Hành trình đỏ: Tiếp nhận 3.719 đơn vị máu và gần 6000 người đăng ký hiến máu

15/07/2013 17:58

Ban Tổ chức của Hành trình đỏ - hành trình vận động hiến máu xuyên Việt cho biết, tính đến thời điểm này, Hành trình đỏ đã vận động được gần 6.000 người đăng ký hiến máu và tiếp nhận được 3.719 đơn vị máu.

Ngày 7/7, Hành trình đỏ chính thức bước vào chặng đường vận động hiến máu xuyên Việt, bắt đầu từ Nam Bộ đi qua 3 tỉnh/thành phố là: Cà Mau, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh (từ 7 – 11/7/2013). Hành trình bao gồm chuỗi các hoạt động dày đặc, mang tầm ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của phong trào hiến máu tình nguyện và các hoạt động an sinh xã hội như: tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) tới khoảng 1.800 người tại cộng đồng; kêu gọi được gần 1.000 tin nhắn ủng hộ bệnh nhân thalassemia, tổ chức 3 đêm nhạc hội tại Cà Mau, TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh, tham quan các di tích lịch sử… Đặc biệt, dành hơn 1.000 giờ tuyên truyền hiến máu tới khoảng 10.000 người, vận động hơn 3.200 người đăng ký hiến máu, tổ chức thành công 3 ngày hội hiến máu lớn.



Ý nghĩa nhân văn của Hành trình đỏ 2013 (Ảnh: BTC)

Tại Cà Mau, ngày hội “Giọt hồng Đất mũi” (7/7) thu hút được khoảng 700 người dân, thanh niên đăng ký hiến máu và tiếp nhận được 328 đơn vị máu. Ngày 9/7, tại Cần Thơ, ngày hội “Giọt hồng Tây Đô” (9/7) với hơn 1.000 người đăng ký hiến máu, 721 đơn vị máu đã được tiếp nhận. Ngày 10 – 11/7, tại TP. Hồ Chí Minh, các hoạt động của đoàn hành trình đã để lại ấn tượng sâu đậm cho nhiều người dân thành phố mang tên Bác, ngày hội “Giọt hồng nhân ái” tổ chức thành công, khoảng 1.500 người đăng ký hiến máu, tiếp nhận được 1.010 đơn vị máu. Như vậy, tại Nam Bộ, qua 3 ngày hội hiến máu, tổng lượng máu tiếp nhận được là 2.059 đơn vị; bên cạnh đó, các hoạt động đã được thực hiện có hiệu quả, phù hợp với mỗi địa phương. Chia sẻ về điều này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng khẳng định: “Chúng tôi đánh giá cao ý nghĩa của Hành trình đỏ, hành trình không chỉ góp phần nâng cao công tác hiến máu tình nguyện tại địa phương mà còn đem lại ý nghĩa xã hội sâu rộng. Tôi tin rằng những tỉnh/thành phố mà Hành trình đỏ sắp đến sẽ quan tâm, hưởng ứng”. Đánh giá sơ bộ về chặng hành trình tại Nam Bộ, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Hành trình đỏ lần I/2013 cho biết: “Kết quả bước đầu tốt đẹp mà Hành trình đỏ đã đạt được, chúng tôi tin tưởng hành trình này là một hướng đi đúng và cần thiết để tạo “cú huých” thực sự trong công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn người hiến máu vào mỗi dịp hè”.
Sau thành công tại 3 tỉnh/thành phố phía Nam là Cà Mau, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh với 2.059 đơn vị máu được tiếp nhận; từ ngày 11 – 13/7/2013, Hành trình đỏ đã dừng chân tại khu vực Tây Nguyên với 2 điểm đến là Lâm Đồng và Đắk Lắk.



Khởi động Hành trình đỏ (Ảnh: TH)

Tại Lâm Đồng, ngày hội “Giọt hồng thành phố hoa” (12/7) đã thu hút sự tham gia của 1.500 người, trên 800 người đăng ký hiến máu và tiếp nhận được 584 đơn vị máu. Ngày 13/7, tại Đắk Lắk, ngày hội hiến máu “Tình người Tây Nguyên” (13/7) có 1.500 người đăng ký hiến máu, 1.076 đơn vị máu được tiếp nhận, nâng tổng số lượng máu tiếp nhận được khu vực này là 1.660 đơn vị; trong đó 1.559 đơn vị máu được chuyển ra Trung tâm Truyền máu khu vực Hà Nội. Tính đến thời điểm này, qua hai khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, Hành trình đỏ đã vận động được khoảng 6.000 người đăng ký hiến máu, tiếp nhận được 3.719 đơn vị máu.

Điểm nổi bật của Hành trình đỏ tại đây đó là sự chuẩn bị chu đáo của địa phương cũng như nhiều nét mới trong các hoạt động tuyên truyền. Lần đầu tiên, hình ảnh 100 thanh niên trên những chiếc xe đạp đôi xuất hiện dọc các tuyến đường của thành phố Đà Lạt để cổ động về hiến máu; còn tại thành phố Buôn Ma Thuột, gần 500 đoàn viên thanh niên Đắk Lắk tham gia diễu hành tuyên truyền về hiến máu và bệnh tan máu bẩm sinh. Nhận xét về hành trình, bà Mai Hoan Niê Kđăm - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Hành trình đỏ là một sáng kiến hay, mang nhiều ý nghĩa nhân văn; đây là cơ hội để người dân Đắk Lắk nói riêng và người dân tại nhiều địa phương mà hành trình đi qua có thêm những hiểu biết sâu sắc không chỉ về ý nghĩa của những giọt máu được hiến tặng, mà còn có thêm nhiều thông tin hữu ích về bệnh tan máu bẩm sinh”.

Ghi nhận qua các ngày hội hiến máu tại khu vực Tây Nguyên, Ths Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành trình đỏ cho biết: “Kết quả này đã cho thấy tình cảm và trách nhiệm của người dân Tây Nguyên đối với đồng bào cả nước; thật xúc động khi chứng kiến nhiều người dân đã vượt quãng đường hàng chục cây số đến hiến máu. Hành trình đỏ đã góp phần điều phối máu trên phạm vi toàn quốc, nhiều người bệnh tại khu vực phía Bắc sẽ cảm thấy ấm lòng khi được đón nhận những giọt máu hồng của “tình người Tây Nguyên”.

Tạm chia tay với núi rừng Tây Nguyên, với con người Tây Nguyên giàu lòng nhân ái, hành trình tiếp tục di chuyển đến khu vực Nam Trung Bộ gồm các tỉnh Bình Định, Quảng Nam và Đà Nẵng (14 – 17/7). Cùng với các hoạt động: tuyên truyền lưu động, tư vấn về hiến máu tình nguyện, tư vấn về bệnh tan máu bẩm sinh, đoàn sẽ tới thăm và tặng quà cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Lần lượt các ngày hội hiến máu sẽ được tổ chức: “Bình Định - Tinh thần thượng võ, hiến máu cứu người” (15/7) dự kiến 1.000 đơn vị máu, “Giọt hồng đất Quảng” (16/7) dự kiến 500 đơn vị máu và “Trái tim sông Hàn” (17/7) dự kiến 1.000 đơn vị máu. Tại mỗi chặng đường dừng chân, Hành trình đỏ sẽ tiếp tục thắp lên ngọn lửa yêu thương của những trái tim nhân ái, để nhiều người bệnh được tiếp thêm hi vọng sống../.


Theo (ĐCSVN) – LH