Cần một tiếng nói chung
Quỳ Hợp là huyện có diện tích đất rừng lớn, hầu hết các cánh rừng nơi đây đều đã được phủ xanh bằng những cây nguyên liệu cho hiệu quả kinh tế cao. tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng giữa các hộ dân với lâm trường vẫn còn tạo ra những “điểm nóng” khi mà người dân, chính quyền và lâm trường có những lúc, những nơi vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung.
(Baonghean) - Quỳ Hợp là huyện có diện tích đất rừng lớn, hầu hết các cánh rừng nơi đây đều đã được phủ xanh bằng những cây nguyên liệu cho hiệu quả kinh tế cao. tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng giữa các hộ dân với lâm trường vẫn còn tạo ra những “điểm nóng” khi mà người dân, chính quyền và lâm trường có những lúc, những nơi vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung.
Từ “điểm nóng” ở Yên Hợp
Những ngày này, về Yên Hợp (Quỳ Hợp), đi đâu cũng nghe bàn tán xôn xao chuyện tranh chấp đất rừng giữa các hộ dân với Lâm trường Đồng Hợp. Bên những cánh rừng keo xanh ngút ngàn, người dân chỉ cho chúng tôi thấy ngọn đồi Bù Chỉ đã bị cạo trọc trong quá trình tranh chấp. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2012, sau khi được Sở NN&PTNT phê duyệt hồ sơ thiết kế trồng rừng với tổng diện tích 144,2 ha, tại Tiểu khu 262, thuộc đất Lâm trường Đồng Hợp quản lý, trong quá trình lâm trường triển khai thi công, một số hộ dân ở các xóm Cồng và Trọng Cánh (Yên Hợp) đã ra ngăn cản và tranh giành nhau phát chiếm đất của lâm trường.
Vụ việc đã được lâm trường báo cáo và các cấp chính quyền cũng đã vào cuộc, nhưng quá trình giải quyết vẫn không dứt điểm. Đến ngày 22/4/2013, lực lượng bảo vệ rừng của lâm trường phát hiện người dân xóm bản Bọ ngang nhiên tổ chức phát rừng chiếm đất trái phép (tại lô a, b, c, d khoảnh 4, Tiểu khu 262), lâm trường lập biên bản đình chỉ, đồng thời tiếp tục có báo cáo gửi các cấp chính quyền để có biện pháp xử lý ngăn chặn. Thế nhưng, vụ việc ngày càng trở nên phức tạp khi người dân ở các xóm lận cận là Trọng Cánh, xóm Cồng, xóm Na Phê, xóm Mới, xóm Đồng Mồng, bản Bọ tiếp tục đổ xô ra phát thực bì, đào hố để trồng cây trên đất của lâm trường.
Đồi Bù Chỉ bị người dân lấn chiếm, cạo trọc.
Từ khi xảy ra tranh chấp, đến ngày 6/8/2013, lâm trường và các ban, ngành, đoàn thể xã Yên Hợp đã tổ chức trên 20 cuộc họp dân ở các xóm, bản để tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân ngừng ngay việc chiếm đất của lâm trường. Tuy nhiên, một số hộ dân tại xóm Cồng, Trọng Cánh, Đồng Mồng và xóm Bọ vẫn không chấp hành, mà vẫn ngang nhiên chiếm đất lâm trường, thách thức pháp luật, diện tích chiếm lên đến khoảng 91,7 ha. Ngày 6/8/2013, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp đã chủ trì buổi làm việc giữa các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và xã Yên Hợp, giao cho UBND xã phối hợp với lâm trường ra thông báo lần cuối đến từng hộ dân về thời hạn cuối ký hợp đồng với lâm trường trồng rừng theo cơ chế 49/51 là ngày 25/8/2013… Thế nhưng đến nay, vụ việc này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm!
Nói về nguyên nhân xảy ra tranh chấp, ông Trần Văn Ngọc - Bí thư Đảng ủy xã Yên Hợp, cho biết: Ban đầu, khi biết lâm trường có kế hoạch trồng rừng trên khu vực này, dân lên xin hợp đồng với lâm trường nhưng lâm trường không đồng ý, trong khi đó lại có thông tin lâm trường ký cho một số cá nhân, trong đó có cán bộ xã… nên người dân vin vào cớ này để tranh chấp đất với lâm trường.
Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Công Giáp - Phó Chủ tịch xã nói: Khi thấy một số hộ được nhận khoán phát cung đoạn cho lâm trường (làm lấy tiền công), một số hộ dân khác hiểu nhầm là những hộ này được đấu thầu nhận khoán nên đã kéo ra tranh chấp.
