Chuyện bên dòng Nậm Mộ
(Baonghean) - Đi theo tiếng gọi của tình yêu, nhiều chàng trai Việt ở các bản Ta Đo, Xốp Típ, Vang Phao… xã Mường Típ - Kỳ Sơn đã vượt thượng nguồn sông Nậm Mộ sang Lào để rước “nàng về dinh” mà không nhập quốc tịch, không đăng ký kết hôn để lại bao hệ lụy nảy sinh…
Vượt sông tìm “vợ ngoại”
Từ trung tâm xã, phải mất gần 3 giờ đồng hồ chúng tôi mới tới được bản Ta Đo. Trước mắt chúng tôi san sát những mái lá tạm bợ. Bên bát nước chè đặc quánh, ông Lương Xuân Liễu - Trưởng bản Ta Đo chia sẻ về những chuyện tình xuyên biên giới: Trước Ta Đo ở đỉnh Pù Hiêng quanh năm mây phủ. Năm 1984, theo chủ trương vận động của Nhà nước thì bà con Khơ Mú đã “hạ sơn”. Ta Đo giáp ranh với nước bạn Lào, cùng chung dòng sông Nậm Mộ, phía bên kia sông là xã Na Mương, huyện Thăm Thao, tỉnh Noọng Hét (Lào). Cư dân hai miền biên giới tuy khác quốc tịch nhưng lại cùng chung gốc gác Khơ Mú. Người Việt có thể giao tiếp cùng với người Lào bằng tiếng Khơ Mú, vậy nên lấy “vợ ngoại” đối với người dân Ta Đo, Xốp Típ ở ven dòng Nậm Mộ không còn là chuyện lạ.
Men theo con đường bị nước lũ xói lở, chúng tôi đến nhà ông Học Phò Thiệu, túp lều tạm bợ ven sườn núi. Nhiều người trong bản khen ông Thiệu có số đào hoa, nhiều tuổi mà lấy được “vợ ngoại” trẻ đẹp. Ông sinh năm 1959, lấy vợ là Lô Thị Bàng, sinh năm 1970. Trong một đêm trăng suông, vượt sông Nậm Mộ vào bản Na Mương, ông gặp được Lô Thị Bàng, cô gái Lào da trắng, tóc dài xinh đẹp hiền lành. Học Phò Thiệu kiên trì theo đuổi và nhờ có tài thổi sáo hay nên mới lay động được trái tim cô gái Lào.
Ông Học Phò Thiệu ở bản Ta Đo-Mường Típ lấy vợ Lào. |
Hơn 20 năm lấy nhau, sinh đến 8 đứa con. Học Phò Thiệu kể: “Hồi đó ưng cái bụng rồi thì lấy nhau, đàng nội vượt sông Nậm Mộ mang lễ ăn hỏi là 1 con lợn và 3 con gà cùng mấy nén bạc, rồi tổ chức lễ cưới đơn giản. Cuộc sống trở nên khốn khó khi năm 2000, đôi mắt của Học Phò Thiệu bị lòa, gánh nặng trút lên đôi vai người vợ. Một mình Lô Thị Bàng vừa phải chăm sóc chồng và 6 đứa con thơ dại. Trong đó chỉ có con trai là Học Phò Nòi đang học lớp 5, còn lại tất cả bỏ học để đi nương rẫy. Chồng mù lòa, đông con, vợ không biết tiếng Kinh và ngại giao tiếp với cuộc sống bên ngoài, khiến cuộc sống gia đình thêm khốn đốn.
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của Học Phò Duy, (SN 1983), lấy vợ người Lào là Moong Thị May, (SN 1988). Ngôi nhà lợp prô-xi-măng, xung quanh thưng bằng ván gỗ. Duy kể: Sang Lào “cưa” vợ cũng gian nan lắm, vượt sông Nậm Mộ quần áo ướt sũng. Được May thương tình đưa vào bếp đốt lửa sưởi ấm. Cảm động vì đêm nào Duy cũng vượt sông sang Lào nên May đồng ý nhận lời yêu. Cưới nhau xong, vợ chồng ra ở riêng bên mé đồi, đến nay đã có với nhau 2 mặt con là Học Phò Bún đang học lớp 1 và Học Phò Niên học mầm non. Đang giờ đi học nhưng tôi thấy Học Phò Bún vẫn giẫm cối giã gạo ở trước hiên nhà, hỏi sao không đi học thì Bún chỉ lắc đầu. Hóa ra, nó chưa thạo tiếng Kinh. Học Phò Duy đăm chiêu: “Lo nhất là miếng ăn hàng ngày. Nhà chỉ đủ ăn được mấy tháng thu hoạch lúa rẫy, còn lại ăn sắn, khoai và măng rừng. Đất đai nơi đây cằn cỗi không thể trồng được lúa nước, những cánh rừng đốt nương làm rẫy nhiều lần nay cũng bạc màu, lúa rẫy mà cứ gầy như cỏ may”.
