Nỗi lòng bà…

21/10/2013 17:11

(Baonghean) - Có những em bé chẳng may mẹ mất sớm, mẹ vướng vào vòng lao lý, hay xa xứ làm ăn… phải ở cùng bà. Tảo tần sớm khuya, bà nhọc nhằn trong vai trò “kép” - làm bà và làm mẹ…

Lận đận với cháu, con

Ngày đất nước còn chiến tranh, nhiều gia đình, bố đi bộ đội, mẹ đi thanh niên xung phong, con cái ở với ông bà là hiện tượng phổ biến. Nhưng nay, khi đã hòa bình, rất nhiều gia đình cũng tồn tại hình thức này, vì nhiều lý do. Mô hình gia đình “khuyết” thế hệ, nhất là “thế hệ giữa” đang ngày càng chiếm một số lượng lớn.

Đến các xóm 7, 8, 14 của xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, chúng tôi bắt gặp ở nhiều gia đình cảnh ông bà thay cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu. Hỏi ra mới biết, con cái các ông bà đi làm ăn xa, người vào Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, người lại đi Thái Lan, đi Lào kiếm sống… Nẻo đường mưu sinh khó nhọc, nên sinh con xong, họ đành gửi con về nhờ bố mẹ mình chăm hộ. “Thương con lắm, nhưng do hoàn cảnh, chúng tôi vẫn phải dứt con, gửi lại ông bà. Cuộc sống xa quê vất vả, nếu đưa con đi càng không làm ăn gì được, lại khổ cho con. Mà để con ở nhà cũng thương ông bà già cả…” - chị Phan Thị Liên, ở xóm 14, tâm sự như vậy khi chị từ Lào về đóng tiền học cho con.

Đi làm thuê, nhiều cặp vợ chồng phải ở trọ. Không gian chật chội của những phòng trọ cùng với thời gian eo hẹp… khiến cho việc chăm sóc con rất khó khăn. Giải pháp an toàn và khả thi nhất là gửi con ở quê cho ông bà nuôi dưỡng. Nhiều ông bà nội, ngoại đã kiêm luôn vai trò là bố mẹ của những đứa cháu non nớt. Với những ông bà hãy còn sức khỏe, đã về hưu, hay ở nông thôn cảnh sống nông nhàn, rõ ràng có điều kiện để hỗ trợ con chăm cháu. Nhưng không phải ai cũng thuận lợi như thế. Những căn bệnh “sáng nắng, chiều mưa” của người già, rồi việc cấy cày, đồng áng, giỗ chạp, nội ngoại… khiến cho nhiều ông bà không “kham” nổi. “Trẻ con hiếu động, giữ một ngày đã bơ phờ, kiệt sức. Mà đâu chỉ giữ. Cho ăn, cho uống, tắm giặt, bày dạy… những việc không tên kéo nhau hết ngày. Theo sát thế mà có hôm cháu vẫn ngã u trán, vừa xót cháu, vừa… ngại con”, bà Trần Thị Thu, nhà ở khối 5, phường Bến Thủy, tâm sự khi phải chăm cháu ngoại 5 tuổi vì bố mẹ cháu làm ăn ở Hàn Quốc.

Tuổi già, sum vầy bên con cháu là niềm hạnh phúc ai cũng trông chờ. Tiếng bi bô tập nói, tiếng cười trong trẻo, những câu hỏi hồn nhiên… của cháu có thể làm ông bà vui lây mà trẻ lại. Nhưng việc ông bà thay vai trò của bố mẹ lại khác hẳn. Vất vả chồng chất, lại tủi thân, tủi phận khiến cho các bà đã nhiều lần rơi nước mắt. “Bình thường không sao, nhưng khi nó ốm đau, nó thèm hơi mẹ, cháu nó khóc, tôi cũng chỉ biết khóc theo. Hay ho gì tách mẹ. Nhưng con gái tôi, vì vỡ nợ, phải đi nước ngoài làm ăn nên giờ bà đành bọc cháu…”, bà Nguyễn Thị Lộc, phường Trường Thi mắt hoe đỏ chia sẻ chuyện nhà. Con trai cũng vào Nam kiếm việc, hai ông bà ở nhà cùng hai đứa cháu nhỏ. Ông thì ốm đau liên miên, một tay bà chăm ông, chăm cháu và chăm bản thân mình. “Có hôm mắng nó là gọi mẹ về mà nuôi, đừng vắt kiệt sức bà nữa – nói xong cháu khóc, bà khóc…”.

