Sao chưa là "chỗ dựa"?

04/12/2013 09:46

(Baonghean) - Những năm gần đây, ở tỉnh ta, sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước, đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh. tuy nhiên, mối quan hệ lao động và chủ doanh nghiệp rất phức tạp; người lao động chưa được đảm bảo quyền lợi. Để tổ chức công đoàn là chỗ dựa của người lao động đang là yêu cầu cấp thiết của công nhân...

Dây chuyền may hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Nam sung Vina (Diễn Châu).Ảnh: Mai Hoa
Dây chuyền may hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Nam sung Vina (Diễn Châu). Ảnh: Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 11/2013, toàn tỉnh có 10.993 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó có 7.758 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm tỷ lệ 70,6%). Tuy vậy, toàn tỉnh mới chỉ có gần 390 công đoàn cơ sở (CĐCS) khối DN trong tổng số hơn 2.962 cơ quan, đơn vị có tổ chức công đoàn do LĐLĐ tỉnh quản lý. Tuy chiếm số lượng nhỏ song CĐCS khu vực này lại có số đoàn viên lớn, đòi hỏi chất lượng, hiệu quả hoạt động cần được nâng cao để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Trong thời gian qua, tổ chức công đoàn ở một số doanh nghiệp đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ này, điển hình là Công ty CP Xi măng Hoàng Mai. Công ty hiện có gần 1.000 cán bộ, công nhân lao động, tất cả đều là đoàn viên công đoàn. Những năm qua, BCH Công đoàn công ty đã tích cực tham gia cùng Ban Giám đốc cơ cấu lại mô hình tổ chức, sắp xếp lại nhân lực, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Anh Nguyễn Xuân Hải – Công nhân đóng gói xi-măng của công ty cho biết: “Nhờ sự quan tâm của công đoàn, những năm qua, thu nhập bình quân của anh em công nhân chúng tôi năm sau cao hơn năm trước, tiền lương và các chế độ được chi trả kịp thời. Ngoài ra anh em còn được trang cấp đầy đủ bảo hộ lao động và phương tiện bảo vệ cá nhân, được mua bảo hiểm thân thể, tổ chức đi tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, trợ cấp khó khăn..”.

Bên cạnh đó, một số CĐCS trong các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều cách làm hay để cùng doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động. Điển hình như Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Quỳnh Lưu đã huy động CNVCLĐ toàn công ty đóng góp gây quỹ cho các hộ khó khăn vay vốn. Tính đến nay, đã có 19 lượt công nhân lao động được vay với số tiền trên 75 triệu đồng, từng bước vượt qua khó khăn. Hay Công đoàn Công ty CP Thủy sản Vạn Phần đã vận động công nhân lao động đơn vị cùng chia sẻ khó khăn, huy động nguồn vốn trong cán bộ, công nhân viên để xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị, nâng cấp nhà xưởng, đồng thời phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho doanh nghiệp. Nhờ đó, thương hiệu nước mắm Vạn Phần đang ngày càng khẳng định được uy tín, chất lượng, tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động…

Mặc dù đạt được một số kết quả nói trên, song hoạt động của CĐCS trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều tổ chức CĐCS trong các doanh nghiệp chưa phát huy được vai trò bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, vì vậy tình hình chủ doanh nghiệp vi phạm quyền, lợi ích của người lao động vẫn còn diễn ra. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa thực hiện nghiêm túc chế độ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội cho lao động, thậm chí còn nhiều doanh nghiệp có biểu hiện lách luật trong việc ký kết hợp đồng lao động nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với người lao động.

