Thế giới không sắc màu

03/12/2013 16:29

(Baonghean) - “Nếu là con chim, chiếc lá/ Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh…” Ai đó đã hát vang như vậy trên dãy hành lang hẹp của trụ sở Tỉnh hội người mù Nghệ An. Nhưng không phải chiếc lá nào cũng xanh màu bình yên và chú chim nào cũng lảnh lót hót. Có đến đây mới biết, lắm khi số phận cứ day mãi vào kiếp người những điều trớ trêu. Cũng là hình hài mẹ cha ban tặng nhưng không may mắn được tròn đầy, họ thiếu đi đôi mắt để giao tiếp với thế giới muôn màu.

Mẹ Nguyễn Thị Tứ chăm sóc bữa ăn cho những hội viên khiếm thị. .
Mẹ Nguyễn Thị Tứ chăm sóc bữa ăn cho những hội viên khiếm thị. .

Thân phận và ước mơ

Theo số liệu từ Tỉnh hội người mù, Nghệ An hiện có 2.481 hội viên khiếm thị, nhưng con số thực tế, nếu tính cả đối tượng trẻ em khiếm thị dưới 15 tuổi (chưa đủ tuổi kết nạp vào hội) và những người khiếm thị còn bơ vơ đâu đó giữa dòng người tấp nập kia, chắc chắn con số người khuyết tật còn cao hơn nhiều. Đi giữa thế giới không sắc màu ấy, những người khiếm thị mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đều có câu chuyện éo le của riêng mình, nhưng vượt lên tất cả là nghị lực và ước mơ.

Khi tôi đến thăm Tỉnh hội, chị Nguyễn Thị Sáu (quê Xuân Tường, Thanh Chương) đang ngồi nghỉ sau giờ làm việc ở phòng xoa bóp - bấm huyệt. Duỗi hai cánh tay cho đỡ nhức mỏi, chị bảo: “Nhờ có cái “môn” xoa bóp mà tụi chị có việc làm, kiếm được tiền em ạ. Nhìn rứa chơ cũng là nghề nặng nhọc đó, cứ mong có khách đến để được làm, may gặp được người hay chuyện cũng khuây khỏa ra”.

Nói đoạn, chị lấy tay rờ rẫm lên khuôn mặt tôi, lần xuống cánh tay đang được bọc trong mấy lần áo ấm: “Em mặt tròn nhưng nhỏ người. Cánh tay thì mềm nhão ri, kiểu ni không phải con nhà nông rồi. Em mặc áo màu chi đó? Đen à? Ừ đen thì chị biết…”.

Chị Sáu biết và sống chung với màu đen từ năm 3 tuổi. Là con út trong gia đình có 6 chị em, 5 gái, 1 trai. Lúc sinh ra, chị cũng như bao người anh, người chị của mình có đôi mắt sáng và nhanh nhẹn. Nhưng “giàu con út, khó con út”, chưa bao giờ cái câu nói dân gian ấy lại vận vào đời người cay đắng đến thế! Chị Sáu út ít của cả nhà, trong một lần đùa nghịch đã không may ngã vập vào thành giường. “Sau này lớn lên nghe kể lại là bị vỡ mắt bên trái, hoàn toàn không cứu được. Còn mắt bên phải, ảnh hưởng răng đó mà cũng mờ dần rồi đến khi tối thui luôn!”- chị Sáu bình thản kể. Những năm đó, gia đình chị nghèo lắm, nghèo “nổi tiếng” ở xã Xuân Tường, bố mẹ và đàn con nheo nhóc cứ thế dìu nhau bữa đói, bữa no, làm gì dám nghĩ đến chuyện đưa chị đi chạy chữa? Và giờ đây đã bước qua tuổi “băm” lâu lắm rồi, cái ao ước nhất của chị vẫn là được một lần nhìn thấy khuôn mặt của chính mình. “Nhiều lần chị tự hỏi mình là ai? Mình trông như thế nào? Chị nhờ mấy đứa cháu tả hộ, rồi chị đưa tay lên mặt tự tưởng tượng nhưng không rõ được. Chị cứ sợ mình xấu xí quá, đã mù lòa còn xấu thì dám gặp ai!…”.