Ông Giáp cũng cho rằng: Nếu nói là các hộ dân này thiếu đất sản xuất để ra tranh chấp thì cũng không đúng, vì nếu thiếu đất thì họ phải đòi từ trước chứ không phải giờ mới đòi. Còn nếu nói thiếu hiểu biết cũng không phải, bởi có nhiều người cũng tỏ ra nắm rất rõ các chủ trương chính sách về đất đai. Theo ông Giáp thì nguyên nhân sâu xa là có ảnh hưởng từ việc Nhà nước thu hồi đất xóm Trạm Cánh và xóm Cồng làm dự án thủy lợi - thủy điện Bản Mồng.
Trong quá trình thu hồi, phần đất đã giao cho các cá nhân đều được đền bù trọn gói, còn có 8 hộ dân có diện tích đất canh tác trồng trọt lâu năm, nhưng khi kiểm tra thì số diện tích này lại thuộc đất của Lâm trường Đồng Hợp, do đó các hộ dân này không được nhận tiền đền bù về đất, mà chỉ đền bù về hoa màu trên đất. Mặc dù, sau đó, UBND huyện và tỉnh đã cho các hộ này được hưởng hỗ trợ 40% giá đất và hỗ trợ phần kinh phí đầu tư và đất còn lại (tương đương 30% giá đất), nhưng các hộ này vẫn không nhất trí. Từ đó, một số hộ đã có hành vi vận động, xúi giục các hộ khác chiếm đất của lâm trường!
Phân trần về việc lấn chiếm đất rừng của lâm trường, ông Đinh Viết Tố - xóm trưởng xóm Trọng Cánh nói: Trước đây lâm trường nói đó là rừng phòng hộ, người dân cũng không muốn phá rừng, vì còn rừng thì còn nơi chăn thả trâu bò. Thế nhưng, khi thấy lâm trường phát được nhiều (phát cây để trồng rừng sản xuất-pv) thì người dân bức xúc phát theo, phát xong thì dân đưa cây lên trồng để giữ đất. Ngay từ ban đầu, dân muốn xin liên doanh sản xuất nhưng lâm trường không chịu, bây giờ lại quay trở lại đồng ý, thì người dân chúng tôi không muốn liên quan đến lâm trường nữa, mà muốn xin được giao đất, làm rồi nạp thuế cho Nhà nước. Việc này không được sự đồng tình của các cấp, nhưng do bức xúc mà làm thôi!
Cũng lấy cớ bức xúc, mà khoảng 30 người dân ở xóm Đồng Mồng và Trọng Cánh còn kéo lên cả UBND tỉnh để phản ánh về việc… Lâm trường Đồng Hợp chiếm đất của các hộ dân xã Yên Hợp! Và ngày 19/8/2013, UBND tỉnh đã có thông báo giao cho UBND huyện Quỳ Hợp kiểm tra, giải quyết, báo cáo kết quả về sự việc này cho Chủ tịch UBND tỉnh và trả lời công dân trước ngày 15/9/2013.
Các văn bản của các xã nói về việc đất rừng bị chồng lấn giữa lâm trường và đất dân sản xuất.
Đến những vùng đất bị chồng lấn
Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp hiện có 2 lâm trường đang quản lý sử dụng diện tích 10.960 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn 10 xã. Trong đó, Lâm trường Quỳ Hợp hiện đang quản lý 7.500 ha, trong đó quy hoạch trồng rừng sản xuất là 3.500 ha; Lâm trường Đồng Hợp hiện đang quản lý 3.460 ha, trong đó quy hoạch trồng rừng sản xuất là 2.700 ha, nhưng hiện tại hai lâm trường này vẫn chưa sử dụng hết (lâm trường Quỳ Hợp đã trồng 1.300/3.500 ha, Lâm trường Đồng Hợp đã trồng 1.160/2.700 ha). Trong khi đó, nhiều nơi, người dân sống ngay trên vùng đất của lâm trường lại thiếu đất sản xuất. Có những vùng, người dân sinh sống, sản xuất lâu năm trên một diện tích lớn, nhưng trên giấy tờ vùng đất này đã được giao cho lâm trường quản lý.