Ông Lương Xuân Liễu chỉ tay: Anh coi, hầu hết những cặp vợ chồng trẻ Lào-Việt lấy nhau, cuộc sống rất vất vả. Phụ nữ Lào cũng chỉ quen việc đốt nương làm rẫy, không quen việc chăn nuôi và trồng trọt. Cán bộ bản đã nhiều lần tuyên truyền họ trồng ngô để dự trữ lương thực, họ bảo là trồng ngô thì vào rừng bẻ măng về phơi nhanh hơn, đến mùa giáp hạt cũng để dành ăn được.
Và những hệ lụy
Điều 66, Chương 5, Nghị định số 68/2002 NĐ-CP, của Chính phủ ngày 10/7/2002 quy định rõ: Công dân các xã ở khu vực biên giới hai quốc gia khi đăng ký kết hôn, cần đến Ủy ban nhân dân xã làm giấy tờ theo đúng trình tự, thủ tục. Nhưng trên thực tế, hầu hết các cặp vợ chồng Việt-Lào ở vành đai biên giới xã Mường Típ đều “không biết” hoặc cố tình “không biết” đến nghị định này. Theo như ông Phò Dậu - Bí thư Đảng ủy xã Mường Típ, toàn xã tính sơ bộ có vài chục cặp vợ chồng Lào - Việt ở các bản Vang Phao, Xốp Típ, Phà Nọi, Na My… Riêng bản Ta Đo có trên chục cặp. Xã đã nhiều lần tuyên truyền vận động người dân nên làm thủ tục trước khi kết hôn, nhưng xem ra rất khó. Chuyện đăng ký kết hôn thì nhiều cặp Lào - Việt lại tỏ ra ngỡ ngàng như lần đầu tiên nghe thấy. Ngay như những cặp vợ chồng trẻ Học Phò Tuy và Moong Thị May, khi được hỏi về thủ tục còn lẫn lộn giữa chuyện “đăng ký kết hôn” với “tổ chức đám cưới”. Học Phò Tuy ngây ngô: Thì mình đi “xèo” (cưa, tán) ưng cái bụng là lấy thôi. Như Học Phò Thiệu có 8 đứa con hỏi ngày sinh tháng đẻ của các con thì lắc đầu “chịu thôi”, chuyện thủ tục giấy tờ là chuyện xa vời…
Những đứa trẻ của những cặp vợ chồng Việt-Lào. |
Ông Hoàng Văn Hiếu, Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn trao đổi: Hiện nay, các xã dọc biên giới như Mường Típ, Mường Ải, Nậm Cắn, Na Loi… có khá nhiều người lấy vợ Lào, con số người Việt lấy vợ Lào trên địa bàn huyện chưa có thống kê cụ thể. Các cặp vợ chồng Lào – Việt lấy nhau nhưng không khai báo với chính quyền địa phương. Đa số họ nhận thức chỉ cần 2 phía gia đình đồng ý và đám cưới đúng phong tục là trở thành vợ chồng. Những cặp vợ chồng Lào –Việt lấy nhau “không thủ tục” nên những đứa con sinh ra, nhiều em đến tuổi học vẫn chưa có giấy khai sinh, chưa kể là trong trường hợp ly hôn người phụ nữ Lào cũng thiệt thòi về quyền lợi.
Hiện UBND huyện Kỳ Sơn đang chỉ đạo các xã biên giới tuyên truyền vận động các cặp vợ chồng Việt - Lào phải làm thủ tục kết hôn trước khi cưới để đảm bảo quyền lợi công dân. Thực tế, một số xã đã vận động một số cặp vợ chồng làm thủ tục đăng “ký kết hôn quá hạn” theo luật định, nhưng việc vận động đang rất khó khăn…
Vương Trần