Làm rõ việc, chọn đúng người

25/10/2013 21:17

(Baonghean) - Hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, đến nay bên cạnh những chuyển biến tích cực thì vẫn đang đặt ra nhiều bất cập cần được nghiên cứu, điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động bộ máy cấp xã.

(Baonghean) - Hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, đến nay bên cạnh những chuyển biến tích cực thì vẫn đang đặt ra nhiều bất cập cần được nghiên cứu, điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động bộ máy cấp xã.

Đông nhưng chưa mạnh

Theo số liệu tổng hợp từ Ban Tổ chức, Huyện ủy Yên Thành, tính đến tháng 9 năm 2012, tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lao động tại 39 xã, thị trấn toàn huyện là 9.273 người (gồm cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách, công chức, lao động). Trong số này có 5.802 người được ngân sách Nhà nước trả lương; 3.471 người do ngân sách xã tự chi trả và các hội tự “nuôi”,… Những xã đứng đầu về số lượng cán bộ “hùng hậu” này là xã Công Thành với tổng số 401 cán bộ xã, xóm và số do ngân sách xã chi trả là 153 người. Hay xã Đức Thành tổng số cán bộ xã, xóm là 362 người và số ngân sách xã tự chi trả là 107 người. Thậm chí có xã số lượng cán bộ ngân sách xã tự chi trả, hội tự “nuôi” chiếm gần một nửa như Mã Thành với 122/225 cán bộ…

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thanh Hà - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Yên Thành thừa nhận: Bộ máy cấp xã hiện nay khá cồng kềnh, nhất là cán bộ không chuyên trách do nguồn các địa phương tự chi trả. Xã nào có nguồn thu khá thì còn đỡ, xã nào nguồn thu hạn hẹp thì sức ép rất lớn làm “đau đầu” các địa phương trong việc tìm nguồn để chi trả lương, phụ cấp cho đội ngũ cán bộ ngoài diện hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp của Nhà nước. Cũng theo đồng chí Hà, trước đây, có tới 90% xã, thị trấn thu từ người dân trên đầu sào diện tích sản xuất hoặc trên đầu khẩu tạo thành “quỹ nuôi cán bộ” để trả lương, phụ cấp cho các đối tượng ngoài ngân sách Nhà nước chi trả.

Trong năm 2012, qua đợt kiểm tra, HĐND huyện đã ra nghị quyết chấm dứt việc thu “quỹ nuôi cán bộ” ở các xã, thị trấn. Chủ tịch UBND xã Công Thành, ông Hồ Phi Hòe chia sẻ: Công Thành là xã thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn thu của xã mỗi năm chỉ khoảng 500 triệu đồng, trong khi đó nguồn phải chi trả “lương”, phụ cấp cho đội ngũ bán chuyên trách ngoài ngân sách Nhà nước đã là 180 - 200 triệu đồng/năm. Vì vậy, kinh phí phục vụ các hoạt động của địa phương rất eo hẹp, xã phải xoay xở đủ cách, lấy chỗ nọ đắp chỗ kia. Tương tự ở xã Nam Thành với tổng 192 cán bộ xã, xóm ngân sách xã tự chi trả là 70 người.

Ở xã Phú Thành, mặc dù ngân sách xã hàng năm chỉ phải rót tầm 40 triệu đồng hỗ trợ cho 89 đối tượng không thuộc diện hưởng từ nguồn ngân sách (thấp hơn so với một số xã trong huyện), nhưng theo đồng chí Võ Khắc Điệt - Chủ tịch UBND xã thì đối với một xã nông nghiệp, việc bố trí ngân sách địa phương chi vào phụ cấp cho cán bộ bán chuyên trách là rất khó khăn. Đồng chí Điệt thẳng thắn: “Mặc dù tổng số cán bộ xã, xóm đông nhưng chưa mạnh. Cơ chế thị trường với nhiều yếu tố tác động khiến các phong trào ở khối xóm không còn sôi nổi, hào hứng. Một số tổ chức đoàn thể tồn tại cho có chứ hoạt động không hiệu quả, cán bộ thiếu nhiệt tình, tâm huyết, đùn đẩy, tư tưởng níu kéo, ỷ lại…”.