Ông Lô Trung Sơn - Phó Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quỳ Hợp cho biết: Thời điểm Chính phủ giao đất cho Lâm trường (trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có Lâm trường Đồng Hợp và Lâm trường Quỳ Hợp) có chồng lấn đất sản xuất và đất ở của dân. Nguyên nhân là, trước đây giao đất theo Chỉ thị 02 (khoảng thời gian 1997-1998) cho các hộ dân, hồ sơ được lập từ cơ sở trở lên (hồ sơ cấp sổ xanh chỉ dừng lại ở xã, huyện chưa xác nhận). Sau này giao sổ đỏ theo Nghị định 163 (khoảng thời gian 2003) cho lâm trường lại không xác định rõ ranh giới trong quá trình lập hồ sơ (do thiếu sự phối hợp giữa lâm trường và xã) nên dẫn đến cấp trùng lên đất dân đang canh tác. Một số người dân còn phản ánh rằng, trước đây khi rà soát, bóc tách đất để cấp sổ đỏ giao cho lâm trường, có một số diện tích đất dân đang canh tác cũng không thấy xử lý. Sau này lâm trường mới nói diện tích đất này nằm trong khu vực của lâm trường!
Để tạo điều kiện cho người dân có đất sản xuất, UBND tỉnh đã có văn bản thu hồi lại một số diện tích đất của lâm trường Quỳ Hợp và Đồng Hợp đang quản lý để giao lại cho dân, nhưng trên thực tế, những vùng đất thu hồi giao cho dân sản xuất này có cả đất thổ cư, đất sản xuất của nhân dân canh tác đã lâu năm!
Nói về thực trạng này, trong Công văn số 09, ngày 18/3/2013 của UBND xã Đồng Hợp, về việc đề nghị tiếp tục rà soát thu hồi đất từ lâm trường để trả lại cho nhân dân sản xuất, có ghi: “Trên địa bàn xã Đồng Hợp đã 3 lần được rà soát trả lại đất. Song, trên thực tế cả 3 đợt rà soát hầu hết các thửa đất trả lại chủ yếu là đất ở, đất vườn, đất màu sản xuất nông nghiệp, thuộc khu vực xóm Bãi Kè trước đây lâm trường quản lý, số còn lại chủ yếu đất sản xuất ruộng lúa mà nhân dân tự khai hoang ven lòng các khe suối, nằm trong đất của Lâm trường Đồng Hợp.
Số diện tích đất lâm nghiệp được trả lại không đáng kể, chủ yếu là diện tích ven khe suối. Trong lúc đó, nhân dân các dân tộc thuộc xã Đồng Hợp có nguồn gốc là dân bản xứ sống bao đời nay, vì dân đi xây dựng kinh tế từ những năm 1963 đến nay lại không có đất lâm nghiệp để trồng rừng, thiếu đất sản xuất trầm trọng, đặc biệt là các dân tộc thiểu số. Hiện tại, trên địa bàn xã Đồng Hợp có 8 xóm hầu hết nhân dân không có đất lâm nghiệp, sinh sống liền kề đất của lâm trường…”.
Còn ở xã Châu Lý, năm 2012, Lâm trường Quỳ Hợp trả cho xã 564,3 ha, nhưng đến nay xã vẫn chưa thể giao được cho các hộ dân. Lý giải về vấn đề này, ông Vi Văn Quành - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Lý cho biết: Số diện tích lâm trường trả lại cho xã có chỗ lâm trường còn trồng cây, có chỗ, người dân đã canh tác lâu năm rồi, trong đó có cả đất ruộng. Do diện tích đất được giao nằm xen kẽ như thế, nên chúng tôi không thể chia mà giao cho người dân được ngay, mà phải tạm thời giao lại cho 4 xóm quản lý. Hiện, xã đang làm văn bản đề nghị lâm trường tiếp tục trả thêm 207 ha để cho liền vùng, liền khoảnh với các vùng lâm trường đã trả, để dễ chia cho dân.
Ông Quành cũng cho biết: Có một số diện tích trước đây xã và kiểm lâm giao cho dân rồi (chủ tịch UBND xã đã ký xác nhận, nhưng chủ tịch UBND huyện chưa ký), sau lâm trường lại lấy lại trồng rừng (vì diện tích này lại nằm trong sổ đỏ của lâm trường). Nếu như diện tích này không trả lại cho người dân thì tình trạng tranh chấp sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Khi chúng tôi hỏi về diện tích đất chồng lấn giữa lâm trường và các hộ dân hiện nay, ông Lô Trung Sơn - Phó Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quỳ Hợp cho biết: Hiện trên địa bàn Quỳ Hợp, những diện tích đất chồng lấn giữa lâm trường quản lý và người dân canh tác lâu năm như ở xã Đồng Hợp và Châu Lý là rất nhiều và cũng chưa thể có con số thống kê cụ thể.
