Tư duy “cửa quyền”
(Baonghean) - Một lần, đến liên hệ công tác tại cơ quan X, đang loay hoay tìm chỗ để xe máy, tôi bỗng giật mình...
(Baonghean) - Một lần, đến liên hệ công tác tại cơ quan X, đang loay hoay tìm chỗ để xe máy, tôi bỗng giật mình vì tiếng quát: “Này! Đi đâu đấy? Hỏi ai?”. Quay ra trình bày lý do với nhân viên bảo vệ, tôi tiếp tục nhận được những câu hỏi thiếu chủ, vị ngữ kiểu trống không như: “Mắt để đâu? Xe của khách dựng ở đây cơ mà!”. Những câu nói nhát gừng, câu hỏi trống không của nhân viên bảo vệ khiến tôi vừa bực mình vừa có chút hoang mang… Hết sức bình sinh, tôi bước vào bộ phận “một cửa” để giao dịch. Vẫn là thái độ thiếu niềm nở, vẫn là những câu hỏi thiếu chủ ngữ, trống không là những gì tôi nhận được từ cán bộ công chức của cơ quan X. Gần một buổi sáng chờ đợi, cuối cùng tôi nhận được câu trả lời: “Giờ này, ngày mai quay lại lấy giấy tờ…”. Ra về lòng nặng trĩu nỗi buồn…
Mẹ tôi bị bệnh đau khớp, mấy ngày nay trở trời, cơn đau nhức tăng lên. Xin nghỉ một ngày đưa mẹ đi khám bệnh. Sau khi khám xong, theo lời hướng dẫn của bác sỹ, tôi xuống bàn số 3 đợi nhận hồ sơ bệnh án. Khi nghe đọc tên, tôi chạy đến quầy này nhưng nhân viên bàn số 2 kêu lại và lớn tiếng: “Không phân biệt được giọng đọc ở chỗ nào hả?”. Tôi trình bày rằng mình được hướng dẫn xuống bàn số 3. Nghe xong, cô nhân viên nhăn mặt: “4h chiều rồi còn gì. Sắp hết giờ làm rồi. Chen nhau ở bàn số 3 thì giam lỏng chúng tôi đến mai à?…”. Nén sự bực tức để làm cho xong thủ tục, về nhà mà cứ ấm ức mãi.
Công sở là nơi công dân, các cơ quan hữu quan, bạn đồng nghiệp trong ngành… đến liên hệ, công tác. Vì vậy, cán bộ, công chức làm việc ở đây cần có những ứng xử văn minh, thanh lịch trong giao tiếp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở một số công sở, chúng ta vẫn bắt gặp những cách ứng xử thiếu thanh lịch như trên. Mặc dù ngay ở cửa ra vào phòng làm việc, bảng “Qui định văn hóa ứng xử nơi công sở” được treo ngay ngắn, với những dòng chữ to, rõ, đẹp. Là cơ quan công quyền nhưng một số người vẫn mang nặng tư duy cửa quyền khi tiếp xúc với dân. Vì thế, không ít nơi, chúng ta vẫn phải nghe những câu hỏi thiếu chủ ngữ, kiểu như: “Cần gì?”, “Đi đâu?”, “Gặp ai?” hoặc bắt gặp những khuôn mặt cau có, thái độ hách dịch, lạnh lùng.
Đối với công sở hành chính thực hiện cơ chế một cửa, cán bộ tiếp dân cần có thái độ mềm mỏng, nắm vững các quy chế, nguyên tắc, thủ tục, hướng dẫn cặn kẽ để khách đỡ mất công sức và thời gian đi lại nhiều lần, nhất là cần làm việc đúng giờ quy định. Song, điều đáng buồn là ở nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng khách cứ phải chờ đợi lâu, còn cán bộ đang bận… trà nước, tán gẫu. Có cơ quan, còn nửa tiếng mới hết giờ làm việc, nhưng khi có khách đến liên hệ công việc, cán bộ tiếp dân đã trả lời là hết giờ nhận giấy tờ, mai quay lại. Thái độ tuỳ tiện thiếu trách nhiệm này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh các “công bộc” của dân.
Văn hoá nơi công sở không chỉ thể hiện đạo đức, phẩm chất của cán bộ, công nhân viên chức trong khi thực thi nhiệm vụ mà còn thể hiện trình độ văn hoá của mỗi người. Để bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9/2007. Tuy nhiên, đến nay nhiều cơ quan vẫn chưa thực hiện nghiêm túc quy chế này.
Chúng ta đang phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phong cách ứng xử chuẩn mực trong hoạt động công vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thiết nghĩ, tại các công sở, đặc biệt là những nơi tiếp xúc với nhân dân, cán bộ công chức cần nghiêm chỉnh tuân theo các quy định cụ thể về trang phục, cách giao tiếp, trong đó đặc biệt cần tôn trọng dân, chú ý ứng xử với dân một cách có văn hoá. Việc xây dựng văn hóa, văn minh nơi công sở không chỉ là những băng-rôn, khẩu hiệu mà phải bằng nhưng cử chỉ, ăn nói lịch sự, làm việc có trách nhiệm và tôn trọng người dân. Vì vậy, ứng xử có văn hóa nơi công sở góp phần làm cho hình ảnh công sở và cán bộ, công chức, viên chức đẹp hơn trong mắt mọi người.
Trong thư gửi “Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” được đăng trên báo Cứu quốc ra ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân… Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Xin đừng lấy tư duy cửa quyền làm nguyên tắc ứng xử nơi công sở. Hãy luôn nhớ rằng, mình là cán bộ, công chức của cơ quan công quyền, là những “công bộc” của dân. Vậy tại sao họ lại tiếc rẻ ánh mắt, nụ cười và lời nói dễ nghe của mình với người dân?
Thanh Tường