Tìm về những mường xưa

08/09/2013 18:47

>>Bài 1: Mường Xiềng Xấng và mùa Thu cách mạng(Baonghean) - Mường Noọc (xã Mường Nọc - Quế Phong) từng là mường trung tâm của...

>>Bài 1: Mường Xiềng Xấng và mùa Thu cách mạng

(Baonghean) - Mường Noọc (xã Mường Nọc - Quế Phong) từng là mường trung tâm của hầu hết các mường ở miền Tây Bắc Nghệ An. Thời hưng thịnh nhất, mường này có 8 mường phụ thuộc, hàng năm phải hiến tế trâu đen, riêng mường Tôn (mường gốc) phải hiến trâu trắng. Vùng đất Quế Phong là điểm dừng chân đầu tiên của người Thái trong cuộc thiên di của họ vào khu vực miền Tây Nghệ An.

Không có một sử liệu nào ghi lại cuộc thiên di của người Thái vào miền Tây tỉnh nhà. Chuyện lập mường chỉ còn trong những truyền thuyết. Có câu chuyện nói rằng, nhân vật lập nên mường Noọc là Lò Ý vốn dòng dõi hoàng tộc của vương quốc Luông Phabang (Lào). Khi thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực với em trai là Lò Ai, ông đã trôi dạt đến miền Tây Thanh Hóa, và được một con quạ cứu sống. Sau này, ông làm chủ của vùng đất này đặt tên là mường Ca Da để ghi nhớ công ơn cứu mạng của con quạ. Một lần, trở về thăm quê cũ, Lò Ý lại lạc vào vùng Tây Bắc Nghệ An và được người dân chọn làm tạo mường Tôn với trung tâm là bản Đon Cơn. Về sau, một chi trong dòng họ tách ra lập nên mường Noọc ở bản Piêng Chảo. Mường mới này ngày càng hưng thịnh, trở thành mường trung tâm của những mường lân cận...



Đền Chín Gian (Quế Phong).

Theo một số truyền thuyết, những người lập nên mường Noọc là hai anh em Cằm Pịnh và Cằm Pính. Một truyền thuyết khác nói rằng, mường Noọc xuất hiện cùng với việc lập đền Chín Gian và tục hiến trâu trong ngày lễ đền. Người lập nên ngôi đền thiêng nhất miền Tây Nghệ An này là Viên Hống, có uy tín, đến từ một miền đất nào đó. Một số cụ cao niên am hiểu về văn hóa Thái lại cho rằng tên gọi mường Noọc (mường ngoài) để phân biệt với mường trong (mường Quang) thuộc các xã Cắm Muộn, Quang Phong, Châu Thôn ngày nay.

Bây giờ, việc hình dung ra những mường xưa trên thực địa lại là một điều vô cùng khó khăn, bởi làng bản đã nhuốm màu phố thị. Theo chỉ dấu của những người hiểu biết về văn hóa người Thái, mường Noọc xưa gồm các xã Mường Nọc, Quế Sơn và Thị trấn Kim Sơn ngày nay.

Ông Sầm Nga Di, bản Lông Không (Mường Nọc - Quế Phong) cho biết: Ngày trước, dòng họ nào làm chủ mường thì gốc mường ở đó. Đứng đầu mỗi mường là một "chau hủa" do chính người dân bầu ra trong khi họp bản. "Chau hủa" đơn giản chỉ là người uy tín nhất được bầu ra để cai quản mường, cúng tế trong lễ hội đền chứ không phải là những thầy tu như ở nước Lào. Ở vùng "chín bản mười mường" phía Tây Bắc Nghệ An cũng chỉ có đền, không có chùa. Trong nhiệm kỳ của mình, mỗi "chau hủa" phải đảm bảo trong mường không có loạn giặc giã, không đói kém, mất mùa, không bệnh dịch, không hổ báo. Khi để xảy ra thiên tai, địch họa, "chau hủa" sẽ phải tự thôi chức và mường sẽ bầu lên một người mới để thay thế.

Ngày trước, mỗi bản đều có một nơi thờ tự riêng. Người ta dựng một căn nhà lá nhỏ cạnh gốc cây cao lớn nhất trong bản làm nơi thờ thần linh cai quản vùng đất gọi là "nghé". Nơi thờ chung của một cụm bản gọi là "xớn", rồi đến đền thờ của mường. Vào những dịp lễ chung, các bản đều phải góp gạo thịt, lễ vật để cúng thần linh.



Lễ hiến tế trâu trong hội đền Chín Gian của mường Tôn.

Cũng theo ông Sầm Nga Di, trước khi có sự ảnh hưởng của chính quyền phong kiến và thực dân, cách quản lý của mường Noọc và kể cả những mường lân cận đơn giản chỉ là theo quan niệm về tô tem. Những người có cùng tô tem là người một mường, ví như đã là họ Lo, Lô hay Lo Căm dù ở đâu cũng có chung một nguồn gốc, đều hướng về đền Chín Gian. Vào ngày lễ đền, họ đều tìm về, vì vậy địa giới của mường trên thực tế xem ra rất mờ nhạt cho đến khi mường trở thành đơn vị hành chính, và những người đứng đầu mường cũng là những chức sắc trong chính quyền.

Kể từ năm 1937 trở đi, những "chau hủa" của mường đều do các quan tri huyện bổ nhiệm. Họ vừa là chức dịch trong bản, mường và kiêm luôn cả việc cai quản, tế lễ ở đền mường. Từ đó, "chau hủa" không còn do người dân bầu lên khi họp bản như trước đây nữa. Cho đến bây giờ, những thầy mo lo việc tế lễ trong hội đền dẫu rằng không còn nhiều quyền hành như những "chau hủa" ngày trước nữa, tuy vậy họ vẫn là nhân vật quan trọng bậc nhất trong mỗi mùa lễ hội.


Hữu Vi