Tại kỳ họp thứ 6, HĐND huyện Quỳ Hợp khóa 17, cử tri và đại biểu HĐND huyện cũng kiến nghị: “Các cấp có thẩm quyền tiếp tục đề nghị tỉnh thu hồi đất của lâm trường (ngoài số diện tích đã có văn bản bàn giao), để giao cho nhân dân vì số diện tích được giao quá ít so với diện tích đề nghị thu hồi. Nhân dân các xóm Khúa, bản Pạn, bản Ngọn, bản Cồn, chưa đồng tình với số diện tích đất rừng lâm trường đã giao, vì số diện tích này có cả đất thổ cư, đất sản xuất của nhân dân hàng trăm năm nay và đề nghị số diện tích rừng đã trồng và khai thác và cả diện tích đất chưa trồng, giao lại cho dân trên địa bàn các xóm trên, để dân có đất sản xuất…”.
Như vậy, ngoài “điểm nóng” ở Yên Hợp do người dân tự ý phát chiếm đất rừng của lâm trường, thì tình trạng chồng lấn giữa đất lâm trường quản lý và đất người dân sản xuất lâu năm ở Quỳ Hợp vẫn còn nhiều và đang tiềm ẩn những xung đột mới, nếu không được giải quyết thỏa đáng.
Thiếu kiên quyết trong xử lý sai phạm
Nguyên nhân dẫn đến “điểm nóng” ở Yên Hợp đã được thẳng thắn chỉ rõ trong các cuộc họp, các văn bản chỉ đạo, báo cáo về vụ việc này, đó là: Diện tích của lâm trường quản lý khá lớn. Trong khi đó, có nhiều hộ dân sống trên địa bàn có đất của lâm trường nhưng không có đất sản xuất lâm nghiệp nên phát sinh chiếm đất. Do khả năng quản lý đất của lâm trường chưa đáp ứng được yêu cầu, với diện tích lớn (trên 10 nghìn ha), phạm vi rộng, phân bổ trên địa bàn nhiều xã, đồi núi chia cắt, mốc giới, ranh giới không rõ ràng, số lượng người của lâm trường ít, vì vậy các lâm trường không thể quản lý chặt chẽ diện tích được giao. Trước khi xảy ra lấn chiếm, lâm trường không minh bạch trong thực hiện hợp đồng trồng rừng, để người ngoài làm, trong khi dân sở tại có nhu cầu. Năng lực cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xã Yên Hợp còn hạn chế, một số đồng chí còn có biểu hiện mất uy tín, trách nhiệm chưa cao trong giải quyết công việc….
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Lâm trường Đồng Hợp cho rằng: Khi vụ việc mới phát sinh, chúng tôi đã có báo cáo, nhưng chính quyền địa phương xử lý thiếu kiên quyết, còn bao che, thậm chí khi đẩy đuổi những trường hợp lấn chiếm đất rừng, chúng tôi còn phát hiện ra người nhà của cán bộ xã Yên Hợp! Chúng tôi cũng đã tuyên truyền nhưng có một số hộ dân vẫn cố tình chiếm đất với hy vọng là sau này Nhà nước thu hồi đất thì sẽ được đền bù!
Trong sự việc này, Đảng ủy xã Yên Hợp cũng thừa nhận: Đảng ủy chưa giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, đoàn thể, các chi bộ xóm bản, nên quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ đang còn mang tính chung chung. Chỉ đạo điều hành của UBND xã tuy đã giải quyết được một số vấn đề, nhưng chưa quyết liệt, còn e dè, nể nang, xử lý hành chính mang tính hình thức…
Để xanh rừng Quỳ Hợp
Trước mắt, để giải quyết việc làm cho người dân ở những vùng thiếu đất sản xuất, Lâm trường Đồng Hợp đã đưa ra mô hình góp vốn liên doanh sản xuất trên đất lâm trường quản lý theo tỷ lệ 49/51. Theo đó, lâm trường góp vốn đầu tư tối thiểu 51%, gồm các khoản: cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đo đạc, thiết kế, lập dự toán, trình cấp thẩm quyền phê duyệt các khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng theo định mức, mở đường vận chuyển phân bón cây giống, bảo vệ… Các hộ dân góp vốn đầu tư tối đa 49%, gồm các khoản: nhân công lao động, trồng, chăm sóc cây, bảo vệ rừng. Cuối năm, rừng được nghiệm thu, hai bên tính toán chi phí đầu tư của các bên theo định mức phê duyệt. Nếu số tiền đầu tư của hộ dân vượt quá 49% thì lâm trường chi trả. Trong quá trình làm, nếu hộ nào yêu cầu lâm trường chi tiền mặt khi gặp khó khăn, thì lâm trường sẵn sàng chi trả toàn bộ (nhưng tỉ lệ hưởng lợi của các hộ sẽ giảm đi theo số vốn góp)… Khi thu hoạch, lâm trường hưởng 51%, các hộ dân hưởng 49%, nếu vượt kế hoạch thì người dân hưởng 100% sản lượng vượt.