Trong năm 2013, vẫn còn nhiều đơn vị nợ BHXH với số lượng lớn như Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thủy lợi 24, Công ty Tàu thủy Nghệ An, Công ty Cầu đường Nghệ An, Công ty nạo vét biển 2… Tính đến hết tháng 11/2013, nợ ở các đơn vị do BHXH tỉnh quản lý là 82 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH từ 6 tháng trở lên 65,2 tỷ đồng; nợ BHYT 199,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hiện nay ở các khu công nghiệp chưa có doanh nghiệp nào xây dựng nhà ở cho CNVCLĐ; các nhà trọ cho CNLĐ ở các khu công nghiệp không đảm bảo điều kiện sống. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thiếu các điều kiện tối thiểu đảm bảo cho sinh hoạt của CNLĐ như nhà ăn, nhà vệ sinh, chế độ phụ cấp…

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đình công tập thể. Trong năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ đình công tại Công ty may Prex Vinh (Đô Lương), Công ty điện tử BSE (Khu công nghiệp Nam Cấm), Công ty may Hanosimex (Nam Đàn) và Công ty TNHH may thêu Khải Hoàn (Anh Sơn), trong đó có những vụ đình công với số lượng lớn công nhân tham gia như ở Công ty may PrexVinh, Công ty điện tử BSE (khoảng 1 nghìn công nhân).

Theo ông Nguyễn Chí Công – Trưởng Ban Chính sách – pháp luật (LĐLĐ tỉnh) thì: “Qua các vụ đình công này, có một điều dễ nhận thấy là dù 3/4 các đơn vị có công nhân đình công trong năm có tổ chức công đoàn nhưng vai trò của các tổ chức này đều hết sức mờ nhạt, không thể hiện được vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp và người lao động, do cán bộ CĐCS còn lệ thuộc về kinh tế và quản lý hoạt động của doanh nghiệp nên khó khăn trong việc đứng ra bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. Cán bộ công đoàn đã tìm cách phân tích nhưng DN không quan tâm, nếu tiếp tục lên tiếng bảo vệ người lao động thì khả năng mất việc đối với cán bộ công đoàn là rất lớn”.

Trong khi Luật Công đoàn quy định rõ về chỉ tiêu biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách đối với những DN có từ 500 đoàn viên trở lên, song do vướng mắc về cơ chế giao, quản lý biên chế cán bộ công đoàn ở các cấp thẩm quyền nên đến nay các CĐCS ở các doanh nghiệp lớn vẫn chưa được bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách. Mặt khác, theo Luật Công đoàn, tổ chức CĐCS hoạt động độc lập với DN, có con dấu và tài khoản riêng, song thực tế số đơn vị thực hiện được như vậy là rất ít, phần lớn quỹ CĐCS lệ thuộc vào DN. Có không ít DN không thực hiện nghiêm túc việc trích nộp 2% tổng quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công đoàn, khiến CĐCS khó tổ chức hoạt động. Một hạn chế nữa là trình độ, năng lực của cán bộ CĐCS còn hạn chế, phần lớn là kiêm nhiệm, thiếu hiểu biết về pháp luật, kỹ năng thương lượng và tổ chức hoạt động, nhân sự lại thường xuyên thay đổi, chưa dành thời gian hợp lý cho hoạt động công đoàn.

Ông Nguyễn Tử Phương – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: "Để CĐCS xứng tầm là tổ chức đại diện thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đến chủ sử dụng lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của tổ chức công đoàn đối với sự ổn định, phát triển bền vững của DN; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc CĐCS đổi mới nội dung, hình thức tổ chức theo hướng sát cơ sở, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng tổ chức phong trào, rèn luyện bản lĩnh chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở có kiến thức, năng động, sáng tạo, bản lĩnh và tâm huyết với công việc”.

Thiết nghĩ, ngoài những biện pháp trên, LĐLĐ tỉnh cần sớm nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền tăng biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách ở những DN đủ điều kiện theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ngoài ra, về lâu dài, cần đẩy mạnh phát triển tổ chức đảng trong DN để lãnh đạo tốt hơn các hoạt động đoàn thể, trong đó có tổ chức công đoàn, đồng thời xây dựng mục tiêu lý tưởng cho đoàn viên ưu tú phấn đấu, tạo động lực cho cán bộ, đoàn viên chuyên tâm lao động sản xuất, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, gương mẫu thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

Minh Quân