Cán bộ thu tiền của dân để "lo"?
(Baonghean) - Hiện trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ có hơn 100 chiếc thuyền đang hoạt động, trong đó có hơn 50 thuyền hành nghề vận chuyển hành khách. Theo quy định, những người lái thuyền phải có chứng chỉ chuyên môn, song đến nay vẫn còn nhiều người chưa có. Điều đáng nói, các lái thuyền đã tố 2 cán bộ của phòng chuyên môn của huyện Tương Dương đã nhận tiền của họ hứa “lo” chứng chỉ, song không thực hiện.
Trên chiếc thuyền máy chạy vào các điểm dân cư vùng trong của lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, lái thuyền Moong Văn Hoài, ở xã Lượng Minh bức xúc, tâm sự: Tôi làm nghề này đã 4 năm, trước đây đã có chứng chỉ chuyên môn, nhưng bị mất cách đây hơn 1 năm. Tháng 4 năm ngoái, tôi đưa tận tay cho anh H và anh T (cán bộ một phòng ở huyện Tương Dương) 1,5 triệu đồng, nhờ làm “chứng chỉ chuyên môn” không phải mất công học. Khi nhận tiền, cán bộ không viết giấy gì, chỉ hứa sau 15 ngày đến 1 tháng sẽ có chứng chỉ, nhưng đã hơn 1 năm vẫn chưa có. Từ đó đến nay, anh thường xuyên bị các cơ quan chức năng xử phạt vì nhiều lỗi vi phạm an toàn giao thông đường thủy, trong đó có lỗi không có “chứng chỉ chuyên môn”. Anh Hoài còn nhớ, hôm nộp tiền là tại nhà bà Thanh ở bến trên. Vì không có tiền, nên lúc đó anh vay tiền của bà Hoàn (bà Hoàn buôn bán tại bến- PV) để nộp.
Ông Moong Văn Hoài - một trong những người đã đưa tiền để “lo” chứng chỉ chuyên môn. |
Anh Lương Văn Hai, trước đây ở xã Nhôn Mai, nay tái định cư ở xã Nga My làm nghề lái thuyền ở lòng hồ Bản Vẽ cũng cho biết: Cách đây 3 năm, vợ chồng vay được ít vốn, đầu tư thêm để mua chiếc thuyền trên 60 triệu đồng chở khách, kiếm kế sinh nhai. Nhưng có làm nghề này mới biết được nỗi nhọc nhằn. Khách ít đã đành, nhiều khi còn bị phạt vì vi phạm an toàn giao thông đường thủy. Những lỗi như: khách không mặc áo phao, đóng biển số không đúng quy định… có thể khắc phục được, nhưng với lỗi không có “chứng chỉ chuyên môn” thì thật khó. Vì ngoài huyện lâu nay không mở lớp học. Nhờ cán bộ huyện làm hộ, nhưng họ cũng chưa làm cho.
Chúng tôi hỏi: Anh nhờ ai? Bọn em nhờ anh H và anh T. Mỗi người nộp bao nhiêu tiền? Hồi tháng 10 năm ngoái tôi nộp 1,5 triệu đồng - Anh Hai trả lời. Từ đó đến nay anh có gặp người ta để hỏi chứng chỉ không? Có chứ, nhiều lần tôi có gặp và hỏi chứng chỉ nhưng các anh ấy hứa lần này đến lượt khác. Vì không có chứng chỉ chuyên môn, nên nhiều lúc anh Hai không dám chạy thuyền, vì sợ các cơ quan chức năng xử phạt. Chủ thuyền Vi Văn Tâm, ở xã Nhôn Mai cũng bức xúc: Tôi có nộp số tiền 1,5 triệu đồng cho ông H từ cách đây hơn 1 năm để làm chứng chỉ chuyên môn, nhưng đến nay vẫn không có.
Anh Vi Viết Tiến, mua thuyền cách đây hơn 1 năm, đã có chứng chỉ chuyên môn bằng cách “chạy”. Anh Tiến thổ lộ: Cách đây khoảng 1 năm, biết ông Hà (ông Hà làm ăn ở bến Bản Vẽ) có quen biết nhiều cán bộ ở một phòng ở huyện, nên anh nhờ ông Hà làm hộ chứng chỉ chuyên môn với số tiền hơn 2 triệu đồng. Chứng chỉ do Trường Dạy nghề Việt Đức cấp, ngày 19/5/2012.
Không chỉ các “nạn nhận” nói trên, mà còn nhiều lái thuyền trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ cũng đã đưa tiền cho anh H và anh T nhờ làm “chứng chỉ chuyện môn”, song thời gian đã lâu mà đến nay vẫn chưa có chứng chỉ.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề các lái thuyền phản ánh đã đưa tiền để nhờ làm chứng chỉ chuyên môn, anh H (người bị các lái thuyền phản ánh- PV) công nhận có thu tiền của nhiều người lái đò trên lòng hồ Bản Vẽ, nhưng anh H ngụy biện rằng, vì Trường Dạy nghề Việt Đức mở lớp học tại trường, nên nhiều người không có điều kiện xuống TP Vinh để tham gia lớp học, do vậy mình thu với quan điểm là làm chứng chỉ hộ cho người ta. Còn anh T (cũng là người bị các lái thuyền phản ánh- PV) nói là không hề biết gì, mà đổ toàn bộ hành vi, trách nhiệm cho anh H. Anh T cho biết, hiện tại còn khoảng 20 người làm nghề lái thuyền chở khách trên lòng hồ Bản Vẽ chưa có chứng chỉ chuyên môn. Để mở được lớp học lái thuyền phải có từ 30 học viên trở lên thì Sở Giao thông mới tổ chức mở lớp. Do vậy, thời gian qua, Phòng Công thương huyện tổ chức thông báo cho các lái thuyền đăng ký học chứng chỉ, nhưng vẫn không đủ số lượng để mở lớp.
Việc 2 cán bộ một phòng của huyện Tương Dương bị tố đã nhận tiền của các lái thuyền trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ để “lo” chứng chỉ chuyên môn mà không phải học là hành vi vi phạm pháp luật. Đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và kịp thời xử lý nghiêm.
Bài, ảnh: Nhóm PV