Vai trò của Chính phủ điện tử trong cải cách hành chính

08/07/2013 20:43

Chính phủ điện tử (CPĐT) là việc các cơ quan Chính phủ sử dụng ICT như các mạng diện rộng, Internet và sử dụng công nghệ di động có khả năng chuyển đổi những liên hệ với người dân, các doanh nghiệp và các tổ chức khác của Chính phủ. Những công nghệ đó có thể phục vụ những mục đích khác nhau như: cung cấp dịch vụ Chính phủ đến người dân, cải thiện những tương tác giữa doanh nghiệp, tăng quyền cho người dân thông qua truy nhập đến thông tin, hoặc quản lý Nhà nước hiệu quả hơn.

(Baonghean) - Chính phủ điện tử (CPĐT) là việc các cơ quan Chính phủ sử dụng ICT như các mạng diện rộng, Internet và sử dụng công nghệ di động có khả năng chuyển đổi những liên hệ với người dân, các doanh nghiệp và các tổ chức khác của Chính phủ. Những công nghệ đó có thể phục vụ những mục đích khác nhau như: cung cấp dịch vụ Chính phủ đến người dân, cải thiện những tương tác giữa doanh nghiệp, tăng quyền cho người dân thông qua truy nhập đến thông tin, hoặc quản lý Nhà nước hiệu quả hơn.

Đặc điểm của CPĐT: là sử dụng CNTT, đặc biệt là Internet để cải thiện việc cung cấp dịch vụ của Chính phủ tới công dân, doanh nghiệp và các cơ quan của Chính phủ. Chính phủ điện tử cho phép công dân tương tác và nhận dịch vụ từ các cơ quan của Chính phủ 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. CPĐT là tên gọi của một Chính phủ mà các hoạt động của nhà nước được "điện tử hóa", "mạng hóa".

Tuy nhiên, CPĐT không đơn thuần là máy tính, mạng Internet mà là sự đổi mới toàn diện các quan hệ chính quyền và công dân, các nguồn lực, các quy trình, phương thức hoạt động và bản thân nội dung các hoạt động của chính quyền.



Khai trương trang Thông tin điện tử của ĐBQH và HĐND tỉnh. Ảnh: Mai Hoa

Lợi ích của CPĐT là giảm thiểu thời gian và chi phí, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia vào quá trình ra quyết định, tăng dân chủ. Mặt khác, khi một CPĐT tốt sẽ tăng minh bạch trong các dịch vụ của cơ quan nhà nước với người dân, giảm giấy tờ, thời gian. Với cơ quan nhà nước sẽ tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, tăng uy tín với dân. Với người dân và doanh nghiệp được phục vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn, tiết kiệm hơn. Mục tiêu hướng đến là cung cấp dịch vụ công bất cứ lúc nào, bất cứ đâu.

Xây dựng CPĐT đòi hỏi tầm nhìn và sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo cao nhất, trên cơ sở đó phải lập kế hoạch một cách chi tiết, khả thi. Xây dựng CPĐT là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải đặt dưới sự theo dõi, kiểm soát và điều chỉnh kịp thời. Để hình thành CPĐT, nhiều thông tin ở dạng văn bản in, cần phải số hóa. Cần xác định thông tin sẽ cung cấp trực tuyến, thông tin nào không. Việc giữ bí mật cho thông tin của cá nhân được lưu trữ trên mạng và đảm bảo cho mọi người dân đều có thể truy cập vào các dịch vụ công cung cấp trực tuyến là những vấn đề cần quan tâm.

Người dân và doanh nghiệp phải được đào tạo để sử dụng các dịch vụ. Xây dựng CPĐT đòi hỏi đủ kinh phí, đầu tư không đúng ngưỡng có thể không đạt được mục tiêu đề ra, gây lãng phí do hệ thống không thể đưa vào vận hành, hoặc vận hành nhưng không hiệu quả. Kinh phí bao gồm cho mua sắm trang thiết bị, phần mềm, bảo dưỡng, đào tạo cán bộ, huấn luyện kỹ năng CNTT cho cán bộ và người dân.

Về các bước phát triển CPĐT; giai đoạn đầu tiên là xây dựng trang thông tin điện tử (TTĐT) để đưa một số thông tin như chức năng, nhiệm vụ, thông tin về hoạt động của cơ quan nhà nước. Tại đây, người dân và các doanh nghiệp có thể truy nhập thông tin của cơ quan Nhà nước trực tuyến mà không cần trực tiếp đến làm việc tại các văn phòng cơ quan của Nhà nước. Việc truy cập thông tin một cách trực tiếp sẽ giảm được hiện tượng quan liêu và nhũng nhiễu.

Giai đoạn tiếp theo, cơ quan có trang TTĐT có đăng các thông tin cơ bản giới thiệu các dịch vụ công, có các biểu mẫu, các mẫu lấy ý kiến phản hồi từ phía người dân về các đề xuất luật và chính sách… Người dân và doanh nghiệp có thể truy cập vào trang TTĐT của cơ quan nhà nước để xem thông tin giới thiệu các dịch vụ công, và có thể tải về các biểu mẫu, có thể đóng góp ý kiến với các cơ quan nhà nước.

Giai đoạn ba người dân và doanh nghiệp có thể truy cập vào trang/cổng TTĐT của chính quyền để xem thông tin giới thiệu các dịch vụ công, có thể tải về các biểu mẫu và nộp đơn, biểu mẫu các tài liệu có liên quan qua mạng.

Giai đoạn cuối cùng là tích hợp tất cả các dịch vụ công trên cổng TTĐT của chính quyền. Tất cả các khâu của quá trình cung cấp dịch vụ công đều thực hiện qua mạng. Mọi thanh toán giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước đều thực hiện qua mạng.

Một vấn đề quan trọng ít được quan tâm hoặc quan tâm chưa đúng mức đó là song song với việc xây dựng CPĐT là đổi mới quy trình làm việc. Thực tế cho thấy cần thiết phải nghiên cứu, rà soát chức năng, nhiệm vụ, quy trình làm việc của các cơ quan, tổ chức để điều chỉnh, trước khi ứng dụng CNTT. Chính phủ điện tử là tạo ra quy trình làm việc mới, quan hệ làm việc mới gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông chứ không phải chỉ cấp cho mỗi cán bộ công chức một cái máy tính là kết thúc.


Phan Nguyên Hào (Sở TT&TT)