Chia sẻ về điều này, đồng chí Hoàng Văn Phi - Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên nêu hiện tượng cán bộ cơ sở số lượng đông nhưng không sát dân, không “bám đội, lội đồng” như trước đây. Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên, quan trọng nhất vẫn là cán bộ, bởi cán bộ nào thì phong trào ấy, không phải cứ đông là mạnh. So sánh một số địa phương có tổng số cán bộ tương đương nhau, dân số tương đương nhau nhưng nơi thì phong trào tốt, nơi thì bình bình, thậm chí là yếu kém. Có xã nhỏ, dân số ít chỉ bằng nửa so với một số địa phương khác và cán bộ chỉ thua vài ba người nhưng phong trào trì trệ.

Cùng quan điểm, đồng chí Trương Hồng Phúc - Bí thư Huyện ủy Đô Lương, cho rằng: Nếu tính cả cán bộ cấp phó, ủy viên thường vụ MTTQ và các đoàn thể, các tổ chức xã hội (người cao tuổi, chữ thập đỏ, TNXP, cựu giáo chức…) thì mỗi xã cũng có xấp xỉ trên 100 cán bộ, nhưng thực tế một số lĩnh vực bố trí chồng chéo, cán bộ đông nhưng hiệu quả hoạt động không cao…

Những bất cập

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã ghi nhận một số bất cập. Đó là công chức chuyên môn quá trình công tác được ghi nhận và bầu vào cấp ủy để bố trí làm công tác đảng thì từ công chức có vị trí “vững chắc”, có chế độ tiền lương “cứng” trở thành những người bán chuyên trách. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí, chất lượng hoạt động của cán bộ ở cơ sở. Về cơ cấu cán bộ, trong khi chức danh văn phòng UBND xã có 2 định biên và được hưởng chế độ công chức nhưng văn phòng đảng ủy xã có rất nhiều việc, lại chỉ có 1 người và chỉ hưởng phụ cấp bán chuyên trách.

Ngoài bất cập trên, theo phản ánh của các địa phương, việc bố trí một số chức danh chưa hợp lý, gây lãng phí trong sử dụng cán bộ. Nghị định 92/2009/ NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổng số lượng cán bộ, công chức cho từng loại xã, cụ thể xã loại I không quá 25 người; loại II không quá 24 người; loại III không quá 21 người. Đồng thời quy định rõ số lượng cho từng chức danh…Tuy quy định như vậy nhưng thực tế từng địa phương có những chức danh nếu bố trí đủ theo Nghị định 92 lại lãng phí. Ví như ở những xã vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, xã có nguồn quỹ đất ổn định, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng, “mua – bán” ít thì không cần thiết phải bố trí 2 cán bộ địa chính; một số xã có số dân ít không cần phải bố trí 2 công chức tư pháp - hộ tịch...

Cán bộ địa chính xã Diễn Thọ (Diễn Châu) giải quyết công việc cho người dân.
Cán bộ địa chính xã Diễn Thọ (Diễn Châu) giải quyết công việc cho người dân.

Từ thực tế ở địa phương, đồng chí Hoàng Kim Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên cũng đã khẳng định: “Nếu chức danh tư pháp và địa chính bố trí 2 người trên mỗi chức danh là thừa”.

