Những vấn đề đặt ra!
Cách nhìn cụ thể, trách nhiệm
Cách nhìn cụ thể, trách nhiệm
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1/2011) kêu gọi phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, nhìn lại thực tế tình hình chặng đường 3 năm vừa qua, nhất là về tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm và dự báo tình hình thời gian sắp tới, có thể thấy rằng, để đạt được những mục tiêu nói trên chúng ta còn phải trải qua vô số những khó khăn, thách thức. Vấn đề đặt ra là cần phải nhìn thẳng vào sự thật để tiếp tục lựa chọn nội dung thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu nói trên bằng con đường phát triển bền vững, bằng thực lực và có thể hiện thực hóa một cách cụ thể với tính khả thi cao, chứ không phải đưa ra những biện pháp, giải pháp chung chung, hoặc tỏ thái độ rợn ngợp trước những “núi cao vực sâu” của các khó khăn thách thức. Về vấn đề này, nhiều ý kiến của các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn trong nước và quốc tế cơ bản đều gặp nhau ở quan điểm cho rằng hướng đi bền vững và lâu dài của Việt Nam khi ra “biển lớn” hiện nay đều nên xuất phát từ nông nghiệp, đi ra từ nông nghiệp và đi lên cũng từ nông nghiệp.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng: Bước vào thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa kinh tế thế giới, cần phải thấy rõ những thế mạnh và điểm yếu của mình, cần phải xác định vấn đề căn cơ để lựa chọn hướng đi đúng mới mong tạo ra đột phá chứ không nên giàn trải, mơ hồ. Ba vấn đề lớn mà Đảng ta xác định cần quan tâm thực hiện là nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã được xác định tại Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, trong đó cần phải nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp. Chúng ta có thế mạnh về nông nghiệp, chúng ta cần giải quyết vấn đề lao động ở khu vực nông thôn, chúng ta cần thực hiện xây dựng nông thôn mới một cách bền vững, nếu không làm tốt những điều đó thì khó có nền tảng bền vững để Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Do đó, cần coi nông nghiệp là thế mạnh để Việt Nam bứt phá và việc phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chính là chìa khóa để mở “kho báu” thế mạnh nông nghiệp Việt Nam.
Cùng cách nhìn nhận này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, Nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, theo chiều sâu. Cả ngành Nông nghiệp đang chuyển mình mạnh mẽ để bước vào thời kỳ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong đó, biện pháp hàng đầu là phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ!
Đến tiên phong
Trước hết, cần khẳng định ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đang là yếu tố tiên quyết cho định hướng phát triển bền vững, như Nghị quyết T.Ư7 đã đề ra: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chăn nuôi bò sữa và ngành sữa có thể xem là một trong những lĩnh vực tiên phong. Để phát triển ngành hàng sữa, Bộ NN&PTNT đã xây dựng chiến lược phát triển đàn bò sữa Việt Nam đến 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008. Định hướng phát triển là khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp, quy mô tập trung kết hợp chăn nuôi theo hộ ở các vùng có điều kiện thuận lợi, nhất là vùng ven đô nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Theo kết quả của một số công trình nghiên cứu đã được công bố, trong 10 năm gần đây, do thay đổi phương thức nghiên cứu về giống kết hợp nuôi dưỡng hợp lý và nhất là 5 năm gần đây, do ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa và sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn, nên việc phát triển chăn nuôi bò sữa đang đứng trước cơ hội mới cho phát triển bền vững tốt nhất từ trước tới nay. Các năm 2009 và nhất là 2010, 2011 và 2012, một số doanh nghiệp lớn đã nhập trên 20.000 bò sữa HF từ New Zealand và Australia về nuôi trong nước, trong đó phần lớn được nuôi tập trung quy mô lớn tại Nghệ An. Với việc ứng dụng các công nghệ đồng bộ về giống năng suất cao; ứng dụng chuồng trại có khả năng chống bức xạ nhiệt mặt trời, giảm nhiệt độ chuồng nuôi; nuôi bò bằng sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh TMR; đến 2012 đã có khoảng 52.000 con giống bò sữa HF năng suất cao (chiếm 31% tổng đàn) cho năng suất sữa từ 6.500-7.600 kg sữa/ chu kỳ 305 ngày được nuôi ở nước ta.
