Không dừng lại ở lời hứa!
(Baonghean) - Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 9, lãnh đạo các Sở VHTT&DL, Sở NN&PTNT đã giải trình, đưa ra nhiều giải pháp, hứa sẽ giải quyết những bức xúc mà đại biểu cũng như cử tri kỳ vọng! Mong rằng các giải pháp đưa ra không chỉ dừng lại ở lời hứa…
Trả lại đúng bản chất lễ hội là của nhân dân
Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, sáng qua, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Cao Đăng Vĩnh đã đăng đàn giải trình về công tác quản lý nhà nước về di tích văn hoá, hoạt động lễ hội, xét công nhận các danh hiệu văn hóa còn bất cập; điểm vui chơi và tổ chức hoạt động vui chơi của trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục?
Giải trình về các vấn đề này, ông Cao Đăng Vĩnh thừa nhận những nội dung, liên quan đến lĩnh vực văn hóa mà HĐND tỉnh đưa ra chất vấn tại kỳ họp lần này đều là những vấn đề cấp thiết trong thực tiễn. Ông Vĩnh chia sẻ, Nghệ An có 1.395 di tích, trong đó có 260 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Mặc dù quy định về trùng tu, tôn tạo di tích rất nghiêm ngặt, nhưng đội ngũ quản lý di tích còn nhiều yếu kém; nguồn lực đầu tư cho công tác tôn tạo, trùng tu hạn chế, dẫn đến có nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng. Ông cũng thừa nhận, hoạt động lễ hội ở một số địa phương có biểu hiện thiếu lành mạnh; việc công nhận các danh hiệu văn hóa chưa thực sự bám sát cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra thẩm định công nhận, công nhận lại, nên chất lượng các danh hiệu văn hóa sau khi đã được công nhận chưa cao. Về nguyên nhân trên địa bàn tỉnh gần như không có điểm vui chơi cho trẻ em, do chưa quan tâm đến công tác quy hoạch các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em của ngành, chưa thanh tra, giám sát thường xuyên cơ sở...
Đưa ra các giải pháp giải quyết những tồn tại trên, ông Cao Đăng Vĩnh, khẳng định, thời gian tới Sở sẽ phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường giáo dục ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa. Đẩy mạnh huy động xã hội hóa để tạo ra nguồn lực trùng tu theo kế hoạch. Hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức giám sát chặt chẽ các hoạt động lễ hội, đưa lễ hội về đúng bản chất xuất phát từ nhân dân, do nhân dân tổ chức, Nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý. Tăng cường công tác kiểm tra, thẩm định đối với việc công nhận và công nhận lại các danh hiệu văn hóa.
Sau phần giải trình của Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch, đại biểu Trần Văn Sinh (Nam Đàn) đề nghị Giám đốc Sở đưa ra giải pháp nhằm chuyển giao chủ thể, đưa hoạt động lễ hội về cho nhân dân, thay cho chính quyền tổ chức như thời gian qua? Ông Cao Đăng Vĩnh trả lời: “Bây giờ muốn chuyển giao được, con đường tốt nhất là phải trả lại đúng bản chất lễ hội là của nhân dân, do nhân dân tổ chức, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân địa phương”.
Trả lời đại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc) băn khoăn về chất lượng các danh hiệu văn hóa, ông Vĩnh, cho rằng: Bộ đã có quy định chung về tiêu chí để xét công nhận các danh hiệu văn hóa rất cụ thể. Điều quan trọng là chúng ta thực hiện như thế nào và ông cũng nói rõ việc khảo sát, đánh giá, xét duyệt để công nhận danh hiệu văn hóa là thẩm quyền của cấp huyện và xã, trách nhiệm của Sở chỉ làm công tác quản lý nhà nước. Cũng đề cập đến chất lượng các danh hiệu văn hóa, đại biểu Trương Hồng Phúc (Đô Lương) đề cập đến việc phối hợp giữa MTTQ, LĐLĐ và Phòng Văn hóa cấp huyện để xét và công nhận danh hiệu văn hóa đối với các cơ quan, đơn vị chưa thật sự tốt. Ông Vĩnh hứa sẽ trao đổi vấn đề này với các ban, ngành liên quan để làm tốt hơn thời gian tới.