Nói về hình thức 49/51 này, ông Lô Trung Sơn - Phó Phòng TNMT huyện Quỳ Hợp cho rằng: Chủ trương rất phù hợp với điều kiện khó khăn về vốn và đất sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, việc giao đất theo hợp đồng 49/51 này sẽ giúp cho việc quản lý rừng cũng thuận tiện hơn cho cả lâm trường lẫn hộ dân. Nếu khi làm một dự án gì, thì Nhà nước cũng không phải mất tiền đền bù đất.
Với hình thức 49/51, hiện nay, một số hộ dân tại “điểm nóng” ở Yên Hợp như: xóm Mới, xóm Na Phê… đã nhận thức được và làm đơn ký hợp đồng trồng rừng liên doanh góp vốn với lâm trường.
Ông Vi Văn Hạnh - xóm trưởng xóm Mới cho biết: Hiện nay, cả xóm đã làm hợp đồng liên doanh 49/51 với lâm trường với diện tích 15 ha. Trước mắt như thế cũng tốt rồi, nhưng chúng tôi mong muốn sắp tới lâm trường sẽ tăng thêm diện tích ký kết để ít ra mỗi nhà cũng có 1 ha.
Ngoài việc liên doanh trồng rừng theo kiểu 49/51 (đến nay Lâm trường Đồng Hợp đã ký kết với 461 hộ dân với diện tích 820 ha), ông Hồ Thanh Hùng - Giám đốc Lâm trường Đồng Hợp cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục rà soát, bóc tách, những diện tích nào thuộc trường hợp chồng lấn để có phương án trả lại cho huyện và xã giao cho các hộ dân sản xuất.
Để công tác giao đất, giao rừng ở Quỳ Hợp sớm về đích, những diện tích đất mà UBND tỉnh đã có văn bản thu hồi từ lâm trường để giao lại cho người dân sản xuất, thì các cấp chính quyền địa phương từ huyện, xã, xóm phải có kế hoạch bàn giao, cách thức bàn giao cụ thể với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm chủ”, và đề ra thời hạn nhất định, tránh để kéo dài năm này qua năm khác. Khi giao đất, phải ưu tiên những hộ đã có đất bị thu hồi làm dự án, những hộ dân chưa có, có ít đất sản xuất…
Khi bàn giao, lâm trường và xã phải phối hợp xác nhận ranh giới một cách cụ thể và thông báo cho từng hộ dân được biết. Lâm trường cũng cần tạo điều kiện giao những nơi thuận tiện cho người dân canh tác, chứ không nên giữ lại phần “bờ xôi ruộng mật” cho mình, còn giao cho người dân phần đất cằn sỏi đá, xa khu dân cư, như người dân xã Châu Thành đã phản ánh. Khi lâm trường, các cấp chính quyền đã có thiện chí, thì người dân cũng cần hợp tác, chứ không nên theo kiểu “được voi đòi tiên” như một số hộ dân ở xóm Trọng Cánh, xóm Bọ, xóm Cồng, xóm Đồng Mồng ở xã Yên Hợp. Có như vậy, đất rừng Quỳ Hợp mới ngày càng thêm xanh, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no.
Ngày 28/8/2013, UBND huyện Quỳ Hợp đã có cuộc họp mời một số hộ dân có liên quan đến việc tranh chấp đất rừng ở xã Yên Hợp đến làm việc với lãnh đạo huyện và các ban, ngành liên quan để tìm hướng giải quyết, nhưng ông Vi Thanh Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: những hộ dân được mời đã không đến dự cuộc làm việc này. Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Viết Tố-xóm trưởng xóm Trọng Cánh và ôngNguyễn Công Giáp-Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hợp nói họ không được mời dự họp cuộc này!
Bài, ảnh: Đức Chuyên