Phố gợi hồn đất, tình người...

18/11/2013 23:38

(Baonghean) - Phố may mắn sau biến động thời gian, đổi dời cảnh vật, vẫn lưu lại người xưa đất cũ để bất cứ lúc nào bạn cũng có thể nghe câu chuyện về quá khứ từ bác xe ôm, ông sửa xe đạp hay người đàn ông vạm vỡ tóc điểm bạc ngồi bên bàn cờ tướng bày thế chờ những “kỳ thủ” qua lại, tưởng chừng như họ ngồi nguyên ở đó đã bao cữ đông về... Họ là những người ít nhất có nửa thế kỷ gắn bó với con đường mang tên Hồ Tùng Mậu (TP. Vinh)…

Toàn cảnh đường Hồ Tùng Mậu (TP. Vinh).
Toàn cảnh đường Hồ Tùng Mậu (TP. Vinh).

Đến ngã năm Thành phố Vinh, đứng trên phía đường đôi Lê Mao, ngã phố Đinh Công Tráng hay phố Nguyễn Thị Minh Khai, đều nhận thấy sự thoáng rộng của phố Hồ Tùng Mậu cộng với không gian khoáng đạt hai bên vỉa hè đã làm nên một nét tráng lệ hiếm hoi của Vinh. Bởi thế, nói đường Hồ Tùng Mậu là con đường có thể chăng đèn kết hoa dịp lễ hội đẹp nhất ở Vinh là vì vậy!

Hồ Tùng Mậu sinh năm 1896, trong một gia đình truyền thống khoa bảng và yêu nước tại làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu); tên khai sinh của ông là Hồ Bá Cự. Thuở nhỏ ông theo học Trường Đông Kinh nghĩa thục ở Quỳnh Đôi. Tháng 4/1920, Hồ Bá Cự sang Thái Lan, rồi 3 tháng sau sang Trung Quốc tìm gặp nhà cách mạng Hồ Ngọc Lãm ở Quảng Châu và xin được vào học Trường điện tín. Tại đó, Hồ Tùng Mậu cùng Lê Hồng Sơn lập ra Tâm Tâm xã. Tháng 6/1925, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn giúp Nguyễn Ái Quốc xây dựng Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, trong đó có cộng sản đoàn gồm 5 người. Tháng 12/1927, Hồ Tùng Mậu bị địch bắt giam, đến cuối Thu năm 1929 được tha. Thời gian ở tù, Hồ Tùng Mậu được bầu vắng mặt làm Ủy viên chấp hành Tổng bộ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội tại Đại hội Đại biểu lần thứ I của tổ chức này. Tháng 6/1931, ông lại bị địch bắt và kết án chung thân. Năm 1945, Hồ Tùng Mậu thoát khỏi nơi an trí trở về quê hoạt động tại cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ. Sau khởi nghĩa, ông được giao nhiều nhiệm vụ: Phụ trách trường quân chính Nhượng Bạn, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Liên khu IV, Uỷ viên thường vụ Liên khu uỷ, Tổng thanh tra Ban Thanh tra Chính phủ, Hội trưởng Hội Việt - Hoa hữu nghị. Tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc tháng 2/1951, Hồ Tùng Mậu được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương và vẫn giữ các công tác cũ. Ngày 23/7/1951, trên đường công tác, ông hy sinh do bị máy bay Pháp ném bom.

Đường vốn là một lối cát từng in dày dấu chân qua lại của người miệt bể, khách giang hồ và có thể cả quan quân đi từ bến thuyền ở cửa sông Lam lên làng Vịnh, làng Vòng để tiếp tục ngược lên phía Tây núi non trùng điệp. Khi đó, vùng đất Vinh còn là một trấn nhỏ lơ thơ nhà tranh giữa những rậm rịt vườn hoang và nhấp nhô đồng ruộng. Xóm Trốt Nại tên chữ có từ bao giờ và vì sao gọi thế thì chẳng còn ai nhớ, ai biết? Nhưng người Vinh mấy thế hệ còn đó đều chưa quên trên đường Hồ Tùng Mậu còn có một cây cầu Nại mấy thập kỷ qua cùng với những cầu Thông, cầu Nước Đá, cầu Kênh Bắc... là những địa danh gắn bó mấy thuở đời người Vinh trong vui buồn mưu sinh và lắng đọng tình người. Trên phố mới hiện đại, cầu Nại chỉ được nhận biết là hai thành lan can nhỏ hai bên đường, có độ dài dăm sải bước chân, nhưng cũng đủ cho người Vinh mùa hè đến thưởng thức bia ở nhà sàn Song Quỳnh, hay sáng mùa Đông đến điểm tâm món phở Hà Nội của nhà hàng Dũng Ngẫu, có thể nán lại chút bồi hồi với lạch sông dáng cầu đầy kỷ niệm còn đó...

Cụ cố Luyến là một trong những công dân nổi bật ở xóm Trốt Nại của đất làng Vịnh những năm đầu thế kỷ 19 với sự giàu có và tài buôn bán, sinh lợi điền sản. Làng Vịnh chính là vùng đất trung tâm của phố Vinh nay, gia phần hương hỏa của nhà cố Luyến nằm ở Trốt Nại trên đất khối 17, phường Hưng Bình mà bên cạnh một bộ phận dân cư đang sinh sống bám mặt Bắc đường Hồ Tùng Mậu. Sân Khách sạn Giao tế bây giờ trước là trại chăn nuôi bò của cố Luyến, vỗ béo rồi cho người dắt theo đường 7 sang bán tận bên Lào; kế đó là khu lò mổ lợn của cụ để cung cấp cho các tiệm phở, các chợ trên địa bàn làng Vịnh... Cầu Nại thuở ăn nên làm ra của nhà cố Luyến đang là cây cầu tre lót ván, vắt qua con sông rộng hơn ba chục thước.