Có nhiều ông bà còn đủ sức khỏe để chăm nuôi cháu thay con, vì vậy, cuộc sống tạm thời chưa thực sự “khó trở”, nhưng có những gia đình hoàn cảnh vô cùng thương tâm. Ở xóm 8, xã Nghi Văn (Nghi Lộc), ai cũng cảm thấy ái ngại, cám cảnh với gia đình bà Nguyễn Thị Quang, ông Hoàng Văn Tuấn. 5 năm nay, hai ông bà phải nuôi 2 đứa cháu cho vợ chồng người con trai cả vào Bình Dương kiếm sống. Gia đình ông bà thuộc diện hộ nghèo. Lăn xả với ruộng vườn, rồi lại lo cho cháu, bà Quang đã bị tai biến nằm một chỗ hơn một năm nay. Công việc, từ đồng áng đến cửa nhà, một mình ông Tuấn cáng đáng. Hôm chúng tôi vào thăm, trời đã nhá nhem tối. Trong ánh đèn tiết kiệm điện, ánh sáng buồn leo lắt, ông Tuấn đang lụi cụi lấy cháo cho bà và xới cơm cho 2 đứa cháu. Bữa cơm chỉ có món rau và nước mắm. “Khổ sở không biết lúc nào mới hết. Lúc khỏe chăm con, giờ già yếu lại chăm cháu. “Con cái xót bố mẹ, nhưng cũng chưa thể đem cháu vào cùng được. Ở nhà nghèo, còn có chỗ mà ngủ, mà chơi… Tôi giờ chỉ biết cố sức. Thương bà, nằm một chỗ mà vẫn ngóng theo giờ ăn, giấc ngủ của cháu. Con đi xa, giờ cháu là nỗi lo lớn nhất của ông bà”, Ông Tuấn bùi ngùi.

Bà Đinh Thị Khai thay mẹ (con dâu đã mất) chăm sóc 2 cháu Trần Văn Phúc và Trần Văn Lộc.
Bà Đinh Thị Khai thay mẹ (con dâu đã mất) chăm sóc 2 cháu Trần Văn Phúc và Trần Văn Lộc.

Không thể thay thế

“Vẫn không thay được mẹ nó” là chia sẻ chung của những người bà đang thay con chăm nuôi cháu. Hết lòng vì cháu, chăm chút, chiều chuộng nhưng các bà vẫn khẳng định: Con cái cần nhất là bố mẹ. “Bà không thiếu tình thương, nhưng tình thương của bà vẫn không bù được mẹ. Hơn nữa, chúng tôi hình như không theo kịp sự phát triển của các cháu nữa rồi. Cách đây 20 – 30 năm, nuôi con thấy dễ mà giờ nuôi cháu thấy khó quá. Nào chở cháu đi học, đón về; lo ăn, mặc rồi thi thoảng bánh, sữa cho chúng. May cháu nó còn ngoan chứ nếu chúng nó lêu lổng, đua đòi thì chẳng biết làm sao”. Bà Vũ Thị Huyền xóm Lâm Xuyên, xã Nam Thành (Yên Thành) tâm sự. 3 năm nay, con trai cùng con dâu vào các tỉnh phía Nam làm công nhân, bà Huyền giúp con chăm 2 đứa cháu.

Bà Nguyễn Thị Sáu, ở xóm 9, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương cũng có nỗi lo tương tự. Lúc chúng tôi ghé nhà, trời đã xế chiều, bà đang tắm cho đứa cháu út 3 tuổi của vợ chồng anh con cả, ông thì đi đón hai đứa cháu khác từ trường về. Cuộc sống của ông bà Sáu đã quen với cảnh nuôi cháu 10 năm nay. Do phải vào Nam làm ăn, người con trai “dắt” theo cả vợ và gửi 3 đứa con cho ông bà chăm nuôi. Đứa thứ nhất năm nay học lớp 7, đứa thứ 2 học lớp 3 và đứa thứ 3 mới hơn 3 tuổi ở nhà với ông bà. “Mỗi đứa mỗi tuổi, mỗi tính. Đứa lớn ở cái tuổi dở dở, ương ương, tập làm người lớn; đứa thứ hai thì phải uốn nắn để không chểnh mảng học hành; đứa nhỏ thì lo ốm, lo đau… Bố mẹ chúng cũng lo, gọi điện về nhờ ông bà sâu sát, nhưng ở nhà thì còn để mắt được, ra đường thì biết làm sao?”.