Nói về bất cập này, đồng chí Hồ Quang Trung - Trưởng phòng Nội vụ huyện Hưng Nguyên, nêu: “Việc tuyển dụng công chức hàng năm đều căn cứ trên nhu cầu và đề xuất của các xã, từ đó huyện tổng hợp để trình Sở Nội vụ thẩm định và ra thông báo thi tuyển. Tuy nhiên không ngoại trừ trường hợp một số nơi có một số chức danh thực tế nhu cầu sử dụng không cần 2, 3 người, nhưng do nằm trong khung quy định cho phép, hơn nữa quỹ lương của đội ngũ này do ngân sách nhà nước đảm bảo, địa phương chẳng mất gì nên tâm lý các xã vẫn muốn đề xuất, tuyển dụng tối đa số công chức được quy định để tạo điều kiện cho con em có việc làm”.

Bên cạnh đó, việc phân công nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ công chức cũng chưa phù hợp. Tại huyện Hưng nguyên, qua kết quả kiểm tra công chức cấp xã năm 2013 của UBND huyện cho thấy vẫn còn tồn tại như việc phân công nhiệm vụ cho những chức danh công chức có 2 người phụ trách như văn phòng - thống kê, tài chính - kế toán, địa chính - xây dựng, văn hóa - xã hội..., chưa rõ ràng, chưa phù hợp với năng lực sở trường cá nhân. Có xã chưa ban hành quyết định phân công nhiệm vụ hoặc chưa điều chỉnh quyết định phân công nhiệm vụ cho công chức khi có thay đổi về nhân sự.

Đối với đội ngũ bán chuyên trách trong các tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, theo Nghị định 92/2009/ NĐ-CP của Chính phủ, đội ngũ này không được hưởng chế độ tiền lương từ nguồn ngân sách Nhà nước, mà chỉ được hưởng chế độ phụ cấp do HĐND tỉnh quyết định. Tuy nhiên ở tỉnh ta, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 314/2010/NQ-HĐND ngày 10/7/2010 của HĐND tỉnh quy định về số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã đã lên tới khoảng 9.676 người/480 xã, phường, thị trấn và xóm, thôn bản là 17.562 người/5.854 khối, xóm, bản.

Như vậy, soi vào quy định thì tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, khối, thôn, bản trong tỉnh đang quá nhiều. Bên cạnh đó, theo phản ánh của các địa phương, hiện tại có một số chức danh bố trí còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với các chức danh công chức cấp xã. Về chế độ, phụ cấp thấp, chế độ kiêm nhiệm chưa phù hợp cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động công tác của cán bộ không chuyên trách, chưa kể số bán chuyên trách là phó chi đoàn thanh niên và phó các chi hội do quỹ hội tự “nuôi”.

“Vì việc mà đặt người”

Thực hiện chủ trương đổi mới hệ thống chính trị cơ sở vừa đảm bảo 3 mục tiêu, vừa tinh gọn bộ máy, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng cao chế độ cho đội ngũ cán bộ cấp xã, xóm, thời gian qua huyện Đô Lương đã triển khai bố trí kiêm nhiệm ở một số chức danh như văn phòng Đảng ủy xã kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy; công chức địa chính, xây dựng kiêm môi trường, KHCN; công chức tư pháp kiêm chủ tịch hội luật gia; Phó Chủ tịch MTTQ xã hoặc công chức chuyên môn (có khả năng) kiêm cán bộ bán chuyên trách phụ trách tôn giáo; chủ nhiệm HTX kiêm trưởng ban nông nghiệp hoặc trưởng ban khuyến nông, khuyến lâm; phó chủ tịch MTTQ xã kiêm chủ tịch Hội Chữ thập đỏ; công chức văn hóa kiêm phụ trách chính sách xã hội (lĩnh vực trẻ em, người tàn tật). Đối với khối xóm thì triển khai mô hình bí thư kiêm xóm trưởng, phó bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận; chi ủy viên kiêm xóm phó phụ trách công an viên, trưởng thanh tra nhân dân; chi hội trưởng phụ nữ kiêm cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số kế hoạch hóa gia đình; thôn đội trưởng kiêm tổ trưởng tổ cựu quân nhân thuộc các CLB cựu quân nhân xã, thị. Những nơi xóm trưởng không kiêm bí thư chi bộ thì kiêm chi hội trưởng hội nông dân.

