Tăng cường triển khai phòng chống đại dịch cúm A/H7N9
Việt Nam hoàn toàn làm chủ được năng lực xét nghiệm, trang thiết bị, nhân lực để phát hiện sớm những ca bệnh đầu tiên.
Sáng 23/4, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người họp bàn biện pháp tiếp tục phòng tránh dịch cúm A/H7N9.
Tại cuộc họp, Đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tình hình cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang diễn biến hết sức phức tạp. Đến nay, đã có 102 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, trong đó có 21 trường hợp đã tử vong.
Tăng cường giám sát tại cộng đồng thông qua hệ thống giám sát trọng điểm cúm quốc gia (Ảnh minh họa)
Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp cúm A/H7N9 ở người và gia cầm. Tuy nhiên, dịch bệnh cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát cao. Bộ Y tế đã tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, kiểm tra khách nhập cảnh bằng máy đo nhiệt độ từ xa nhằm phát hiện những trường hợp nghi ngờ, tiến hành xác định và cách ly điều trị kịp thời. Đồng thời, tăng cường giám sát tại cộng đồng thông qua hệ thống giám sát trọng điểm cúm quốc gia.
Tại cuộc họp, đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định: Việt Nam hoàn toàn làm chủ được năng lực xét nghiệm, trang thiết bị, cũng như về nhân lực để phát hiện sớm những ca bệnh đầu tiên. Giáo sư, Tiến sỹ Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế cho rằng: cần có sự kết hợp giữa hệ thống giám sát và hệ thống điều trị để phát hiện sớm và ngăn chặn ngay những ca bệnh đầu tiên: “H7N9 có tính chất lây lan như H5N1 nhưng độ gây bệnh và độc tính nhẹ hơn nhiều. Tuy nhiên, tại sao lại gây tử vong nhiều như vậy? Liệu có sự biến đổi nào, tổ chức y tế thế giới cũng chưa tìm ra nguyên nhân. Do đó, sự kết hợp giữa các viện liên quan đến hệ thống giám sát và hệ thống điều trị cần làm chắc hơn nữa. Đặc biệt, những trường hợp nằm viện phải phát hiện sớm. Giám sát càng sớm thì càng phát hiện được sớm, ngăn chặn được ngay những ca bệnh đầu tiên”, GS.TS Trịnh Đình Huấn cho biết.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai công tác kiểm dịch y tế biên giới; tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do virut tại các cơ sở y tế và cộng đồng; tăng cường phối hợp liên ngành giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus cúm A/H7N9; xử lý triệt để ổ dịch và triển khai các hoạt động phòng chống dịch lây lan sang người./.
Theo (VOV) - HV