Liên quan đến các điểm vui chơi cho trẻ em, ý kiến của đại biểu Hoàng Xuân Trường (Thành phố Vinh) về giải pháp, chính sách cho điểm vui chơi cho trẻ em, ông Cao Đẳng Vĩnh, khẳng định: Giải pháp cho điểm vui chơi cho trẻ em lâu nay đã có như tập huấn, tổ chức nhiều hoạt động thi vẽ, hát múa trong giới thanh, thiếu niên, thông qua hệ thống nhà văn hóa, hệ thống sân thể thao cấp xã, xóm. Riêng về chính sách cho điểm vui chơi trẻ em vẫn chưa thể làm được. Sắp tới, ngành sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phân định rõ hơn chức năng của 2 Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc đảm bảo quyền của trẻ em được vui chơi lành mạnh. Tại phiên chất vấn, ông Cao Đăng Vĩnh cũng làm rõ các vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm xung quanh thu và quản lý tiền công đức tại các di tích đã xảy ra ở một số nơi vừa qua; một số công trình văn hóa thi công chậm....
Kết luận phần chất vấn của Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch, đồng chí Trần Hồng Châu đề nghị Sở triển khai các giải pháp để từng bước khắc phục các tồn tại, bất cập thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, quản lý tốt các nguồn xã hội hóa trong lĩnh vực này, tránh tình trạng lợi dụng tiêu cực. Đại biểu HĐND tỉnh và các cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt chẽ sự chuyển động của Sở và kỳ sau sẽ báo cáo.
Đua thuyền tại Lễ hội Du lịch Cửa Lò. Ảnh: Sỹ Minh
Kiên quyết thu hồi đất sử dụng sai mục đích
Giải trình về thực trạng người dân miền núi thiếu đất sản xuất; hiệu quả sử dụng đất, rừng chưa tương xứng với tiềm năng, ông Hồ Ngọc Sỹ - GĐ Sở Nông nghiệp - PTNT cho rằng, qua các thời kỳ, nhất là sau khi có Quyết định số 268/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới nông, lâm trường tỉnh Nghệ An, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi các diện tích đất cho địa phương quản lý và giao cho dân sản xuất.
Tuy nhiên, hiện tại các đơn vị nông, lâm trường vẫn quản lý diện tích còn khá lớn, hiệu quả sử dụng chưa tương xứng tiềm năng đất đai. Việc sắp xếp đổi mới nông, lâm trường đang dừng lại ở hình thức (tên gọi) chưa thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp. Nguyên nhân là do nhận thức của một số cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo trong những đơn vị này còn bảo thủ, chậm đổi mới tư duy để phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay.
Nguồn lực đầu tư cho sản xuất, đổi mới công nghệ và tìm kiếm thị trường còn hạn chế. Nhiều công ty giao khoán đất cho người lao động nhưng buông lỏng hoặc không quản lý được hợp đồng giao khoán. Giải pháp cho vấn đề này là tiếp tục rà soát diện tích đất ở các nông, lâm trường để chuyển về các địa phương; đổi mới cơ chế quản lý nông lâm trường theo hướng cổ phần hóa, tạo thế chủ động và gắn trách nhiệm cho nông lâm trường trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhất là quản lý đất được giao.
Ông Hồ Ngọc Sỹ cũng giải trình nguyên nhân bất cập, sai phạm về quản lý đất lâm nghiệp là do một số huyện, xã chưa quản lý chặt chẽ quỹ đất lâm nghiệp trên địa bàn; Công tác chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc rà soát, bóc tách để xác định quỹ đất cần thu hồi, bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý sử dụng chưa được thường xuyên. Giải pháp được đưa ra là rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch đất lâm nghiệp, quy hoạch 3 loại rừng cho phù hợp với thực tế; đồng thời sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi một phần đất do sử dụng không hiệu quả, sử dụng sai mục đích, không có nhu cầu sử dụng... của các nông, lâm trường quản lý.
Sau phần giải trình của Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, các đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành. Trả lời về tiến độ thực hiện thuê đất của của các nông, lâm trường sau khi chuyển đổi thành công ty TNHH MTV theo quy định của Luật Đất đai, ông Hồ Ngọc Sỹ thẳng thắn thừa nhận việc triển khai chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ và đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thời gian tới Sở tiếp tục tập trung làm, đơn vị nào không hoàn thành sẽ kiểm tra và có giải pháp cụ thể. Bên cạnh phần giải trình của ông Hồ Ngọc Sỹ, lãnh đạo các Sở Tư pháp, Tài Nguyên- Môi trường cũng đã tham gia làm rõ thêm những nội dung liên quan đến ngành.