Theo ông Trường Hồng Phúc- Bí thư Huyện ủy Đô Lương thì: Trên cơ sở thực tế gắn với tinh thần kết luận của Hội nghị Trung ương 7 về đổi mới hệ thống chính trị cơ sở, sắp tới Đô Lương sẽ khảo sát, bàn sâu hơn và chỉ đạo thực hiện bố trí bộ máy cấp xã theo hướng tinh gọn, tăng kiêm nhiệm, hiệu quả. Còn huyện Yên Thành cũng dự định xây dựng đề án tinh gọn bộ máy cấp xã và đối tượng hướng tới là đội ngũ bán chuyên trách. Đồng chí Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch UBND xã Nam Thành (Yên Thành) đề xuất: “Đối với bán chuyên trách nên rút gọn, tinh giảm lại, nếu cần thì cho kiêm nhiệm không nhất thiết phải máy móc trên xã cơ cấu ra sao thì dưới xóm cũng cơ cấu y chang như vậy mà không quan tâm đến hiệu quả hoạt động”.

Mới đây, Sở Nội vụ đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến nghiên cứu, bổ sung một số chính sách, chế độ đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và xóm, khối, bản theo Nghị quyết 314/2010/ NQ- HĐND. Tại hội thảo nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm nên rút gọn, giảm bớt một số chức danh bán chuyên trách chuyển sang cho một số chức danh công chức đảm nhiệm như DS - KHHGĐ chuyển cho viên chức DS-KHHGĐ cấp xã; thương mại - công nghiệp, KHCN và môi trường; khuyến nông; khuyến công; bảo vệ thực vật chuyển cho công chức địa chính - xây dựng- nông nghiệp và môi trường; chức danh nội vụ, tôn giáo, dân tộc, thi đua khen thưởng chuyển cho công chức văn phòng- thống kê đảm nhiệm… Nếu theo hướng này, số lượng người hoạt động bán chuyên trách cấp xã có thể giảm từ 9.676 xuống còn khoảng 7.662 người.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hiền – Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Chương cho rằng, cần rà soát các chức danh, vị trí và chức năng, nhiệm vụ của đội cán bộ cấp xã ở tầm vĩ mô, từ đó điều chỉnh, tinh gọn ở một số vị trí chức danh còn chồng chéo như có thể bỏ chức danh văn thư – lưu trữ, tạp vụ, thủ quỹ để chuyển sang cho 2 công chức văn phòng. Bên cạnh đó cần bổ sung các chức danh nội vụ, thi đua - khen thưởng và văn phòng đảng ủy xã từ bán chuyên trách sang công chức... Một số ý kiến cho rằng, nên tiến tới áp dụng cơ chế khoán ngân sách và tự chủ tài chính cho cấp xã, tạo điều kiện và đảm bảo cho cấp xã có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tạo thêm các nguồn thu (ngoài nguồn thu ngân sách được cân đối theo luật) và quy định các khoản chi thường xuyên theo định mức... Cấp xã được chủ động sắp xếp, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ cơ sở căn cứ trên khung về tiêu chuẩn và tổng số lượng chức danh nhà nước đã qui định.

Rõ ràng, sự cồng kềnh của bộ máy cấp xã không chỉ ảnh hưởng đến sự vận hành thông suốt và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, mà còn khiến người dân gặp không ít phiền hà. Làm thế nào để đổi mới hệ thống chính trị hướng tới tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động là một bài toán khó nhưng không phải không có lời giải. Theo chúng tôi, cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải quán triệt phương châm “vì việc mà đặt người chứ không vì người mà đặt việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đổi mới hệ thống chính trị cơ sở trước hết phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, phong cách làm việc, tinh thần làm việc của cán bộ, công chức, chứ không chỉ đơn thuần là tiết giảm, tinh gọn bộ máy.

Khánh Ly - Mai Hoa