UBND huyện Kỳ Sơn "chống chế" việc phá rừng Pu Lon

28/11/2013 10:18

(Baonghean) - Trong số báo ngày 27/11, Báo Nghệ An đã đăng Công văn 573/UBND.NN, ngày 1/11/2013 của UBND huyện Kỳ Sơn gửi UBND tỉnh, một số sở, ngành và Báo Nghệ An trả lời về kết quả kiểm tra, xác minh nội dung bài báo “Lâm tặc chặt phá rừng Pu Lon (Tây Sơn, Kỳ Sơn)”. Căn cứ vào tình hình thực tế tại rừng Pu Lon trước đây cũng như hiện nay và nội dung công văn, thể hiện UBND huyện Kỳ Sơn đang cố tình che dấu sự thật, bao che, dung túng cho các đối tượng chặt phá rừng Pu Lon.

Thứ nhất, trong công văn, UBND huyện Kỳ Sơn cho rằng: “Kiểm tra hiện trường số gỗ theo hình ảnh số 1 (số gỗ được phủ bạt) thì phát hiện số gỗ đúng như Báo Nghệ An nêu, cụ thể: số gỗ được tập kết tại lô 1, khoảnh 15, tiểu khu 458 gồm 25 thanh, khối lượng 1,6m3, gỗ de. Số gỗ không có nguồn gốc hợp pháp này là của ông Vừ Bá Hờ ở bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn”. “Kiểm tra hiện trường số gỗ theo hình ảnh số 2 (số gỗ được cưa nằm cạnh cây bị chặt hạ, thuộc lô 1, khoảnh 15, tiểu khu 458) thì phát hiện số gỗ đúng theo báo nêu, cụ thể: 1 cây gỗ dẻ bị chặt hạ, đường kính gốc chặt 55 cm, số lượng gỗ được xẻ từ cây bị chặt là 16 thanh (hoành), khối lượng 0,3m3. Qua kiểm tra số gỗ không có nguồn gốc hợp pháp này là của ông Vừ Bá Bánh, bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn”.

Về nội dung này, chưa nói đến chuyện đúng sai về khối lượng gỗ phản ánh trong công văn so với thực tế tại hiện trường, song công văn lại viện dẫn các “lí do” để các đối tượng vào rừng chặt phá một cách phi lý và khó hiểu là: các đối tượng chưa có nhà ở, thuộc diện hộ nghèo và đã làm đơn xin làm nhà gửi UBND xã. Thử hỏi, là một trong những xã thuộc diện khó khăn của huyện Kỳ Sơn (xã Tây Sơn có 67% hộ nghèo), mỗi năm có hàng chục đôi nam nữ lập gia đình. Nếu cứ mỗi gia đình ra ở riêng có đơn “xin làm nhà” và “được quyền” lên rừng đốn gỗ thì không biết rừng Pu Lon sẽ tồn tại được bao lâu. Không những thế, UBND xã Tây Sơn cũng không có quyền “cấp phép” để những hộ dân này khai thác gỗ rừng làm nhà.

Một trong những đống gỗ UBND huyện cho rằng người dân mót lại của Công ty Lâm đặc sản.
Một trong những đống gỗ UBND huyện cho rằng người dân mót lại của Công ty Lâm đặc sản.

TIN LIÊN QUAN

Thứ 2, trong Công văn 573, UBND huyện Kỳ Sơn bao biện cho rằng, số gỗ tập kết ở rừng Pu Lon là “tận dụng cành, ngọn, những khúc gỗ bị rỗng ruột bỏ lại của công ty lâm đặc sản để làm nhà (?!)”. Qua quan sát của phóng viên cho thấy, rất nhiều đống gỗ de lên đến cả chục m3, với những phiến vuông vức, chất lượng, chiều dài từ 2-3 mét, rộng 50 - 80 cm, dày 10-30 cm, còn tươi mùi dầu thì đây không thể là gỗ “tận dụng” từ cành ngọn của công ty lâm đặc sản khai thác để lại được. Hiện nay, trên thị trường giá 1m3 gỗ de dao động từ 12-13 triệu đồng, thử hỏi với khối lượng gỗ lớn và có giá trị như thế, làm sao có chuyện công ty lâm đặc sản lại “chê” không lấy? Không những thế, trong Công văn 573, UBND huyện Kỳ Sơn cũng không chỉ ra được công ty lâm đặc sản đã từng khai thác gỗ ở rừng Pu Lon có tên là gì, khai thác từ lúc nào?