Người Pháp từng nhìn nhận Vinh là một vùng đất quan trọng cho chính sách khai thác thuộc địa của họ, lối đường cát mòn nối bến thuyền cửa sông Lam đã trở thành bến tàu thủy ấy được mở rộng và rải nhựa, cầu Nại được bê tông cốt thép; đường thi thoảng lại ầm ĩ tiếng xe cam-nhông chở lính và khí tài cho ý đồ bình định miền Tây. Rồi người Pháp cho xây dựng nhà thương, nhà hỏa xa, nhà dây thép... mở mang những đường ngang, đường nhánh ở Vinh, từ đó hình thành nên Ngã Năm thông sang Ngã Sáu như bây giờ. Sau cầu Nại bị bom Nhật đánh sập, chính quyền Việt Minh lên nắm quyền đã cho lấy đường ray và bánh xe lửa ở nhà máy hỏa xa Trường Thi lên ghép lại cây cầu. Chỗ bê tông bị đánh sập vẫn giữ lại tạo thành hang, thành hốc, là nơi mò cua bắt cá một thời và trở thành kỷ niệm hằn sâu cho con trẻ Thị xã Vinh xưa. Lúc đó bên mặt Nam phố, nơi chạy suốt của Quảng trường Hồ Chí Minh, khuôn viên Công viên Trung tâm và Nhà Văn hóa Lao động nay vẫn chỉ là đồng hoang, ruộng dại.

Toàn bộ tuyến bên mặt Nam của đường đang có sự biến tấu độc đáo từ các dịch vụ dựa trên chức năng hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, Công viên Trung tâm với các sân thể thao, nhà cà phê sạch Trường Sơn, cà phê vườn Phố Hoa mới mẻ nhưng nhanh chóng hút khách bởi không gian thoáng đãng, kiến thiết thẩm mỹ. Xuôi xuống nữa là khung cảnh tre trúc, cỏ cây đậm nét quê xứ Nghệ trên sườn núi Chung mô phỏng của Quảng trường Hồ Chí Minh.

Cho đến những năm 1980, điểm nhấn cho phố này cũng mới chỉ có Bưu điện tỉnh và Khách sạn Giao tế (xây dựng trên cơ sở trụ sở cũ của Tỉnh đội Nghệ An) bên mặt Bắc. Trong cái sầm uất bán mua của chợ Quán Lau, khu ẩm thực lẩu cá mùa Đông và kem lạnh mùa hè, phố bây giờ được gợi nét trầm lắng, hoài niệm nhờ những tán xà cừ cổ thụ vượt lên, lồng bóng trong sân Khách sạn Giao tế. Và, bất ngờ gặp một nét cong cong cổ kính của khu nhà thờ họ 300 tuổi và đã có hơn 200 năm về tọa lạc ở đây, có Bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đó chính là Nhà thờ chi họ Nguyễn Hữu của cụ cố Luyến, vốn hậu duệ thuộc chi 5 của Cương Quốc công Nguyễn Xí. Tôi đã chuyện trò với ông xe ôm, ông thợ sửa xe đạp đều là những công nhân lao động về hưu, suốt cả đời người gắn bó với phố Vinh, với xóm Bình Yên (khối 17 – Hưng Bình) đất Trốt Nại xưa, họ đều mặn mòi với những kỷ niệm và đằm sâu một tình yêu đất đai cố thổ dù nay lên phố mới đã bao “vật đổi sao dời”.

Nhà thờ chi họ Nguyễn Hữu  (di tích Lịch sử - Văn hóa  cấp tỉnh)  trên đường  Hồ Tùng Mậu
Nhà thờ chi họ Nguyễn Hữu (di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh) trên đường Hồ Tùng Mậu

Trong ngôi nhà thờ họ Nguyễn Hữu cổ kính ấy, tôi cũng đã được gặp người cháu gọi cụ cố Luyến là cố nội, nay ngót tuổi 70. Đó là một cựu chiến binh, chiến sỹ cách mạng bị giặc bắt, đày ải qua các nhà tù tàn ác nhất: Non Nước, Phú Quốc, Biên Hòa, Pleiku, Côn Đảo và được trao trả sau Hiệp định Pa-ri. Người cựu tù cách mạng Nguyễn Trung Dung nhớ lại: “Năm 1973, sau 3 năm được báo tử, nhà đã làm 3 cái giỗ, tôi trở về bước chân vào nhà, cách mẹ tôi chỉ còn dăm bước chân nhưng không bước nổi để ôm mẹ nữa vì bao cảm xúc nghẹn lòng ùa về... Tôi nhào xuống và vốc một nắm đất vã lên miệng mình, òa khóc!”...

Xin dừng lại và lấy chút hồi ức đầy xúc động ấy của ông Nguyễn Trung Dung, để tôi, bạn và những ai yêu mến phố Vinh hôm nay có dịp đi trên đường Hồ Tùng Mậu, hãy nương theo hồn đất tình người về với đất Trốt Nại – Bình Yên, làng Vịnh - Vinh nhằm soi lại hiện hữu hôm nay mà sống hữu ích hơn, xứng là công dân Thành phố Đỏ anh hùng dày văn hiến!

Đình Sâm