiệm, năng lực quản lý, điều hành nâng cao hiệu quả “việc đảng, việc dân” của người đứng đầu khối, xóm.

Đồng tình với quan điểm trên nhưng với kinh nghiệm hai nhiệm kỳ triển khai hiệu quả mô hình bí thư kiêm xóm trưởng, ông Nguyễn Hữu Thanh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nam Nghĩa (Nam Đàn) cho rằng, đặc thù bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng là người trực tiếp sâu sát, gần dân nhất nên khi cơ cấu phải phát huy dân chủ, lấy ý kiến, phiếu tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người được chọn làm bí thư kiêm xóm trưởng ngoài năng lực, trình độ, nhiệt tình, tâm huyết thì điều quan trọng nhất là phải có uy tín với dân. Dù năng lực cán bộ còn hạn chế mặt nọ, mặt kia nhưng “được lòng dân” thì sẽ thuận lợi trong quản lý, điều hành, tuyên truyền, vận động. Ngược lại cho dù anh có năng lực, có trình độ nhưng lòng dân không thuận thì cũng khó mà gánh trọn hai vai.

Trong quá trình triển khai thực hiện đề tài này, chúng tôi (PV) rất tâm đắc với câu nói của ông Hồng - người có thâm niên 10 năm làm bí thư kiêm xóm trưởng xóm 4, xã Xuân Hòa (Nam Đàn): “Khó hay dễ, nặng hay nhẹ đều do bản thân mình mà ra”. Sẽ là “gánh nặng” nếu chọn không đúng người, giao không đúng việc, sẽ “vừa sức”, “tròn vai” nếu lựa chọn được đúng người và bản thân người được chọn toàn tâm, toàn ý với “việc Đảng, việc dân, việc làng, việc xã”, phát huy vai trò “công bộc của dân”, thì sẽ được nhân dân tín nhiệm, ủng hộ và sẽ thành công.


Bài, ảnh: Khánh Ly - Mai Hoa