Rà soát, sắp xếp lại các tổng đội TNXP - XDKT
Tình trạng quản lý và sử dụng đất tại các Tổng đội TNXP còn bất cập, sai phạm cũng được ông Hồ Ngọc Sỹ giải trình về trách nhiệm chính là của Tổng đội trưởng các Tổng đội TNXP trong công tác quản lý, sử dụng đất đai còn yếu, không thực hiện tốt vai trò làm chủ đầu tư của dự án. Tỉnh đoàn, Ban chỉ huy Lực lượng TNXP – XDKT tỉnh chưa làm tốt nhiệm vụ là cơ quan quản lý cấp trên, chưa phối hợp được với cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, chỉ đạo hoạt động của các tổng đội, nhất là trong việc quản lý, sử dụng đất đai.
Để tháo gỡ vấn đề trên, Giám đốc Sở NN& PTNT đưa ra một số giải pháp, đó là cho phép làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở theo hạn mức cho các hộ đội viên trong vùng dự án tổng đội; chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất chuyên dùng như: đất xây dựng trụ sở, các công trình công cộng. Có thể chuyển các hộ về cho địa phương theo địa giới hành chính, lập hồ sơ làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đội viên và tổng đội theo quy định của pháp luật về đất đai. Kết luận về nội dung này, đồng chí Trần Hồng Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Tỉnh đoàn, Ban chỉ huy các lực lượng TNXP-XDKT phối hợp với các ngành liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu, xem xét tham mưu UBND tỉnh sắp xếp lại các Tổng đội TNXP một cách hợp lý, tổng đội nào nên để lại, tổng đội nào nên chuyển đổi để phù phù hợp với xu thế chung, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và đảm bảo hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện các giải pháp đề ra một cách hiệu quả
Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, phiên chất vấn, trả lời chất vấn và tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu cử được cử tri đón chờ và mong đợi nhất.
Người dân theo dõi kỳ họp qua phương tiện thông tin đại chúng.
Ảnh: Nguyên Sơn
Cử tri Nguyễn Hồng Quang, khối Mai Hắc Đế, Thị trấn Nam Đàn cho biết: “Đây là lần đầu tiên, HĐND tỉnh lấy phiếu tín nhiệm đối với 14 chức danh do HĐND bầu nên đông đảo cử tri quan tâm theo dõi. Qua theo dõi từ việc lấy phiếu đến công bố kết quả, cử tri chúng tôi thấy quá trình lấy phiếu được tổ chức công khai, khách quan, minh bạch. Kết quả thể hiện quá trình chuẩn bị chu đáo của các tổ chức, cá nhân, thể hiện sự công tâm, khách quan, phản ánh đúng năng lực, tinh thần trách nhiệm của từng chức danh được lấy phiếu.
Cử tri Hà Văn Trung, Thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu quan tâm đến nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở VHTT&DL: “Những năm qua, bên cạnh nét đẹp tích cực thì vẫn còn đó các biểu hiện tiêu cực, bị thương mại hóa và mang tính mê tín dị đoan, gây phản cảm, làm phôi pha những giá trị văn hóa truyền thống. Chưa kể đến chuyện quản lý tiền công đức đang bị ngành Văn hóa Thể thao - Du lịch và các địa phương buông lỏng; nhiều khả năng tiền công đức bị thất thoát rơi vào túi riêng.
Kế đến, tính thực dụng đã lan sang nhà tổ chức, nhà tài trợ cho lễ hội. Nhiều nơi, ban tổ chức với những mức độ khác nhau đã áp đặt, rập khuôn một số kịch bản có sẵn, làm mất tính chủ động, sáng tạo của người dân- chủ thể của lễ hội bị suy giảm. Một số nhà tài trợ cũng nhân dịp này đánh bóng tên tuổi của mình. Hiện nay đã bắt đầu xuất hiện trò chơi phản văn hóa, gây phản cảm cho cộng đồng là “trò chơi kỷ lục” ở các lễ hội truyền thống. Trước thực trạng đó, việc thiết lập trật tự, văn minh cho lễ hội đang rất cần vai trò quản lý, định hướng sát sao, nghiêm túc của ngành Văn hóa”.
Cử tri Bùi Thị Liên - xóm 7, xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, chia sẻ: “Điều tôi băn khoăn là việc bình xét các danh hiệu văn hóa còn hình thức, chưa có sự thẩm định chính xác. Thời gian qua, báo chí phản ánh tình trạng một số gia đình không tích cực tham gia các phong trào chung của khối, xóm, không đáp ứng các tiêu chí hay nhiều gia đình không mặn mà với việc được bình bầu danh hiệu Gia đình Văn hóa nhưng địa phương vẫn đưa vào danh sách để lấy tỷ lệ thành tích, làm mất giá trị, ý nghĩa của các danh hiệu văn hóa. Bên cạnh đó, sau khi được công nhận các danh hiệu làng văn hóa, nhiều địa phương vi phạm chính sách dân số, tệ nạn xã hội nhưng không được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ.
Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về bất cập trong quản lý đất lâm nghiệp của đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT là nội dung đang được dư luận quan tâm và nhất là đông đảo cử tri vùng miền núi. Trong phần giải trình của Giám đốc Sở NN&PTNN đã xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước. Đồng thời những vấn đề cử tri quan tâm được các ban, ngành liên quan giải trình làm rõ. Cử tri Lô Văn Mừng - bản Độ 2 - Châu Bình - Quỳ Châu cho rằng: “Mặc dù sinh sống trên một diện tích đất rộng lớn, nhưng rất nhiều người dân ở miền núi hiện nay không có đất để sản xuất, ổn định cuộc sống. Trong khi đó ở khu vực này phần lớn đất lâm nghiệp, đất rừng đang nằm trong tay các nông, lâm trường và các Tổng đội TNXP nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao.
Trách nhiệm của mỗi đại biểu sau kỳ họp
Đại biểu Phan Văn Tuyên (Yên Thành): Qua thảo luận và phần chất vấn liên quan đến ngành Giao thông – Vận tải, chúng tôi thấy giải trình của Giám đốc Sở GTVT cơ bản làm rõ được thực trạng vấn đề cũng như sự vào cuộc của các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, trong thực tế, công tác đảm bảo ATGT còn nhiều bất cập, nhất là vấn nạn xe tải chở quá khổ, quá tải. Quá trình tiếp xúc với cử tri, rất nhiều ý kiến đề nghị lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ kết cấu đường giao thông và đảm bảo ATGT chung.
Đặc biệt, các tuyến đường huyện (liên xã, liên thôn) lâu nay chúng ta huy động nhiều nguồn lực, bao gồm cả đóng góp của người dân, thế nhưng các phương tiện ô tô chở quá tải ngang nhiên chạy, gây hư hỏng đường giao thông. Đại biểu cũng như cử tri mong muốn các cấp, ngành, lực lượng chức năng nghiên cứu, có các giải pháp hợp lý để ngăn chặn xe quá khổ, quá tải. Để kiểm soát trên các tuyến đường huyện, xã, hiện chỉ có công an huyện đủ chức trách nhưng lực lượng mỏng. Nếu các cấp, ngành có chủ trương cho phép công an xã có thể tham gia chắc chắn sẽ có hiệu quả. Với vai trò đại biểu HĐND, chúng tôi sẽ đốc thúc huyện thực hiện việc ký cam kết với các doanh nghiệp, cá nhân có ô tô vận tải trên địa bàn không vi phạm, đồng thời chỉ đạo lực lượng công an huyện tăng cường công tác xử lý vi phạm, nhưng về lâu dài, chúng ta cần những giải pháp đồng bộ hơn.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền (Thị xã Thái Hòa) quan tâm đến lĩnh vực văn hóa- thể thao-giải trí. Thực tế hiện nay, ở hầu hết các thị xã, huyện trên địa bàn tỉnh đang thiếu các điểm vui chơi giải trí. Có huyện thì chưa dành quĩ đất, có huyện có qui hoạch điểm vui chơi giải trí nhưng thiếu nguồn lực đầu tư, thi công kéo dài, dang dở, nhân dân thì mong chờ, kỳ vọng. Tại Thị xã Thái Hòa, hơn 5 năm qua, điểm vui chơi, giải trí Bàu Sen được qui hoạch chi tiết, giao cho các nhà đầu tư nhưng đến nay chỉ tiến hành được một số hạng mục nhỏ, công trình đang dang dở. Từ thực tiễn đặt ra, chúng tôi đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch cần có định hướng, chỉ đạo các huyện xây dựng các điểm vui chơi giải trí cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, Sở cần phối hợp cùng với chính quyền cấp huyện có kế hoạch lâu dài trong việc tổ chức lễ hội theo hướng phát huy giá trị lịch sử, văn hóa cho lớp trẻ. Lâu nay, chúng tôi cảm nhận lễ hội các vùng miền đang hao hao giống nhau, chưa tạo được dấu ấn đặc sắc thu hút mọi người.
Nhóm PVTS