Về áp dụng công nghệ cao trong cung cấp thức ăn cho bò, thời gian qua có nhiều công ty chăn nuôi bò sữa nước ta áp dụng công nghệ ứng dụng phần mềm để lập khẩu phần thức ăn tối ưu. Ví dụ, phần mềm về thức ăn Rationall để phối chế khẩu phần tối ưu cho bò, ứng dụng công nghệ sinh học để bảo quản và chế biến thức ăn thô xanh cho bò sữa, sản xuất thức ăn thô xanh, chọn lọc giống cây thức ăn, lựa chọn theo đặc tính sinh học và tính thích nghi (ứng dụng công nghệ sinh học) tối ưu nhất cho bò sữa, ứng dụng công nghệ tự động hóa trong xử lý và cung cấp nước uống cho bò. Cùng với đó là công nghệ quản lý trang trại theo hướng tự động hóa, xây dựng chuồng trại đảm bảo giảm bức xạ nhiệt, ứng dụng công nghệ tự động hóa để chống stress nhiệt cho bò với hệ thống làm mát cho bò là quạt điện công suất cao, đảm bảo luồng không khí trong chuồng lưu thông tốt, nền chuồng luôn khô ráo.
Nhờ áp dụng công nghệ cao, bước đầu thành công trong chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa tươi sạch. Tính đến năm 2012, tổng đàn bò sữa có khoảng 167 ngàn con, dự kiến sẽ tăng lên 400 ngàn con vào 2020, tổng sản lượng sữa tươi tăng lên gần gấp 3 lần, từ 381 ngàn tấn hiện nay lên 1 triệu tấn vào 2020; đáp ứng 35% nhu cầu tiêu dùng sữa tươi trong nước thay vì 28% như hiện nay, đạt trung bình 27 lít/người 1 năm. Dự kiến đến năm 2025, cả nước sản xuất 3,4 triệu tấn quy ra sữa tươi, tiêu thụ đạt trung bình 34 lít/người 1 năm. Trong đó, sữa tươi sản xuất trong nước đạt 1,4 triệu tấn đáp ứng 41% nhu cầu.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi sạch với những biến chuyển nhất định đã khẳng định đường lối đúng đắn của Việt Nam về thay đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp. Trong chăn nuôi bò sữa, ứng dụng công nghệ cao chính là một cú huých lớn, là đòn bẩy cho sự phát triển bứt phá của ngành cả về chất lượng và sản lượng.
Mô hình được ghi nhận
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sữa tươi tiêu biểu đầu tiên và đã thành công tại Việt Nam là mô hình của Tập đoàn TH với thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK. Trên cơ sở nghiên cứu các công nghệ hiện đại của thế giới, đặc biệt là của Israel, một nước với điều kiện địa lý bán sa mạc, không có nhiều điều kiện thiên nhiên ưu đãi nhưng đã vươn lên hàng đầu thế giới về năng suất và chất lượng sữa, Tập đoàn TH đã đưa công nghệ cao của Israel về ứng dụng thành công tại Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp lớn tại Nghệ An. Nhờ đó, chỉ sau thời gian ngắn là 14 tháng, mô hình ứng dụng công nghệ cao của TH trong chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa đã thành công, đưa ra thị trường những sản phẩm sữa tươi sạch nguyên chất của Việt Nam có chất lượng cao đồng nhất đạt tiêu chuẩn quốc tế, được người dân ưa chuộng tin dùng.
