Thung Khẳng: Bể nước thành bể... rác
Có công trình nước sạch về, bà con Thung Khẳng (xã Thọ Hợp, Quỳ Hợp) mừng lắm. Từ đây yên tâm sử dụng nguồn nước uống và sinh hoạt. Nhưng chỉ được mấy năm, bây giờ, nước ở bể chỉ được bà con lấy về để tắm rửa, tưới cây… còn nước uống, lại chạy lên mó nước ngầm trên núi hoặc mua ống nhựa dẫn về nhà...
(Baonghean) - Có công trình nước sạch về, bà con Thung Khẳng (xã Thọ Hợp, Quỳ Hợp) mừng lắm. Từ đây yên tâm sử dụng nguồn nước uống và sinh hoạt. Nhưng chỉ được mấy năm, bây giờ, nước ở bể chỉ được bà con lấy về để tắm rửa, tưới cây… còn nước uống, lại chạy lên mó nước ngầm trên núi hoặc mua ống nhựa dẫn về nhà...
Chỉ cách Quốc lộ 48C khoảng 3km, Thung Khẳng hoang vu, heo hút như giữa chốn đại ngàn. Ở đây, chưa điện, chưa nước sạch, chưa có cả con đường bằng phẳng để đi vào. Khó khăn là thế, nhưng nỗi lo ngại nhất của người dân vẫn là vấn đề nước sạch...
Xóm Thung Khẳng với 37 nóc nhà lấy nước từ mó nước chảy ngầm trong núi cách khoảng 2km. Chẳng nhà nào đào giếng, có đào lên cũng không có nước. Trước kia, cái mó nước này chảy mạnh lắm, bà con thoải mái dẫn nước về dùng. Tuy nhiên, nguồn nước ở đây có lượng sắt cao, vì thế, để đảm bảo vệ sinh cần phải có hệ thống lọc nước.
Năm 2001, có dự án xây dựng công trình bể lọc nước, bà con Thung Khẳng mừng lắm, từ đây yên tâm sử dụng nước, không phải lo lắng gì. Nhưng dùng được mấy năm thì nước bắt đầu bị ô nhiễm vì không chỉ có người dùng, cả trâu bò cũng đến. Bà con trong xóm lại cắt cử thay phiên nhau vệ sinh bể nước và canh giữ trâu bò. Giải quyết chuyện trâu bò phá hệ thống lọc nước chưa xong, người dân lại đối mặt với nỗi lo mới, khi nước chảy yếu, và ít dần.
Trò chuyện với ông Lê Huy Nghĩa (56 tuổi) trong ngôi nhà nhỏ, thỉnh thoảng cả khách lẫn chủ giật nảy mình vì tiếng mìn nổ ở phía các mỏ khai thác đá, ông nói: “Đấy, nguồn nước chảy ít hẳn là vì những mỏ đá xung quanh đây. Trước kia, chỉ mỗi dân bản Thung Khẳng lấy nước thôi. Bây giờ, còn có cả công nhân ở các mỏ đá nữa. Người thì ngày một nhiều, mà nước vẫn chỉ chảy từ trong núi ra như rứa, dùng nhiều thì cạn bớt thôi!”.
Không thể cấm được những công nhân mỏ đá lấy nước. Mấy cái mỏ đá ấy, cũng là nơi tạo công ăn việc làm của nhân dân trong xã, huyện. Chỉ có điều, vì nước chảy yếu, nên cái bể nước sạch ở phía dưới không đủ sức để hoạt động, rồi dần dần bị bỏ ngỏ. Dân lại rủ nhau lấy nước trên nguồn, dù thấy rõ nước chảy yếu, bị tù đọng, váng nước vàng đỏ và bốc mùi chua phèn, dù biết là nước trong nhưng không sạch.
Công trình nước sạch xóm Thung Khẳng, Thọ Hợp, Quỳ Hợp bị bỏ ngỏ.
Dẫn tôi đến xem công trình nước sạch của Thung Khẳng, Nguyễn Văn Anh (xóm phó) chỉ ra mấy cái ao được đào để làm nhiệm vụ lọc nước nay cỏ đã mọc um tùm. Chỗ thì nước đọng được một ít bên dưới, đục ngầu, chỗ thì cạn khô nước, biến thành hố rác công cộng.
Anh cho biết: “Bể nước này giờ bị bẩn rồi, bà con không lấy nước để ăn nữa, mà chỉ thỉnh thoảng lấy về dùng sinh hoạt, tắm rửa, tưới cây… Bây giờ, mọi người lại mua ống nhựa dẫn nước thẳng từ trên núi xuống, hoặc nhà nào gần thì chạy lên gánh về ăn uống, sinh hoạt như khi chưa có bể nước. Nếu chờ nước chảy từ trên này xuống đến bể lọc, không biết là sạch hơn, hay bẩn hơn?!”.
Hồ Lài