Chị Bính - chị gái của chị Sáu lại có nỗi niềm khác. Năm nay chị ngoài 40, nhưng “may mắn” hơn người em gái của mình, chị có 10 năm sáng mắt. Thế rồi, sau một trận sốt cao, mắt chị Bính cứ mờ dần, mờ dần, lại thêm điều kiện chữa trị hạn chế nên chỉ thời gian rất ngắn, đôi mắt chị hỏng hẳn. Bố mẹ mất sớm, nhà có 6 anh chị em, các chị đi lấy chồng xa và đều khổ cả, được mỗi người anh trai thì chỉ nương nhờ được ít năm, anh cũng bạo bệnh qua đời. Gia cảnh nghèo đói và éo le, chị dâu vốn tốt tính nhưng cũng không tránh khỏi những lúc tiếng bấc, tiếng chì. Thế là tủi thân, mặc cảm, buổi ngày mò mẫm giúp việc nhà cho chị và các cháu, đêm về, buông màn xuống, hai chị em Bính và Sáu cứ thế mỗi người quay lưng một hướng, và khóc thầm. Khóc suốt đêm này qua đêm khác, sau rồi nghĩ không lẽ đời mình cứ vô dụng, phụ thuộc ri mãi a, hai chị lấy hết quyết tâm gia nhập vào Chi hội người mù xã Xuân Tường và hiện nay, 2 chị tham gia vào Tỉnh hội. “Ơn to Hội Người mù em ạ, không có Hội chị em chị biết bấu vô mô. Hội cho học làm tăm tre, học xoa bóp bấm huyệt, Hội cho cái nghề để tự lập kiếm ăn”.

Làm việc và sinh hoạt ngay tại Tỉnh hội, hai chị em mỗi tháng mới nhờ người dẫn về thăm nhà ở quê một lần. “Hai chị em tích cóp gần chục năm, rồi nhờ xã hội quan tâm, nhờ chính quyền với Hội đây giúp đỡ, bà con họ hàng mỗi người một ít mà dựng nên cái nhà ở Xuân Tường rồi. Cứ khóa cửa để đó, giờ còn khỏe đi làm tích góp cái đã, già rồi về!” - Chị Bính nói, mắt lấp lánh niềm vui. Chị Sáu hay ví von hơn, lại bảo: “Nhà có mái nhưng chưa ấm. Chỉ ước có mái ấm gia đình. Có chồng, có con!” Như lỡ miệng nói phạm đến điều gì nhạy cảm, hai người phụ nữ bất giác nhãng ra, đôi mắt ầng ậc nước… Chị Sáu khao khát một lần được làm mẹ. Dẫu thiệt thòi hơn những người sáng mắt, nhưng chị cũng là phụ nữ, và phụ nữ thì tha thiết cái thiên chức thiêng liêng ấy biết bao! Tiếng trẻ con khóc, tiếng ru ầu ơ và hơi ấm bầu sữa mẹ - chao ôi là những điều giản dị đến nhường nào, nhưng với chị và những người phụ nữ khiếm thị đã trở thành khát khao suốt cả cuộc đời.

Mỗi người phụ nữ khiếm thị có một ước mơ khác nhau, những ước mơ giản dị nhưng lấp lánh giữa bóng tối thăm thẳm của cuộc đời. Chúng tôi gặp Nguyễn Thị Thúy khi em đang làm nhiệm vụ thống kê sổ sách cho Tỉnh hội. Thúy năm nay mới 25 tuổi, dáng người thanh thoát, làn da trắng và nụ cười tươi. “Ai mới gặp qua không biết em khiếm thị đâu!”- Thúy vui vẻ bảo. Thúy bị viêm màng bồ đào bẩm sinh, thị lực kém nhưng thành tích học tập thì khiến nhiều người phải trầm trồ. Từ quê nhà Hiến Sơn, Đô Lương, cô học trò nghị lực ấy đã đến với giảng đường Trường ĐH Khoa học Huế. Thúy khác biệt so với chúng bạn cùng lớp, đi đâu cũng kè kè máy ghi âm và bảng viết braille, nhưng trí nhớ thì đáng nể. Học Khoa Sử trong điều kiện nhìn và đọc tài liệu rất kém, nhưng Thúy vẫn tốt nghiệp bằng Đỏ và nhận được nhiều lời mời làm việc tại các cơ quan, tổ chức. Thúy từ chối hết và mạnh mẽ bước vào Tỉnh hội người mù Nghệ An xin làm cán bộ phụ nữ. “Em ước mơ làm người tư vấn tâm lý của phụ nữ khiếm thị. Cùng cảnh ngộ nên em hiểu, phụ nữ khiếm thị vẫn mặc cảm, tự ti lắm, lại có tư tưởng buông xuôi, không quan tâm chăm sóc đến bản thân. Em quyết tâm thay đổi tư tưởng đó, phải để cho mọi người biết, tuy chúng em khiếm khuyết đôi mắt, nhưng vẫn tỏa sáng nhiều giá trị khác. Không thể để tâm hồn mù theo đôi mắt. Không thể chỉ tồn tại. Phải sống!”- Thúy khẳng định chắc nịch.

