Cấp thẻ bảo hiểm y tế mới tạo thuận lợi cho người dân

20/10/2013 19:04

 Người dân làm thủ tục khám bệnh bằng thẻ BHYT tại Bệnh viện quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh).
Người dân làm thủ tục khám bệnh bằng thẻ BHYT tại Bệnh viện quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh).

Bắt đầu từ tháng 10-2013, Bảo hiểm Y tế (BHYT) TP Hồ Chí Minh triển khai, ứng dụng thẻ BHYT mới, có mã vạch. Công tác này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi hơn cho người bệnh; làm giảm quy trình thủ tục hành chính cho nhân viên tại các cơ sở y tế và giúp kiểm soát chặt chẽ hơn trong công tác quản lý của BHYT đối với quá trình thanh toán chi phí điều trị.

Tạo thuận tiện, có lợi cho các bên

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP Hồ Chí Minh cho biết, BHXH thành phố đã cấp được gần 1,4 triệu thẻ BHYT mới, có mã vạch cho người dân. Trong đó, cấp chủ yếu cho học sinh, sinh viên và một số ít cán bộ, công nhân viên ở các đơn vị. Bởi thẻ BHYT của học sinh, sinh viên thường mua đầu năm học cho nên việc cấp mới thời gian này là thuận tiện. Nếu người dân muốn đổi thẻ BHYT cũ sang thẻ BHYT mới có mã vạch, có thể đem thẻ cũ của mình đến BHXH thành phố, quận, huyện nơi mình đăng ký làm thẻ để làm thủ tục đổi thẻ và được nhận thẻ mới nhanh chóng.

Sử dụng thẻ BHYT có mã vạch có ưu điểm hơn so với thẻ cũ là các cơ sở y tế dùng thiết bị đọc mã vạch để nhanh chóng đưa các thông tin cần thiết trên thẻ thành dữ liệu phục vụ nhu cầu quản lý, thống kê và thanh toán với cơ quan BHXH. Ngoài ra, thẻ BHYT có mã vạch được in ngay trên thẻ giấy theo mẫu thẻ hiện hành, giúp tiết kiệm nhiều chi phí phát hành thẻ. Người có thẻ BHYT mới khi đi khám bệnh chỉ cần trình thẻ và giấy tờ tùy thân có ảnh, nhân viên y tế cầm thẻ quẹt vào đầu đọc là hoàn tất khâu tiếp nhận.

Việc in mã vạch trên thẻ BHYT có lợi cho cả ba bên: người bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh và BHXH. Trong đó đối với người bệnh, lợi ích lớn nhất là giảm thời gian chờ đợi, thời gian được bác sĩ thăm, khám sẽ nhiều hơn, chất lượng khám được bảo đảm hơn; tiết kiệm chi phí phô-tô-cóp-pi thẻ BHYT nộp cho bệnh viện, tiết kiệm chi phí khám dịch vụ...

Bà Huyền cũng lưu ý, thẻ BHYT do BHXH TP Hồ Chí Minh phát hành có giá trị sử dụng trên toàn quốc, song chỉ áp dụng đọc mã vạch tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Nếu người dân có thẻ BHYT do BHXH các tỉnh, thành phố khác phát hành, đến khám tại TP Hồ Chí Minh, vẫn phải nhập thông tin như trước.

Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh Cao Văn Sang cho biết, thẻ BHYT hiện hành có bộ mã gồm 15 ký tự để phân loại, thống kê đối tượng và xác định quyền lợi của người tham gia; năm ký tự định danh cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu và sáu mục về thông tin nhân thân của người có thẻ. Loại thẻ BHYT nói trên chưa được ứng dụng công nghệ thông tin để mã hóa các thông tin trên thẻ, do vậy các cơ sở y tế phải mất thời gian nhập dữ liệu về thông tin cá nhân người bệnh vào hồ sơ khám bệnh và người bệnh phải chờ đợi lâu hơn. Ngoài ra, do mã thẻ và các thông tin trên thẻ quá dài và nhiều, dẫn đến nhiều sai sót trong việc nhập liệu các thông tin của người bệnh (năm 2012 có gần 88 nghìn lượt nhập sai thẻ BHYT), gây nhiều khó khăn trong việc giám sát, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh...