Dây chuyền sản xuất sữa tươi sạch nhà máy sữa TH Nghĩa Đàn. Ảnh: Sỹ Minh |
Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn và sản xuất sữa tươi sạch của Tập đoàn TH được thực hiện ở Nghệ An với tổng số vốn đầu tư 1,2 tỷ đô-la Mỹ là dự án có quy trình khép kín, được trang bị máy móc và công nghệ hiện đại, khi đi vào hoạt động đã góp phần thay đổi cục diện ngành sữa nước Việt Nam giảm lượng sữa hoàn nguyên từ 92% xuống còn khoảng 70%. Việc ứng dụng công nghệ cao giúp TH có được nguồn thức ăn chất lượng và ổn định cung cấp cho đàn bò tiêu chuẩn quốc tế. Mô hình khép kín, ứng dụng công nghệ cao hàng đầu của thế giới vào nông nghiệp của Tập đoàn TH đã tạo nên những sản phẩm sữa thực sự tươi sạch, thực sự thiên nhiên. Với tổng đàn bò lên đến 35.000 con (tính đến tháng 10/2013), chiếm 20% tổng số đàn bò của cả nước, TH hứa hẹn sẽ góp phần vào thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển đàn bò sữa Việt Nam đến năm 2020 của Bộ NN & PTNT là tăng đàn bò lên 500 ngàn con từ con số hiện nay. Sản lượng cho sữa hiện tại của giống bò HF cao sản tại trang trại của TH mỗi con bò có thể đạt tới 30 - 40 lít mỗi ngày. Sản lượng cuối năm 2012 đạt gần 300 tấn sữa tươi/ ngày, dự báo sẽ tiếp tục tăng lên nhanh chóng trong các năm tiếp theo.
Mô hình của TH true MILK tại VN - chăn nuôi bò sữa quy mô lớn cho ra những sản phẩm chất lượng hàng đầu thế giới từ một vùng đất với điều kiện thiên nhiên không thuận lợi như miền Tây Nghệ An đến nay là một minh chứng cho sự thành công của ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Những vấn đề đặt ra
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Sữa của Việt Nam còn nhiều tồn tại so với thế giới, đặc biệt là việc nhập siêu do thiếu nguyên liệu sữa tươi. Việt Nam thuộc nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới, mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại. Trong dòng sữa nước, trên 70% sử dụng là sữa hoàn nguyên (hay sữa pha lại) có nguyên liệu từ sữa bột nhập, và chất lượng thì không thể so sánh với sữa tươi sạch. Một vấn đề nữa của ngành Sữa của Việt Nam là chưa xây dựng được hành lang pháp lý rõ ràng cũng như các quy chuẩn phân loại chất lượng sữa tươi. Ngoài ra, chưa có quy hoạch đồng bộ và chưa xây dựng được quy chuẩn cho ngành chăn nuôi bò sữa, cụ thể hóa tiêu chuẩn về chăn nuôi bò sữa trên dây chuyền công nghệ cao, vẫn còn khoảng cách lớn về trình độ công nghệ.
Để nhanh chóng phát triển bền vững ngành Sữa và chăn nuôi bò sữa bằng con đường ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và sản xuất sữa tươi chất lượng cao, các cấp, các ngành cần quan tâm triển khai Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.
Cùng với đó, cần sớm hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về giống hiện không còn phù hợp với thực tế sản xuất; ban hành và hướng dẫn, đào tạo kỹ thuật chọn lọc và nhân và quản lý hệ thống giống bò sữa theo kịp công nghệ tiên tiến của thế giới. Cần quy hoạch hợp lý việc phát triển ngành chăn nuôi bò sữa và phát triển sữa tươi sạch gắn với phát triển và ứng dụng công nghệ cao để tạo điểm đột phá, sức bật cho không chỉ ngành nông nghiệp mà cho cả nền kinh tế. Nên chăng, cần nghiên cứu kỹ các vùng, vựa đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả chuyển sang phục vụ chăn nuôi phát triển đàn bò sữa và sản xuất sữa tươi sạch để tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích đất sử dụng một cách bền vững. Quan tâm giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm cho người lao động có diện tích đất canh tác chuyển sang phục vụ chăn nuôi bò sữa, sản xuất sữa. Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường và làm tốt việc phòng chống dịch bệnh tại các khu vực chăn nuôi và phát triển bò sữa, chế biến sữa tươi sạch.
Với Nghệ An, đó còn là sự cần thiết phải tranh thủ mạnh mẽ hơn nữa mối quan tâm của các bộ, ngành trung ương để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, trong đó chú trọng thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với nội dung đã ghi rõ trong Nghị quyết 26 “Xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao với trung tâm là Nghĩa Đàn, nhằm khai thác tiềm năng nông nghiệp khu vực miền Tây, tạo ra sản phẩm có chất lượng, năng suất, hiệu quả và làm điển hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ”.
Đức Dương