Gia đình anh Đậu Trần Xuân - chị Lê Thị Dương và con trai Đậu Trần Kiên.
Gia đình anh Đậu Trần Xuân - chị Lê Thị Dương và con trai Đậu Trần Kiên.

Tình người nồng ấm

Câu chuyện cuộc đời của những người khiếm thị, còn có những tình cảm, lòng biết ơn và niềm tin vào tình người nồng ấm. Ở Tỉnh hội người mù Nghệ An, ngày ngày vẫn rộn lên tiếng nói, tiếng cười sảng khoái của một người phụ nữ. Người phụ nữ có nụ cười “xuyên không gian và thời gian” như vẫn thường tự nhận về mình ấy là mẹ Nguyễn Thị Tứ. Mẹ Tứ quê gốc ở Xuân Sơn, Đô Lương, 11 năm nay, đã trở thành người mẹ thân thương của hàng trăm đứa con khiếm thị lớn, nhỏ. Khi chúng tôi đến tìm gặp, mẹ Tứ đang tất bật nấu nướng, chuẩn bị bữa trưa cho những đứa con của mình.

Nếu ai biết “lịch sử” gắn bó giữa mẹ và Tỉnh hội người mù, với những học viên - kỹ thuật viên khiếm thị nơi đây, chắc hẳn sẽ thán phục vô cùng. Năm 2001, mẹ gồng gánh gia đình con cái theo chồng xuống Vinh lập nghiệp. Thời gian đầu bỡ ngỡ trước cuộc sống mới chốn thị thành, mẹ chịu khó mở một hàng nước nhỏ ngay đường Đinh Bạt Tụy, trước cửa trụ sở Tỉnh hội bây giờ. Hàng nước đông khách bởi bà chủ lúc nào cũng vui vẻ, xởi lởi, nhưng công việc bận rộn vẫn không làm người phụ nữ ấy quên đi những mảnh đời khiếm khuyết bên cạnh mình. Hình ảnh những đứa trẻ chỉ bằng tuổi con mình ở nhà, khuyết đi đôi mắt, dò dẫm đưa tay huơ huơ vào khoảng không, bước thấp bước cao... ám ảnh cả vào trong giấc ngủ của mẹ. Thế rồi một ngày, mẹ mang theo mấy tấm áo quần của con mình, sang Tỉnh hội tìm gặp những đứa trẻ thiếu thốn ấy, cúi người xuống khoác áo vào cho chúng rồi cứ thế khóc ròng…

Đều đặn 11 năm trời, một ngày của mẹ Tứ bắt đầu từ 4h sáng, đi chợ sớm để mua thực phẩm tươi ngon mà giá cả hợp lý để lo 3 bữa ăn trong ngày cho 18 người khiếm thị đang là kỹ thuật viên xoa bóp - bấm huyệt nơi đây cùng đội ngũ cán bộ Hội. Tiêu chuẩn 10.000 đồng/ người/bữa trong thời buổi giá cả leo thang và chỉ có một mình mẹ bếp núc, dọn dẹp… dễ làm người khác nản chí, nhưng mẹ thì không. Bởi mẹ có tình yêu thương và sự kiên trì. “Tâm lý của người khiếm thị thất thường lắm, bởi họ không nhìn thấy nên thường đa nghi, bẳn tính. Mẹ quen nết từng đứa rồi, mẹ chiều được hết. Đứa nào thích ăn cái gì, ăn được cay hay không, đứa nào hay hóc xương cá, không thích thịt mỡ… mẹ để ý một lần là nhớ. Mẹ xem như con mẹ hết ấy mà!” – Mẹ Tứ rổn rảng nói. Làm sao kể xiết những lần hội viên ốm đau, cảm sốt, chính mẹ Tứ là người thức đêm túc trực, chăm bón từng bát cháo, động viên cưng nựng các con uống thuốc… Bàn tay thô tháp của mẹ khâu áo, đơm cúc cho các con, mẹ kể chuyện chợ búa, đường xá rộn hết cả căn phòng nhỏ. Với những người khiếm thị nơi đây, mẹ Tứ như là nguồn vui sống, có mẹ Tứ, căn phòng tập thể ấy không còn lạnh lẽo và cô độc.