Có những gia đình, đau xót hơn, khi chẳng may mẹ sớm qua đời, con mồ côi, và lúc này, bà thực sự phải làm mẹ. Gia đình anh Trần Văn Thường, xóm Khánh Hậu, xã Hưng Hòa, Thành phố Vinh thực sự rơi vào nỗi bất hạnh lớn khi vợ anh vừa sinh hạ hai con trai, chưa kịp nhìn mặt con, đã vội nhắm mắt. Chị mắc bệnh “máu không đông”, và dù đã được cấp cứu kịp thời, chị vẫn không thể nào qua khỏi. Anh Thường phải đi làm để kiếm tiền mua sữa cho con, còn hai con, đành nhờ bàn tay hai bà nội, ngoại. “Đứt ruột khi cháu khát sữa, tôi chỉ biết đếm ngày, đếm tháng, mong chúng khỏe mạnh, rồi khôn lớn, trưởng thành… Nỗi đau mất con, nỗi xót cháu khiến tôi nhiều khi không trụ nổi”. Bà Đinh Thị Khai, bà nội hai bé Trần Văn Phúc và Trần Văn Lộc xót xa. Hai đứa trẻ này còn sinh thiếu tháng: Một cháu nặng 1,3 kg, một cháu nặng 1,8 kg lúc chào đời. Có mẹ chăm đã nhọc nhằn, nhưng mất mẹ, công bà càng gấp bội. Bà chia sẻ với chúng tôi: Bà mong cháu lớn nhưng cũng lo cháu lớn. Bởi nếu “sểnh” ra theo người xấu thì công bà, công bố như muối hắt ra sông, ra biển…”

Xét ở quy luật tâm lý cũng như từ thực tế cho thấy, vai trò của cha mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục con là điều vô cùng quan trọng. Tình mẫu tử là bản năng mãnh liệt của người mẹ với con và của con với mẹ, nên khi con ốm, con đau, có mẹ bên cạnh đã là một sự an tâm về tinh thần cho trẻ. Những chia sẻ với mẹ trong việc học hành, trong quan hệ bè bạn, và cả những chia sẻ có phần “riêng tư” về sự phát triển giới tính, những thay đổi cảm xúc, nhất là lứa tuổi dậy thì… rất cần thiết. Hơn nữa, xã hội ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, khiến cho trẻ em cũng “khôn” hơn so với tuổi. Nhiều vấn đề nẩy sinh: những nhận thức mới về dinh dưỡng, về phát triển toàn diện thể chất và trí tuệ cho trẻ, sự thay đổi về chương trình học, cách thức học, sự xuất hiện ồ ạt, khó kiểm soát của trò chơi mang tính giải trí, rồi những thay đổi về tâm sinh lý, những nhận thức về giới tính… đòi hỏi người chăm trẻ phải theo sát. Trong khi ông bà tuổi cao, sức yếu, lại không thể cập nhật hết tình hình phức tạp, nên các cháu càng lớn càng dễ tách khỏi ông bà, và thực tế là không ít cháu đã sa ngã, hư hỏng, khiến cho ông bà đau lòng. Nuôi nấng, rèn dũa một con người không hề đơn giản. Nhưng bằng tình yêu thương và trách nhiệm to lớn, ông bà đang cố gắng bù đắp đi những thiếu hụt cho các cháu, nhất là về mặt tinh thần.

Những ông bà nội - ngoại đang thay con nuôi cháu mà chúng tôi đã gặp đều chung sự tất bật, vội vàng. Ai cũng xoay xở, bận rộn việc này, việc kia để chăm lo cho cháu. Từ sáng sớm đã chợ búa, cháo cơm, đến đêm, ông bà chỉ được nghỉ ngơi khi cháu đã yên giấc. Trong giấc mơ, tiếng ú ớ gọi mẹ đôi khi làm bà thao thức cho đến sáng ngày…

Bài, ảnh: Nguyễn Nguyên