Lễ hội hang Rú Ấm nhắc nhớ cội nguồn

20/08/2013 14:46

Hang Rú Ấm, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của khu vực miền Tây xứ Nghệ, nơi bắt nguồn sợi dây đoàn kết của đồng bào dân tộc Kinh - Thái - Thổ xứ Phủ Quỳ cùng nhau vùng lên đấu tranh chống Pháp. Hơn 70 năm trôi qua, hang Rú Ấm đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh…

(Baonghean) - Hang Rú Ấm, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của khu vực miền Tây xứ Nghệ, nơi bắt nguồn sợi dây đoàn kết của đồng bào dân tộc Kinh - Thái - Thổ xứ Phủ Quỳ cùng nhau vùng lên đấu tranh chống Pháp. Hơn 70 năm trôi qua, hang Rú Ấm đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh…

Những năm 1930 – 1931, Nghệ - Tĩnh là nơi cao trào đấu tranh chống thực dân Pháp của cả nước, cũng vì thế trở thành vùng quê bị chính quyền thực dân tìm mọi cách đàn áp dã man. Khi phong trào ở các huyện miền xuôi bị khủng bố, Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Nghệ An đã tiến hành một số biện pháp nhằm duy trì lực lượng, đưa các cơ sở đảng về trong dân, đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động lên các huyện miền Tây Nghệ An, đảm bảo an toàn và bí mật.

Tỉnh ủy đã đưa 2 đảng viên nòng cốt lên huyện Nghĩa Đàn là Võ Nguyên Hiến và Võ Thược để gây dựng phong trào. Tại đây, 2 đồng chí đã chọn xã Nghĩa Khánh - lúc bấy giờ gồm 3 làng: Vĩnh Lại (xóm Mét), làng Thọ Lộc và làng Cự Lâm (xóm Trù) làm địa điểm xây dựng và phát triển tổ chức đảng. Chi bộ đầu tiên của vùng Phủ Quỳ đã được thành lập với 5 đảng viên, và hang Rú Ấm được chọn làm nơi sinh hoạt bí mật của chi bộ, bởi địa hình hiểm trở và rất kín đáo. Từ hang, mọi chỉ thị, nghị quyết của TƯ Đảng Xứ ủy Trung Kỳ được Chi bộ Đảng Nghĩa Đàn bí mật triển khai, đồng thời lựa chọn, bồi dưỡng những thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, bổ sung vào hàng ngũ của Đảng. Thực dân Pháp không ngờ cách mạng đã bắt rễ ngày càng sâu rộng và vững mạnh trong quần chúng nhân dân và giai cấp công nhân ở miền Tây Bắc xa xôi này.



Hang Rú Ấm – nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn.



Trẻ em vẫn thường đến chơi ở mó nước sau hang Rú Ấm.

Tại hang Rú Ấm, sau 9 năm hoạt động bí mật, ngày 1/5/1939, nhân ngày Quốc tế Lao động, Huyện uỷ Nghĩa Đàn đã tổ chức một cuộc mít tinh với quy mô lớn để gây thanh thế và kêu gọi quần chúng nhân dân đứng lên đi theo cách mạng với gần 200 người tham dự. Khi thời cơ cách mạng đến, ngày 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa huyện Nghĩa Đàn, hàng ngàn đồng bào dân tộc Kinh, Thái và Thổ của các tổng Cự Lâm, Hạ Sưu, Thạch Khê, Nghĩa Hưng... và công nhân trong các đồn điền cao su, cà phê vùng Phủ Quỳ mang theo súng kíp, gậy gộc, cuốc thuổng, giáo mác... tập trung về dưới cây đa làng Trù, đã cắm ngọn cờ đỏ sao vàng, tổ chức biểu tình thị uy, và kéo về trung tâm huyện Nghĩa Đàn. Cuộc khởi nghĩa thành công, Uỷ ban lâm thời huyện Nghĩa Đàn chính thức tuyên bố ra mắt đồng bào. Hang Rú Ấm (xã Nghĩa Đức bây giờ) cùng với cây đa làng Trù (xã Nghĩa Khánh) đã trở thành những địa điểm ghi dấu lịch sử quan trọng của nhân dân huyện Nghĩa Đàn.