Những người sáng mắt và cả sáng tâm nữa vẫn ở đâu đó trong xã hội xô bồ hiện đại này nhưng họ chính là vỉa vàng lấp lánh thương yêu và nghĩa tình giữa bóng tối mênh mông của những người khiếm thị như trường hợp chị Nguyễn Thị Thao (41 tuổi) ở Diễn Minh (Diễn Châu). Cuộc đời chị Thao đủ để viết nên một cuốn tiểu thuyết trầm luân mà ở đó, nghị lực vượt lên chính mình và niềm tin bất tận vào tương lai là điều khiến tất cả chúng ta phải cảm phục. Chị Thao sinh ra trong gia đình nghèo khó, bố mất sớm vì bệnh nan y, một mình mẹ và đàn con nheo nhóc, đứa nào cũng thất học. Tuổi thơ chị là những ngày gánh nước thuê, tráng bánh thuê, đi ở đợ nhà người…

Rồi chị về sống cùng anh Nguyễn Văn Trụ- chồng chị bây giờ. “Cũng là cảnh nghèo gặp nhau, thương nhau rồi về một nhà. May răng rổ rá cạp lại mà cũng bền, giờ chị có 4 đứa con, đứa nào cũng được học hành đến nơi đến chốn. Chị buồn nhất là mình mù chữ, đói khổ mấy chị cũng chịu được, nhưng không có chữ, chị thiệt thòi với đời lắm em ơi!” Từ hai bàn tay trắng, người phụ nữ quả cảm ấy giờ đã có một cơ ngơi đáng mơ ước. Nhưng cảnh nghèo và nỗi bất hạnh của người nghèo thì chưa một giây phút nào chị quên.

Thế nên, khi thấy hàng xóm là gia đình anh Đậu Trần Xuân- chị Lê Thị Dương - hai người khiếm thị lấy nhau và sinh con ra, bất hạnh thay cũng lại thêm một cảnh đời mịt mù nữa, chị Thao giúp đỡ hết lòng. Trong căn nhà vừa mới tạm sửa sang cho đỡ dột nát, chị Xuân nói như trải hết lòng mình: “Không có chị Thao, vợ chồng em chết nhiều lần rồi, thằng Kiên con em cũng không sống được đến ngày ni. Cùng cảnh mù lòa, thương nhau rồi lấy nhau, sinh con ra cũng cầu khấn cho nó được bình thường như người ta, ai ngờ… Giờ cháu mới được 4 tuổi mà mười mấy thứ bệnh trong người, cứ nửa đêm trở bệnh đi viện là lại ới chị Thao. Chị Thao chăm cháu trong viện, chị Thao đóng viện phí cho, chị Thao đỡ đần tiền sửa nhà... Đại ân nhân của nhà em đấy chị ạ!”

Nghe vậy, chị Thao chỉ cười. Nụ cười của người phụ nữ đã đi qua quá nhiều thăng trầm của cuộc sống, giữa cái nắng hiếm hoi của buổi chiều ngày đông sao mà thương đến thế! Dường như với chị Thao và những trái tim đa cảm khác, sẻ chia với một cảnh đời thiếu thốn là thêm một lần đắp bồi cho tâm hồn mình những niềm vui giản dị. Trong thế giới không màu của người khiếm thị, có bàn tay ấm áp của những người sáng mắt làm điểm tựa, để họ tự tin đứng dậy và bước đi.

Phương Chi