Chính vì vậy, việc đưa thẻ BHYT mới, có mã vạch vào sử dụng làm cho các thủ tục khám, chữa bệnh được nhanh chóng, khoa học, theo quy chuẩn và tạo thuận lợi cho nhiều bên trong công tác khám, chữa bệnh.

Ðang hoàn thiện quy trình

Theo ghi nhận của chúng tôi, đã có nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tại TP Hồ Chí Minh như: Bệnh viện Ðại học Y dược, bệnh viện các quận Thủ Ðức, Tân Phú, Trung tâm y khoa Phước An (Hepa)... ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn. Các cơ sở y tế nói trên đều có hệ thống máy tính đầy đủ, phần mềm hiện đại, nối mạng nội bộ, có đầu đọc thẻ từ, mã vạch, nhân viên y tế đã qua tập huấn... Khi khảo sát tích hợp với hệ thống, chương trình này đều vận hành khá tốt.

Bác sĩ Trần Quốc Cường, Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện quận Thủ Ðức cho biết, mới đây, BHXH TP Hồ Chí Minh đã phối hợp phòng IT của bệnh viện để hoàn tất cài đặt phần mềm chỉ trong một đến hai buổi. Bệnh viện đang có sáu đầu đọc mã vạch và đã đưa vào các điểm "nóng". Mọi công tác chuẩn bị để đưa thẻ BHYT mới vào áp dụng đã gần hoàn tất, tuy nhiên vẫn còn phải chờ dữ liệu mà BHXH TP Hồ Chí Minh chuyển xuống và khi có người bệnh dùng thẻ mới tới khám, chữa bệnh là đi vào hoạt động. Việc thực hiện ở đơn vị khá thuận lợi vì phần mềm của bệnh viện đã dùng là phần mềm mở, có thể dễ dàng bổ sung chương trình và bệnh viện đã có quá trình triển khai ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin nên nhân viên bệnh viện thực hiện thao tác khá thuần thục.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Bệnh viện quận 8 cho biết, đơn vị đã có kế hoạch triển khai chương trình này, đang chờ mua thiết bị và phối hợp BHYT TP để khảo sát phần mềm. Liền sau đó, bệnh viện sẽ triển khai thực hiện thẻ BHYT mới tại các khu vực tiếp nhận, thanh toán viện phí, cấp phát thuốc... Việc triển khai áp dụng thẻ BHYT mới tại những khu vực trên của bệnh viện sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người bệnh và nhân viên y tế.

Tuy nhiên, hiện tại một số cơ sở y tế tại thành phố vẫn chưa nhận được công văn chính thức từ BHXH TP Hồ Chí Minh.

Ông Trượng, người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thắc mắc, mặc dù các phương tiện truyền thông đại chúng thông báo bắt đầu từ tháng 10 năm 2013 thực hiện khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT có mã vạch, "nhưng sao tôi thấy phòng khám mình chưa thấy có gì "mới"?". Tại Trung tâm Y khoa Phước An (Hepa), nhân viên y tế cũng băn khoăn "chưa thấy cái thẻ BHYT có mã vạch "hình thù" như thế nào?". Ðến giờ chưa thấy quản lý phòng khám chỉ đạo cụ thể? Hiện nay vẫn chủ yếu là sử dụng phần mềm mã vạch theo toa thuốc mà phòng khám đã ứng dụng cho người bệnh.

Nhiều người bệnh đang dùng thẻ BHYT cũ (chưa có mã vạch) đi khám tại các bệnh viện khác cũng băn khoăn. Dùng thẻ BHYT cũ chưa có mã vạch liệu có được hưởng đầy đủ các ưu đãi của BHYT hay không?

Việc đưa thẻ BHYT mới vào sử dụng có thể vẫn xảy ra những lỗi thông thường như mã vạch bị bong tróc, nhất là đối với thẻ BHYT làm bằng giấy. Nếu để trầy, xước, nhòe, mờ chữ, mờ mã vạch thì đầu đọc mã vạch sẽ không đọc được và khi đó phải nhập thông tin bệnh nhân bằng cách viết tay hoặc đánh máy như trước đây. Mặt khác, cũng phải lường trước trường hợp thông tin trên thẻ và dữ liệu không trùng khớp khiến người bệnh và nhân viên y tế phải nhập liệu bằng tay như trước.

Theo Nhân dân- ĐP