Thứ 3, trong Công văn 573, UBND huyện Kỳ Sơn một mặt công nhận: hình ảnh số 3 (người dùng xe máy chở gỗ) là đối tượng Vừ Bá Hạ ở bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn. Ông Hạ đã dùng xe máy của mình chở một khúc gỗ dẻ có khối lượng 0,3m3 ra khỏi rừng Pu Lon. Song, UBND huyện Kỳ Sơn lại tiếp tục dựa vào “lời khai” của đối tượng chặt phá rừng để kết luận “đây là tấm gỗ tận dụng từ cành ngọn của công ty lâm đặc sản sót lại để đóng bàn học cho con”. Một khúc gỗ dẻ chất lượng như thế mà đoàn liên ngành cũng tin là “tấm gỗ tận dụng từ cành ngọn”(?), trong khi hình ảnh rất nhiều gốc cây dẻ cổ thụ vừa mới bị chặt hạ còn tươi trong rừng thì đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Kỳ Sơn lại không nhìn thấy?.

Sau Công văn của UBND huyện Kỳ Sơn, cảnh vận chuyển gỗ ra khỏi rừng Pu Lon bằng xe máy vẫn tái diễn.
Sau Công văn của UBND huyện Kỳ Sơn, cảnh vận chuyển gỗ ra khỏi rừng Pu Lon bằng xe máy vẫn tái diễn.

Thứ 4, không những Công văn 573 của UBND huyện Kỳ Sơn cố tình che dấu sự thật, bao che cho những đối tượng phá rừng, mà sau hơn 15 ngày UBND huyện Kỳ Sơn gửi công văn trả lời các ngành chức năng thì tình trạng chặt phá rừng Pu Lon vẫn tiếp tục diễn ra. Vẫn những chiếc xe máy của các “lâm tặc” hiên ngang “cõng” gỗ từ trong rừng đi ra. Số gỗ tang vật theo như ý kiến của đồng chí Phó Chủ tịch huyện Kỳ Sơn Mùa Nỏ Xử thì “đã được tạm giữ và vận chuyển về trụ sở UBND xã Tây Sơn để cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật” thì vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” tại rừng Pu Lon. Có nghĩa là không có chuyện “tạm giữ” hay tịch thu gỗ, vận chuyển đưa về trụ sở xã như công văn báo cáo.

Nằm sâu trong rừng, rất nhiều đống gỗ vẫn được cất giấu xung quanh bãi tập kết, đống thì được ngụy trang bởi cây rừng che phủ, đống thì công khai để mặc mưa nắng. Và vẫn là những thớt gỗ vuông vức, mới được cưa xẻ còn thơm mùi dầu… Đặc biệt, quanh khu rừng, lán trại được các đối tượng chặt phá rừng dựng tạm bợ, xung quanh là những tấm gỗ xẻ bị hỏng vứt lại. Hình ảnh cho thấy, nhiều gốc cây cổ thụ đã bị chặt hạ cách đây vài ba tháng, có gốc mới bị chặt, xung quanh còn vương vãi cành ngọn, mùn cưa. Chẳng lẽ, như vậy mới đúng là kiểu “tận thu” như công văn UBND huyện Kỳ Sơn trả lời báo chí và các cơ quan chức năng.

Những gốc cây bị chặt còn dấu vết tươi mới.
Những gốc cây bị chặt còn dấu vết tươi mới.

Qua chứng kiến thực tế tại rừng Pu Lon trước đây cũng như hiện nay, báo Nghệ An có đầy đủ bằng chứng để khẳng định, tình trạng chặt phá rừng Pu Lon ở Tây Sơn, Kỳ Sơn mà báo Nghệ An phản ánh là hoàn toàn chính xác, đúng sự thật, không có chuyện “hư cấu” hay “không có cơ sở” như trả lời trong Công văn 573 của UBND huyện Kỳ Sơn. UBND huyện Kỳ Sơn đã không trung thực và đang cố tình bao che cho tình trạng chặt phá rừng Pu Lon đang diễn ra.

Báo Nghệ An phản ánh tình trạng chặt phá rừng ở Pu Lon không ngoài mong muốn là để các ngành, các cấp cũng như chính quyền địa phương sớm vào cuộc, lập lại an ninh trật tự, xử lý nghiêm các đối tượng lâm tặc, bảo vệ những cánh rừng đầu nguồn ít ỏi còn sót lại. Làm được điều này, là chúng ta sẽ bảo vệ được môi trường sống, giảm tác hại của biến đổi khí hậu, gây ra những hậu quả khôn lường đối với người dân Kỳ Sơn, cũng như người dân tỉnh Nghệ An.

Một lần nữa, Báo Nghệ An cảm ơn sự quan tâm, xử lý kịp thời vấn đề Báo Nghệ An nêu của UBND huyện Kỳ Sơn; mong UBND huyện Kỳ Sơn dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, xử lý nghiêm các đối tượng chặt phá rừng, những cán bộ, kiểm lâm thiếu trách nhiệm, dung túng, làm ngơ trước vấn nạn phá rừng Pu Lon trong thời gian vừa qua, để bảo vệ những “lá phổi xanh” nơi miền Tây xứ Nghệ.

Báo Nghệ An