Ông Trương Nhật Cách, năm nay đã 80 tuổi (xóm 8, xã Nghĩa Đức), nhớ lại: “Bố tôi tham gia cách mạng từ thời 1930 – 1931. Cách mạng Tháng 8 nổ ra khi đó tôi đã 14, 15 tuổi rồi. Hôm mít tinh khởi nghĩa ở cây đa làng Trù, tôi cũng được bố dẫn đi. Cả mấy làng xung quanh hàng nghìn người đi bộ mang theo cờ, khẩu hiệu, dao rựa… rầm rộ khí thế kéo lên huyện. Sau thắng lợi rồi, đến khi ra về, bố dẫn tôi qua hang Rú Ấm, nói rằng đây là nơi hội họp bí mật của Đảng suốt hàng chục năm, tôi mới được biết. Ngày đó, xung quanh cái hang là rừng núi hoang vắng, lau sậy um tùm. Lại còn có cái đền thờ thổ công nữa, người dân trong vùng, tháng nào cũng đến thắp hương, không hề nghĩ nó lại là địa điểm quan trọng đặc biệt như thế”.

Từ năm 2008, nhân dân 2 xã Nghĩa Khánh và Nghĩa Đức lấy ngày 22/8 hằng năm làm ngày truyền thống. Xã Nghĩa Khánh cũng tổ chức lễ hội “cây đa làng Trù và hang Rú Ấm” để tỏ lòng tri ân với công lao của cha ông đi trước, đồng thời giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ. Lễ hội được đông đảo bà con nhân dân xã Nghĩa Khánh và các xã lân cận tham gia đông vui, phấn khởi. Tuy nhiên, hang Rú Ấm nằm ở nơi hoang vu, khuất sâu trong làng, đang có nguy cơ trở thành phế tích. Theo năm tháng, lớp cán bộ tiền khởi nghĩa người còn người mất, câu chuyện lịch sử về hang Rú Ấm dần cũng ít được nhắc đến trong nhịp sống mới đầy hối hả. Chỉ có lũ trẻ con vẫn đến mó nước sau hang để tắm, hoặc ngày hè nóng nực, người dân lân cận lại vào hang tìm chỗ mát mẻ chuyện trò…

Năm 2012, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận cây đa làng Trù, hang Rú Ấm là di tích lịch sử cách mạng, đem lại niềm vui lớn đối với nhân dân 2 xã Nghĩa Khánh và Nghĩa Đức, tạo tiền đề cho việc bảo vệ, bảo tồn di tích hang Rú Ấm.

Năm nay, lần đầu tiên xã Nghĩa Đức tổ chức Lễ hội hang Rú Ấm kết hợp với Đại hội TDTT, nhằm nhắc lại truyền thống, giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu quê hương, đất nước. Đồng thời, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh với các nội dung văn hóa văn nghệ phù hợp, thu hút đông đảo thanh niên và thiếu niên cùng nhân dân tham gia, giữ gìn bản sắc dân tộc.

Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, Lễ hội hang Rú Ấm sẽ khai mạc vào ngày 19/8, kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 thành công, vừa đúng với thời điểm nhắc lại vai trò lịch sử của di tích này. Ông Bạch Hưng Nam, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đức cho biết: “Trước đến nay, tổ chức Lễ hội hang Rú Ấm là nguyện vọng và mong mỏi của toàn thể nhân dân Nghĩa Đức. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội chưa cho phép. Năm nay, chúng tôi mới thực hiện lần đầu tiên. Lễ hội hang Rú Ấm sẽ trở thành hoạt động thường xuyên của địa phương, cùng kết hợp với Lễ hội cây đa làng Trù của xã Nghĩa Khánh. Vì đây là một cụm di tích, 2 xã lại nằm sát nhau, nên luân phiên mỗi năm 1 xã tổ chức lễ hội”.

Những ngày tháng 8, đi qua cây đa làng Trù, thăm lại hang Rú Ấm, di tích còn nguyên nhưng cuộc sống nhân đân đã đổi thay rất nhiều. Rừng cây rậm rạp đã thành đồng ruộng, lau sậy um tùm thay bằng cây lúa, người dân đang háo hức ngóng chờ lễ hội diễn ra, không chỉ để được vui chơi, mà còn là sự đón đợi ngày lễ đặc biệt, thiêng liêng nhắc nhớ lại lịch sử hào hùng của cha ông thuở trước!


Hồ Lài